Phẫu thuật kéo cột sống bằng khung Halo

Số trường hợp mắc phải các bệnh về cột sống đang ngày càng tăng vì nhiều nguyên nhân. Trong số nhiều phương pháp điều trị, phẫu thuật kéo cột sống bằng khung Halo đang dần được ứng dụng phổ biến.

1. Tìm hiểu về phương pháp phẫu thuật kéo cột sống bằng khung Halo

Kéo cột sống bằng khung Halo được áp dụng trong các điều trị với nhiều mục đích kể cả trước khi mổ và sau khi mổ. Các bệnh nhân được chỉ định điều trị theo phương pháp này bao gồm:

  • Bệnh nhân có chấn thương cột sống cổ, ví dự như chấn thương cột sống cổ C1 Jefferson, gãy Hangman loại 2, gãy mỏm nha loại 2 hoặc loại 3...
  • Bệnh nhân bị viêm cột sống dính khớp có chấn thương gãy cột sống.

2. Mục đích của phẫu thuật kéo cột sống bằng khung Halo

Khi thiết lập một hệ thống khung Halo trên cơ thể bệnh nhân, cấu trúc đầu – cổ - ngực sẽ được giữ thẳng hàng. Điều này đem lại những ích lợi như:

  • Giữ tổn thương thẳng trên trục;
  • Đem lại cho bệnh nhân cảm giác thoải mái;
  • Các chức năng bình thường như thị lực, nhai nuốt... của bệnh nhân sẽ được duy trì.

Trên thực tế, đã có rất nhiều bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật kéo cột sống và nắn chỉnh cột sống cổ bằng khung Halo, và có hiệu quả rõ rệt. Phương pháp này đã chứng minh được những ưu điểm của mình trong điều trị các chấn thương cột sống cổ.

Tuy nhiên, để đảm bảo thành công, việc ứng dụng hệ thống khung Halo đòi hỏi bác sĩ phải nắm vững các chỉ định và chống chỉ định, các giải phẫu về cột sống cổ cũng như đánh giá cẩn thận tình trạng cột sống cổ.

Phẫu thuật kéo cột sống bằng khung Halo điều trị các chấn thương vùng xương cổ hiệu quả
Phẫu thuật kéo cột sống bằng khung Halo điều trị các chấn thương vùng xương cổ hiệu quả

3. Quy trình kỹ thuật kéo khung Halo

3.1 Tư thế

Người bệnh sẽ được đặt ở tư thế nằm ngửa để kéo khung Halo. Trong một số trường hợp, kỹ thuật này vẫn có thể thực hiện ở tư thế ngồi. Cùng với đó, phần collar (nẹp cổ cứng) phải được giữ nguyên cho đến khi đã hoàn thành cố định trên khung.

3.2 Lắp vòng Halo và găm đinh

  • Xác định cỡ vòng đầu: loại nhỏ có đường kính khoảng 48cm – 58cm, còn loại to có đường kính từ 58cm – 66cm. Các bác sĩ sẽ chọn vòng đầu nhỏ nhất, đảm bảo khoảng cách từ đầu đến vòng phải đạt ít nhất 1cm.
  • Xác định vị trí găm đinh thích hợp và vùng găm đinh sẽ được vệ sinh.
  • Một số vị trí đánh dấu găm đinh ở phía sau và 2 bên đầu có thể phải cạo tóc. Sát khuẩn khu vực này bằng Betadine hoặc cồn.
  • Ở các vị trí găm kim, bác sĩ sẽ gây tê tại chỗ để chọc kim qua lỗ định hướng tại khung Halo. Cần gây tê đến màng xương.
  • Do kĩ thuật này không cần phải rạch da nên sẽ không để lại sẹo tại vùng ghim. Thông thường, khung Halo sẽ được cố định bằng 4 đinh ghim.
  • Sau khi đã giữ vị trí khung Halo cân bằng, cố định đinh vào xương sọ.

3.3 Lắp áo

  • Tương tự như khi chọn vòng Halo, các bác sĩ cũng sẽ chọn cỡ áo phù hợp với bệnh nhân dựa trên chiều cao, đường kính của lồng ngực và áo sẽ nằm dưới mũi ức khoảng 5cm.
  • Cổ được giữ trên 1 đường thẳng, sau đó nghiêng người hoặc nâng cơ thể bệnh nhân để lắp nửa phần áo vào phía sau.
  • Lắp phần áo trước và buộc cố định các thanh dọc trên áo vào hệ thống khung Halo.

3.4 Bình chỉnh cấu trúc

  • Ở mỗi thanh dọc phía sau sẽ được gặp với thanh dọc cùng bên ở phía trước. Cố định cân đối giữa cấu trúc bên phải và bên trái.
  • Siết chặt các mối nối trên thanh nối và áo, đảm bảo cấu trúc không bị làm lỏng.
  • Hoàn thành cố định cấu trúc khung Halo và tháo Collar.

3.5 Theo dõi

Theo dõi sau khi lắp khung Halo

  • Bệnh nhân sẽ được chụp X-Quang để đánh giá đường cong cột sống và độ thẳng hàng của các tổn thương vỡ trong cột sống.
  • Bệnh nhân cũng có thể được yêu cầu ngồi để đánh giá sự thẳng hàng cổ ngực và độ vững của cấu trúc, độ thoải mái của bệnh nhân...

Các theo dõi ngắn

  • Đánh giá – kiểm tra tình trạng lâm sàng và tri giác của bệnh nhân.
  • Chụp X-Quang hoặc chụp CT để đánh giá tình trạng cột sống cổ.

4. Chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật kéo cột sống bằng khung Halo

4.1 Cách chăm sóc hậu phẫu

  • Mỗi tuần cần phải siết lại đinh ghim. Trong trường hợp đinh ghim có dấu hiệu nhiễm khuẩn, cần phải thay đinh ghim mới.
  • Chăm sóc tại vị trí ghim mỗi ngày 2 lần, vệ sinh bằng oxy già và quan sát các bất thường như chảy nước, sưng nề, đỏ... Nếu như có những dấu hiệu này, phải báo cáo ngay với bác sĩ và điều dưỡng để xử trí kịp thời.
Phải siết chặt lại đinh ghim mỗi tuần một lần
Phải siết chặt lại đinh ghim mỗi tuần một lần

4.2 Một số tai biến có thể xảy ra sau khi kéo cột sống bằng khung Halo

  • Đinh ghim quá sâu vào 2 bản xương sọ: thường xảy ra nếu hệ thống khung Halo không có tay vặn vít để kiểm soát lực;
  • Tổn thương mạch máu và hệ thần kinh;
  • Loét da tại vùng tỳ đè 2 vai khi lắp áo;
  • Hệ thống khung Halo bị lệch hoặc không chắc chắn.

Nhìn chung, phẫu thuật kéo cột sống bằng khung Halo là một kỹ thuật mới dùng để điều trị các chấn thương cột sống cổ hiệu quả. Để đảm bảo quá trình hồi phục tổn thương là nhanh nhất, bệnh nhân cần thực hiện cẩn thận các dặn dò và hướng dẫn từ bác sĩ điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan