Cách đeo đai khi bị gãy xương đòn

Đai số 8 là một dụng cụ có công dụng hỗ trợ và ổn định xương đòn sau khi bị gãy hoặc tổn thương. Tuy nhiên, đeo đai số 8 không đúng cách không chỉ khiến bệnh nhân khó chịu, xương lâu lành mà còn có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng hơn. Bài viết sẽ hướng dẫn cách đeo đai số 8 đúng cách và một số lưu ý khi bị gãy xương đòn.

1. Gãy xương đòn là gì?

Gãy xương đòn là loại chấn thương phổ biến nhất trong các loại gãy xương, đặc biệt ở trẻ em và người trẻ tuổi. Xương đòn là một xương dài, dẹt, cong hình chữ S và tạo nên phần trước của đai vai. Điểm yếu của xương đòn là ở chỗ nối giữa 1/3 ngoài và 1/3 trong thân xương. Do đó, đa số các bệnh nhân gãy xương đòn là gãy 1/3 giữa xương đòn với tỷ lệ 69%- 82%.

Gãy xương đòn có tỷ lệ cao nhất trong các loại chấn thương xương nhưng cũng rất dễ lành. Mục tiêu của điều trị gãy xương đòn là phục hồi chức năng của khớp vai giống như trước khi bị gãy xương. Đa số bệnh nhân gãy xương đòn được điều trị bằng phương pháp bảo tồn. Điều trị bảo tồn thường được chỉ định cho những trường hợp gãy xương đòn không di lệch hay di lệch ít (dưới 15mm). Có một số kỹ thuật điều trị bảo tồn gãy xương đòn nhưng 2 phương pháp thông dụng nhất là treo tay và băng số 8. Điều trị bằng cách treo tay sẽ giúp bệnh nhân dễ chịu hơn, tuy nhiên không có sự khác biệt về tỷ lệ liền xương giữa 2 kỹ thuật trên.

2. Cách đeo đai khi bị gãy xương đòn

Đai số 8 xương đòn là một dụng cụ có công dụng hỗ trợ và ổn định xương đòn sau khi bị gãy hoặc tổn thương. Đai số 8 giúp cố định vai và cánh tay, giúp phần xương bị gãy mau lành. Đây là lựa chọn điều trị bảo tồn khi bị gãy xương mà không có biến chứng, bệnh nhân không muốn hay không thể phẫu thuật. Tuy nhiên, đeo đai số 8 không đúng cách không chỉ khiến bệnh nhân khó chịu, xương lâu lành mà còn có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng hơn. Đai số 8 có nhiều kích thước khác nhau, đeo đai quá chặt có thể gây chèn ép, khó chịu cho bệnh nhân; ngược lại đai quá rộng lại mang đến hiệu quả không cao. Tùy theo kích thước vòng ngực của bệnh nhân bác sĩ sẽ chỉ định kích cỡ đai phù hợp. Dưới đây là các bước sử dụng đai số 8 đúng cách:

  • Bệnh nhân ở tư thế ngồi, hai tay chống mạn sườn và ưỡn ngực.
  • Lấy đai số 8 ra khỏi túi, mở rộng, kiểm tra các dây đai ở tư thế mở.
  • Đeo, lắp đai nhẹ nhàng, tránh gây đau cho bệnh nhân.
  • Cố định từng nấc từ lỏng đến chặt (vừa đủ chắc, không gây đau hay chèn ép).
  • Kiểm tra cử động các khớp liền kề ở tư thế cho phép đối với từng tổn thương cụ thể theo chỉ định của bác sĩ.
  • Dặn dò bệnh nhân giữ tư thế cố định cần thiết và kiểm tra định kỳ tùy vào từng tổn thương cụ thể theo chỉ định của bác sĩ.
  • Đai số 8 nên được bảo quản ở nơi khô mát. Đai có thể giặt bằng tay trong nước có xà phòng, phơi khô. Không giặt và làm khô đai số 8 bằng máy.

3. Gãy xương đòn đeo đai bao lâu?

Thông thường, bệnh nhân gãy xương đòn thường cần đeo đai cố định từ 2- 6 tuần để tạo điều kiện cho quá trình liền xương. Sau 2-4 tuần bệnh nhân có thể vận động nhẹ nhàng nhưng không nên đưa tay cao quá đầu. Ở người cao tuổi, thời gian điều trị có thể kéo dài hơn do các khớp xương ở người cao tuổi đã bị thoái hóa nên khả năng phục hồi thấp. Đối với trẻ nhỏ, thời gian điều trị sẽ nhanh hơn và có thể khỏi trước 4 tuần đeo đai. Bệnh nhân nên hỏi ý kiến bác sĩ khi muốn thực hiện các hoạt động nâng tay cao quá đầu, lao động nặng hoặc chơi thể thao.

4. Gãy xương đòn nên lưu ý gì?

  • Bên cạnh việc tuân theo chỉ định và phương pháp điều trị gãy xương đòn của bác sĩ, bệnh nhân cũng nên quan tâm đến chế độ ăn uống để giảm đau và giúp xương mau lành. Bệnh nhân nên tránh các thức uống chứa nhiều caffeine, thực phẩm nhiều dầu mỡ vì có thể làm giảm hấp thụ canxi và chậm quá trình liền xương. Rượu và một số thức uống có cồn cũng trì hoãn quá trình liền xương và có thể khiến bệnh nhân dễ bị té ngã và có nguy cơ bị gãy xương nặng hơn.
  • Bệnh nhân nên tăng cường bổ sung canxi, vitamin D, magie, kẽm và các loại vitamin nhóm B. Một số loại thực phẩm giàu canxi bao gồm măng tây, rau chân vịt, củ cải xanh, cải bắp, cải cúc, cải xoăn, lá su hào, sữa không béo, củ cải, bông cải xanh, cá hộp, hạt mè, rong biển, sữa đậu nành, sữa chua, hạnh nhân.... Các loại thực phẩm giàu magie gồm sữa, đậu tương, bơ, thịt, mủ trôm, cá thu, lạc, rau ngót, rau mồng tơi, cải xanh, chuối, khoai lang...
  • Chế độ giàu rau xanh và trái cây tươi cũng rất quan trọng đối với bệnh nhân gãy xương đòn. Rau củ quả không chỉ cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết mà còn chứa hàm lượng axit folic dồi dào, cực kỳ hữu ích cho một khung xương khỏe mạnh.

Trên đây là cách hướng dẫn sử dụng đai số 8 và một số lưu ý ở bệnh nhân gãy xương đòn. Bệnh nhân không nên tự ý sử dụng đai mà cần tham vấn ý kiến bác sĩ chuyên khoa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

16.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan