Điều gì sẽ xảy ra khi bạn bị gãy xương?

Sau khi bị gãy xương khoảng vài giờ thì quá trình làm lành bắt đầu khởi động với việc hình thành các cục máu đông, hệ miễn dịch tiêu diệt vi trùng nơi xương gãy. Sau khoảng 6 - 12 tuần, xương mới được hình thành. Cuối cùng là giai đoạn tu sửa, tùy vào loại và vị trí xương gãy mà thời gian hồi phục cũng khác nhau.

1. Gãy xương là gì? Nguyên nhân nào khiến xương bị gãy?

Gãy xương là sự phá hủy đột ngột các cấu trúc bên trong của xương khiến nó mất tính liên tục và không còn chịu được lực tác động vào.

Xương rất chắc nhưng cũng có giới hạn chịu đựng. Chúng có thể bị gãy, thậm chí chảy máu sau khi gãy nghiêm trọng. Tất cả các loại tác động từ chấn thương thể thao đến một cú ngã vô tình, hay những bệnh như ung thư, loãng xương đều có thể dẫn đến xương yếu và dễ gãy hơn.

Một số thuật ngữ cơ bản để mô tả xương bị gãy gồm:

  • Gãy kín hay hở? Vết gãy kín, không xuyên qua da hay là hở xuyên qua da, gây chảy máu;
  • Gãy một phần hay hoàn toàn? Gãy một phần là gãy không gãy hết xương, gãy hoàn toàn là gãy chia xương thành hai hoặc nhiều mảnh;
  • Đã di lệch hay không di lệch? Nếu các mảnh gãy vẫn xếp thành hàng, đó là mảnh gãy không di lệch. Nếu không, nó sẽ bị lệch khỏi vị trí ban đầu.

2. Các loại gãy xương

Gãy xương được chia thành các dạng phổ biến bao gồm:

  • Gãy ngang: Gãy thẳng qua xương;
  • Gãy do tác động lực quá mạnh: Một vết nứt rất mỏng, còn được gọi là gãy chân tóc;
  • Oblique: Gãy ở một góc;
  • Greenstick: Gãy ở một bên, nhưng uốn cong ở bên kia, giống như một cành cây tươi bị chặt không đứt hết;
  • Hỗn hợp: Xương gãy thành 3 mảnh trở lên.

Các loại khác bao gồm gãy xương do lực nén, gãy xoắn xương và gãy xương cột sống.

bị gãy xương
Người bênh bị gãy xương có thể gặp một số dạng gãy xương khác nhau

3. Điều gì sẽ xảy ra khi bạn gãy xương?

3.1. Cảm giác đau khi bị gãy xương

Đôi khi, trẻ em bị gãy xương nhỏ thậm chí không cảm nhận được cơn đau. Trong trường hợp khác, gãy xương có thể nghiêm trọng đến mức gây sốc. Nhưng thông thường, gãy xương gây ra một cơn đau sâu và dữ dội, bạn cũng có thể cảm thấy đau nhói tùy thuộc chỗ gãy.

3.2. Các triệu chứng khác

Ngoài cơn đau, cơ thể còn thiết lập các loại báo động để bạn biết có điều gì đó thực sự không ổn, ví dụ như tạo cảm thấy ớn lạnh, chóng mặt, thậm chí bất tỉnh khi bị gãy xương. Xung quanh vị trí gãy, bạn có thể nhận thấy:

  • Bầm tím;
  • Cứng;
  • Sưng tấy;
  • Ấm nóng;
  • Yếu đi.

Bạn cũng có thể gặp khó khăn khi di chuyển vùng xương bị gãy hoặc thấy nó có vẻ không ổn, giống như bị bẻ cong ở một góc.

4. Cơ thể tự làm lành vùng xương gãy bằng cách nào?

  • Bước 1: Quá trình sửa chữa xương bắt đầu chỉ trong vòng vài giờ sau chấn thương. Lúc này, vết sưng được hiện rõ khi các cục máu đông bắt đầu hình thành xung quanh chỗ gãy. Hệ miễn dịch gửi vào các tế bào hoạt động như những người thu gom rác nhằm loại bỏ các mảnh xương nhỏ và tiêu diệt nếu có bất kỳ vi trùng nào. Ngoài ra, cơ thể còn phát triển các mạch máu đến chỗ gãy để giúp đẩy nhanh quá trình chữa lành. Bước này có thể kéo dài 1-2 tuần.
  • Bước 2: Trong 4 - 21 ngày tiếp theo, một vết chai mềm xung quanh xương bị gãy được hình thành khi collagen di chuyển đến và từ từ thay thế cục máu đông. Vết chai cứng hơn cục máu đông, nhưng không chắc bằng xương, nếu di chuyển, mô sẹo mềm có thể bị vỡ và cản trở quá trình phục hồi. Đó là một phần lý do khiến bạn cần phải bó bột để giữ cho xương lành tại chỗ.
  • Bước 3: Khoảng 2 tuần sau khi nghỉ ngơi, các tế bào được gọi là nguyên bào xương di chuyển đến nhằm giúp hình thành xương mới, bổ sung khoáng chất vào hỗn hợp để làm cho xương cứng và khỏe hơn, giai đoạn này thường kết thúc sau khoảng 6-12 tuần kể từ thời điểm gãy xương.
  • Bước 4: Giai đoạn cuối cùng là tu sửa xương. Lúc này, các tế bào hủy xương thực hiện một số tinh chỉnh, chúng bắt đầu phá vỡ các xương thừa được hình thành trong quá trình liền xương để xương trở lại hình dạng bình thường. Khi đạt đến giai đoạn này, việc nhanh chóng trở lại các hoạt động bình thường thực sự giúp bạn chữa bệnh. Bước này có thể tiếp tục kéo dài tùy vào vị trí và tính chất vùng xương bị gãy, đôi khi kéo dài đến 9 năm.
gãy xương phải làm sao
Người bị gãy xương có thể được áp dụng phương pháp bó bột trong điều trị

5. Gãy xương phải làm sao?

5.1. Điều trị gãy xương cơ bản

Điều trị gãy xương cơ bản bao gồm 3 bước cơ bản:

  • Chỉnh xương về vị trí cũ;
  • Giữ nó không di chuyển đến khi được chữa lành;
  • Kiểm soát cơn đau;

Đối với một vết gãy cơ bản, bác sĩ có thể phải nắn xương trở lại vị trí cũ. Sau đó, nẹp hoặc bó bột để hỗ trợ xương và giúp nó không di chuyển. Ngoài ra, bạn cũng có thể được kê thêm thuốc giảm đau trong quá trình điều trị.

5.2. Điều trị xương gãy phức tạp

Đối với gãy xương nghiêm trọng hơn, bạn có thể cần phải phẫu thuật. Các bác sĩ có thể đặt đinh vít, ghim, que hoặc đĩa để giữ xương cố định và lành lại một cách chính xác. Những dụng cụ này có thể được lấy ra hoặc để nguyên vị trí sau khi xương đã lành.

Trong một số trường hợp hiếm hoi, bạn có thể cần lực kéo, một hệ thống ròng rọc và trọng lượng xung quanh giường bệnh để giữ xương ở đúng vị trí.

6. Thời gian hồi phục sau gãy xương

Thời gian phục hồi trung bình mất từ ​​6-8 tuần nhưng có thể thay đổi tùy theo tình trạng xương, loại gãy, tuổi tác và sức khỏe tổng thể. Thông thường, thời gian hồi phục sau khi bị gãy xương được tiến triển như sau:

  • Tuần 1-2: Trong vài tuần đầu tiên, bạn cần kiên nhẫn và thực hiện các biện pháp chăm sóc cơ bản, tạo tiền đề cho việc chữa lành, trong đó không được hút thuốc, cần thực hiện các bài tập, chế độ ăn uống lành mạnh và nghỉ ngơi đúng cách theo chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Tuần 3-5: Việc bó bột là rất quan trọng để chữa lành, nhưng chỉ sau một vài tuần không vận động, cơ sẽ bắt đầu yếu và cứng. Đây thường là thời điểm bạn bắt đầu một số bài tập rất cơ bản hoặc vật lý trị liệu sớm nhằm giúp xoa dịu độ cứng, xây dựng cơ và phá vỡ các mô sẹo.
  • Tuần 6-8: Đây thường là thời điểm tháo lớp bột đi, lúc này bạn có thể thấy lông ở vị trí bó bột đen hơn bình thường, lớp da nhợt nhạt hoặc bong tróc, phần bị gãy trông nhỏ hơn. Tuy nhiên, chúng sẽ dần trở lại bình thường theo thời gian sau khi tập vật lý trị liệu. Trước khi bắt đầu lại các hoạt động, bạn nên kiểm tra để được bác sĩ tư vấn giới hạn vận động của bản thân.

7. Khi nào nên gọi cho bác sĩ?

Trong quá trình điều trị hãy để ý nếu có các dấu hiệu bất thường, gọi cho bác sĩ nếu bạn nhận thấy các vấn đề như:

  • Màu da tại vị trí gãy hơi xanh;
  • Không thể cử động vùng xương bị gãy như ngón tay hoặc ngón chân;
  • Đau không thuyên giảm;
  • Các vấn đề với bó bột như nứt, cảm thấy quá chặt hoặc quá lỏng;
  • Các dấu hiệu nhiễm trùng như mẩn đỏ, sưng tấy hoặc tiết dịch có mùi hôi;
  • Cảm giác ngứa ran, tê, kim châm, hoặc các cảm giác kỳ lạ khác.

Gãy xương là tình trạng chấn thương nghiêm trọng cần được để ý và xử lý kịp thời. Việc điều trị gãy xương đòi hỏi quá trình tích cực, hợp lý, đúng lộ trình. Nếu không hiểu biết hay chủ quan trong vấn đề điều trị, phục hồi có thể dẫn đến các biến chứng không mong muốn. Do đó cần đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế uy tín để điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

556 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan