Có nên uống thuốc cầm máu sau khi nhổ răng?

Tình trạng bệnh nhân bị chảy máu sau khi nhổ răng trong khoảng 8 giờ là điều hoàn toàn bình thường, đặc biệt là khi nhổ răng số 8 (còn được gọi là răng khôn). Do răng là một bộ phận gắn liền với rất nhiều dây thần kinh và mạch máu trong cơ thể nên việc nhổ răng tác động đến những bộ phận nhạy cảm dẫn đến tình trạng chảy máu. Vậy có nên uống thuốc cầm máu sau khi nhổ răng?

1. Nguyên nhân gây chảy máu ngay sau khi nhổ răng

Cần phải thực hiện cầm máu ngay tại thời điểm vừa nhổ răng xong, vì thời điểm này răng còn đang rất nhạy cảm và có thể xảy ra hiện tượng chảy máu. Đặc biệt trong trường hợp nhổ răng khôn, hiện tượng chảy máu có thể sẽ kéo dài nếu không có cách xử lý một cách nhanh chóng, thậm chí có thể gây ra một số tình trạng viêm nhiễm và có những biến chứng nguy hiểm.

Có một số nguyên nhân gây ra tình trạng chảy máu khi vừa nhổ răng xong như sau:

  • Vị trí nhổ răng bị viêm và đang mắc những bệnh lý về răng miệng như viêm nha chu, sâu răng, viêm tủy.
  • Kĩ thuật trong quá trình nhổ răng không đúng.
  • Mạch máu ở niêm mạc bị tổn thương khi nhổ răng, trong trường hợp răng khôn mọc ngầm, mọc lệch có thể gây chảy máu từ màng xương vì cần giải quyết bằng tiểu phẫu.
  • Răng khôn có nhiều chân, thân răng to và nằm trong cung hàm nên việc loại bỏ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.
  • Người bệnh đang mắc những bệnh như giảm tiểu cầu, u máu xương hàm, hemophilia,...
  • Phụ nữ đang trong kỳ kinh nguyệt hoặc cơ thể đang bị thiếu vitamin C.
  • Việc tách nướu quá sâu để có thể lấy chân răng, vết rách rộng khiến cho việc cầm máu lâu hơn bình thường.
  • Xương ổ răng có dị vật rơi vào, mô hạt nhiễm trùng hoặc nang răng.
  • Người bệnh nhai hoặc vận động mạnh sau khi mổ.

Hiện tượng chảy máu sau khi nhổ răng khôn thường kéo dài trong khoảng thời gian từ 30 đến 60 phút, sau đó máu sẽ đông lại. Chính vì vậy, nếu vết thương vẫn tiếp tục rỉ máu hơn một ngày mà vẫn không giảm, người bệnh nên thăm khám ngay để được tư vấn phương án điều trị hợp lý.

2. Các cách cầm máu sau khi nhổ răng hiệu quả và an toàn

Việc chảy máu sau khi nhổ răng là một điều hoàn toàn bình thường, người bệnh chỉ cần cắn chặt bông gạc tiêu trùng trong khoảng thời gian từ 30 đến 60 phút là được. Ngoài ra, người bệnh có thể dùng thêm thuốc để hỗ trợ cầm máu để giúp máu không chảy nhanh.

Để hạn chế các biến chứng có thể xảy ra, người bệnh nên áp dụng các biện pháp cầm máu ngay sau khi nhổ răng càng sớm càng tốt, cụ thể như sau:

  • Giữ cố định băng gạc ở đúng vị trí đã nhổ răng: Thông thường sau khi nhổ răng, nha sĩ sẽ đặt vào vị trí vừa nhổ một miếng băng gạc vô trùng và cần cắn chặt vào miếng băng gạc đó trong vòng 30 – 60 phút. Máu tại vết thương sẽ được thấm từ từ và đông lại nhanh hơn.
  • Không tác động đến cục máu đông tại vị trí nhổ răng: Trong khoảng thời gian 24 giờ đầu sau khi nhổ răng, người bệnh cần hạn chế các tác động đến cục máu đông, cần kiêng kị các thói quen như sau: Súc miệng hoặc khạc nhổ quá mạnh, ăn đồ cứng, vận động mạnh, sử dụng tay, ống hút, lưỡi để chạm vào vị trí vừa nhổ răng, chơi các loại nhạc cụ như sáo, kèn,...
  • Chế độ nghỉ ngơi hợp lý: Trong vòng 1 đến 2 ngày sau khi nhổ răng, người bệnh cần có chế độ nghỉ ngơi phù hợp và nắm một số nguyên tắc quan trọng để việc cầm máu hiệu quả hơn và vết thương nhanh lành hơn. Không tập thể dục quá sức hoặc làm việc quá nặng, không cúi người hoặc khiêng đồ nặng, cần kê cao gối hơn tim khi nghỉ ngơi hoặc khi ngủ để giúp kiểm soát tình trạng chảy máu cũng như ổn định huyết áo ổn định.
  • Có chế độ ăn lành mạnh và hợp lý để hỗ trợ cầm máu: Người bệnh chỉ nên ăn thức ăn mềm và ở dạng lỏng trong vòng 24 giờ đầu sau khi nhổ răng, nhai nhẹ nhàng, chậm rãi và nhai kỹ, không dùng bia rượu và không nhai kẹo cao su, tránh dùng thực phẩm quá lạnh hoặc quá nóng, tránh ăn thức ăn giòn hoặc cứng. Không hút thuốc trong vòng 48 giờ sau khi nhổ răng để vết thương mau lành lại hơn, tốt nhất nên cố gắng hút càng ít càng tốt.
  • Vệ sinh răng miệng đúng cách: Trong khoảng 1 đến 2 ngày đầu sai khi nhổ răng, người bệnh chỉ nên súc miệng bằng nước muối sinh lý để làm sạch răng miệng đồng thời giúp vết thương nhanh lành hơn. Vào những ngày tiếp theo sau đó, người bệnh đánh răng với bàn chải mềm, thao tác nhẹ nhàng và hạn chế động chạm đến vị trí răng vừa nhổ.

Sau khi đã thực hiện hết những biện pháp trên mà máu vẫn tiếp tục chảy thì người bệnh cần lập tức thăm khám bác sĩ để có thể tìm ra những nguyên nhân để có biện pháp xử lý phù hợp.

3. Các loại thuốc giúp cầm máu sau nhổ răng

Uống thuốc gì sau khi nhổ răng? Để tránh tình trạng viêm nhiễm, các biến chứng có thể xảy ra đồng thời là cách cầm máu tốt nhất sau khi nhổ răng, bác sĩ thường kê thuốc kháng sinh cho người bệnh sử dụng.

3.1. Thuốc Calci Clorid

Calci clorid có tác dụng giúp hình thành và giữ cục máu đông, cầm máu và giảm quá trình thẩm thấu thành mạch. Ngoài ra, loại thuốc này còn có tác dụng cân bằng lượng acid trong máu và chống dị ứng.

Thuốc này có đặc điểm không mùi, không màu, hơi đắng, vị chát, dễ hút ẩm và tan nhanh trong nước. Nên uống với hàm lượng 2 – 4 gam/ ngày, cần sử dụng từ 3 đến 4 lần trong ngày với thời gian hợp lý. Ngoài tác dụng giúp cầm máu khi nhổ răng, thuốc còn được chỉ định sử dụng trong những trường hợp trẻ chậm mọc răng, chậm lớn, co giật do thiếu acid trong máu.

Loại thuốc này chống chỉ định sử dụng trong các trường hợp như sau: người bệnh đang sử dụng thuốc có thành phần hoạt chất Digitalis, người cao huyết áp, acid trong máu tăng cao, người có tiền sử sỏi mật, sỏi thận.

3.2. Thuốc Acid tranexamic

Đây là loại thuốc giúp cầm máu răng gián tiếp, tan trong nước, có màu trắng. Cơ chế cầm máu của thuốc bằng cách ngăn chặn sự phân hủy của Fibrin. Thuốc này ngoài chỉ định sử dụng cầm máu trong và sau quá trình mổ răng thì còn có tác dụng cầm máu trong các trường hợp như chấn thương do tai nạn, chảy máu cam, rong kinh,...

Thuốc Acid tranexamic có tác dụng phụ như chóng mặt, hạ huyết áp, rối loạn tiêu hóa nên chống chỉ định sử dụng cho các trường hợp sau đây không sử dụng để cầm máu sau khi nhổ răng như: phụ nữ đang mang thai, người bệnh có tiền sử tắc mạch máu, máu đông, người bị xuất huyết não, người có bệnh về thần kinh, người bệnh đang sử dụng thuốc tránh thai có chứa thành phần estrogen.

3.3. Thuốc Carbazochrom

Thuốc có chứa thành phần Carbazochrom cũng là một loại thuốc có tác dụng cầm máu gián tiếp. Cơ chế tác dụng của thuốc là làm tăng bền thành mạch, ngăn ngừa máu thẩm thấu qua mao mạch. Hàm lượng thuốc có thể uống từ 10 đến 30 mg/ lần, uống 3 lần trong ngày. Liều dùng này có thể thay đổi dựa vào tuổi tác và mức độ chảy máu răng.

Thuốc Carbazochrom bên cạnh tác dụng cầm máu còn có thể xuất hiện một số tác dụng không mong muốn như đầy hơi, chán ăn, khó tiêu, và một số phản ứng như sốc thuốc (choáng váng, đau đầu,...).

Uống thuốc gì sau khi nhổ răng số 8? Các loại thuốc nêu trên có thể sử dụng trong việc cầm máu tất cả các loại răng kể cả răng số 8. Tuy nhiên, người bệnh không tự ý sử dụng bất cứ loại thuốc nào khi chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan