Thai 31 tuần bị rau tiền đạo bám thấp phải làm sao?

Hỏi

Chào bác sĩ,

Vợ em mang thai đến thời điểm hiện tại là được 31 tuần, dự kiến sinh là 10 tháng 05 năm 2021. Khi mang thai tuần thì trước tuần 24 siêu âm bác sĩ bảo bình thường. Đến tuần thứ 25 thì vợ em bị ra huyết nâu đỏ, vợ em điều trị ở bệnh viện 2 tuần. Sau khi về nhà nghỉ ngơi và đến tuần thứ 29 đi siêu âm bác sĩ bảo bị rau tiền đạo bám thấp. Đến tuần 31 thì bác sĩ bảo bị rau tiền đạo trung tâm. Vậy bác sĩ cho em hỏi thai 31 tuần bị rau tiền đạo bám thấp phải làm sao? Em cảm ơn bác sĩ.

Khách hàng ẩn danh

Trả lời

Được giải đáp bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trần Thị Thu Hà - Bác sĩ Sản Phụ Khoa - Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Chào bạn,

Với câu hỏi “Thai 31 tuần bị rau tiền đạo bám thấp phải làm sao?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:

Bình thường rau thai bám mặt trước (phía trước thành tử cung), mặt sau (phía sau thành tử cung), phía trên thành tử cung, bên phải hoặc bên trái tử cung. Còn rau tiền đạo là hiện tượng rau thai nằm ở vị trí thấp nhất của tử cung và che mất một phần hoặc toàn bộ cổ tử cung, có thể gây xuất huyết trong thai kỳ.

Biểu hiện của rau tiền đạo: Xuất huyết âm đạo bất thường (máu màu đỏ tươi) không gây đau đớn trong nửa sau của thai kỳ. Xuất huyết dao động từ nhẹ đến nặng, có thể ít hoặc nhiều. Xuất huyết có thể tự hết mà không cần điều trị. Tuy nhiên, có thể tái phát sau vài ngày hoặc vài tuần. Một số thai phụ có rau tiền đạo có thể phải đối mặt với các cơn co thắt đi kèm với xuất huyết,... Tùy thuộc mức độ chảy máu, thời điểm chảy máu của rau tiền đạo mà có thể ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ và thai.

Đối với những trường hợp rau tiền đạo ra máu nhiều đợt làm cho thai phụ thiếu máu, nhiễm khuẩn, dẫn đến nhiều nguy cơ trong cuộc đẻ. Những trường hợp ra máu nghiêm trọng, có thể đe dọa đến tính mạng thai phụ buộc các bác sĩ phải mổ cấp cứu.

Mẹ bị chảy máu nhiều gây thiếu máu nên thai nhi dễ bị suy dinh dưỡng, suy thai. Mẹ bị ra huyết nhiều buộc bác sĩ phải mổ lấy thai sớm để cứu mẹ nên có thể mổ khi thai nhi chưa đủ tháng. Do đó, khả năng thai bị non tháng là rất cao, dẫn đến bé sinh ra dễ bị suy hô hấp, hoặc vì sinh non có thể tử vong. Do bánh rau nằm ở phần dưới cổ tử cung làm thai nhi khó xoay đầu để di chuyển ra ngoài khi chuyển dạ nên dễ dẫn đến ngôi thai ngược, ngôi thai bất thường như ngôi mông hay ngôi nằm ngang,...

Do đó, nếu thai phụ bị chảy máu âm đạo khi mang thai bất thường trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối thai kỳ, hãy đến bác sĩ ngay lập tức. Trường hợp chảy máu nặng, cần phải được cấp cứu ngay Trường hợp của mình thai 31 tuần, nếu được các bác sĩ chẩn đoán rau tiền đạo trung tâm thì mình nên có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế vận động nặng,... và khám thai cẩn thận theo lịch hẹn của bác sĩ chuyên khoa sản. Khi có dấu hiệu bất thường như đau bụng hoặc không đau mà chỉ ra máu, thai cử động ít,... nên đi ngay đến bệnh viện.

Nếu bạn còn thắc mắc về thai 31 tuần bị rau tiền đạo bám thấp, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.

Trân trọng!

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

798 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan