Các biến chứng nghiêm trọng của viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý tự miễn, với những biểu hiện gây sưng đau, hạn chế vận động các khớp. Bệnh có thể tiến triển nhanh chóng gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe của người bệnh. Cho nên, cần được phát hiện và điều trị sớm nhằm làm chậm quá trình tiến triển của bệnh.

1. Tổng quan bệnh viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là bệnh lý do rối loạn tự miễn của cơ thể gây ra, chủ yếu bệnh gây những tổn thương tại khớp, nhưng nó cũng có thể tiến triển gây hại đến cả các cơ quan khác như phổi, mắt, tim, mạch máu, da...

Viêm khớp dạng thấp là bệnh có thể gây ảnh hưởng đến khoảng 1-5% dân số, tỷ lệ mắc bệnh ở nữ giới cao hơn nam giới gấp 2 đến 3 lần và phụ nữ mang thai có nguy cơ phát bệnh cao hơn bình thường từ 2 đến 3 lần. Bệnh có thể khởi phát các triệu chứng ban đầu ở bất kỳ lứa tuổi nào, thường là từ 35 đến 50 tuổi, nhưng cũng có thể gặp ở những người trẻ hơn.

Bệnh gây ra do hệ thống miễn dịch tấn công nhầm các khớp khỏe mạnh của cơ thể, từ đó làm tổn thương tới các khớp, đặc biệt là các khớp nhỏ và vừa. Tuy là một dạng rối loạn tự miễn nhưng nguyên nhân chính xác gây viêm khớp dạng thấp vẫn chưa được xác định rõ ràng. Một số nghiên cứu có thể thấy liên quan tới một số yếu tố như nhiễm trùng, miễn dịch, liên quan tới yếu tố di truyền, hormone, môi trường sống. Một số yếu tố thuận lợi có thể liên quan tới yếu tố lối sống, tâm lý...

Một số triệu chứng nhận biết bệnh viêm khớp dạng thấp:

  • Đau sưng nóng và đỏ tại khớp: Thường thì biểu hiện đau sưng tại khớp nhỏ và vừa là triệu chứng phổ biến của bệnh viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên biểu hiện này có thể gây ra những nhầm lẫn với những bệnh lý tổn thương tại khớp khác.
  • Thường sưng đau các khớp có tính đối xứng: Một đặc điểm khá điển hình của bệnh viêm khớp dạng thấp là tính chất sưng đau đối xứng hai bên. Nghĩa là nếu bị đau khớp gần của ngón tay trỏ bên phải thì tương ứng bên trái cũng sưng đau. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp ghi nhận viêm khớp dạng thấp gặp ở một khớp duy nhất.
  • Cứng khớp buổi sáng: Viêm khớp dạng thấp thường gây ra mất sụn khớp, nên phần sụn dần mất đi, lộ ra phần việc nên tình trạng viêm ngày càng nặng. Các khớp sẽ bị cứng khớp, khó cử động nhất là vào buổi sáng. Thời gian cứng khớp buổi sáng trong bệnh viêm khớp dạng thấp thường lớn hơn 1 giờ, đây là dấu hiệu phân biệt với cứng khớp do thoái hóa khớp.
  • Hạt dạng thấp: Bệnh nhân có thể thấy xuất hiện các hạt dạng thấp nổi rõ trên bề mặt da, đặc biệt hay gặp nhất là vùng khuỷu tay.
  • Các triệu chứng khác: Người bệnh có thể thấy các triệu chứng khác như mệt mỏi, sốt, nếu bệnh lâu ngày thì có thể thấy teo cơ, biến dạng khớp, mất vận động khớp, dấu hiệu thiếu máu mạn tính. Ngoài ra, viêm khớp dạng thấp có thể tác động tới các cơ quan khác như đau mắt, khô mắt, đau tức ngực...

Bệnh viêm khớp dạng thấp có thể được chẩn đoán chỉ dựa vào các dấu hiệu lâm sàng, các kết quả cận lâm sàng được thực hiện nhằm đánh giá chính xác hơn và giúp tiên lượng bệnh, đánh giá quá trình điều trị bệnh. Khi người bệnh đã được chẩn đoán bệnh cần tiến hành điều trị để hạn chế những đợt tái phát và ngăn ngừa biến chứng trong tương lai, làm chậm tiến trình phát triển của bệnh.

hậu quả của viêm khớp dạng thấp
Hậu quả của viêm khớp dạng thấp có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh

2. Viêm khớp dạng thấp có nguy hiểm không?

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý nguy hiểm bởi nó có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nề ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, cũng như tuổi thọ của người mắc bệnh. Những biến chứng nghiêm trọng của viêm khớp dạng thấp có thể gặp như:

  • Biến dạng khớp: Khi các lớp sụn khớp bị tấn công và bị thương tổn, các đầu xương sẽ bị bào mòn và phản ứng viêm mạnh mẽ làm cho bệnh nhân đau nhiều, khó khăn trong việc vận động từ đó tạo điều kiện cho các khớp bị dính lại, gây biến dạng khớp và khớp không thể vận động như bình thường được nữa. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống của người bệnh và thậm chí nếu ở những khớp như khớp cổ chân hay khớp gối còn làm người bệnh mất khả năng đi lại bình thường.
  • Nhiễm trùng: Khi bị viêm khớp dạng thấp thì người bệnh cần dùng thuốc để giảm nguy cơ tái phát bệnh, thuốc này làm giảm miễn dịch của cơ thể cho nên người bệnh thường bị nhiễm vi sinh vật gây bệnh hơn.
  • Loãng xương: Bệnh viêm khớp dạng thấp làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương và thuốc điều trị bệnh này cũng làm cho người bệnh bị loãng xương. Tình trạng này làm tăng nguy cơ gãy xương cho bệnh nhân, vì thế việc điều trị cần phối hợp các biện pháp làm giảm nguy cơ loãng xương cho bệnh nhân.
  • Hội chứng Sjogren: Bệnh viêm khớp dạng thấp khi chuyển nặng có thể gây biến chứng hội chứng Sjogren. Đây là một hội chứng gây rối loạn giảm lượng dịch tiết ở miệng và mắt gây khô mắt và miệng. Khi có tình trạng này thì bạn dễ bị viêm niêm mạc miệng, khô mắt làm giảm tầm nhìn...
  • Tổn thương thần kinh ngoại biên: Viêm khớp dạng khớp ở vị trí khớp cổ tay có thể làm tăng nguy cơ chèn ép thần kinh ngoại biên dẫn tới tình trạng tê bì, bỏng rát bàn tay.
  • Tim mạch: Bệnh viêm khớp dạng thấp làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch do làm thu hẹp lòng mạch, nguy cơ bị đau thắt ngực, đột quỵ tăng hơn so với người bình thường.
  • Hô hấp: Có thể gây ra tăng nghẽn đường dẫn khí, tăng áp phổi.
  • Ung thư: Do sự rối loạn miễn dịch trong bệnh lý này mà người bệnh có nguy cơ mắc bệnh ung thư cao hơn nhất là ung thư hạch.

Hậu quả của viêm khớp dạng thấp rất nghiêm trọng nếu như không được phát hiện và điều trị sớm. Việc điều trị sẽ giúp cho người bệnh chậm tiến triển của bệnh, kiểm soát và phát hiện sớm nếu như có biến chứng xảy ra.

hậu quả của viêm khớp dạng thấp
Hậu quả của viêm khớp dạng thấp rất nghiêm trọng nếu như không được phát hiện và điều trị sớm

3. Làm sao để kiểm soát biến chứng viêm khớp dạng thấp?

Bệnh viêm khớp dạng thấp có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, tuy chưa có biện pháp điều trị triệt để bệnh nhưng nó có thể cải thiện chất lượng cuộc sống, chậm tiến triển và hạn chế biến chứng. Vì thế, khi mắc bệnh, bạn cần tuân thủ việc điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Tránh việc tự ý dùng thuốc điều trị không theo chỉ định vì có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm khác do thuốc gây ra.

Nên thay đổi một lối sống lành mạnh, tăng cường vận động các khớp để hạn chế tình trạng dính khớp gây biến dạng khớp. Chỉ ngừng hoạt động một thời gian ngắn trong giai đoạn cấp của bệnh, sau đó khi đỡ đau thì bạn nên vận động tránh việc ngừng hoạt động khớp lâu.

Chế độ ăn nên hạn chế các loại thức ăn chứa lượng chất béo cao, dừng hút thuốc lá và tăng cường rau xanh, trái cây.

Hậu quả của viêm khớp dạng thấp rất nghiêm trọng, chính những biến chứng này làm giảm tuổi thọ của bệnh nhân một cách đáng kể. Vì thế, việc quan trọng nhất là người bệnh cần được điều trị và theo dõi đúng cách ngay khi phát hiện bệnh. Kết hợp với thay đổi chế độ sinh hoạt để làm nguy cơ biến chứng của bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

872 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan