Nguy cơ gãy xương do loãng xương

Hiện nay, loãng xương là một trong những bệnh có tần suất xuất hiện cao tương đương với các bệnh về tim mạch và ung thư. Loãng xương thường tiến triển âm thầm nhưng hậu quả để lại vô cùng nghiêm trọng như gãy xương do loãng xương, nặng hơn có thể khiến người bệnh tàn tật, giảm tuổi thọ,...

1. Loãng xương là gì?

Loãng xương là bệnh lý làm giảm mật độ xương (khối lượng xương trên một đơn vị thể tích), kèm theo suy giảm cấu trúc xương. Loãng xương khiến xương mỏng, yếu dần, dễ bị tổn thương và lâu dần sẽ dẫn đến gãy xương dù chỉ bởi chấn thương nhỏ. Tình trạng loãng xương thường xảy ra ở thắt lưng, cổ tay, cột sống lưng và khớp háng.

Loãng xương được chia thành 2 loại là loãng xương thứ phát và nguyên phát. Loãng xương nguyên phát thường gặp ở người cao tuổi và phụ nữ sau mãn kinh. Loãng xương thứ phát chủ yếu liên quan đến một số bệnh mạn tính hoặc do sử dụng một số loại thuốc,... Các vị trí gãy xương trong loãng xương nguyên phát và thứ phát thường tương tự nhau.

Ngoài những trường hợp có nguy cơ cao kể trên thì những người hay hút thuốc, sử dụng rượu bia, ăn kiêng thiếu canxi, hoặc ít vận động thể thao cũng dễ khiến xương mỏng, yếu và dẫn đến gãy xương. Tỷ lệ mắc bệnh loãng xương cũng thường gặp ở các trường hợp mắc các bệnh lý như: bệnh phổi mãn tính, phì đại tuyến giáp, phì đại tuyến cận giáp, ung thư, viêm ruột, bệnh thận hoặc gan mãn tính, cơ thể không hấp thụ đủ vitamin D, bệnh tiểu đường, xơ cứng bì, viêm khớp dạng thấp... Ngoài ra, những người bệnh đang sử dụng thuốc điều trị tuyến giáp, thuốc chống động kinh, thuốc ức chế miễn dịch, thuốc ức chế hormone sinh dục,... cũng là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh loãng xương và khiến xương bị gãy.

2. Nguy cơ gãy xương cao do loãng xương

Từ lâu loãng xương đã là một bệnh lý khá phổ biến và được quan tâm, nhưng có nhiều người bệnh vẫn chưa biết loãng xương gây hậu quả gì.

Theo một nghiên cứu khoa học tại Mỹ, có khoảng 10 triệu người trên 50 tuổi (trong đó 8 triệu là phụ nữ và 2 triệu người là đàn ông) được chẩn đoán y khoa là mắc bệnh loãng xương. Ngoài ra, còn có khoảng 34 triệu người có khối lượng xương thấp, mật độ chất xương thưa. Ở những người này thì gãy xương do loãng xương là tai nạn rất dễ xảy ra.

Qua đây có thể thấy tỷ lệ mắc bệnh loãng xương trong cộng đồng hiện đang tăng lên rất cao và đa dạng mọi lựa tuổi chứ không chỉ có ở người già. Tuy nhiên theo Hội Dinh dưỡng thực phẩm TP.HCM, loãng xương sau mãn kinh ở phụ nữ và loãng xương do tuổi cao là 2 nguyên nhân thường gặp nhất. Cơ thể người bệnh thường có các triệu chứng như chiều cao giảm dần theo thời gian, các đốt sống lưng bị gãy lún khiến cơn đau nhức xuất hiện, còng lưng. Đặc biệt, tai nạn gãy xương có thể dễ dàng xảy ra chỉ bởi các cử động thông thường như vặn người hoặc chống tay mạnh.

Gãy xương do loãng xương không chỉ tạo ra những cơn đau mà còn có thể khiến người bệnh bị tàn tật hoặc nặng hơn là tử vong. Để giảm thiểu những hậu quả xấu thì việc nhanh chóng xác định người có nguy cơ bị loãng xương và lên phương án điều trị dự phòng là vô cùng cần thiết.

Nhiều người bệnh gặp tình trạng gãy xương do loãng xương
Nhiều người bệnh gặp tình trạng gãy xương do loãng xương

3. Cách giảm thiểu nguy cơ gãy xương do loãng xương

Mục tiêu hàng đầu khi điều trị loãng xương là tránh để xảy ra gãy xương. Để đạt được điều này, người bệnh nên áp dụng:

  • Phương pháp không dùng thuốc: Tăng cường tập luyện thể dục, thể thao, nhất các môn về sức mạnh cơ bắp và các bài tập sức bền. Đồng thời, bệnh nhân nên bổ sung nhiều thực phẩm giàu canxi tốt cho xương và hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, caffeine,...
  • Phương pháp dùng thuốc: Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ về loại thuốc và liều lượng trước khi sử dụng. Một số loại thuốc giúp hỗ trợ giảm loãng xương bao gồm vitamin D, canxi, nhóm thuốc tăng tạo xương và ức chế hủy xương,...
  • Quan trọng hơn, đối với người cao tuổi nên để nhà đủ ánh sáng nhằm tránh việc mò mẫm đi, toilet phải khô ráo và có tay vịn để tránh trơn trượt, kiểm tra thị lực thường xuyên (cườm, cận thị... ), tránh bị té ngã. Đồng thời, hạn chế lên xuống cầu thang nhiều lần.

Gãy xương luôn là một trong những tai nạn dễ xảy ra nhất ở bệnh nhân loãng xương, nhất là người cao tuổi và phụ nữ sau mãn kinh. Để hạn chế nguy cơ gãy xương do loãng xương mọi người nên cố gắng vận động phù hợp, ăn uống đủ dinh dưỡng và bổ sung khoáng chất khi cần thiết. Đặc biệt, bệnh nhân nên tránh tối đa những chấn thương có thể gây ảnh hưởng làm gãy xương.

Tóm lại, để có được kết quả chính xác thì người bệnh cần đến bệnh viện uy tín để tiến hành thăm khám và điều trị ngay khi có dấu hiệu của loãng xương.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

770 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan