Làm gì khi 2 chân dài không đều nhau?

Tình trạng hai chân không đều nhau có thể là do bạn đang mắc phải một bệnh lý nghiêm trọng nhưng đa số là do nguyên nhân bị chấn thương khiến cho xương chân bị còi đi hoặc phát triển không đều. Khi 2 chân không đều nhau sẽ ảnh hưởng không nhỏ sinh hoạt hàng ngày. Cách khắc phục sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân và tình trạng sức khỏe của người bệnh như phẫu thuật kéo dài chân, đi giày chỉnh hình,...

1. Nguyên nhân khiến 2 chân dài không đều nhau

1.1 Chấn thương do gãy chân

Nếu bị gãy xương chân ở một bên thì có thể dẫn tới sự phát triển chênh lệch của khung xương khiến cho hai chân dài không đều nhau. Khi vùng xương bị gãy thành nhiều mảnh hoặc các mô cơ bị tổn hại thì tình trạng lệch giữa hai chân sẽ trở nặng hơn. Một điều đặc biệt hơn là khi xương bị gãy không có nghĩa là sẽ làm xương của bạn kém phát triển đi mà vẫn có thể phát triển lớn bất thường trong quá trình chữa lành, điều này cũng làm cho 2 chân dài không đều nhau.

1.2 Chấn thương do chơi thể thao

Trẻ em là đối tượng đặc biệt có rủi ro cao bị kìm hãm sự phát triển của các chi nếu gặp chấn thương trong lúc chơi thể thao. Ở trẻ nhỏ khi gặp tình trạng chấn thương sẽ làm sụn tăng trưởng phát triển thành xương cứng, khi đến tuổi trưởng thành khiến cho trẻ chậm phát triển. Những môn thể thao có thể khiến cho xương chân của trẻ dễ bị chấn thương dẫn tới còi cọc hoặc làm 2 chân dài không đều nhau, đặc biệt là chấn thương trong bóng đá, trượt tuyết, trượt ván,...

chân dài chân ngắn
Chấn thương do chơi thể thao có thể dẫn tới chân dài chân ngắn

1.3 Hoạt động chân tay quá mức

Khi chơi thể thao, cần lưu ý không nên lạm dụng việc sử dụng tay và chân quá mức, bởi vì điều này có thể gây căng thẳng mãn tính. Ví dụ như bạn chơi môn quần vợt hay môn nhảy sào chỉ sử dụng một bên cánh tay hoặc một bên chân là chủ yếu. Những môn thể thao này có thể khiến cho bạn bị bong gân hoặc trật khớp vai và gây ra tình trạng hai chân hoặc hai tay dài không đều nhau. Thói quen chơi thể thao là tốt nhưng cần phải thay đổi thói quen chơi các môn thể thao thường xuyên để phòng ngừa chấn thương tránh một bên chân hoặc một bên tay hoạt động quá mức.

1.4 Té ngã dẫn tới chấn thương

Khi chơi những trò chơi mạo hiểm sẽ dễ bị té ngã và làm tổn thương xương chân dẫn tới hai chân dài không đều nhau, chân dài chân ngắn. Những trò chơi mạo hiểm có nhiều rủi ro khiến cho bạn gặp những tình trạng nguy hiểm, ví dụ như nhảy cao, chơi đu dây, leo núi,... Nếu tình trạng chấn thương nặng hơn, bạn còn có thể gặp chấn thương cột sống nghiêm trọng ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe.

1.5 Tư thế ngồi không đúng

Khi ngồi không đúng tư thế có thể gây ra tình trạng cong vẹo cột sống và làm cho xương ở một bên chân bị lệch dẫn tới tình trạng chân dài chân ngắn. Tình trạng này không làm tổn thương hay ảnh hưởng tới sự phát triển cũng như biến dạng xương người. Do vậy, khi tập thể dục và rèn luyện tư thế ngồi đúng cách sẽ giúp chỉnh lại dáng người và hình dạng của chân mà không cần phải điều trị.

1.6 Bệnh tật làm ảnh hưởng xương

Một số tình trạng bệnh có thể làm ảnh hưởng đến sự phát triển của xương, ví dụ như xương có xuất hiện các khối u hoặc sụn xương phát triển quá mức. Các bệnh có tác động đến hệ thần kinh trung ương cũng có thể làm kìm hãm sự phát triển của xương và dẫn tới tình trạng chân dài chân ngắn.

chân dài chân ngắn
Khi ngồi không đúng tư thế có thể gây ra tình trạng cong vẹo cột sống

2. Cách khắc phục chân dài chân ngắn

Hai chân dài không đều nhau ảnh hưởng không nhỏ tới việc sinh hoạt của người bệnh, đặc biệt là trong việc di chuyển. Biện pháp khắc phục chân dài chân ngắn sẽ phụ thuộc vào tình trạng của bệnh nhân cũng như nguyên nhân dẫn tới 2 chân dài không đều nhau. Tuy nhiên, một số cách khắc phục chân dài chân ngắn có thể được thực hiện bao gồm:

  • Phẫu thuật kéo dài chân: chỉ được thực hiện khi tình trạng kích thước của xương chậu và các cơ ở cẳng chân và đùi,... bình thường.
  • Đi giày chỉnh hình: phù hợp với những trường hợp có bất thường về kích thước xương chậu, cũng như các cơ quan khác. Bác sĩ sẽ đo độ lệch giữa hai chân sau đó thiết kê thêm đế cho phần giày của chân ngắn hơn. Từ đó sẽ cải thiện được dáng đi của người bệnh.

Tóm lại, nguyên nhân hai chân không đều nhau có thể là do bạn đang mắc phải một bệnh lý nghiêm trọng, nhưng đa số là do nguyên nhân bị chấn thương khiến cho xương chân bị còi đi hoặc phát triển không đều. Khi 2 chân không đều nhau sẽ ảnh hưởng không nhỏ sinh hoạt hàng ngày. Cách khắc phục sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân và tình trạng sức khỏe của người bệnh như phẫu thuật kéo dài chân, đi giày chỉnh hình,... Sau chấn thương khi thấy hai chân không đều nhau bạn cần tới ngay cơ sở y tế để được thăm khám và có biện pháp khắc phục phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

25.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan