Công dụng thuốc Aetoxisclerol

Suy tĩnh mạch mạn tính là một bệnh lý phổ biến, hay gặp ở 2 chi dưới. Bên cạnh việc sử dụng thuốc, người bệnh có thể điều trị bệnh lý này bằng cách sử dụng thuốc tiêm xơ tĩnh mạch với ưu điểm đơn giản, giá thành thấp và dễ thực hiện. Một trong các loại thuốc tiêm xơ tĩnh mạch được sử dụng rộng rãi là thuốc Aetoxisclerol.

1. Tĩnh mạch mạng nhện và suy giãn tĩnh mạch là gì?

Tĩnh mạch mạng nhện và suy giãn tĩnh mạch là một bệnh lý phổ biến, gây ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của nhiều người trưởng thành. Tình trạng mở rộng mạch máu bất thường này xảy ra ở nữ giới nhiều hơn nam giới, xuất hiện nhiều nhất ở 2 chi dưới và mức độ phổ biến tăng dần theo tuổi tác. Theo thống kê, bệnh lý suy giãn tĩnh mạch mạng nhện gây ảnh hưởng đến gần 1⁄2 dân số trưởng thành.

Khái niệm tĩnh mạch mạng nhện (hay Telangiectasias) là những cụm mạch máu nhỏ phát triển sát bề mặt da, thường có màu đỏ, xanh lam hoặc tím với hình dạng đặc trưng như mạng nhện. Tĩnh mạch mạng nhện thường xuất hiện ở mặt và 2 chi dưới.

Suy giãn tĩnh mạch là bệnh lý mạn tính khi các tĩnh mạch phình to bất thường, vị trí xuất hiện phổ biến là 2 chân chân. Tĩnh mạch suy giãn có những đặc điểm như màu xanh lam, tím hoặc tương tự màu da, hình dạng giãn to, xoắn và phồng lên, đôi khi nhô lên trên bề mặt da.

Suy giãn tĩnh mạch mạn tính và tĩnh mạch mạng nhện thường do các bất thường cấu trúc mạch máu. Về mặt giải phẫu và sinh lý, tĩnh mạch có chức năng mang máu quay trở về tim từ các cơ quan khác trong cơ thể. Để thực hiện chức năng này, tĩnh mạch có một cấu trúc gọi là van một chiều nhằm tránh việc máu chảy ngược ra ngoại biên. Do nhiều nguyên nhân khác nhau khiến các van một chiều không còn thực hiện chức năng bình thường, điều này cho phép máu trong các tĩnh mạch chảy ngược và ứ đọng lại. Theo thời gian việc máu ứ đọng trong tĩnh mạch sẽ gây gia tăng áp lực và hệ quả là tĩnh mạch bị suy yếu, giãn to ra. Tĩnh mạch mạng nhện và giãn tĩnh mạch phát triển từ sự căng và giãn của các mạch máu bị tổn thương và biểu hiện triệu chứng trên lâm sàng.

2. Tiêm xơ tĩnh mạch là gì?

Suy giãn tĩnh mạch và tĩnh mạch mạng nhện gây ảnh hưởng đến sức khỏe, ngoại hình và tâm lý của người bệnh. Do đó việc điều trị triệt để là vô cùng cần thiết. Bên cạnh sử dụng các loại thuốc làm giảm ứ đọng máu trong tĩnh mạch, người bệnh có thể tiêm xơ tĩnh mạch bằng một số loại thuốc như thuốc Aetoxisclerol.

Nguyên lý của biện pháp tiêm xơ tĩnh mạch: Khi tiêm các thuốc gây xơ vào tĩnh mạch có vấn đề, các chất này sẽ trực tiếp gây tổn thương nội mạc và thành phần lân cận của lớp trung mạc, bên cạnh một số tác dụng khác như gây co nhỏ và hình thành huyết khối làm tắc lòng tĩnh mạch bị suy giãn. Chất gây xơ tĩnh mạch có thể ở dạng dung dịch (như thuốc Aetoxisclerol) hoặc dạng bọt (là hỗn hợp khí và chất gây xơ tĩnh mạch dạng dung dịch). Ưu điểm của thuốc dạng bọt là hiệu quả điều trị cao hơn, tỷ lệ biến chứng, thể tích và nồng độ chất gây xơ lại thấp hơn.

Trong quá trình tiêm thuốc gây xơ tĩnh mạch, bác sĩ cần sử dụng máy siêu âm Doppler với mục đích hướng dẫn và kiểm soát trong suốt quá trình thực hiện. Ngoài ra, siêu âm Doppler còn là phương pháp có thể đánh giá hiệu quả tức thời cũng như lâu dài của thủ thuật gây xơ tĩnh mạch, bên cạnh khả năng phát hiện biến chứng huyết khối tĩnh mạch sâu kèm theo.

3. Thuốc Aetoxisclerol là gì?

Thuốc Aetoxisclerol 2% có quy cách đóng gói mỗi ống 2ml tương đương 40mg hoạt chất Lauromacrogol 400, mỗi hộp gồm 5 ống thuốc. Thuốc Aetoxisclerol là một thuốc tiêm xơ tĩnh mạch, được sử dụng để điều trị các tĩnh mạch mạng nhện nhỏ không biến chứng và suy giãn tĩnh mạch chi dưới.

Lưu ý là thuốc Aetoxisclerol không thích hợp điều trị tình trạng suy giãn tĩnh mạch có đường kính lớn hơn 3mm, đồng thời đây cũng không phải là thuốc điều trị đặc hiệu suy giãn tĩnh mạch và tác dụng có thể không kéo dài.

4. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Aetoxisclerol

4.1. Chỉ định

Thuốc Aetoxisclerol sử dụng trong các trường hợp sau:

  • Giãn tĩnh mạch mạng nhện kích thước dưới 1mm;
  • Giãn tĩnh mạch nông dạng lưới, kích thước từ 1-3 mm, đồng thời không có dòng trào ngược tại van tĩnh mạch trên siêu âm;
  • Giãn tĩnh mạch nông tồn dư sau phẫu thuật hoặc can thiệp điều trị suy tĩnh mạch hiển;
  • Dị dạng tĩnh mạch có kích thước nhỏ, kiểu u mạch (hemangioma);
  • Suy tĩnh mạch hiển lớn hoặc hiển nhỏ có triệu chứng, có dòng trào ngược trên siêu âm;
  • Suy tĩnh mạch xuyên hoặc suy tĩnh mạch nông tái phát.

4.2. Chống chỉ định của thuốc Aetoxisclerol

Không được sử dụng thuốc tiêm xơ tĩnh mạch Aetoxisclerol trong các trường hợp sau:

  • Cơ địa dị ứng với Lauromacrogol;
  • Huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới cấp tính;
  • Tiền sử bệnh lý rối loạn đông máu;
  • Bệnh động mạch chi dưới có chỉ số ABI dưới 0.8;
  • Phụ nữ đang mang thai;
  • Tồn tại lỗ bầu dục và có triệu chứng lâm sàng

Một số trường hợp không nên sử dụng thuốc Aetoxisclerol:

  • Tồn tại lỗ bầu dục và không có triệu chứng;
  • Tiền sử đau nửa đầu nặng;
  • Hội chứng May-Thurner;
  • Hội chứng Klippel-Trenaunay.

5. Tác dụng phụ của thuốc Aetoxisclerol

  • Cảm giác tê nhẹ hoặc ngứa ran;
  • Đau đầu, chóng mặt;
  • Kích thích mọc lông ở chân tiêm xơ tĩnh mạch;
  • Đau, sờ ấm, ngứa hoặc bầm tím nhẹ tại vị trí tiêm thuốc Aetoxisclerol.

Liên hệ khẩn cấp với cấp cứu y tế khi có bất kỳ triệu chứng nào của phản ứng dị ứng nghiêm trọng như phát ban; hắt hơi, sổ mũi, khó thở, sưng mặt, môi, lưỡi hoặc cổ họng.

Người bệnh nên thông báo với bác sĩ điều trị ngay lập tức nếu có các tác dụng phụ nghiêm trọng như:

  • Đau dữ dội, cảm giác bỏng rát hoặc kích ứng ở chân tiêm xơ tĩnh mạch;
  • Da vị trí tiêm thuốc Aetoxisclerol bị đổi màu;
  • Đau đầu nghiêm trọng, lú lẫn, rối loạn thị lực, lời nói hoặc thăng bằng;
  • Đau, sưng, nóng hoặc đỏ ở chân;
  • Cảm giác tê chân nặng không biến mất;
  • Khó thở, nhịp tim đập nhanh, hồi hộp, đánh trống ngực;
  • Lú lẫn, cảm giác sắp ngất.

6. Một số thận trọng khi sử dụng thuốc Aetoxisclerol

  • Thuốc Aetoxisclerol có thể gây phản ứng dị ứng nghiêm trọng, đôi khi gây tử vong. Do đó, người bệnh sẽ được theo dõi chặt chẽ trong ít nhất 10 phút sau khi tiêm thuốc Aetoxisclerol.
  • Thuốc Aetoxisclerol có thể gây tổn thương mô nếu tiêm vào động mạch hoặc thuốc bị rò rỉ ra ngoài từ tĩnh mạch. Người bệnh khi có biểu hiện tổn thương mô như nổi mẩn đỏ, bỏng rát, đau, sưng, phồng rộp, loét da... cần báo cáo với bác sĩ điều trị.
  • Hình thành cục máu đông đã được báo cáo có thể xảy ra khi tiêm thuốc Aetoxisclerol. Do đó, người bệnh nên trao đổi và thảo luận với bác sĩ về vấn đề này trước khi tiêm xơ tĩnh mạch.
  • Phụ nữ đang mang thai và bà mẹ đang cho con bú không được tiêm thuốc gây xơ tĩnh mạch Aetoxisclerol.

Thuốc Aetoxisclerol là một thuốc tiêm xơ tĩnh mạch, được sử dụng để điều trị các tĩnh mạch mạng nhện nhỏ không biến chứng và suy giãn tĩnh mạch chi dưới. Để đảm bảo hiệu quả điều trị, người dùng cần tuân thủ theo đúng chỉ dẫn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan