Công dụng thuốc Alenta 70

Thuốc Alenta được bào chế dưới dạng viên nén, có thành phần hoạt chất chính là Natri Alendronate. Thuốc được sử dụng trong điều trị loãng xương, phòng ngừa gãy xương,...

1. Công dụng của thuốc Alenta

Thuốc Alenta tablets có thành phần là Natri Alendronate, có các dạng hàm lượng là thuốc Alenta 70mg và thuốc Alenta 10mg. Bài viết này chủ yếu nói về thuốc Alenta 70mg.

Thành phần Natri Alendronate là 1 bisphosphonate. Thuốc có tác dụng ức chế mạnh và khu trú lên những vị trí hấp thụ của xương, đặc biệt là ngay bên dưới hủy cốt bào.

Thuốc Alenta 70mg được chỉ định sử dụng trong các trường hợp sau:

  • Điều trị loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh, làm giảm nguy cơ gãy xương hông và xương cột sống;
  • Điều trị loãng xương ở nam giới có nguy cơ cao bị gãy xương, giảm tỷ lệ mắc phải ở cột sống;
  • Dự phòng nguy cơ loãng xương do sử dụng glucocorticoid kéo dài.

Thuốc Alenta 70mg chống chỉ định trong những trường hợp sau:

  • Người quá mẫn cảm với thành phần của thuốc;
  • Người không có khả năng ngồi thẳng hoặc đứng tối thiểu 30 phút;
  • Người có những bất thường ở thực quản (không đàn hồi, hẹp thực quản) làm kéo dài thời gian tháo rỗng dạ dày;
  • Bệnh nhân hạ canxi máu;
  • Trẻ em dưới 18 tuổi.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Alenta 70mg

Cách dùng: Đường uống. Bệnh nhân nên dùng thuốc khi bụng đói, ngay khi thức dậy vào buổi sáng, nên uống kèm nước lọc (từ 200ml trở lên), tối thiểu 30 phút trước khi ăn sáng, uống hoặc dùng các thuốc khác.

*Lưu ý khi dùng thuốc:

  • Người bệnh nên bổ sung vitamin D và canxi nếu chế độ ăn uống không đầy đủ;
  • Bệnh nhân cũng không nên nhai, ngậm hoặc hòa tan viên thuốc trong miệng để tránh nguy cơ loét miệng, hầu;
  • Bệnh nhân không nên nằm xuống cho tới sau bữa ăn đầu tiên trong ngày, ít nhất 30 phút sau khi uống thuốc.

Liều dùng: Khuyến nghị thông thường như sau:

  • Điều trị loãng xương sau mãn kinh: Dùng liều 10mg/lần/ngày;
  • Điều trị loãng xương ở nam giới: Dùng liều 10mg/lần/ngày.

*Lưu ý về liều dùng:

  • Thời gian dùng thuốc cho bệnh nhân chưa được xác định. Nhu cầu tiếp tục điều trị sẽ được bác sĩ đánh giá định kỳ dựa trên lợi ích và những nguy cơ tiềm ẩn ở từng bệnh nhân (đặc biệt sau khi sử dụng thuốc trên 5 năm);
  • Liều dùng phụ thuộc vào độ tuổi và tình trạng của từng bệnh nhân, khuyến cáo 70mg/tuần;
  • Không cần điều chỉnh liều dùng thuốc ở người bệnh lớn tuổi;
  • Không cần điều chỉnh liều dùng thuốc ở bệnh nhân có độ lọc cầu thận GFR >35ml/phút;
  • Không cần điều chỉnh liều dùng thuốc ở người bệnh suy gan.

Quá liều: Bệnh nhân uống thuốc Alenta quá liều có thể bị giảm canxi máu, giảm phosphat máu, xuất hiện một số triệu chứng ở đường tiêu hóa (ợ nóng, viêm thực quản, rối loạn tiêu hóa, viêm/loét dạ dày). Khi dùng thuốc quá liều, cần cho bệnh nhân uống sữa hoặc thuốc kháng acid để kết hợp với alendronate. Bên cạnh đó, do nguy cơ kích ứng thực quản nên không được gây nôn, người bệnh cần ở tư thế thẳng đứng.

Quên liều: Nếu quên dùng thuốc Alenta 70mg lần/tuần thì người bệnh nên uống 1 viên thuốc vào buổi sáng sau khi nhớ ra. Bệnh nhân không nên dùng 2 viên trong cùng 1 ngày mà trở lại dùng 1 viên/tuần đúng theo kế hoạch ban đầu.

3. Tác dụng phụ của thuốc Alenta 70mg

Khi sử dụng thuốc Alenta, bệnh nhân có thể gặp một số tác dụng phụ như:

  • Thường gặp: Đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, đau bụng, khó tiêu, tiêu chảy, táo bón, đầy hơi, khó nuốt, loét thực quản, chướng bụng, ợ chua, rụng tóc, ngứa da, đau cơ xương khớp (đôi khi rất trầm trọng), suy nhược, phù ngoại biên;
  • Ít gặp: Rối loạn vị giác, nhiễm khuẩn mắt (viêm củng mạc, viêm trên củng mạc, viêm màng mạch nho), buồn nôn, nôn ói, viêm thực quản, viêm dạ dày, xói mòn thực quản, đi tiêu phân đen, phát ban, ban đỏ trên da, phản ứng cấp tính (đau cơ, suy nhược, sốt) khi bắt đầu điều trị.

Khi gặp các tác dụng phụ nhẹ của thuốc Alenta, bệnh nhân nên ngưng dùng thuốc và xin ý kiến bác sĩ. Trường hợp mẫn cảm nặng, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ, đến ngay bệnh viện để được xử lý kịp thời.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Alenta 70mg

Một số lưu ý người bệnh cần nhớ trước và trong khi sử dụng thuốc Alenta:

  • Xem xét những nguyên nhân gây loãng xương khác ngoài nguyên nhân tuổi tác, thiếu hụt estrogen và sử dụng glucocorticoid;
  • Điều trị tình trạng hạ canxi máu trước khi bắt đầu điều trị với natri alendronate;
  • Những rối loạn khác có thể ảnh hưởng tới việc chuyển hóa khoáng chất (thiếu hụt vitamin D) cũng cần được điều trị. Nên theo dõi nồng độ canxi máu và các triệu chứng hạ canxi trên những bệnh nhân này để đảm bảo đầy đủ lượng canxi được hấp thu và lượng vitamin D, đặc biệt quan trọng với bệnh nhân bị bệnh Paget xương và người đang sử dụng glucocorticoid (bởi tình trạng giảm canxi và phosphat huyết thanh không có triệu chứng có thể xảy ra khi điều trị với natri alendronate;
  • Trên hệ tiêu hóa: Người bệnh nên ngừng điều trị bằng thuốc Alenta nếu xuất hiện các triệu chứng phản ứng trên thực quản như: Loạn phối hợp từ, đau sau xương ức, nuốt đau, ợ nóng mới phát hoặc nặng thêm. Bệnh nhân cũng cần thận trọng khi sử dụng thuốc nếu bị rối loạn tiêu hóa có tiến triển;
  • Hoại tử xương hàm khu trú: Tình trạng bệnh thường liên quan tới nhổ răng, nhiễm khuẩn tại chỗ lâu khỏi (gồm viêm xương) được ghi nhận ở bệnh nhân loãng xương sử dụng alendronate. Những yếu tố nguy cơ gây phát triển hoại tử xương hàm khu trú gồm: Hiệu lực của bisphosphonate, đường dùng, liều tích lũy; bệnh nhân ung thư, xạ trị, hóa trị, dùng corticosteroid, hút thuốc; người có tiền sử bệnh về răng, kém vệ sinh răng miệng, bệnh nha chu, thủ thuật nha khoa xâm lấn, răng giả kém chất lượng. Nên cân nhắc thăm khám nha khoa để có biện pháp phòng ngừa thích hợp trước khi bắt đầu dùng bisphosphonate đường uống ở những bệnh nhân có tình trạng răng xấu. Trong quá trình điều trị, người bệnh cần duy trì vệ sinh răng miệng tốt và khám răng định kỳ;
  • Đau cơ, xương, khớp: Các triệu chứng ít khi nghiêm trọng hoặc mất khả năng vận động. Thời điểm bắt đầu xuất hiện triệu chứng có thể là 1 ngày hoặc vài tháng sau khi điều trị. Người bệnh sẽ giảm triệu chứng sau khi ngưng dùng thuốc;
  • Gãy đầu trên xương đùi không điển hình: Chủ yếu xảy ra ở bệnh nhân điều trị loãng xương kéo dài. Trong quá trình điều trị, người bệnh nên báo cho bác sĩ nếu có triệu chứng đau đùi, hông hoặc háng để được kiểm tra, xử trí;
  • Phản ứng trên da: Hiếm khi xảy ra phản ứng da nghiêm trọng như hoại tử thượng bì do nhiễm độc hoặc hội chứng Stevens Johnson;
  • Không sử dụng natri alendronate cho những bệnh nhân bị suy thận nặng có GFR <35ml/ phút;
  • Chuyển hóa chất khoáng: Cần theo dõi nồng độ canxi máu và các triệu chứng hạ canxi trong suốt quá trình dùng thuốc. Nên đảm bảo cung cấp đủ lượng canxi và vitamin (đặc biệt quan trọng ở người bệnh sử dụng glucocorticoid);
  • Loãng xương do glucocorticoid: Người bệnh cần được đánh giá mật độ khoáng chất trong xương trước khi sử dụng liệu pháp phối hợp natri alendronate với glucocorticoid, lặp lại sau đó 6 - 12 tháng;
  • Thuốc Alenta có chứa lactose nên những bệnh nhân bị không dung nạp galactose, kém hấp thu glucose-galactose hoặc thiếu men Lapp lactase không nên dùng thuốc này;
  • Những tác dụng không mong muốn của thuốc có thể ảnh hưởng tới khả năng lái xe và vận hành máy móc của bệnh nhân;
  • Thận trọng khi dùng thuốc Alenta ở người đang mang thai và bà mẹ đang cho con bú (theo chỉ định của bác sĩ).

5. Tương tác thuốc Alenta 70mg

Một số tương tác thuốc của Alenta 70mg gồm:

  • Estrogen: Dùng đồng thời 2 thuốc sẽ làm tăng khối xương, làm giảm tốc độ chuyển hóa xương nhiều hơn;
  • Thuốc kháng acid hay chế phẩm bổ sung canxi gây cản trở sự hấp thu của natri alendronate nên cần uống cách xa nhau tối thiểu 30 phút;
  • Thuốc chống viêm không steroid khi dùng đồng thời với thuốc Alenta làm tăng nguy cơ kích ứng dạ dày - ruột.

Trước khi sử dụng thuốc Alenta 70mg, bệnh nhân nên báo cho bác sĩ về tiền sử sức khỏe và các loại thuốc mình đang dùng. Người bệnh cũng cần tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của bác sĩ trong quá trình dùng thuốc để đảm bảo an toàn, hiệu quả của thuốc.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

12.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan