Các dấu hiệu cảnh báo xương yếu

Xương yếu là tình trạng mật độ xương bị suy giảm dẫn đến tăng nguy cơ gãy xương và các bệnh về xương khớp. Tình trạng này xảy ra do nhiều nguyên nhân như quá trình lão hóa của cơ thể, thói quen sinh hoạt kém lành mạnh, chế độ ăn uống thiếu chất... Vì vậy, nhận biết được các dấu hiệu cảnh báo xương yếu của cơ thể sẽ giúp cho người bệnh có biện pháp phòng tránh và điều trị hợp lý.

1. Dấu hiệu xương yếu

Xương yếu là bệnh lý xảy ra do mật độ xương bị suy giảm. Bởi mật độ xương được xem là chỉ số giúp đánh giá khối lượng khoáng chất trong xương, độ vững chắc và lực chịu của xương trong các hoạt động hàng ngày của cơ thể. Bệnh lý xảy ra do quá trình lão hóa của cơ thể hoặc do hệ xương không được cung cấp đủ các khoáng chất cần thiết, làm cho quá trình hủy xương xảy ra với tốc độ nhanh hơn so với quá trình tạo xương mới.

Phần lớn người bệnh xương yếu thường phát triển từ loãng xương, chế độ dinh dưỡng không đảm bảo và quá trình lão hóa của cơ thể. Bên cạnh đó, người có thói quen sinh hoạt xấu như uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá, lười vận động cũng làm tăng nguy cơ xương yếu.

Bởi vì bệnh lý được phát triển từ loãng xương nên người bệnh bị xương yếu thường có nhiều triệu chứng tương tự với dấu hiệu loãng xương. Một số dấu hiệu xương yếu thường gặp như sau:

  • Xuất hiện các cơn đau nhức xương khớp không rõ nguyên nhân, cơn đau xảy ra thường xuyên ở các vị trí xương chịu nhiều áp lực từ cơ thể như khớp gối, bàn chân, khớp mắt cá chân, xương dài thuộc các chi dưới...
  • Thường xuyên bị đau lưng, các cơn đau âm ỉ, kéo dài, tăng lên khi vận động mạnh và giảm đi khi nghỉ ngơi.
  • Cảm giác yếu chi, giảm khả năng vận động.
  • Dáng đi không còn được thẳng đứng, tư thế đi khom lưng.
  • Dễ tổn thương và gãy xương khi có các va chạm dù nhỏ.
  • Chiều cao bị suy giảm, thân hình trở nên thấp bé
  • Dễ gãy móng tay: Thành phần cấu tạo nên móng tay có chứa hàm lượng lớn collagen và canxi. Tình trạng móng tay dễ gãy cho thấy cơ thể đang thiếu canxi – một chất khoáng đóng vai trò rất quan trọng đối với hệ xương khớp của cơ thể.
  • Tụt nướu: Tình trạng nướu răng co lại và làm lộ chân răng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do mật độ xương bị suy giảm, xương hàm bị suy yếu.
  • Lực cầm nắm của tay giảm: Lực cầm nắm của tay giúp đánh giá tình trạng sức khỏe của hệ xương trong cơ thể, đặc biệt là mật độ canxi trong xương cánh tay, xương chậu và xương sống. Tình trạng lực cầm nắm của tay bị suy giảm là dấu hiệu cho thấy vấn đề về sức khỏe xương đặc biệt là hàm lượng canxi trong xương cánh tay, xương sống và xương chậu bị suy giảm mạnh.
dấu hiệu xương yếu
Thường xuyên bị đau lưng, các cơn đau âm ỉ, kéo dài là dấu hiệu xương yếu

2. Nguyên nhân gây xương yếu là gì?

Tình trạng xương yếu thường gây ra bởi một số nguyên nhân như sau:

  • Loãng xương: Là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến yếu xương. Người bệnh loãng xương có khối lượng xương bị suy giảm, hàm lượng các khoáng chất như canxi, vitamin D, magie... giảm dần, làm cho xương mỏng đi, xốp và dễ gãy ngay cả khi không gặp chấn thương hay gặp những chấn thương nhẹ.
  • Chế độ dinh dưỡng không đảm bảo: Chế độ ăn uống hàng ngày không cung cấp đủ các chất dinh dưỡng, vitamin và chất khoáng cho sự phát triển và khỏe mạnh của xương. Cụ thể là dinh dưỡng hàng ngày không bổ sung đủ hàm lượng canxi, vitamin D cần thiết sẽ dẫn đến suy giảm mật độ xương, xương yếu và giảm tính liên kết giữa xương khớp.
  • Ít hoặc không tiếp xúc với ánh nắng mặt trời: Cơ thể tổng hợp vitamin D dưới tác dụng của ánh sáng mặt trời. Vì vậy, ở những người không tiếp xúc với ánh nắng mặt trời sẽ có nguy cơ cao xuất hiện các dấu hiệu xương yếu, xương mỏng đi và dễ gãy.
  • Quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể: Sự lão hóa của cơ thể tăng lên theo độ tuổi, đặc biệt là ở phụ nữ mãn kinh và nam giới trên 50 tuổi thì tốc độ lão hóa của xương cũng tăng lên, mật độ xương suy giảm và dẫn đến xương yếu.
  • Thường xuyên hút thuốc lá, sử dụng các loại đồ uống có cồn như rượu, bia: Nghiên cứu từ các nhà khoa học cho thấy những người thường xuyên hút thuốc lá làm tăng nguy cơ giảm mật độ xương và dẫn đến xương yếu cao hơn so với người bình thường. Nguyên nhân được xác định là do trong thành phần của thuốc lá chứa chất có khả năng tạo ra các gốc tự do làm tổn thương, tăng tốc độ tiêu hủy tế bào xương, cản trở quá trình sinh tổng hợp hormon calcitonin (hormone đóng vai trò trong quá trình tạo xương mới) và kích thích cơ thể sản xuất hormone cortisol (hormone làm tăng quá trình hủy xương). Việc thường xuyên sử dụng các chất có cồn như rượu bia làm giảm nồng độ các hormon nội tiết gồm testosteron, estrogen của cơ thể dẫn đến tăng quá trình hủy xương và giảm quá trình tạo xương mới.
  • Ăn đồ ăn mặn: Các nghiên cứu chỉ ra rằng lượng muối cơ thể tiêu thụ tỷ lệ nghịch với mật độ xương. Vì vậy, chế độ ăn mặn chứa nhiều muối sẽ làm tăng nguy cơ giảm mật độ xương, dẫn đến yếu xương.
  • Ít vận động: Những người ít vận động hoặc ngồi lâu một chỗ thường có tốc độ tiêu xương lớn hơn người bình thường, bởi vì cơ thể không được sản sinh đủ hormon tăng trưởng, độ dẻo dai và sức khỏe của hệ xương khớp không được dài lâu.
  • Thừa cân, béo phì: Mức cân nặng ảnh hưởng đến hệ xương khớp của cơ thể. Cân nặng càng lớn thì áp lực lên hệ xương khớp của cơ thể càng nhiều, đặc biệt là các xương dài (xương chi, khớp gối, xương bàn chân), cột sống thắt lưng... Điều này làm cho xương dễ bị tổn xương, suy yếu.
  • Sử dụng thuốc: Các loại thuốc điều trị rối loạn tuyến giáp, corticoid... sử dụng trong thời gian dài sẽ gây ra tác dụng phụ làm giảm nồng độ canxi máu, giảm khả năng hấp thụ canxi, tăng nguy cơ mất xương và cản trở quá trình tái tạo xương...

Ngoài ra, người mắc các bệnh đa u tủy, viêm khớp dạng thấp, đái tháo đường, lupus ban đỏ hệ thống, ung thư... có nguy cơ cao mắc xương yếu.

3. Các phương pháp chẩn đoán xương yếu

Tương tự như các dấu hiệu loãng xương, người bệnh xương yếu sẽ xuất hiện các triệu chứng lâm sàng của bệnh, thường là các cơn đau nhức xương khớp, giảm khả năng vận động. Chẩn đoán bệnh lý dựa vào triệu chứng lâm sàng của người bệnh và kết quả các xét nghiệm cận lâm sàng.

3.1. Chẩn đoán lâm sàng

Bác sĩ đánh giá tình trạng lâm sàng của người bệnh dựa trên các yếu tố sau đây:

  • Kiểm tra đặc tính, đánh giá mức độ đau nhức xương khớp.
  • Kiểm tra và đánh giá các hoạt động làm tăng mức độ cơn đau
  • Kiểm tra mức độ hoạt động, dáng đi.
  • Đánh giá nguy cơ biến dạng cột sống, nguy cơ gãy xương
  • Khai thác và đánh giá các triệu chứng toàn thân
dấu hiệu xương yếu
Thực hiện xét nghiệm đo mật độ xương giúp đánh giá tình trạng xương khớp của cơ thể

3.2. Chẩn đoán cận lâm sàng

Dựa vào các dấu hiệu xương yếu bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán bệnh như sau:

  • Đo mật độ xương: Người bệnh mắc xương yếu có chỉ số mật độ xương thấp hơn bình thường. Thực hiện xét nghiệm đo mật độ xương giúp đánh giá tình trạng xương khớp của cơ thể. Xét nghiệm này cũng nên được thực hiện ở các đối tượng gồm phụ nữ trên 65 tuổi, người có tiền sử bị gãy xương, phụ nữ mãn kinh, người xuất hiện các triệu chứng đau nhức xương khớp, yếu xương, thiếu canxi và vitamin D.
  • Chụp X – quang: Giúp kiểm tra những tình trạng bất thường của xương, gãy xương hoặc biến dạng cột sống nếu có...
  • Chụp cộng hưởng từ MRI: Giúp tìm kiếm khối u, kiểm tra mô mềm quanh khớp và tìm vị trí tổn thương.
  • Chụp cắt lớp vi tính: Kỹ thuật cho phép bác sĩ tìm kiếm các tổn thương ở những người bệnh nặng hoặc ở những người bệnh tổn thương nhỏ khó xác định, đồng thời giúp xác định nguy cơ gãy xương cũng như hướng điều trị.
  • Kỹ thuật đo khối lượng xương ngoại vi: Đo khối lượng xương bằng phương pháp siêu âm, DXA...
  • Kỹ thuật đo khối lượng xương: Chẩn đoán tình trạng loãng xương, yếu xương, đánh giá mức độ nghiêm trọng và xác định nguy cơ gãy xương.

4. Điều trị xương yếu bằng phương pháp gì?

Người bệnh xương yếu nếu không được điều trị sẽ làm cho xương mỏng đi, tăng nguy cơ gãy xương bệnh lý, dị tật cột sống, giảm khả năng vận động và thay đổi chiều cao, vóc dáng. Vì vậy, khi xuất hiện các dấu hiệu xương yếu người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán chính xác. Các phương pháp điều trị xương yếu như sau:

4.1. Chế độ dinh dưỡng đầy đủ, lành mạnh

Một trong những phương pháp quan trọng trong điều trị xương yếu là người bệnh cần xây dựng chế độ dinh dưỡng cung cấp đầy đủ các vitamin và khoáng chất cho cơ thể, đặc biệt là canxi, vitamin D, magie, protein:

  • Protein: Đóng vai trò trong quá trình cấu tạo cơ, xương trong cơ thể, giúp tăng độ dẻo dai cho hệ xương khớp. Các loại thực phẩm cung cấp nhiều protein như phô mai, thịt nạc, sữa, trứng, bông cải xanh, ức gà...
  • Canxi: Khoáng chất quan trọng đối với sự phát triển và bền vững của hệ cơ xương khớp. Bổ sung canxi bằng dinh dưỡng thông qua các loại thực phẩm như hải sản, các loại hạt, sữa chua, các loại cá như cá hồi, cá mòi...
  • Magie: Bên cạnh canxi, magie là khoáng chất quan trọng giúp xương chắc khỏe. Vì vậy, khoáng chất này không thể thiếu đối với người bệnh có dấu hiệu xương yếu. Một số loại thực phẩm giàu magie như ngũ cốc nguyên hạt, bơ, các loại cây họ đậu, chuối...
  • Vitamin D: Là loại vitamin giúp tăng hấp thu canxi trong cơ thể. Việc bổ sung vitamin D có thể được thực hiện bằng việc thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và thông qua chế độ dinh dưỡng. Các loại thực phẩm bổ sung nhiều vitamin D như cá hồi, sữa, lòng đỏ trứng, tôm, hàu, dầu gan cá tuyết...
  • Vitamin K: Loại vitamin giúp tăng vận chuyển canxi vào xương. Bổ sung vitamin K thông qua các loại thực phẩm như phô mai, sữa, trứng...

Việc bổ sung các chất dinh dưỡng cần được luân phiên, thay đổi đa dạng theo ngày và có thể chia thành nhiều bữa ăn nhỏ, chẳng hạn như ăn 6 bữa nhỏ thay vì chế độ ăn 3 bữa lớn sẽ giúp các chất dinh dưỡng hấp thu tốt hơn. Bên cạnh đó, người bệnh nên uống đủ lượng nước cần cho cơ thể, khoảng 1,5 – 2 lít mỗi ngày sẽ giúp hấp thu các dưỡng chất tốt hơn...

4.2. Chế độ sinh hoạt, lối sống lành mạnh

Bên cạnh dinh dưỡng mỗi ngày cung cấp đủ chất dinh dưỡng thì người bệnh cần xây dựng cho mình lối sống lành mạnh như sau:

  • Không hút thuốc lá: Loại bỏ thói quen hút thuốc lá sẽ giúp tăng khả năng vận chuyển canxi vào xương, thúc đẩy quá trình sản sinh calcitonin và tăng quá trình tái tạo xương mới.
  • Hạn chế uống rượu bia và các chất kích thích
  • Rèn luyện và tập luyện thể dục thường xuyên với mức độ phù hợp: Vận động và tập luyện với mức độ phù hợp trong quá trình điều trị xương yếu sẽ giúp kích thích quá trình tạo xương, tăng cường độ khỏe mạnh, chức năng xương khớp, tăng độ dẻo dai và sức chịu đựng của khung xương.
  • Duy trì mức cân nặng hợp lý: Tránh nguy cơ thừa cân, béo phì sẽ làm tăng khả năng yếu xương...

Ngăn ngừa khả năng té ngã: Đối với người bệnh mắc xương yếu thì xương mỏng đi và dễ bị gãy. Vì vậy, cần phòng tránh các nguy té ngã bằng các hoạt động sinh hoạt cẩn thận, an toàn...

dấu hiệu xương yếu
Xây dựng chế độ dinh dưỡng đầy đủ để cải thiện các dấu hiệu xương yếu

4.3. Các biện pháp chăm sóc và giảm đau

Trong trường người bệnh xuất hiện các triệu chứng đau nhức kéo dài âm ỉ và dai dẳng, hạn chế vận động có thể áp dụng các biện pháp giúp cải thiện triệu chứng sau đây:

  • Xoa bóp: Xoa bóp có công dụng giúp tăng tuần hoàn máu, giảm tình trạng cứng khớp, giảm đau, giảm căng cơ và thư giãn xương khớp. Tuy nhiên, đối với tình trạng xương yếu, lực xoa bóp đòi hỏi phải nhẹ nhàng để tránh làm tổn thương xương khớp.
  • Nghỉ ngơi: Khi xuất hiện các triệu chứng đau nhức xương khớp, nghỉ ngơi tại chỗ sẽ giúp cải thiện các cơn đau. Bởi khi đó xương khớp sẽ được giảm áp lực, thư giãn và hạn chế quá trình tiết hormone cortisol gây yếu xương.
  • Chườm ấm: Chườm ấm mỗi ngày sẽ giúp lưu thông máu, giảm đau, giảm cứng khớp và khả năng hoạt động. Ngoài ra đây còn là biện pháp giúp giảm căng cơ, thư giãn xương cốt.

4.4. Biện pháp dùng thuốc

Một số thuốc được bác sĩ kê đơn sử dụng cho người bệnh như sau:

  • Thuốc giảm đau paracetamol
  • Thuốc Calcitonin: Được bác sĩ chỉ định với mục đích ức chế quá trình hủy xương, làm giảm và chậm quá trình đào thải canxi trong xương. Calcitonin thường được sử dụng kết hợp với hormon cận giáp, vitamin D nhằm tăng hiệu quả điều trị.
  • Biphosphonate: Công dụng kích thích quá trình apoptosis, ức chế quá trình hủy xương, tăng mức độ hấp thu canxi và duy trì quá trình tái tạo xương mới.
  • Kháng thể đơn dòng: Công dụng duy trì mật độ xương của cơ thể, hạn chế các tổn thương do tế bào hủy xương gây ra, từ đó giúp giảm nguy cơ gãy xương do yếu xương. Trong đó, Denosumab là kháng thể đơn dòng được sử dụng nhiều nhất.
  • Thuốc giúp thúc đẩy xương phát triển: Một số loại thuốc như Teriparatide được bác sĩ chỉ định trong điều trị xương yếu. Thuốc có công dụng điều chỉnh quá trình chuyển hóa canxi trong cơ thể và đẩy nhanh tốc độ phát triển xương mới., giảm nguy cơ gãy xương bệnh lý.

Các dấu hiệu cảnh báo xương yếu gần giống với các dấu hiệu bệnh loãng xương và do nhiều nguyên nhân gây ra. Vì thế, khi xuất hiện các dấu hiệu này, người bệnh cần sớm đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị, hạn chế các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan