Đau nhức bả vai lan xuống cánh tay

Đau nhức bả vai và cánh tay là triệu chứng khá phổ biến ở những người mắc bệnh xương khớp. Các cơn đau sẽ khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn trong vận động và sinh hoạt hằng ngày.

1. Đau nhức từ bả vai xuống cánh tay có triệu chứng gì?

Đau bả vai là triệu chứng phổ biến, hay gặp ở bệnh nhân đau nhức xương khớp. Các cơn đau khi trở nên nghiêm trọng hơn có thể lan xuống cánh tay, khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn trong vận động, sinh hoạt hằng ngày. Các khớp xương ở vùng vai là những khớp linh động nhất trong cơ thể, giúp chúng ta thực hiện nhiều vận động quan trọng. Cũng vì thế mà các khớp này dễ bị suy yếu, hao mòn, chịu nhiều áp lực tác động từ bên ngoài.

Phụ thuộc vào yếu tố cơ địa và tình trạng bệnh lý của mỗi người, tình trạng đau nhức bả vai và cánh tay sẽ có những biểu hiện khác nhau. Một số triệu chứng mà người bệnh thường gặp gồm:

  • Xuất hiện các cơn đau nhức âm ỉ hoặc dữ dội ở vùng vai, gáy, lưng;
  • Đau nhức hai bả vai, cơn đau có thể lan xuống phần trên 2 cánh tay;
  • Cử động đầu khó khăn vì cơn đau xuất hiện ở vùng cổ và phần vai gáy, bả vai đau nhức không giơ lên cao được;
  • 2 cánh tay hoặc thậm chí là các ngón tay có cảm giác tê bì, mất cảm giác, khó cầm nắm đồ vật;
  • Một số trường hợp người bệnh có thể bị hoa mắt, chóng mặt, rối loạn chức năng hệ thần kinh, đi không vững;
  • Có triệu chứng đau nhức, tê liệt dây thần kinh;
  • Suy giảm chức năng của bả vai, cánh tay, hạn chế phạm vi chuyển động.

2. Nguyên nhân gây đau nhức bả vai và cánh tay

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau bả vai lan xuống cánh tay. Đó là:

2.1 Vận động sai tư thế

Trong các hoạt động sinh hoạt hằng ngày, có thể bạn đã vận động, sử dụng bả vai và cánh tay quá mức. Đôi khi, bạn nằm hoặc ngồi làm việc quá lâu, không đúng tư thế,... Những hành động này có thể gây co cứng các cơ vùng cổ - gáy, khiến máu lưu thông kém, không đủ nuôi dưỡng các cơ, xương và dây thần kinh, dẫn đến tình trạng bả vai và cánh tay bị đau nhức.

Người bị đau nhức bả vai và cánh tay do nguyên nhân này chủ yếu là: Nhân viên văn phòng, tài xế lái xe, học sinh, sinh viên, công nhân,...

2.2 Các bệnh lý về cột sống

Nếu mắc các bệnh lý về cột sống, người bệnh cũng dễ bị đau nhức hai bả vai lan xuống cánh tay. Các bệnh cột sống thường gặp là:

  • Thoái hóa đốt sống cổhẹp ống sống: Ở người lớn tuổi, các đĩa đệm của đốt sống cổ bị thoái hóa, bắt đầu phình ra. Các đĩa dần khô và cứng hơn, các đốt sống di chuyển gần nhau hơn, cơ thể hình thành thêm gai xương quanh đĩa để củng cố sức chịu đựng của đĩa đệm đối với các vận động của cột sống. Tuy nhiên, các gai xương này lại gây thu hẹp khoảng trống nơi rễ thần kinh thoát ra, gây chèn ép các rễ thần kinh, dẫn tới triệu chứng đau bả vai lan xuống cánh tay;
  • Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ: Đĩa đệm có phần nhân dạng gel. Khi đĩa đệm bị thoái hóa, xơ cứng và vỡ thì nhân đệm thoát ra ngoài, chèn ép vào các dây thần kinh và dẫn đến tình trạng đau lan từ bả vai đi xuống cánh tay. Tình trạng thoát vị đĩa đệm chủ yếu xảy ra khi chúng ta nâng, đẩy vật nặng hoặc khi thực hiện các động tác xoay vặn.

2.3 Rễ thần kinh và tủy sống bị chèn ép

Tình trạng đau nhức bả vai và cánh tay có thể xảy ra nếu tủy sống và rễ thần kinh bị chèn ép, gây tê liệt các đường dẫn truyền vận động và cảm giác. Một số tác nhân gây chèn ép rễ thần kinh và tủy sống là: U tủy cổ, lao, viêm màng nhện tủy cổ,...

Rễ thần kinh và tủy sống bị chèn ép có thể khiến đau nhức hai bả vai
Rễ thần kinh và tủy sống bị chèn ép có thể khiến đau nhức hai bả vai

2.4 Nguyên nhân khác

Triệu chứng đau nhức từ bả vai xuống cánh tay còn có thể do các tổn thương sau:

  • Xương đòn bị gãy: Nếu bị ngã, xương đòn của bạn sẽ bị gãy, gây triệu chứng đau vai và cánh tay. Chấn thương này thường gặp ở người đi xe đạp, bị ngã rơi ra khỏi xe;
  • Gãy xương bả vai: Sự cố này thường do các chấn thương tương đối mạnh, khiến người bệnh đau nhiều;
  • Viêm bao hoạt dịch: Bao hoạt dịch là 1 túi trên khớp, cung cấp đệm cho khớp và cơ bắp. Bao hoạt dịch khi bị viêm sẽ sưng, cứng và đau, gây triệu chứng đau vai và cánh tay;
  • Chấn thương vai hoặc khớp cùng vai đòn: Xương đòn và xương bả vai được kết nối bằng dây chằng. Nếu xảy ra chấn thương ở vai, các dây chằng có thể bị kéo căng và rách, gây đau đớn cho bệnh nhân;
  • Chấn thương vòng bít xoay: Vòng bít xoay gồm 4 gân và cơ bao quanh khớp vai. Khi chơi thể thao, lặp lại 1 động tác trong thời gian dài, vòng bít xoay có thể bị chấn thương, gây đau khi chuyển động vai, thậm chí dẫn tới mất các chuyển động vai mạn tính. Chấn thương này hay gặp ở thợ mộc, vận động viên, họa sĩ,...;

Các nguyên nhân khác: Va đập gây chấn thương, viêm gân, viêm đám rối thần kinh cánh tay, đau sau khi mắc bệnh zona, đau sau khi phẫu thuật, viêm quanh khớp, loét dạ dày, nhồi máu cơ tim, bệnh túi mật, bệnh phổi, viêm phế quản,...

3. Cách điều trị đau nhức bả vai và cánh tay

Trong trường hợp đau nhức bả vai xuống cánh tay do lao động quá sức hoặc chấn thương phần mềm thì người bệnh chỉ cần điều trị và nghỉ ngơi đúng theo hướng dẫn là sức khỏe sẽ hồi phục. Còn nếu nguyên nhân gây đau xuất phát từ những bệnh lý xương khớp như thoái hóa, viêm khớp, thoát vị,... thì bệnh nhân cần được chẩn đoán, điều trị sớm để tránh những biến chứng nguy hiểm như biến dạng khớp, khô cứng khớp,... Các phương pháp điều trị gồm:

3.1 Chăm sóc tại nhà

Với các cơn đau nhẹ, bạn có thể áp dụng những biện pháp chăm sóc tại nhà như:

  • Trong nhiều trường hợp, những chấn thương nhẹ do căng cơ hoặc bầm tím có thể tự lành, không cần dùng thuốc hoặc chủ động chăm sóc quá nhiều. Bệnh nhân chỉ cần dành thời gian nghỉ ngơi để cơ thể tự phục hồi, giúp thư giãn các cơ bắp, dây chằng, sụn đệm vùng bả vai;
  • Nếu cơn đau nhẹ, ít dai dẳng do nằm, ngồi sai tư thế hoặc ít vận động thì bạn có thể thực hiện các bài tập giảm đau, co duỗi để làm giãn các cơ và giúp các khớp linh hoạt hơn;
  • Chườm nóng: Áp dụng cho cả cơn đau cấp tính và mãn tính. Dưới tác động của nhiệt độ cao, phần cơ bả vai đang bị căng cứng sẽ thả lỏng hơn. Đồng thời, lưu lượng máu chảy đến khu vực này cũng được tăng cường. Nhờ đó, bệnh nhân sẽ dễ chịu, đỡ đau nhức hơn;
  • Nếu bị đau phần mô mềm, phần vai lan xuống cánh tay thì bạn có thể sử dụng thuốc giảm đau, chống viêm không steroid (NSAID) hoặc paracetamol. Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc, bạn cần tuân theo chỉ định của bác sĩ (sau khi loại bỏ nguy cơ như người viêm loét dạ dày);
  • Bổ sung vitamin B, C, D, E để tăng cường sức đề kháng; bổ sung canxi để chống loãng xương cho người cao tuổi.
đau nhức từ bả vai xuống cánh tay
Người bệnh có thể chườm giúp giảm đau nhức từ bả vai xuống cánh tay

3.2 Điều trị tại cơ sở y tế

Nếu các cơn đau nhức bả vai và cánh tay trở nên nghiêm trọng hơn, bệnh nhân nên đi khám sớm. Cụ thể:

  • Nếu đau bả vai lan xuống cánh tay do các bệnh lý cột sống, người bệnh có thể được điều trị bằng cách phối hợp các phương pháp trị liệu đông y và y học hiện đại. Đó là dùng phương pháp châm cứu kết hợp với dưỡng sinh, phục hồi chức năng cơ thể;
  • Nếu bị thoái hóa khớp, bệnh nhân có thể được điều trị bằng thuốc giảm đau chống viêm NSAID hoặc tiêm corticoid tại chỗ để giảm đau, khôi phục sinh hoạt hằng ngày;
  • Trường hợp bệnh nặng có thể cần phải thực hiện can thiệp ngoại khoa;
  • Nếu bệnh nhân bị đau nặng, yếu, tê lạnh, dị dạng chi, thay đổi sắc mặt, sốt cao, nhức đầu dữ dội, đau ngực, khó thở, buồn nôn, chóng mặt,... cần đưa đi cấp cứu ngay.

Bên cạnh đó, bạn có thể phòng ngừa đau nhức bả vai và cánh tay bằng cách nằm hoặc ngồi đúng tư thế, kê gối cao khoảng 10cm khi đi ngủ. Bạn cũng cần có chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hợp lý, tránh mang vác nặng. Đồng thời, mỗi người nên định kỳ đi khám sức khỏe để được chẩn đoán sớm các vấn đề xương khớp và có lựa chọn can thiệp điều trị thích hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

128.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan