Uống thuốc gout thế nào đúng cách đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị. Sử dụng thuốc mà không tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ không chỉ làm giảm hiệu quả mà còn có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm. Bài viết này sẽ làm rõ các nguyên tắc sử dụng thuốc trong điều trị bện, từ kiểm soát triệu chứng đến dự phòng lâu dài.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Bệnh gout là gì?
Trước khi trả lời cho câu hỏi “Uống thuốc gout thế nào đúng cách?”, người bệnh cần hiểu rõ bệnh gout là bệnh gì. Bệnh gout hay còn gọi là thống phong, là một dạng bệnh lý viêm khớp do sự lắng đọng tinh thể acid uric trong các khớp. Khi nồng độ acid uric trong máu tăng cao vượt ngưỡng cho phép, acid uric sẽ kết tinh thành các tinh thể sắc nhọn tại một hoặc nhiều khớp, gây ra tình trạng viêm và đau đớn đột ngột. Đây được gọi là cơn gout cấp với triệu chứng điển hình là sưng, đỏ và đau dữ dội tại vị trí khớp bị ảnh hưởng.
2. Những biến chứng nguy hiểm của bệnh gout
Gout là một bệnh lý viêm khớp do tinh thể, xảy ra khi lượng acid uric trong máu tăng cao, dẫn đến lắng đọng tinh thể urat tại các khớp và gây viêm. Tại Việt Nam, bệnh gout ngày càng phổ biến và hiện đứng thứ tư trong số các bệnh lý xương khớp thường gặp nhất.
Nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng cách, bệnh gout có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, thậm chí đe dọa tính mạng. Dưới đây là 4 nhóm biến chứng nguy hiểm của bệnh gout:
2.1. Biến chứng tổn thương xương khớp
- Bệnh gout không được điều trị có thể dẫn đến phá hủy cấu trúc khớp và đầu xương, gây biến dạng khớp, dẫn đến tàn phế.
- Các hạt tophi – một biểu hiện điển hình của bệnh – có thể bị loét và nhiễm trùng, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây viêm khớp nhiễm khuẩn, thậm chí dẫn đến nhiễm trùng khớp.
2.2. Biến chứng tổn thương thận
- Tình trạng tăng acid uric kéo dài có thể gây lắng đọng tinh thể urat trong thận, dẫn đến các bệnh lý như sỏi thận, thận ứ nước, thận ứ mủ và suy thận mạn tính.
- Các biến chứng thận còn làm tăng nguy cơ tai biến mạch máu não, tăng huyết áp và nhồi máu cơ tim.
2.3. Biến chứng do chẩn đoán nhầm
- Chẩn đoán nhầm viêm khớp nhiễm khuẩn: Bệnh nhân bị điều trị bằng nhiều loại kháng sinh, có nguy cơ dị ứng thuốc kháng sinh hoặc gặp các phản ứng thuốc gout nghiêm trọng, thậm chí tử vong.
- Chẩn đoán nhầm viêm khớp dạng thấp: Người bệnh có thể được sử dụng không đúng các thuốc chống viêm không steroid, dexamethason hoặc prednisolon, dẫn đến các biến chứng như loãng xương, gãy xương, lao, đái tháo đường và tăng huyết áp.
2.4. Biến chứng do tác dụng phụ của thuốc điều trị
Ngay cả khi được chẩn đoán chính xác, các thuốc điều trị bệnh gout, đặc biệt là thuốc chống viêm không steroid, có thể gây hại cho các cơ quan như thận, hệ tiêu hóa và hệ miễn dịch. Ngoài ra, thuốc gout còn có thể gây dị ứng, tổn thương gan và các biến chứng khác.
Người bệnh gout cần biết uống thuốc gout thế nào đúng cách, tuân thủ đúng phác đồ điều trị và tái khám định kỳ để kiểm soát bệnh. Hãy tìm đến các cơ sở y tế chuyên khoa khi có dấu hiệu nghi ngờ để được chẩn đoán và điều trị sớm, tránh các biến chứng nguy hiểm.
3. Nguyên tắc điều trị bệnh gout
Bệnh nhân gout cần xác định rõ ràng rằng, việc điều trị là một quá trình lâu dài, không được tự ý ngưng thuốc gout ngay cả khi các triệu chứng gout có dấu hiệu thuyên giảm để ngăn ngừa nguy cơ tái phát bệnh trong tương lai. Ngoài ra, bệnh nhân cần phối hợp chặt chẽ với bác sĩ điều trị, tuân thủ hướng dẫn về chế độ ăn uống, sinh hoạt và uống thuốc gout thế nào đúng cách để giảm nguy cơ biến chứng, đạt hiệu quả điều trị tối ưu nhất.
Trong quá trình điều trị, việc theo dõi định kỳ các chỉ số như acid uric máu, acid uric niệu và chức năng thận là vô cùng cần thiết. Đồng thời, cần phát hiện và điều trị các bệnh lý đi kèm như tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid,... để đảm bảo hiệu quả điều trị toàn diện.

Bệnh gout được chia thành hai thể: Gout cấp tính và gout mãn tính. Hiện nay, y học chưa có phương pháp điều trị dứt điểm bệnh gout. Mục tiêu chính trong quá trình điều trị là giảm đau các cơn gout cấp và kiểm soát nồng độ acid uric trong máu để ngăn ngừa các đợt tái phát cũng như biến chứng. Vậy thì, uống thuốc gout thế nào đúng cách?
4.Uống thuốc gout thế nào đúng cách
Điều trị bệnh gout hiện nay gồm hai nhóm thuốc gout chính:
- Thuốc gout điều trị triệu chứng: Giảm đau và viêm trong các cơn gout cấp.
- Thuốc gout điều trị dự phòng: Kéo dài thời gian giữa các đợt gout, ngăn ngừa các cơn đau gout cấp và biến chứng như sỏi thận hoặc hạt tophi quanh khớp.
Vậy bị gout uống thuốc gì và làm thế nào để uống thuốc gout thế nào đúng cách? Dưới đây là hướng dẫn sử dụng cụ thể cho từng loại thuốc gout.
4.1 Thuốc gout điều trị cơn gout cấp
4.1.1 Colchicin
Colchicin là thuốc gout được sử dụng phổ biến trong điều trị cơn gout cấp. Thuốc hiệu quả nhất khi được dùng trong vòng 12 giờ đầu sau khi khởi phát cơn đau.
Người bệnh cần uống thuốc theo liều lượng bác sĩ chỉ định. Nếu xuất hiện triệu chứng như nôn mửa, tiêu chảy, bệnh nhân nên giảm liều hoặc ngừng thuốc và thông báo ngay với bác sĩ để được điều chỉnh.
Thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ hiếm gặp như nổi mề đay, suy giảm tủy xương, viêm thần kinh ngoại biên nhưng thường chỉ xảy ra khi sử dụng sai liều hoặc kéo dài. Colchicin không phù hợp với người mắc bệnh nặng về dạ dày-ruột, gan, thận, tim, phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú. Trong trường hợp không dung nạp được Colchicin, có thể thay thế bằng các thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) với liều thấp.
4.1.2 Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs)
Các thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) như Indomethacin, Naproxen, Ibuprofen, Piroxicam, Diclofenac và các thuốc ức chế chọn lọc COX-2 (Celecoxib, Meloxicam, Etoricoxib) được sử dụng rộng rãi để giảm viêm cũng như những cơn đau xảy ra trong cơn gout cấp. Tuy nhiên, nhóm thuốc này chống chỉ định với bệnh nhân có tiền sử viêm loét dạ dày-tá tràng, suy thận hoặc xuất huyết tiêu hóa. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể phối hợp sử dụng cả NSAIDs và Colchicin nhằm tăng hiệu quả điều trị đồng thời giảm tác dụng phụ từ cả hai loại thuốc gout.
4.1.3 Corticoid
Corticoid là một nhóm thuốc gout được sử dụng trong điều trị bệnh gout khi các loại thuốc khác như Colchicin hoặc thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) không mang lại hiệu quả hoặc chống chỉ định ở một số bệnh nhân. Thuốc có tác dụng mạnh trong việc giảm viêm và đau, đặc biệt trong các cơn gout cấp.
Tuy nhiên, do Corticoid có nhiều tác dụng phụ tiềm ẩn trên nhiều cơ quan nên việc sử dụng thuốc gout này cần được lưu ý sử dụng một cách cẩn thận. Corticoid chỉ nên được dùng trong thời gian ngắn với liều lượng chính xác theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Quá trình điều trị phải được theo dõi sát sao để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Bên cạnh việc kiểm soát triệu chứng viêm và đau, bệnh nhân mắc gout cần sử dụng thêm các loại thuốc hạ acid uric máu để kiểm soát nồng độ acid uric. Điều này giúp dự phòng tái phát các cơn gout cấp, ngăn ngừa sự lắng đọng tinh thể urat và các biến chứng liên quan.

4.2 Thuốc gout dự phòng cơn gút cấp
Việc sử dụng thuốc gout điều trị triệu chứng trong các cơn gout cấp như Colchicin hay thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) chỉ giúp giảm, kiểm soát cơn đau và tình trạng viêm tạm thời, nhưng không thể ngăn chặn sự gia tăng của acid uric máu. Để kiểm soát bệnh gout hiệu quả và dự phòng các cơn gout tái phát, cần sử dụng các loại thuốc gout làm giảm nồng độ acid uric máu, ngăn ngừa sự lắng đọng tinh thể urat trong các khớp và xương. Dưới đây là các loại thuốc gout thường được sử dụng:
4.2.1 Allopurinol
Allopurinol là loại thuốc hàng đầu trong điều trị dự phòng bệnh gout. Thuốc giúp giảm nồng độ acid uric máu, hạn chế sự lắng đọng tinh thể urat và ngăn ngừa tái phát các cơn gout. Khi mới sử dụng, nên bắt đầu với liều thấp, sau đó tăng dần mỗi 3-4 tuần/lần cho đến khi đạt được nồng độ acid uric máu mục tiêu. Tuy nhiên, thuốc có thể gây độc cho thận, do đó cần thận trọng khi sử dụng cho bệnh nhân có tiền sử suy thận.
Người bệnh sử dụng Allopurinol cần được kiểm tra chức năng thận định kỳ. Nếu độ lọc cầu thận giảm, bác sĩ có thể điều chỉnh liều hoặc kéo dài khoảng cách giữa các lần dùng thuốc. Lưu ý, Allopurinol không được sử dụng trong giai đoạn cơn gout cấp mà chỉ dùng sau khi tình trạng viêm khớp đã thuyên giảm.
4.2.2 Probenecid
Probenecid được sử dụng hằng ngày để dự phòng tái phát cơn gout. Thuốc có tác dụng tăng thải acid uric qua đường tiết niệu, tuy nhiên Probenecid cũng đi kém với những tác dụng phụ như buồn nôn, đau bụng, nhức đầu, phát ban da và tăng nguy cơ hình thành sỏi thận. Vì vậy, bệnh nhân sử dụng thuốc này cần được theo dõi cẩn thận và uống nhiều nước để giảm nguy cơ gây sỏi thận.
4.2.3 Pegloticase
Pegloticase là một loại thuốc tiêm có tác dụng làm giảm nhanh nồng độ acid uric máu, thường được chỉ định trong các trường hợp bệnh gout nặng hoặc khi không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác. Thuốc được tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch, mỗi 2 tuần/lần và chỉ được thực hiện tại các cơ sở y tế dưới sự giám sát của bác sĩ chuyên khoa khớp. Tác dụng phụ có thể bao gồm đau họng, buồn nôn, đau ngực, táo bón và bầm tím tại vị trí tiêm.
4.2.4 Febuxostat
Febuxostat là thuốc thay thế cho Allopurinol, đặc biệt ở những bệnh nhân mắc gout kèm suy thận hoặc gặp phải tác dụng không mong muốn từ Allopurinol. Thuốc có hiệu quả trong việc kiểm soát nồng độ acid uric và được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ.
Việc tự ý sử dụng thuốc gout mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa có thể làm cho bệnh diễn tiến nặng hơn và làm tăng nguy cơ gặp phải các biến chứng nghiêm trọng. Điều này không chỉ gây khó khăn trong việc kiểm soát bệnh mà còn ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh.
Do đó, người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị do bác sĩ chỉ định. Việc hiểu rõ uống thuốc gout thế nào đúng cách và sử dụng thuốc gout đúng cách không chỉ giúp giảm nhanh các triệu chứng đau nhức, viêm do gout gây ra mà còn ngăn ngừa tổn thương và phá hủy các khớp xương bị ảnh hưởng. Điều trị đúng còn giúp kiểm soát tốt nồng độ acid uric trong máu, từ đó hạn chế tái phát các cơn gout cấp và ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm. Người bệnh nên chủ động đi khám định kỳ để bác sĩ hướng chi tiết uống thuốc gout thế nào đúng cách, theo dõi tiến triển của bệnh, được điều chỉnh liều lượng thuốc gout phù hợp và đảm bảo hiệu quả điều trị tối ưu.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.