Khi nào cần phẫu thuật thay khớp vai?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi- Bác sĩ Chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Phẫu thuật thay khớp vai được cân nhắc tiến hành khi bị thoái hóa khớp vai nặng, ảnh hưởng đến khả năng vận động thực hiện động tác và gây phiền toái cho bệnh nhân trong cuộc sống. Lúc này phẫu thuật thay khớp vai sẽ là giải pháp tối ưu nhất.

1. Nguyên nhân cần thực hiện phẫu thuật thay khớp vai

Tình trạng thoái hóa khớp vai kéo dài dẫn đến khớp bị hư hỏng nặng, gây phiền toái cho bệnh nhân trong cuộc sống chủ yếu là cảm giác khó chịu do đau. Có hai nguyên nhân chính làm hỏng khớp vai là: thoái hóa khớp vai hay còn gọi là hư khớp và gãy xương phức tạp vùng đầu trên xương cánh tay.

Thoái hóa khớp vai có hai loại là: Thoái hóa khớp vai nguyên phát (thường do yếu tố tuổi tác) và thoái hóa khớp vai thứ phát (do bệnh lý như sau chấn thương, viêm khớp dạng thấp...), trong đó thường gặp hơn là các tổn thương thoái hóa khớp vai thứ phát.

  • Hầu hết tổn thương thoái hóa khớp vai xảy ra sau một chấn thương.
  • Nếu khớp vai bị thoái hóa mức độ nặng mà không còn khả năng kiểm soát được các cơn đau, hoặc khớp vai không thể sử dụng được trong công việc hàng ngày, bệnh nhân có thể được bác sĩ khuyên thay khớp vai.

Gãy xương phức tạp vùng đầu trên xương cánh tay mà cụ thể là gãy cổ và chỏm xương cánh tay cũng được cân nhắc thay khớp vai. Theo tác giả Neer đưa ra phân độ gãy xương vùng này từ độ I đến độ IV theo mức độ nặng tăng dần, trong đó về cơ bản là dựa vào số mảnh gãy để đưa ra tiên lượng về khả năng can thiệp. Vì vậy, với tổn thương Neer IV, chỉ định thay khớp vai được cân nhắc.

thoái hóa khớp vai
Thoái hóa khớp vai là nguyên nhân cần thực hiện phẫu thuật thay khớp vai

2. Các bước thực hiện phẫu thuật thay khớp vai

Một trong những điều rất quan trọng đối với bệnh nhân khi tham gia vào bất kỳ cuộc can thiệp phẫu thuật nào, đó là cần phải biết phẫu thuật đó được thực hiện như thế nào. Hiểu rõ điều này sẽ giúp cho bệnh nhân yên tâm và có thể phối hợp tốt hơn với bác sĩ điều trị trong suốt quá trình cả trước, trong và sau phẫu thuật.

  • Bệnh nhân được gây mê và gây tê vai và cánh tay để giảm đau kéo dài sau mổ.
  • Vào khớp vai bằng một vết rạch trên mặt trước của vai: rạch da, tách cơ Delta, vén cơ, thần kinh mạch máu sang 1 bên.
  • Bác sĩ phẫu thuật xâm nhập vào khớp vai bằng cách cắt vào bao khớp. Điều này cho phép bác sĩ nhìn thấy được khớp.
  • Phần chỏm xương cánh tay được lấy ra bằng một cái cưa xương. Sau đó tiến hành giữa lòng tủy xương cánh tay để chọn kích thước dụng cụ nhân tạo được đặt vào xương cánh tay. Tiếp theo tiến hành mài bỏ phần sụn hư của ổ chảo xương cánh tay và khoan lỗ thích hợp để đặt phần ổ chảo nhân tạo.
  • Cuối cùng, phần xương cánh tay và ổ chảo được đặt vào và chỏm khớp được nối vào.
  • Bác sĩ phẫu thuật sẽ kiểm tra độ vừa vặn. Khi bác sĩ phẫu thuật hài lòng với độ vừa khít, bao khớp sẽ được khâu lại với nhau. Các cơ được sau đó trả về vị trí chính xác, và da cũng được khâu lại.


Việc cần làm sau phẫu thuật thay khớp vai:

  • Bệnh nhân sẽ được các bác sĩ hướng dẫn tập phục hồi chức năng ngay sau khi về buồng bệnh.
  • Các bài tập đầu tiên sẽ tập trung vào việc kiểm soát đau và sưng nề.
  • Sau đó các bài tập khó hơn sẽ được thực hiện để tăng cường sức mạnh và biên độ vận động của khớp vai.
  • Khi biên độ vận động và sức mạnh khớp vai được cải thiện tốt, bệnh nhân có thể dần dần trở lại hoạt động bình thường.
  • Lý tưởng nhất, bệnh nhân có thể làm hầu như tất cả mọi việc như đã từng làm trước kia.
  • Tuy nhiên, các bác sĩ thường vẫn dặn bệnh nhân cần phải tránh các hoạt động mạnh hoặc có tính chất lặp lại liên tục lên khớp vai.

Như vậy, phẫu thuật thay khớp vai nên được thực hiện khi hư khớp nặng nề, ảnh hưởng đến chức năng của khớp và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Ngoài những yếu tố tổn thương thực thể tại khớp, tương tự như các phẫu thuật thay khớp khác, việc quyết định phẫu thuật dựa trên đánh giá về chuyên môn của bác sĩ và nguyện vọng, mong muốn của bệnh nhân để có được quyết định phù hợp nhất.

khớp vai
Bác sĩ hướng dẫn tập phục hồi chức năng giúp bệnh nhân có thể dần dần trở lại hoạt động bình thường

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan