Các thuốc điều trị bệnh bạch hầu

Bạch hầu là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng bệnh nhân. Do đó, phát hiện và điều trị bệnh sớm có ý nghĩa quyết định đối với hiệu quả trị liệu. Hiện đã có thuốc điều trị bệnh bạch hầu, giúp kiểm soát bệnh sớm và ngăn ngừa biến chứng.

1. Sơ lược về bệnh bạch hầu

Bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây ra bởi vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae. Vi khuẩn tiết độc tố, ức chế sự tổng hợp protein, gây hủy hoại các mô tại chỗ, tạo màng giả dày màu trắng xám ở mũi, lưỡi, họng và thanh khí quản. Độc tố này được hấp thu vào máu, đi tới khắp các cơ quan trong cơ thể, có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như: Viêm cơ tim, liệt cơ, tổn thương thần kinh,...

Người nhiễm vi khuẩn bạch hầu sẽ có thời gian ủ bệnh (nhiễm khuẩn nhưng chưa biểu hiện bệnh) trong 2 - 5 ngày. Các triệu chứng điển hình của bệnh là viêm họng. Vi khuẩn bạch hầu sẽ tạo lớp màng giả màu trắng trong họng, amidan, lưỡi, khẩu cái mềm. Nếu không điều trị, màng bám sẽ lan xuống vùng thanh quản, gây khó thở, khàn giọng, ho. Lớp màng giả này còn có thể làm tắc đường thở và gây tử vong. Bên cạnh đó là những biến chứng nguy hiểm kể trên.

Hiện nay tuy đã có thuốc điều trị bệnh bạch hầu nhưng trong giai đoạn tiến triển bệnh vẫn có thể gây hại cho thận, tim và hệ thần kinh của bệnh nhân. Ngay cả khi điều trị, bệnh vẫn có tỷ lệ tử vong 3% (tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn ở trẻ em dưới 15 tuổi).

2. Các loại thuốc điều trị bệnh bạch hầu

Theo phác đồ điều trị bệnh bạch hầu Bộ Y tế, cần tuân thủ các nguyên tắc điều trị bệnh và sử dụng các loại thuốc phù hợp. Cụ thể:

2.1 Nguyên tắc điều trị bệnh bạch hầu

Cách điều trị bệnh bạch hầu là:

  • Phát hiện bệnh sớm và cách ly ngay khi phát hiện ca bệnh;
  • Sử dụng kháng độc tố bạch hầu (SAD) và kháng sinh (penicillin G, erythromycin, azithromycin) ngay để ngăn chặn biến chứng, giảm tỷ lệ tử vong;
  • Theo dõi, phát hiện sớm, xử lý nhanh các biến chứng;
  • Chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân.

2.2 Sử dụng các loại thuốc điều trị bệnh bạch hầu

Dùng huyết thanh kháng độc tố bạch hầu (SAD)

Thuốc này được sử dụng ngay khi nghi ngờ mắc bệnh. Liều dùng thuốc phụ thuộc vào mức độ nặng/nhẹ của bệnh (không phụ thuộc vào độ tuổi hay cân nặng). Nên test trước khi tiêm, nếu dương tính thì sử dụng phương pháp giải mẫn cảm - Besredka.

Liều dùng như sau:

  • Bạch hầu hầu họng hoặc thanh quản trong 2 ngày đầu: Dùng liều 20.000 - 40.000 UI;
  • Bạch hầu mũi họng: Dùng liều 40.000 - 60.000 UI;
  • Bạch hầu ác tính: Dùng liều 80.000 - 100.000 UI.

Với trường hợp mắc bạch hầu nặng, có thể xem xét truyền tĩnh mạch SAD, nên theo dõi sát các dấu hiệu phản vệ, chuẩn bị sẵn sàng để cấp cứu phản vệ nếu xảy ra. Cách truyền là: Pha toàn bộ SAD trong 350 - 500ml nước muối 0,9%, truyền tĩnh mạch chậm trong 24 giờ.

Phương pháp Besredka như sau:

  • Tiêm 0,1ml huyết thanh bạch hầu, đợi 15 phút. Nếu người bệnh không có phản ứng thì tiêm thêm 0,25ml huyết thanh bạch hầu. Nếu bệnh nhân vẫn không có phản ứng sau 15 phút thì thực hiện tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch với phần còn lại;
  • Nếu người bệnh có biểu hiện nhạy cảm khi thử phản ứng thì không nên sử dụng toàn bộ liều. Thực hiện giải mẫn cảm theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Dùng kháng sinh

Liều dùng các loại thuốc kháng sinh điều trị bệnh bạch hầu như sau:

  • Penicillin G: Dùng liều 50.000 - 100.000 đơn vị/kg/ngày, chia 2 lần. Nên tiêm bắp 14 ngày cho tới khi hết giả mạc;
  • Erythromycin đường uống: Trẻ em dùng liều 30 - 50mg/kg/ngày; người lớn dùng liều 500mg/lần x 4 lần/ngày. Nên dùng thuốc 14 ngày cho tới khi hết giả mạc;
  • Azithromycin: Trẻ em dùng liều 10 - 12mg/kg/ngày, người lớn dùng liều 500mg/ngày x 14 ngày.

Các điều trị khác

Ngoài việc sử dụng thuốc điều trị bệnh bạch hầu, người bệnh còn được áp dụng các phương pháp điều trị khác nếu cần như:

  • Hỗ trợ hô hấp: Làm thông thoáng đường thở (nếu bệnh nhân bị khó thở thanh quản độ II thì cần mở khí quản để thông thoáng đường thở). Nên sử dụng oxy liệu pháp sớm nếu có suy hô hấp. Nếu không đáp ứng với oxy thì có thể thở máy không xâm nhập hoặc xâm nhập tùy mức độ với những trường hợp có suy hô hấp;
  • Hỗ trợ tuần hoàn: Cung cấp đầy đủ nước điện giải theo nhu cầu của người bệnh (có tính đến bù trừ nếu bị nôn ói, khó thở, sốt cao,...). Trong trường hợp người bệnh có sốc sau bù dịch đủ thì nên dùng thuốc vận mạch để đảm bảo huyết áp trung bình ≥ 65mmHg và Lactat máu < 2 mmol/l. Đồng thời, cần đánh giá quá tải dịch;
  • Cân bằng điện giải;
  • Nếu người bệnh có rối loạn nhịp tim thì có thể sử dụng máy tạo nhịp tim tạm thời Pacemaker ngoài da hoặc qua đường tĩnh mạch cảnh;
  • Với bệnh nhân viêm cơ tim điều trị theo phác đồ viêm cơ tim. Nếu viêm cơ tim nặng hoặc có sốc tim không đáp ứng với trợ tim thì có thể dùng ECMO V-A cho người bệnh nếu có điều kiện;
  • Người bị suy đa tạng và suy thận có thể lọc máu liên tục nếu có chỉ định;
  • Có thể dùng thuốc corticoid trong trường hợp bạch hầu ác tính và bạch hầu thanh quản có biểu hiện phù nề nhiều;
  • Đảm bảo dinh dưỡng cho bệnh nhân theo đường tĩnh mạch hoàn toàn hoặc kết hợp qua đường tiêu hóa tùy từng trường hợp cụ thể.

Người bệnh được xuất viện và theo dõi điều trị khi: Ổn định sau 2 - 3 tuần điều trị; soi cấy 2 lần âm tính, không biến chứng; tiêm phòng bạch hầu sau khi xuất viện và kết hợp theo dõi ngoại trú đủ 60 - 70 ngày.

Hiện có thuốc điều trị bệnh bạch hầu đặc hiệu nên có thể trị bệnh hiệu quả. Điều quan trọng là người bệnh cần phối hợp chặt chẽ với bác sĩ trong quá trình điều trị, không được ngưng chữa bệnh giữa chừng, vì có nguy cơ tử vong rất cao. Người bệnh xuất viện khi chưa khỏi bệnh sẽ trở thành nguồn lây đặc biệt nguy hiểm cho cộng đồng. Do đó, bệnh nhân phải tuyệt đối tuân thủ mọi hướng dẫn của bác sĩ khi điều trị bệnh. Điều đó sẽ giúp bảo vệ sức khỏe, ngăn ngừa biến chứng cho người bệnh và những người xung quanh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan