Công dụng của thuốc Azulfidine

Viêm loét đại tràng là một bệnh lý dai dẳng với nhiều đợt cấp tái phát, từ đó gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống người bệnh. Để hạn chế tần suất các đợt cấp viêm loét đại tràng, người bệnh có thể sử dụng thuốc Azulfidine. Vậy thuốc Azulfidine là gì và cần sử dụng như thế nào?

1.Thuốc Sulfasalazine có tác dụng gì?

Thuốc Azulfidine chứa hoạt chất Sulfasalazine hàm lượng 500mg, được sử dụng chủ yếu để giảm tần suất các đợt cấp của bệnh viêm loét đại tràng. Cần lưu ý là thuốc Azulfidine không thể điều trị khỏi hoàn toàn bệnh viêm loét đại tràng.

Thuốc Sulfasalazine 500mg có thể sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp ở trẻ em và người trưởng thành khi các loại thuốc điều trị khác không mang lại tác dụng. Ngoài ra, thuốc Azulfidine còn có thể sử dụng trong một số trường hợp không được nhắc đến trong hướng dẫn sử dụng thuốc.

2. Một số cảnh báo của thuốc Azulfidine

Một số trường hợp không được sử dụng thuốc Azulfidine:

  • Không sử dụng khi có tiền sử dị ứng với Sulfasalazine;
  • Tắc nghẽn bàng quang hoặc tắc ruột;
  • Rối loạn chuyển hóa porphyrin: Một rối loạn enzym di truyền gây ra các triệu chứng ảnh hưởng đến da hoặc hệ thần kinh;
  • Dị ứng với các hoạt chất nhóm sulfa;
  • Dị ứng với thuốc Aspirin hoặc các salicylat khác.

Người bệnh cần thông báo cho bác sĩ nếu tiền sử bệnh lý có các vấn đề sau:

  • Mắc các bệnh lý nhiễm trùng thường xuyên;
  • Hen suyễn;
  • Thiếu máu, số lượng bạch cầu và tiểu cầu thấp;
  • Bệnh gan hoặc bệnh thận.

Người bệnh cần trao đổi với bác sĩ biết nếu đang mang thai. Sử dụng thuốc Azulfidine trong thai kỳ có thể khiến bà bầu khó hấp thu axit folic. Axit folic giúp ngăn ngừa các dị tật bẩm sinh ở não hoặc cột sống của thai nhi. Vì vậy, phụ nữ mang thai có chỉ định dùng thuốc Azulfidine có thể cần phải bổ sung thêm axit folic theo hướng dẫn của bác sĩ.

Thuốc Sulfasalazine 500mg đi vào sữa mẹ và có thể gây tiêu chảy hoặc tiêu phân có máu ở trẻ bú mẹ. Do đó, bệnh nhân là nữ cần thông báo cho bác sĩ nếu đang cho con bú. Thuốc Azulfidine không được phép sử dụng cho trẻ em dưới 2 tuổi.

3. Hướng dẫn sử dụng thuốc Azulfidine

  • Người bệnh cần đọc và tuân thủ tất cả các hướng dẫn sử dụng thuốc trên bao bì sản phẩm hoặc tờ hướng dẫn đi kèm.
  • Thời điểm thích hợp để uống thuốc Sulfasalazine 500mg là sau ăn. Người bệnh cần nuốt toàn bộ viên thuốc, không nên nghiền nát, nhai hoặc làm vỡ viên thuốc.
  • Trong thời gian sử dụng thuốc Azulfidine, người bệnh cần được thăm khám y tế thường xuyên. Đồng thời, nên bổ sung đủ nhu cầu nước hằng ngày để đảm bảo chức năng thận hoạt động bình thường trong thời gian điều trị bằng thuốc Azulfidine.

Lưu ý, thuốc Sulfasalazine 500mg có thể ảnh hưởng đến kết quả của một số xét nghiệm cận lâm sàng. Do đó, người bệnh cần thông báo với bác sĩ hoặc nhân viên phòng xét nghiệm biết bản thân đang sử dụng sản phẩm này.

Thuốc Azulfidine có thể dẫn đến tình trạng vàng da hoặc nước tiểu sậm màu. Do đó, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ nếu gặp phải tình trạng trên vì đó có thể là dấu hiệu của các vấn đề về gan.

Nếu đang điều trị viêm khớp dạng thấp bằng thuốc Azulfidine, người bệnh không được ngưng các thuốc trị viêm khớp khác khi chưa có hướng dẫn của bác sĩ. Sulfasalazine không giúp cải thiện các triệu chứng viêm khớp ngay lập tức nên người bệnh vẫn phải điều trị kết hợp các thuốc khác trong một thời gian.

Thuốc Azulfidine có thể là một phần trong phác đồ điều trị viêm khớp dạng thấp, bên cạnh các liệu pháp khác như chế độ nghỉ ngơi và tập vật lý trị liệu. Người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị.

Các triệu chứng quá liều thuốc Sulfasalazine 500mg có thể bao gồm nôn ói, đau dạ dày, buồn ngủ hoặc co giật... Nếu sử dụng quá liều và có các biểu hiện bất thường, người bệnh cần liên hệ với nhân viên y tế để được hướng dẫn xử trí.

4. Tác dụng phụ của thuốc Azulfidine

Người bệnh cần can thiệp y tế khẩn cấp nếu xuất hiện các triệu chứng của phản ứng dị ứng nghiêm trọng (như phát ban ngoài da, khó thở, sưng phù ở mặt hoặc cổ họng) hoặc các phản ứng ngoài da nghiêm trọng trong quá trình sử dụng thuốc Azulfidine.

Một số phản ứng với hoạt chất Sulfasalazine nghiêm trọng ảnh hưởng đến nhiều cơ quan có thể cần can thiệp y tế với các triệu chứng như phát ban ngoài da, sốt, sưng hạch, đau nhức cơ, suy nhược cơ thể, xuất hiện mảng bầm tím bất thường hoặc vàng da, vàng mắt.

Người bệnh sử dụng thuốc Azulfidine có nguy cơ bị nhiễm trùng nhiều hơn, thậm chí mức độ rất nghiêm trọng hoặc dẫn đến tử vong. Do đó, người bệnh cần liên hệ ngay với bác sĩ điều trị nếu có các dấu hiệu sau:

  • Sốt, ớn lạnh, đau họng;
  • Loét miệng, nướu răng sưng đỏ;
  • Da niêm nhạt, dễ bầm tím, chảy máu bất thường;
  • Đau tức ngực, thở khò khè, ho khan hoặc nôn khan, sụt cân nhanh chóng.

Bên cạnh đó, người sử dụng thuốc Azulfidine nên liên hệ bác sĩ ngay lập tức nếu có các vấn đề sau:

  • Sốt kèm theo đau đầu, phát ban và nôn ói;
  • Phát ban ngoài da tất cả mức độ;
  • Buồn nôn, nôn ói nghiêm trọng khi mới bắt đầu điều trị thuốc Azulfidine;
  • Tiểu ít hoặc vô niệu, nước tiểu có bọt;
  • Phù mắt, mắt cá chân hoặc bàn chân, tăng cân;
  • Các vấn đề về gan như chán ăn, đau hạ sườn phải, nước tiểu sẫm màu, vàng da, vàng mắt.

5. Tương tác thuốc của thuốc Azulfidine

Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến hoạt động của thuốc Azulfidine, bao gồm cả thuốc theo toa, không theo toa, vitamin và các sản phẩm thảo dược. Vì vậy, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ điều trị về tất cả các loại thuốc đang dùng hoặc bất kỳ sản phẩm nào mới bắt đầu hoặc đã ngừng sử dụng trong quá trình điều trị bằng thuốc Azulfidine.

6. Một số câu hỏi thường gặp của thuốc Azulfidine

6.1. Thuốc Sulfasalazine 500mg có ức chế miễn dịch không?

Thuốc Azulfidine có thể ức chế hệ thống miễn dịch của thông qua việc làm giảm số lượng bạch cầu. Do đó, nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng hoặc tử vong có thể xảy ra. Bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc Azulfidine và có các dấu hiệu nhiễm trùng như sốt, ớn lạnh, khó thở, ho, da xanh xao, đau họng, lở miệng, đỏ hoặc sưng nướu răng... cần liên hệ ngay lập tức với bác sĩ điều trị.

6.3. Thuốc Azulfidine có gây tăng cân không?

Hoạt chất Sulfasalazine có thể gây ra các vấn đề về thận, qua đó dẫn đến tăng tích tụ dịch trong cơ thể và gây tăng cân. Người bệnh có thể sưng phù mắt hoặc cánh tay, mắt cá chân hoặc bàn chân, kèm theo tiểu ít hoặc vô niệu.

6.4. Sulfasalazine có gây rụng tóc không?

Rụng tóc là tác dụng phụ đã được báo cáo liên quan đến thuốc Azulfidine trong một trường hợp người bệnh có phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Tuy nhiên đây không phải là tác dụng phụ phổ biến. Các tình trạng tự miễn dịch trong viêm khớp dạng thấp và lupus ban đỏ hệ thống có thể mới là nguyên nhân gây rụng tóc.

6.5. Sulfasalazine tồn tại trong cơ thể bao lâu?

Thuốc Azulfidine đường uống được phân hủy tại đường ruột thành sulfapyridine với hoạt tính mạnh hơn. Thời gian đào thải Sulfasalazine là khoảng 1.5 đến 2 ngày, còn sulfapyridine 2 đến 3.5 ngày. Thời gian đào thải có thể thay đổi tùy thuộc nhiều yếu tố, bao gồm tuổi tác, tình trạng sức khỏe, tốc độ chuyển hóa của cơ thể, đường và liều lượng sử dụng.

6.6. Sulfasalazine có phải là một thuốc steroid hay không?

Thuốc Azulfidine không thuốc nhóm steroid như prednisone hoặc prednisolone, nhưng có tác dụng kháng viêm trong một số trường hợp nhất định và có thể giúp giảm nhu cầu sử dụng steroid. Sulfasalazine là một chất 5-aminosalicylate đường uống và được chỉ định chủ yếu cho các bệnh viêm loét đại tràng và viêm khớp dạng thấp.

6.7. Sulfasalazine có gây tăng huyết áp không?

Thuốc Azulfidine không liên quan đến bệnh tăng huyết áp trong một nghiên cứu lâm sàng. Ngoài ra, thông tin sản phẩm của nhà sản xuất không liệt kê tác dụng phụ gây tăng huyết áp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

505 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan