Gãy khớp háng sau chấn thương

Gãy khớp háng là một chấn thương thường gặp ở người cao tuổi. Nếu không kịp thời điều trị, bệnh tình trạng này có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng bệnh nhân.

1. Gãy khớp háng thường gặp ở đối tượng nào?

Nhiều người gặp chấn thương gãy xương khớp háng, bao gồm gãy cổ xương đùi, gãy vùng mấu chuyển. Đây là những ca gãy xương thường gặp ở người cao tuổi, chủ yếu do tai nạn sinh hoạt, đặc biệt là do té ngã khi di chuyển. Gãy xương khớp háng cũng chiếm tỷ lệ cao nhất trong các loại gãy xương gặp ở người lớn tuổi.

Gãy xương khớp háng ở người cao tuổi là chấn thương nghiêm trọng, hạn chế khả năng vận động và tự lập của bệnh nhân vì họ sẽ phải trải qua phẫu thuật, nằm viện, bất động và tập phục hồi chức năng kéo dài. Nếu không điều trị kịp thời, đúng phương pháp thì gãy khớp háng có thể dẫn đến biến chứng viêm phổi, tắc mạch chi, viêm đường tiết niệu, tắc mạch phổi,... dễ gây tử vong.

2. Yếu tố nguy cơ gây gãy khớp háng ở người lớn tuổi

Nguyên nhân của phần lớn các ca gãy xương vùng khớp háng là do chất lượng xương kém - loãng xương (yếu xương, thưa xương). Do đó, dù chỉ va chạm, té ngã nhẹ (ngã ngồi, đập mông xuống nền) với lực tác động nhẹ vào háng cũng gây chấn thương gãy xương.

Có nhiều yếu tố nguy cơ liên quan tới chấn thương bị gãy xương khớp háng. Đó là 2 nhóm nguy cơ sau:

  • Nguy cơ liên quan tình trạng loãng xương: Tuổi tác cao, nữ giới, di truyền, thiếu chất dinh dưỡng (đặc biệt là vitamin D), thói quen sống không khoa học (hút thuốc lá, uống nhiều rượu, lười tập thể dục)
  • Nguy cơ liên quan té ngã: Suy giảm về thể chất và tinh thần (liệt yếu chi, sa sút trí tuệ, thị lực kém, viêm khớp mãn tính), sử dụng thuốc (một số loại thuốc có thể ảnh hưởng tới khả năng giữ thăng bằng của cơ thể, gây chóng mặt, buồn ngủ, mất tập trung,...),...
Người cao tuổi bị té ngã có nguy cơ
Người cao tuổi bị té ngã có nguy cơ gây gãy khớp háng

3. Dấu hiệu gãy khớp háng

Đôi khi những triệu chứng của bệnh rất mờ nhạt do chấn thương nhẹ. Tuy nhiên, thông thường người bệnh sau khi gãy xương khớp háng sẽ có những biểu hiện sau:

  • Không thể đứng dậy và không thể di chuyển ngay sau khi té ngã
  • Đau vùng háng hoặc đau vùng gối cùng bên
  • Vùng háng bị sưng đau, hạn chế cử động
  • Bên chân bị thương không chịu được lực
  • Khi đo thấy chân đau ngắn hơn chân kia
  • Bàn chân bên chân đau xoay ra ngoài nhiều hơn so với chân kia

Khi người bệnh có các biểu hiện trên, bác sĩ thường chỉ định chẩn đoán bằng cách chụp X-quang để xác định gãy xương vùng khớp háng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đường gãy nhỏ thì bác sĩ có thể sử dụng thêm những phương tiện chẩn đoán hình ảnh khác như CT scan, Bone scan,...

4. Điều trị gãy khớp háng

Phẫu thuật loại bỏ phần xương bị gãy và thay bằng khớp háng nhân tạo là lựa chọn điều trị phù hợp để giảm đau, giúp bệnh nhân sớm hồi phục khả năng vận động, giảm gánh nặng cho gia đình và giảm nguy cơ mắc các biến chứng khó lường. Tùy tình trạng, bệnh nhân có thể được chỉ định các kỹ thuật, kết hợp xương cổ xương đùi, thay khớp háng bán phần hoặc thay khớp háng toàn phần.

Tuy nhiên, bệnh nhân cao tuổi thường có nhiều bệnh lý nội khoa đi kèm như tiểu đường, cao huyết áp, bệnh tim mạch, xơ vữa thành mạch, bệnh lý huyết khối, loãng xương,... Điều này là thử thách lớn đối với đội ngũ bác sĩ gây mê hồi sức và phẫu thuật.

Gãy khớp háng
Người bệnh bi gãy khớp háng có thể lựa chọn thay khớp háng nhân tạo

5. Phòng tránh nguy cơ gãy xương khớp háng

  • Giữ an toàn cho không gian sinh hoạt: Mỗi gia đình nên sắp xếp vật dụng sinh hoạt gọn gàng, đảm bảo không gian đủ ánh sáng để người lớn tuổi dễ dàng quan sát, trong nhà tắm nên có các thanh vịn và thảm chống trượt,... để giảm nguy cơ trượt chân, té ngã.
  • Tăng cường luyện tập: Tập thể dục là lựa chọn giúp làm chậm tình trạng loãng xương và tăng cường sức khỏe cho cơ bắp. Đồng thời, việc tăng cường vận động cũng giúp cải thiện khả năng giữ thăng bằng của cơ thể. Người cao tuổi có thể lựa chọn những môn thể dục phù hợp với sức khỏe như leo cầu thang, khiêu vũ, bơi lội, đi bộ,...
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Hằng năm, người cao tuổi nên đi khám mắt, tim mạch, đo mật độ xương,... định kỳ để có phương án điều trị thích hợp. Đồng thời, khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, bệnh nhân cũng nên hỏi bác sĩ về liều lượng phù hợp, tác dụng phụ có thể xảy ra,... Cần cẩn thận trước những tác dụng phụ như chóng mặt, buồn ngủ, mất tập trung, mất thăng bằng,...
  • Lưu ý khác: Duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý, nên tăng cường vitamin D và canxi trong khẩu phần ăn, hạn chế bia rượu và thuốc lá, có thể uống bổ sung vitamin D và canxi (dưới sự tư vấn của bác sĩ).

Khi có biểu hiện đau, khó chịu ở xương vùng háng cảnh báo nguy cơ gãy khớp háng, bệnh nhân nên đến bệnh viện để kiểm tra, có hướng điều trị kịp thời. Việc này giúp tránh được nguy cơ bệnh diễn tiến nặng đe dọa sức khỏe bệnh nhân.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan