Công dụng của thuốc Govarom

Thuốc Govarom có thành phần chính là Tobramycin và Dexamethasone, chủ yếu được sử dụng để điều trị tại chỗ cho những tình trạng viêm ở mắt hoặc nhiễm khuẩn mắt, viêm kết mạc bờ mi, kết mạc nhãn cầu, viêm giác mạc và bán phần trước nhãn cầu.

1. Govarom là thuốc gì?

Thuốc Govarom được bào chế và đóng gói dưới dạng hỗn dịch nhỏ mắt với 2 thành phần chủ yếu là Tobramycin và Dexamethasone có hàm lượng lần lượt là 15mg và 5mg. Công dụng của 2 hoạt chất trên đóng vai trò hết sức quan trọng:

  • Tobramycin: Là kháng sinh có tác dụng diệt khuẩn nhờ ức chế sự tổng hợp protein ở các vi khuẩn nhạy cảm. Từ đó, nó làm giảm hoạt động và sự sinh sôi của vi khuẩn trong cơ thể. Tobramycin có thể gây ảnh hưởng tới nhiều vi khuẩn hiếu khí gram dương và gram âm ví dụ như Staphylococcus aureus,...
  • Dexamethasone: Có tác dụng chính là giúp chống viêm, chống dị ứng và ức chế miễn dịch nhằm làm giảm sưng, viêm và phù nề gây ra do các tác nhân gây viêm.

Nhờ sự kết hợp của 2 hoạt chất kể trên, thuốc Govarom thường được chỉ định dùng cho các trường hợp:

  • Điều trị tại chỗ đối với những tình trạng viêm ở mắt có đáp ứng với Steroids hoặc có chỉ định sử dụng Corticoid và khi có nhiễm khuẩn nông ở mắt hay nguy cơ bị nhiễm khuẩn mắt;
  • Viêm kết mạc bờ mi và kết mạc nhãn cầu, viêm giác mạc, bán phần trước nhãn cầu mà người bệnh chấp nhận các nguy cơ vốn có của việc điều trị bằng Steroid nhằm giảm được phù nề và tình trạng viêm;
  • Viêm màng bồ đào trước mạn tính và tổn thương giác mạc do hóa chất, tia xạ hoặc do bỏng nhiệt, dị vật.

Tuy nhiên, không khuyến cáo sử dụng thuốc Govarom cho các đối tượng:

  • Viêm biểu mô giác mạc do virus Herpes simplex, Vaccinia, Varicella hoặc các virus khác;
  • Nhiễm nấm ở mắt;
  • Sau khi phẫu thuật lấy dị vật giác mạc không biến chứng.

2. Hướng dẫn cách dùng thuốc Govarom

Cách dùng: Dùng nhỏ trực tiếp vào mắt theo liều dùng chỉ định.

Liều dùng tham khảo:

  • Nhỏ mắt 1-2 giọt mỗi 4-6 giờ;
  • Trong 24 - 48 giờ đầu có thể tăng liều lên đến tối đa 1-2 giọt/ 2 giờ.

3. Tác dụng phụ của thuốc Govarom

Ở liều điều trị, thuốc Govarom được dung nạp tốt. Tuy nhiên, quá trình sử dụng Govarom, người bệnh vẫn có thể gặp phải các tác dụng phụ như:

  • Sưng hoặc ngứa mí mắt, xung huyết kết mạc;
  • Tăng áp lực nội nhãn, glaucoma, tổn thương thần kinh thị giác, đục thủy tinh thể dưới bao sau hoặc chậm lành vết thương;
  • Nhiễm khuẩn mắt thứ phát;
  • Nên cân nhắc đến trường hợp nhiễm khuẩn khi dùng Steroid lâu dài.

Lưu ý: Người bệnh cần thông báo ngay cho bác sĩ hoặc dược sĩ về những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng Govarom để được tư vấn chi tiết về cách xử lý.

4. Lưu ý khi dùng thuốc Govarom

  • Dùng Govarom trong thời gian dài có thể nhiễm nấm giác mạc nên người bệnh cần cân nhắc kĩ trước khi bắt đầu điều trị;
  • Phụ nữ có thai và cho con bú cần thận trọng khi sử dụng thuốc để tránh ảnh hưởng đến trẻ;
  • Trẻ em dưới 16 tuổi.

5. Tương tác của thuốc Govarom

Hiện chưa có bất kỳ thông tin nào về hiện tượng tương tác giữa các thuốc với Govarom. Tuy nhiên, vẫn cần hết sức cẩn thận để tránh tương tác giữa các thuốc. Thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ về thuốc đang sử dụng để có chỉ định phù hợp.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Govarom, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Lưu ý, Govarom là thuốc kê đơn, người bệnh tuyệt đối không được tự ý mua thuốc và điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.

126 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan