Tê bì chân tay là dấu hiệu của bệnh gì?

Hỏi

Chào bác sĩ,

Hơn 3 tháng nay tôi bị tình trạng: 2 tay tê bì, các khớp ngón tay bị đau, hiện giờ đang tê lên cánh tay; chân tê bì, bị đau chân khi đi bộ, giờ đang đau lên nửa bắp chân.; thỉnh thoảng chuột rút vùng xương cụt, mấy tháng lại bị một lần; thỉnh thoảng bị hạ canxi (dự đoán), cảm giác đói và bủn rủn tay chân, vã mồ hôi. Kết quả khám tổng quát cách đây 6 tháng của tôi có mỡ máu cao, men gan hơi cao. Tôi đã điều trị và xét nghiệm lại đã khỏi. Tuyến giáp đã phẫu thuật cắt bỏ 1 bên, uống thuốc đều, xét nghiệm bình thường. Bác sĩ cho tôi hỏi, tê bì chân tay là dấu hiệu của bệnh gì?

Nguyễn Thị Tơ (1965)

Trả lời

Được giải đáp bởi Bác sĩ chuyên khoa II Hoàng Thị Hiền - Bác sĩ Đa khoa - Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Chào bạn,

Với câu hỏi “Tê bì chân tay là dấu hiệu của bệnh gì?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:

Thoái hóa khớp là bệnh lý mãn tính về xương khớp thường gặp ở những người trên 40 tuổi, đặc biệt là sau 60 tuổi. Thoái hóa khớp xảy ra khá phổ biến ở những người bước qua độ tuổi trung niên, bệnh gây ra các triệu chứng như đau nhức, cứng khớp ảnh hưởng đến khả năng vận động bình thường. Nghiên cứu y học đã chỉ ra, có đến 80% trường hợp bị thoái hóa khớp gặp khó khăn khi vận động và 25% trường hợp bị mất đi khả năng vận động bình thường.

Đây là tình trạng lớp sụn khớp và đĩa đệm bị thoái hóa, suy yếu dần kèm theo các triệu chứng như viêm, giảm dịch nhầy bôi trơn tại các khớp. Điều này khiến việc cử động của các khớp cũng bị ảnh hưởng, gây ra các triệu chứng đau và cứng khớp. Hầu hết các khớp trong cơ thể đều có nguy cơ bị thoái hóa nhưng thường gặp nhất là các khớp sau đây: Thoái hóa khớp gối; Thoái hóa khớp háng; Thoái hóa khớp ngón tay và bàn tay; Thoái hóa cột sống lưng và cột sống cổ; Thoái hóa khớp vai; Thoái hóa khớp cổ chân.

Nguyên nhân chính dẫn đến thoái hóa khớp là do quá trình lão hóa tự nhiên xảy ra bên trong cơ thể, tuổi tác càng cao thì tình trạng thoái hóa khớp diễn ra càng nặng. Bệnh gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người bệnh, làm suy giảm chất lượng cuộc sống hàng ngày và tốn kém chi phí cho việc điều trị. Thoái hóa khớp cũng có thể là hậu quả của một số bệnh lý xương khớp khác như loãng xương, viêm khớp dạng thấp, nhiễm trùng khớp,...

Các dấu hiệu tê bì tay chân, đau các khớp bàn ngón tay, đau bắp chân, chuột rút như bạn mô tả, có khả năng là thoái hóa khớp tuổi già. Bạn cần được khám các bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp để xác định mức độ tổn thương các khớp cụ thể, được làm các xét nghiệm cơ bản như: Chụp X-Quang; Chụp cộng hưởng từ; Siêu âm khớp; Xét nghiệm máu... Từ đó các bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh và có phác đồ điều trị cụ thể.

Tuy nhiên đang trong đợt giãn cách xã hội, bạn không thể đến các cơ sở y tế để khám bệnh được. Bạn nên điều chỉnh lối sống như:

Giảm cân: Duy trì cân nặng hợp lý (BMI < 23 kg/m2).

Tập thể dục đều đặn: Việc thường xuyên tập thể dục có thể hỗ trợ tăng cường độ linh hoạt cho các cơ xung quanh các khớp, đồng thời giúp khớp ổn định hơn và giảm đau. Vận động với cường độ vừa phải (30 phút/ngày, 5 ngày/tuần) sẽ giúp các khớp dẻo dai, tăng cường các cơ hỗ trợ đầu gối và giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh lý mạn tính.

Đi bộ, tập yoga, đạp xe là môn thể thao tốt cho bệnh nhân thoái hóa khớp. Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc, kiểm soát căng thẳng để giảm nguy cơ gặp phải các vấn đề sức khỏe, bao gồm cả viêm khớp.

Nếu đau các khớp nhiều, bạn có thể sử dụng thuốc giảm đau: Paracetamol: 1g-2g/ ngày hoặc thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) (nếu bạn không có tiền sử bệnh lý về dạ dày). Bạn có thể lựa chọn một trong các thuốc sau: Etoricoxib 30mg-60mg/ngày hoặc Celecoxib 200mg/ngày, hoặc Meloxicam 7,5-15mg/ngày.

Các loại thuốc trên chỉ nên dùng trong tối đa 10 ngày. Sử dụng chúng lâu hơn sẽ làm tăng nguy cơ gặp phải tác dụng phụ. Nếu sau 10 ngày mà thuốc không có tác dụng, bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn chi tiết.

Nếu bạn còn thắc mắc về tê bì chân tay, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm bạn nhé. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.

Trân trọng!

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

420 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan