Có nên dùng thuốc bôi giảm đau lợi khi mọc răng?

Mọc răng là giai đoạn mà bất kỳ ai cũng phải trải qua. Quá trình mọc răng có thể gây sốt, sưng đau lợi gây ảnh hưởng đến thể trạng và ăn uống sinh hoạt của trẻ. Có thể dùng thuốc giảm đau lợi khi mong răng không? Có nên dùng thuốc bôi giảm đau lợi khi mọc răng không hay dùng thuốc uống sẽ tốt hơn?

1. Hiện tượng mọc răng ở trẻ

Mọc răng là một giai đoạn quan trọng trong các mốc phát triển của trẻ. Trẻ thường bắt đầu mọc răng sữa đầu tiên khi được 6 tháng tuổi. Quá trình này có thể bắt đầu sớm hơn hoặc muộn hơn, thời gian mọc răng cũng có thể ngắn hoặc dài tùy thuộc vào cơ địa và sự phát triển của mỗi trẻ nhưng hầu hết sẽ kết thúc trước 3 tuổi.

Một số dấu hiệu báo trước trẻ chuẩn bị mọc răng:

  • Trẻ bị chảy nước dãi nhiều hơn bình thường, có thể quấy khóc.
  • Đột nhiên thấy trẻ biếng ăn hơn, hay có xu hướng cho tay vào miệng.
  • Sốt: trẻ có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao tùy thuộc vào thể trạng sức khỏe của trẻ, số lượng răng mọc và vị trí mọc. Đôi khi trẻ mọc răng mà không hề có cơn sốt nào.
  • Giấc ngủ của trẻ có thể bị ảnh hưởng do khó chịu ở vùng răng lợi.
  • Khám khoang miệng thấy sưng lợi, có thể thấy chồi răng nhỏ mọc lên theo hướng của nướu, màu trắng. Nếu bố mẹ dùng tay sạch sờ vào sẽ thấy có răng cứng bên dưới lợi.

2. Có nên dùng thuốc bôi giảm đau lợi khi mọc răng không?

Sốt và đau là hiện tượng bình thường xảy ra trong giai đoạn mọc răng của trẻ. Tuy nhiên, tùy số lượng răng, vị trí răng và ngưỡng chịu đau của mỗi bé mà có những trẻ có thể vượt qua giai đoạn này một cách dễ dàng, ngược lại cũng rất nhiều trẻ phải khó chịu bỏ ăn khi mọc răng. Vấn đề đặt ra là thuốc giảm đau lợi khi mọc răng có thật sự cần thiết? Và liệu có nên bôi thuốc giảm đau lợi khi mọc răng không hay sử dụng thuốc đường uống sẽ tốt hơn?

Trả lời cho những thắc mắc trên, các bác sĩ chuyên khoa khuyên rằng nếu tình trạng sốt, đau lợi khi mọc răng gây ảnh hưởng đến ăn uống sinh hoạt và thể trạng của bé thì việc điều trị là hoàn toàn cần thiết. Các thuốc có thể sử dụng như:

Thuốc hạ sốt:

Dùng thuốc hạ sốt nếu trẻ sốt trên 38,5 độ C. Thuốc Paracetamol là thuốc được sử dụng phổ biến để hạ sốt cho trẻ trong giai đoạn mọc răng.

Trường hợp trẻ sốt nhẹ dưới 38,5 độ C có thể áp dụng các biện pháp hạ thân nhiệt không dùng thuốc như chườm ấm, cho trẻ uống nhiều nước, bú nhiều hơn, mặc đồ thoáng rộng...

Nếu trẻ bị sốt cao kèm các dấu hiệu tổn thương thần kinh như hôn mê, co giật, li bì... thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín để thăm khám và hỗ trợ điều trị kịp thời.

Thuốc giảm đau lợi khi mọc răng:

Các thuốc có thể dùng cho trẻ như thuốc Acetaminophen, Ibuprofen... Tuy nhiên, bố mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.

Thuốc bôi giảm đau lợi khi mọc răng:

Các thuốc bôi cũng có hiệu quả tốt trong trường hợp này. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại thuốc giảm đau lợi khi mọc răng. Các thuốc này chủ yếu được sản xuất ở dạng gel và kem bôi. Vì là thuốc bôi bên ngoài nên đôi khi có thể gây hiện tượng kích ứng, dị ứng khi sử dụng.

Một số thuốc bôi giảm đau lợi lợi khi mọc răng có thể sử dụng cho bé như:

Thuốc Anbesol:

  • Là một loại thuốc có tác dụng gây tê tại vùng đau để làm giảm cảm giác đau cho người bệnh.
  • Thuốc có cả dạng uống và dạng bôi.
  • Thuốc chỉ dùng cho trẻ trên 2 tuổi, có thể sử dụng thuốc cho người lớn.
  • Không dùng thuốc quá 7 ngày.

Thuốc Orabase:

  • Thuốc chỉ dùng cho trẻ trên 2 tuổi.
  • Thuốc không nên được sử dụng thường xuyên trừ khi có chỉ định của bác sĩ.
  • Thận trọng dùng thuốc với những trẻ có tiền sử bị các bệnh lý về hô hấp như hen suyễn, viêm phế quản...

Thuốc Huricaine:

  • Cơ chế giảm đau tương tự như thuốc Anbesol.
  • Thuốc chỉ dùng cho trẻ trên 2 tuổi.
  • Bôi thuốc trực tiếp vào vùng nướu đang bị đau của trẻ, không bôi thuốc sang các vùng khác.
  • Sử dụng thuốc không quá 4 lần một ngày.

3. Các phương pháp giảm đau lợi khi mọc răng không cần dùng thuốc

Ngoài việc dùng thuốc giảm đau lợi khi mọc răng, các mẹ có thể giảm đau cho bé bằng một số phương pháp sau:

  • Cho trẻ uống tăng cường nước mát vừa giúp sạch nước vừa giảm đau rất tốt. Tuy nhiên cần lưu ý vì không phải độ tuổi nào trẻ cũng uống nước lọc được.
  • Cho bé nhai hoặc cắn một chiếc khăn lạnh, ăn chuối lạnh hay các loại trái cây nhiều nước khác cũng rất tốt.
  • Cho bé cắn núm vú giả đã được làm lạnh.
  • Cho bé chơi đồ chơi cao su hoặc silicon để bé có thể cắn hoặc nhai đều được. Lưu ý nên sử dụng những loại đồ chơi có chất liệu an toàn cho sức khỏe và phải làm sạch trước khi cho trẻ chơi.
  • Mẹ có thể massage nướu cho bé nhưng đừng quên rửa sạch tay trước khi massage để tránh nguy cơ gây nhiễm trùng cho bé.
  • Các mẹ cần đặc biệt lưu ý: mặc dù nhiệt lạnh có thể giúp làm giảm cơn đau khi mọc răng của trẻ nhưng không nên dùng nhiệt lạnh quá, đặc biệt không cho trẻ ngậm đá hay uống nước đá. Nhiệt độ quá lạnh cũng sẽ gây tổn thương nướu của trẻ, thậm chí có thể gây bỏng lạnh cho trẻ.

4. Những lưu ý khi chăm sóc trẻ đang mọc răng

Trong giai đoạn trẻ mọc răng, việc chăm sóc đúng cách là điều rất quan trọng và cần thiết. Để làm giảm đau lợi khi mọc răng ở trẻ, bố mẹ cần lưu ý một số điều sau:

  • Nên hạ sốt tự nhiên cho trẻ. Hiện tượng sốt khi mọc răng là hoàn toàn bình thường và không gây các vấn đề quá nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên vẫn nên hạ sốt cho trẻ để giảm sự khó chịu. Một số cách giúp hạ sốt tự nhiên mà không cần dùng thuốc như cho trẻ uống nước ấm, chườm ấm cho trẻ ở trán, nách, lau người bằng nước ấm, cho trẻ uống đủ nước nếu trẻ đã biết uống nước, cho trẻ bú nhiều, để trẻ ở không gian thoáng mát và mặc quần áo rộng rãi.
  • Vệ sinh răng miệng cho bé thường xuyên để tránh nguy cơ bị nhiễm trùng. Lau miệng cho trẻ bằng khăn mềm hoặc gạc chuyên dụng mỗi ngày 1 đến 2 lần, tăng cường uống nước để làm sạch nướu.
  • Tránh cho trẻ đưa các vật dụng cứng hay cho tay vào miệng vì có thể làm tổn thương miệng, tăng nguy cơ nhiễm trùng.
  • Có một sai lầm mà rất nhiều bố mẹ gặp phải đó là ép trẻ ăn trong giai đoạn trẻ mọc răng. Ở thời kỳ mọc răng, do sưng đau lợi nên rất nhiều trẻ biếng ăn hơn bình thường. Lúc này các mẹ thường ép trẻ ăn vì sợ trẻ đói, thậm chí có thể dùng xi lanh bơm sữa khi trẻ bỏ bú. Tuy nhiên, việc này có thể gây ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ khiến trẻ sợ ăn (biếng ăn tâm lý). Hơn nữa sau khi các triệu chứng về răng ổn định trẻ sẽ có xu hướng ăn bù. Cho nên việc ép trẻ ăn giai đoạn này đôi khi là không cần thiết.
  • Đưa trẻ đến khám bác sĩ chuyên khoa nếu như trẻ sốt cao kéo dài không hạ kèm theo các biểu hiện viêm nhiễm, sưng đau tấy đỏ nhiều vùng mọc răng.

Mặc dù thuốc bôi giảm đau lợi khi mọc răng có thể làm giảm các triệu chứng đau, khó chịu cho trẻ nhưng cũng có thể gây ra những tác dụng không mong muốn như kích ứng, dị ứng... Do đó, không nên sử dụng thuốc bừa bãi. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi cho bé dùng thuốc để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan