Khắc phục đau khớp ở bà bầu

Đau khớp khi mang thai là tình trạng vô cùng phổ biến, có thể do nhiều nguyên nhân gây ra như rối loạn nội tiết tố, tăng cân quá nhanh, căng thẳng hay stress kéo dài, do thực hiện các tư thế xấu trong sinh hoạt... Vậy chị em cần làm gì để cải thiện tình trạng đau khớp ở bà bầu?

1. Bà bầu bị đau khớp là tình trạng rất thường gặp

Đau khớp khi mang thai là tình trạng rất thường gặp do nhiều nguyên nhân gây ra nhưng phần lớn là do quá trình thay đổi hormone của cơ thể trong giai đoạn mang thai làm ảnh hưởng đến hệ xương khớp và khởi phát những cơn đau. Ngoài ra, việc bà bầu có thói quen duy trì các tư thế sai trong sinh hoạt hàng ngày và chế độ ăn uống thiếu chất cũng là những nguyên nhân khiến bà bầu bị đau khớp.

Bên cạnh đó, trong một số trường hợp bà bầu bị đau khớp còn có thể do nguyên nhân bệnh lý, vì vậy sau khi đã cố gắng cải thiện nhưng không thuyên giảm, thai phụ cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị.

Vị trí bà bầu bị đau khớp hay gặp, bao gồm khớp háng, khớp mu, cột sống, khớp cùng chậu và ở đầu gối. Ngoài ra, đau khớp khi mang thai có thể xảy ra ở các khớp bàn tay, bàn chân, cổ tay, khớp ở vùng cánh tay và một số vị trí khác. Đau khớp ở bà bầu thường kéo dài dai dẳng, trong đó thời điểm hay gặp nhất là tam cá nguyệt cuối của thai kỳ.

2. Đau khớp khi mang thai có nguy hiểm cho sức khỏe của mẹ và bé không?

Tình trạng đau khớp khi mang thai thường không nguy hiểm. Nguyên nhân là vì đa số bà bầu bị đau khớp liên quan đến những sự thay đổi tự nhiên của cơ thể trong quá trình mang thai. Thông thường, cơn đau khớp ở bà bầu có thể tự thuyên giảm hoặc kiểm soát dễ dàng bằng các biện pháp điều trị không dùng thuốc.

Tuy nhiên, cần phải lưu ý các trường hợp đau khớp khi mang thai do nguyên nhân bệnh lý. Tùy thuộc từng sản phụ mà dấu hiệu đau khớp có thể kéo dài, đau dạng âm ỉ hoặc đau nhói, đa số thường khó kiểm soát và xuất hiện nhiều biểu hiện bất thường khác. Do đó, bà bầu bị đau khớp thường sẽ ảnh hưởng đến cả vấn đề tâm lý, tâm trạng, khả năng vận động và sức khỏe tổng thể.

Vì vậy, nếu nghi ngờ tình trạng đau khớp khi mang thai khởi phát do một bệnh lý nào đó hoặc triệu chứng đau quá nghiêm trọng, kéo dài, các mẹ bầu nên sớm đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác và có biện pháp điều trị thích hợp, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho sức khỏe của cả mẹ và em bé.

Bà bầu bị đau khớp kéo dài nên gặp bác sĩ để được thăm khám kịp thời
Bà bầu bị đau khớp kéo dài nên gặp bác sĩ để được thăm khám kịp thời

3. Biện pháp khắc phục đau khớp ở bà bầu

Đa số bà bầu bị đau khớp là do các nguyên nhân cơ học, rối loạn nội tiết tố nữ hoặc do sự thay đổi của cơ thể khi mang thai. Để cải thiện tình trạng này, bà bầu có thể áp dụng những biện pháp đơn giản và an toàn dưới đây:

3.1. Chườm ấm giúp giảm đau khớp ở bà bầu

Bà bầu bị đau khớp có thể sử dụng phương pháp chườm ấm để cải thiện hiệu quả tình trạng đau và các biểu hiện đi kèm khác. Nhiệt độ cao giúp các khớp xương của thai phụ được thư giãn, tăng cường khả năng lưu thông máu nuôi, đồng thời chườm ấm còn mang lại hiệu quả giảm áp lực lên các dây thần kinh và từ đó giảm đau các khớp hiệu quả. Ngoài ra chườm ấm còn giúp bà bầu giảm căng thẳng, hạn chế tình trạng căng cơ hoặc biểu hiện đau mỏi lưng khi mang bầu.

Hướng dẫn biện pháp chườm ấm ở bà bầu bị đau khớp:

  • Dùng khăn ấm hoặc chai thủy tinh chứa nước ấm chườm lên khớp bị đau trong thời gian khoảng 20 phút;
  • Thực hiện chườm ấm ít nhất 4 lần mỗi ngày;
  • Lưu ý: Không chườm ấm lên bụng vì có thể kích thích giãn nở cổ tử cung và gây sảy thai.

3.2. Nghỉ ngơi nhiều giúp cải thiện đau khớp khi mang thai

Nghỉ ngơi được xem là biện pháp phòng ngừa và giảm đau khớp khi mang thai rất hiệu quả. Khi bà bầu nghỉ ngơi, các khớp xương và mạch máu trong cơ thể sẽ được thư giãn, từ đó đảm bảo lưu thông máu đến các khớp xương bị đau nhức. Nghỉ ngơi còn giúp giảm tải áp lực lên hệ xương khớp và các mô xung quanh, làm giảm đau nhức các khớp, cải thiện tình trạng tê bì hiệu quả.

Bà bầu bị đau khớp nên nằm ở tư thế ngửa với 2 chân nâng lên cao hoặc có thể nằm nghiêng về phía khớp không bị đau nhức. Một số khác hoàn toàn có thể nghỉ ngơi ở tư thế ngồi và thả lỏng tay chân.

Tuy nhiên, các bà bầu bị đau khớp cần phải vận động trở lại hoặc đi lại nhẹ nhàng sau khi cơn đau thuyên giảm. Tuyệt đối không nghỉ ngơi hoặc nằm tư thế bất động quá lâu, kéo dài trên 10 tiếng để hạn chế tình trạng cứng và giới hạn vận động các khớp.

3.3. Chườm lạnh được áp dụng cho bà bầu khi nào?

Chườm lạnh là biện pháp giảm đau khớp khi mang thai do chấn thương. Chườm lạnh có tác dụng gây co mạch máu, từ đó giảm lưu thông máu. Tác dụng này giúp bà bầu hạn chế, cải thiện triệu chứng sưng phù các khớp. Bên cạnh đó, nhiệt độ thấp còn có tác dụng gây tê tạm thời và làm tình trạng đau khớp thuyên giảm, cải thiện khả năng vận động của bà bầu.

Hướng dẫn thực hiện chườm lạnh khi bà bầu bị đau khớp:

  • Sử dụng một túi vải bọc gọn một ít đá lạnh;
  • Sau đó tiến hành chườm trực tiếp túi đá lên những khớp đau nhức từ 10 đến 15 phút/lần;
  • Bà bầu có thể chườm lạnh 3 lần mỗi ngày để giảm đau khớp hiệu quả.

3.4. Xoa bóp giúp giảm đau khớp ở bà bầu

Xoa bóp là biện pháp hiệu quả giúp giảm đau khớp ở bà bầu. Xoa bóp giúp thư giãn các mạch máu, tăng lưu thông khí huyết. Qua đó mang lại tác dụng giảm tê bì tay chân, tăng khả năng nuôi dưỡng, đồng thời cải thiện các tổn thương xương khớp.

Xoa bóp còn có tác dụng đả thông kinh mạch, thư giãn các khớp xương và dây chằng, giảm căng cơ, cứng khớp và cải thiện khả năng vận động cho bà bầu.

Ngoài ra một số nghiên cứu cho thấy xoa bóp còn giúp bà bầu thư giãn đầu óc, cải thiện tâm trạng, có giấc ngủ chất lượng và duy trì sức khỏe khỏe mạnh. Tuy nhiên, một vấn đề cần đặc biệt lưu ý là không xoa bóp lên vùng bụng vì có thể làm tăng nguy cơ sảy thai và sinh non.

Khắc phục đau khớp ở bà bầu
Tình trạng đau khớp ở bà bầu có thể áp dụng xoa bóp giúp cải thiện

3.5. Điều chỉnh tư thế trong sinh hoạt hàng ngày

Trong quá trình mang thai, bà bầu phải đứng lâu, ngồi lâu hoặc duy trì tư thế xấu kéo dài là nguyên nhân rất quan trọng khiến bà bầu bị đau khớp do xảy ra hiện tượng giảm lưu lượng máu lưu thông, tăng áp lực lên khớp xương và mô mềm. Phụ nữ mang thai cần tránh duy trì tư thế tĩnh quá lâu, cần thường xuyên đi lại và vận động để tăng cường sức cơ và giảm áp lực lên khớp xương.Bà bầu cũng nên điều chỉnh lại tư thế chuẩn, tránh lặp lại tư thế sai lâu ngày giúp hạn chế tối đa nguy cơ phát sinh cơn đau khớp.

  • Tư thế ngồi: ngồi đúng tư thế sẽ giúp bà bầu giảm cường độ và tần suất đau khớp, đặc biệt là cơn đau ở thắt lưng. Bà bầu nên ngồi ghế có tựa, ngồi thẳng lưng, giữ vai, hông và tai thẳng hàng. Nếu bà bầu đau nhiều ở vùng xương chậu và thắt lưng thì có thể cuộn một chiếc khăn mỏng đặt giữa thắt lưng và lưng ghế, giúp làm giảm áp lực và giảm đau hiệu quả. Nên thường xuyên thay đổi tư thế ngồi, có thể đứng dậy và đi lại nhẹ nhàng.
  • Tư thế nằm: ngủ đúng tư thế sẽ giúp bà bầu giảm căng thẳng cho hệ xương khớp, đặc biệt là giảm gánh nặng lên cột sống, từ đó làm giảm nguy cơ chèn ép dây thần kinh, hạn chế căng cơ, giảm đau nhức. Bà bầu nên nằm ngửa hoặc nằm nghiêng, không nên nằm sấp khi ngủ. Nếu ngủ ở tư thế nằm nghiêng, thai phụ có thể đặt một chiếc gối vào vị trí giữa hai đầu gối và dọc theo thân người, giúp nâng đầu gối cao bằng hông, nâng đỡ cánh tay trên, duy trì đường cong tự nhiên của cột sống, giúp phòng ngừa và giảm đau nhức khớp. Thai phụ có thể cuộn một chiếc khăn nhỏ đặt dưới cổ giúp hỗ trợ nâng đỡ và giảm đau vùng đầu cổ nếu có.

3.6. Vật lý trị liệu giúp giảm đau khớp ở bà bầu

Phụ nữ mang thai cần duy trì thói quen vận động trong suốt thai kỳ để phòng ngừa và hạn chế tình trạng đau nhức xương khớp, ngừa cứng khớp, tăng độ linh hoạt khớp xương và hỗ trợ cho quá trình sinh sản sắp đến. Tùy thuộc vào mức độ và nguyên nhân gây đau khớp ở bà bầu, bác sĩ có thể chỉ định thai phụ tập vật lý trị liệu với các bài tập giãn cơ, chỉnh tư thế, giãn cột sống thắt lưng và các bài tập vật lý trị liệu giúp tăng cường sức mạnh, cải thiện phạm vi chuyển động.

Lưu ý, để đảm bảo an toàn, các thai phụ cần tập luyện đúng theo hướng dẫn của chuyên gia vật lý trị liệu, không tự ý luyện tập hoặc thực hiện các động tác gắng sức, tránh gây ra hậu quả xấu cho thai nhi.

Bà bầu bị đau khớp là tình trạng bệnh lý thường gặp, bệnh thường không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu nguyên nhân xuất phát từ bệnh lý thì bà bầu cũng cần chú ý. Theo đó, mẹ bầu nên đến các trung tâm y tế chuyên khoa để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị khi cần thiết, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

41.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan