Cách dùng thuốc chữa thận yếu

Thận yếu là một thuật ngữ được sử dụng trong Y học cổ truyền chỉ tình trạng suy giảm hoạt động chức năng thận. Thận yếu ảnh hưởng đến sức khỏe và có thể để lại nhiều hệ lụy nguy hiểm cho bệnh nhân. Vậy yếu thận uống thuốc gì? Các phương pháp điều trị thận yếu sẽ được đề cập trong bài viết sau đây.

1. Thận yếu là gì?

Thận đảm nhận nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể như lọc máu, điều hòa thể tích máu và huyết áp. Thận yếu là tình trạng thận bị suy giảm chức năng hoạt động và có thể gây ra nhiều biến chứng. Thận yếu đến một lúc nào đó có thể dẫn đến suy thận mạn, buộc phải thay thế thận để duy trì sự sống, điều này ít nhiều ảnh hưởng tới cuộc sống của người bệnh.

Thận yếu thường phát triển âm thầm với các dấu hiệu ban đầu khá mờ nhạt khiến người bệnh khó phát hiện cho đến khi bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày. Một số triệu chứng của thận yếu là:

  • Tiểu nhiều: Tiểu nhiều, tiểu đêm nhiều lần là dấu hiệu thường gặp khi thận yếu. Điều này có thể giải thích do chức năng thận giảm làm ảnh hưởng đến việc lọc nước tiểu, khiến tần suất tiểu đêm tăng hơn bình thường. Ngoài ra, bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng tiết niệu khác như tiểu rát hay màu sắc nước tiểu bất thường.
  • Thiếu máu, suy nhược cơ thể: Thận sản xuất ra hormon Erythropoietin có vai trò kích thích việc sản xuất hồng cầu. Do đó, khi thận yếu, việc sản xuất hormon này suy giảm, bệnh nhân thường bị thiếu máu, mệt mỏi, suy nhược.
  • Phù nề: Đây là triệu chứng thường gặp trong bệnh lý thận yếu, nhất là khi bệnh nhân suy thận mạn.
  • Chức năng sinh lý suy giảm: Từ xa xưa, Y học cổ truyền đã cho rằng thận yếu làm ảnh hưởng đến chức năng sinh lý của nam giới. Thực tế, thận và tuyến thượng thận liên quan đến việc sản xuất các hormon sinh dục nam và nữ. Vì vậy, bệnh nhân thận yếu có thể gặp các triệu chứng như rối loạn cương dương hay xuất tinh sớm, làm ảnh hưởng chất lượng cuộc sống.
  • Đau vùng hông lưng: Bệnh nhân thận yếu thường than phiền về triệu chứng đau vùng hông lưng, đôi khi nhầm lẫn là bệnh lý xương khớp.

2. Các loại thuốc chữa thận yếu

Các loại thuốc trị thận yếu tiểu nhiều được chỉ định tùy vào bệnh lý cụ thể, thể trạng, chức năng thận,... của bệnh nhân.

Các loại thuốc chữa thận yếu bao gồm:

  • Thuốc lợi tiểu: Các loại thuốc lợi tiểu như Thiazid, Furosemid,... sẽ được chỉ định trong một số trường hợp thận yếu nhằm kích thích quá trình thải độc qua đường tiểu.
  • Thuốc điều trị thiếu máu: Người bị thận yếu thường thiếu máu, giảm lưu lượng máu trong cơ thể và có thể để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, bệnh nhân thiếu máu cần được bổ sung các nguyên liệu tạo máu như sắt, acid folic tùy thuộc nguyên nhân thiếu máu. Đối với thiếu máu nặng, bác sĩ sẽ chỉ định truyền máu cho bệnh nhân. Trong một số trường hợp, việc bổ sung hormon Erythropoietin có thể được đặt ra để kích thích sản xuất hồng cầu.
  • Thuốc chống tăng huyết áp: Tăng huyết áp thường có mối liên quan với bệnh thận yếu. Do đó, bệnh nhân thận yếu cần kiểm tra huyết áp thường xuyên, nếu huyết áp tăng thì cần được điều chỉnh với các loại thuốc hạ huyết áp. Việc ổn định huyết áp có vai trò quan trọng trong việc điều trị thận yếu cho bệnh nhân.
  • Thuốc kiểm soát kali máu: Suy thận có thể dẫn đến tình trạng tích tụ nhiều kali trong máu, ảnh hưởng đến nhịp tim (loạn nhịp tim) hay yếu cơ. Vì vậy, cần kiểm soát và ổn định nồng độ kali trong máu ở bệnh nhân yếu thận.
  • Thuốc hỗ trợ rối loạn calci và phospho: Thận yếu có thể làm ảnh hưởng đến quá trình hấp thu calci, phospho. Việc thiếu calci và phospho làm ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều cơ quan, trong đó có hệ xương khớp. Do đó, bệnh nhân rối loạn calci, phospho cần được điều trị hỗ trợ để tránh ảnh hưởng hoạt động của cơ thể.
  • Thuốc cân bằng Acid uric: Sự suy giảm chức năng thận khiến cho việc đào thải các chất bị ảnh hưởng. Thận yếu là một trong những nguyên nhân làm tăng acid uric máu và có thể dẫn đến bệnh Gout. Bệnh nhân có nồng độ acid uric trong máu cao bất thường cần được điều chỉnh để tránh các biến chứng nguy hiểm.
  • Thuốc điều trị đặc hiệu: Viêm cầu thận cấp, hội chứng thận hư,... có thể cần đến các loại thuốc đặc trị như Corticoid (Prednisolone, Methylprednisolone,...); thuốc ức chế miễn dịch.

3. Điều trị thay thế thận

Bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối cần phải điều trị thay thế thận với các phương pháp như:

  • Lọc máu nhân tạo;
  • Thẩm phân phúc mạc;
  • Ghép thận.

4. Các phương pháp hỗ trợ khác

Bên cạnh các điều trị đặc hiệu, điều trị triệu chứng, bệnh nhân cần thực hiện chế độ nghỉ ngơi, luyện tập phù hợp cũng như có chế độ dinh dưỡng hợp lý như sau:

  • Tránh ăn mặn: Giảm lượng muối trong khẩu phần ăn hàng ngày, hạn chế sử dụng các thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh,...
  • Sử dụng thực phẩm ít kali: Bệnh nhân suy thận phù hợp với các thực phẩm chứa ít kali như táo, dâu tây, bắp cải, đậu xanh, cà rốt. Nên hạn chế sử dụng các loại thực phẩm giàu kali như chuối, nho, cam, cà chua,...
  • Hạn chế lượng protein trong khẩu phần ăn: Bệnh nhân suy thận cần đảm bảo lượng protein phù hợp, tránh tiêu thụ quá nhiều protiein khiến cho thận phải làm việc quá tải.
  • Hạn chế photpho: Bệnh nhân suy thận cần hạn chế các thức ăn chứa nhiều photpho để tránh ảnh hưởng đến sức khoẻ.
  • Tránh sử dụng các chất kích thích: Cà phê, rượu, bia hay các thức uống có cồn khác,... đều tăng gánh nặng cho thận. Vì vậy, cần tránh các loại thức uống này.
  • Chế độ nghỉ ngơi, vận động hợp lý: Bệnh nhân thận yếu nên ngủ đủ giấc, tránh thức khuya. Các bài tập vận động nhẹ nhàng như đi bộ, yoga, thiền, bơi lội,... tốt cho bệnh nhân thận yếu.

5. Thuốc nam có chữa thận yếu được không?

Trong dân gian lưu truyền nhiều bài thuốc chữa thận yếu như:

  • Cỏ mực, đậu đen: Theo Y học cổ truyền, cỏ mực và đậu đen là những thảo dược có công dụng bổ thận, tráng dương, tăng đào thải độc tố của thận.
  • Bồ công anh: Bồ công anh có tính bình, thanh nhiệt, giải độc, nên đã được dân gian sử dụng như một vị thuốc nam chữa thận yếu mức độ nhẹ.
  • Cây nhân trần: Nhân trần được cho là tốt đối với thận vì chứa các hoạt chất chống oxy hóa mạnh, ức chế các gốc tự do gây hại.

Tuy nhiên, việc sử dụng các bài thuốc nam điều trị thận yếu vẫn tồn tại nhiều nhược điểm như:

  • Hiệu quả thực sự của các bài thuốc nam trong chữa thận yếu chưa được nghiên cứu đầy đủ.
  • Sử dụng thuốc nam với liều lượng không hợp lý sẽ làm tăng các tác dụng không mong muốn đối với thận cũng như các cơ quan khác.

Tóm lại, thận yếu gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và cuộc sống của người bệnh. Khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ, người bệnh cần đến cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh trường hợp tự ý điều trị vì có thể để lại hậu quả nghiêm trọng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan