Gãy xương đòn di lệch nhiều, phải làm sao?

Gãy xương đòn là một chấn thương thường gặp do tai nạn giao thông hoặc tai nạn lao động. Vậy gãy xương đòn bị di lệch nhiều sẽ gây ra những biến chứng nào và có những phương pháp gì để xử trí và điều trị các trường hợp này ?

1. Gãy xương đòn là gì ?

Về mặt giải phẫu, xương đòn hay còn gọi là xương quai xanh nằm nông ở dưới da, từ trên xuống xương đòn là 1 xương dài có hình giống chữ S với 2 chỗ cong ở 1/3 ngoài giáp 1/3 giữa và 1/3 giữa giáp với 1/3 trong. Điểm yếu của xương đòn nằm tại vị trí 1/3 giữa và 1/3 ngoài. Xương đòn kết nối với xương bả vai và xương ức qua khớp ức đòn và cùng đòn, vì thế xương đòn có chức năng như một chiếc đòn gánh giúp hỗ trợ cử động của chi trên.

Gãy xương đòn là một chấn thương phổ biến nhất ở vùng vai, chiếm tỉ lệ khoảng 40% tổng các trường hợp gãy xương vùng vai, và 2,5 - 6% tất cả các loại gãy xương ở mọi lứa tuổi. Gãy xương đòn thường xảy ra do chấn thương trực tiếp hoặc gián tiếp, phổ biến trong tai nạn lao động hoặc tai nạn giao thông. Một số ít trường hợp gãy xương đòn gặp trong bệnh nhân bị u xương...

Gãy xương đòn được phân loại như sau:

Theo Craig cải biên từ phân loại của Allman và Neer :

  • Gãy 1/3 giữa xương đòn chiếm 80% tổng số các bệnh nhân gãy xương đòn, đa số các trường hợp gãy vững.
  • Gãy 1/3 ngoài xương đòn chiếm 12 – 15%.
  • Loại I : Di lệch tối thiểu – Gãy giữa dây chằng cùng đòn và dây chằng quạ đòn.
  • Loại II : Di lệch thứ phát do gãy ở trong dây chằng quạ đòn :
    • Loại IIA : Các dây chằng nón và dây chằng thang vẫn còn.
    • Loại IIB : Dây chằng nón bị rách và dây chằng thang còn.
  • Loại III : Gãy diện khớp.
  • Loại IV : Gãy xương đòn ở trẻ em, dây chằng còn bám nguyên màng xương và di lệch đầu xa.
  • Gãy 1/3 trong xương đòn chiếm khoảng 5%.
  • Loại I : Di lệch tối thiểu.
  • Loại II : Di lệch nhiều có rách dây chằng.
  • Loại III : Gãy nội khớp.
  • Loại IV : Bong rời đầu xương ở trẻ em.
  • Loại V: Gãy vụn.

Theo phân loại của Robinson:

  • Loại I: Gãy đầu trong xương đòn.
  • Loại IA: Gãy không di lệch, chia làm 2 nhóm: A1 gãy ngoài khớp và A2 gãy phạm khớp.
  • Loại IIB: Gãy di lệch, chia làm 2 nhóm: B1 gãy ngoài khớp, B2 gãy phạm khớp.
  • Loại II: Gãy thân xương đòn.
  • Loại IIA: Gãy không di lệch, chia làm 2 nhóm: A1 gãy không gập góc và A2 gãy gập góc.
  • Loại IIB: Gãy di lệch, chia làm 2 nhóm: B1 gãy di lệch đơn giản hay mảnh thứ 3 hình chêm, B2 gãy nhiều tầng hoặc gãy nát.
  • Loại III: Gãy đầu ngoài xương đòn.
  • Loại IIIA: Gãy không di lệch, chia làm 2 nhóm: A1 gãy ngoài khớp và A2 gãy phạm khớp.
  • Loại IIIB: Gãy di lệch, chia làm 2 nhóm: chia làm 2 nhóm: B1 gãy ngoài khớp, B2 gãy phạm khớp.1

2. Chẩn đoán

2.1. Triệu chứng lâm sàng

  • Đau khu trú ở vùng bả vai và tăng lên khi vận động, người bệnh không đưa được tay quá đầu.
  • Bầm tím, sưng nề, biến dạng vùng vai.
  • Vai bên gãy bị xệ hơn bên lành, khi nâng tay lành lên thương gây đau.
  • Sờ thấy mảnh xương gãy gồ lên bề mặt da nếu gãy có di lệch nhiều đây là biến dạng kiểu bậc thang hay kiểu piano.
  • Trong trường hợp gãy xương đòn di lệch nhiều, đầu xương gãy có thể đâm thủng da gây gãy hở.
  • Ấn đau chói ở vị trí gãy, có thể nghe tiếng lạo xạo xương gãy.
  • Đo chiều dài mỏm cùng – xương ức bên gãy thường ngắn hơn bên lành.

2.2. Cận lâm sàng

  • X-quang xương đòn : Xét nghiệm thường quy giúp xác định đường gãy, loại gãy xương, xác định độ di lệch thường gặp trong các trường hợp gãy xương ở đầu ngoài và đầu trong.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT-scan) vùng vai : Thường được sử dụng nếu trên X-quang chưa xác định rõ ràng, hoặc để xác định các tổn thương phối hợp khác.

3. Điều trị gãy xương đòn di lệch nhiều

3.1. Các loại di lệch trong gãy xương đòn

Trong gãy xương đòn, 80% trường hợp gãy nằm ở 1/3 giữa xương đòn, tuy nhiên hầu như các trường hợp gãy xương ở vị trí này thường là gãy vững và ít có di lệch. Các gãy xương đòn di lệch thường là gãy đầu ngoài và đầu trong xương đòn. Các loại di lệch có thể gặp trong gãy xương đòn gồm :

  • Di lệch sang bên : Đoạn gãy xương lệch thẳng góc với trục dọc của xương đòn.
  • Di lệch chồng ngắn : Đoạn gãy di lệch dọc theo trục xương đòn, hai đầu xương gãy chồng lên nhau.
  • Di lệch xa : Hai đoạn gãy của xương đòn cách xa nhau.
  • Di lệch gập góc : Hai đầu xương gãy tạo nên một góc (thường tính là góc nhọn). Đây là loại di lệch thường gặp nhất ở xương đòn.
  • Di lệch xoay : Ít gặp trong gãy xương đòn, đoạn gãy xoay quanh trục của xương.

3.2. Sơ cứu

  • Trước tiên cần trấn an tinh thần của bệnh nhân.
  • Bất động bệnh nhân tại chỗ, tránh cho bệnh nhân cử động.
  • Kiểm tra xem bệnh nhân có biểu hiện mất máu hay tổn thương thần kinh hay không.
  • Gãy xương di lệch nhiều thường có thể kèm theo chảy máu hoặc vết thương hở làm đầu xương lộ ra ngoài. Vì thế, cần dung băng, vải sạch để băng kín lại.
  • Cố định xương gãy bằng nẹp, hoặc các đoạn gỗ cứng, băng vải hoặc băng đai số 8.
  • Vận chuyển bệnh nhân nhẹ nhàng đề cơ sở y tế gần nhất.

3.3. Điều trị tại viện

Hầu hết các gãy xương đòn di lệch nhiều thường được điều trị tại viện nhằm tránh các biến chứng có thể xảy ra.

  • Bệnh nhân thường được chỉ định phẫu thuật kết hợp xương bằng đinh nội tủy hoặc nẹp vít.
  • Dùng kháng sinh trước và sau phẫu thuật. Khi bệnh nhân đau hoặc sưng nề sau phẫu thuật có thể chườm mát hoặc sử dụng thuốc kháng viêm không Steroid (NSAIDs).
  • Bệnh nhân được hướng dẫn tập vận động chủ động sau mổ. Tránh vận động mạnh vùng vai trong 4 – 6 tuần sau phẫu thuật.
  • Hẹn tái khám theo lịch của bác sĩ.
  • Các dụng cụ kết hợp xương có thể được tháo sau 6 – 12 tháng.

4. Điều trị bảo tồn gãy xương đòn

Điều trị bảo tồn thương được chỉ định trong các trường hợp gãy không di lệch, hoặc di lệch ít (cần tham vấn ý kiến của bác sĩ, các trường hợp gãy không phức tạp, không có biến chứng. Mục tiêu điều trị là kiểm soát đau và cố định 2 đầu xương gãy áp sát vào nhau.

  • Bất động vai bằng phương tiện cố định như đai số 8. Đai số 8 chất liệu thun thường tốt hơn và được sử dụng rộng rãi hơn băng bột. Thời gian mang đai số 8 là khoảng 4 - 8 tuần.
  • Thuốc : Sử dụng thuốc giảm đau như NSAIDs, bổ sung thêm thuốc chứa Canxi, Vitamin D...
  • Hẹn tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ.

5. Các biến chứng gãy xương đòn di lệch nhiều

Các trường hợp gãy xương đòn di lệch nhiều có thể gây ra những biến chứng sau :

  • Đầu xương gãy chọc thủng da chuyển từ gãy kín sang gãy hở.
  • Đầu xương gãy di lệch xuống dưới gây tổn thương mạch máu và tổn thương thần kinh dưới đòn.
  • Tràn khí màng phổi do đầu xương gãy di lệch xuống dưới làm thủng màng phổi.
  • Tạo khớp giả.
  • Can lệch xương.

Thời gian điều trị bảo tồn là từ 4 – 8 tháng, tuy nhiên sau 2 – 4 tuần, bệnh nhân có thể vận động lại khớp vai nhẹ nhàng. Tuy nhiên, các bác sĩ thường khuyến cáo bệnh nhân gãy xương đòn chỉ nên được phép điều khiển xe máy sau khoảng 3 tháng, để đảm bảo xương đã được hồi phục hoàn toàn.

6. Phòng tránh gãy xương đòn

  • Chấp hành luật lệ giao thông và tham gia giao thông cẩn thận và an toàn.
  • Trang bị các dụng cụ bảo hộ trong thời gian làm việc và lao động.
  • Khởi động kĩ trước khi tham gia các hoạt động thể dục thể thao.
  • Bổ sung thêm các loại thực phẩm và dược phẩm chứa Canxi và Vitamin D.
  • Trang bị kỹ năng sơ cứu ban đầu khi gặp tai nạn và chấn thương.

Hầu hết các trường hợp gãy xương đòn là gãy vững và ít di lệch. Tuy nhiên, khi gặp phải lực tác động quá mạnh, xương đòn có thể gãy phức tạp và di lệch nhiều. Việc phát hiện kịp thời, sơ cứu và điều trị đúng cách các trường hợp gãy xương di lệch có thể hạn chế được những biến chứng nguy hiểm cho bệnh nhân.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

10.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan