Công dụng thuốc Allopurinol Stada 300mg

Allopurinol Stada 300mg thuộc danh mục thuốc trị tăng acid uric máu và bệnh gout. Thuốc thường được chỉ định để điều trị bệnh gout hoặc sỏi thận và làm giảm nồng độ acid uric trong các bệnh gây lắng đọng acid uric. Để sử dụng thuốc một cách an toàn và đạt được hiệu quả điều trị bệnh tốt nhất thì người bệnh nên nắm rõ những thông tin về thuốc dưới đây.

1. Allopurinol Stada 300mg là thuốc gì?

Allopurinol Stada 300mg là thuốc trị tăng acid uric máu và bệnh gout do Công ty TNHH Liên Doanh Stada, Việt Nam sản xuất.

Thuốc có thành phần chính là Allopurinol với hàm lượng 300mg, được dùng điều trị bệnh gout, sỏi thận hoặc giúp làm giảm nồng độ acid uric ở những bệnh gây lắng đọng acid uric.

Thuốc được bào chế dạng viên nén và đóng gói hộp 3 vỉ x 10 viên, mỗi viên có chứa 300mg Allopurinol cùng các tá dược khác (Lactose monohydrate, povidone K30, magnesi slearal, natri lauryl sulfat và sunset yellow lake) vừa đủ 1 viên.

2. Công dụng thuốc Allopurinol 300mg của Stada

2.1. Tác dụng thành phần thuốc

Hoạt chất Allopurinol là một chất ức chế xanthin oxidase có tác dụng làm giảm nồng độ acid uric trong máu và nước tiểu bằng cách ức chế xanlin oxidase. Thêm vào đó, thuốc còn ức chế sự dị hoá của purin ở một số bệnh nhân tăng acid uric huyết và làm giảm sinh tổng hợp purin qua cơ chế ức chế ngược với hypoxanthin-guanin phosphorbosyliransferase.

2.2. Chỉ định Allopurinol 300mg

Thuốc thường được dùng chỉ định điều trị một số trường hợp sau đây:

  • Giảm sự hình thành acid uric trong những bệnh gây lắng đọng acid uric như viêm khớp do gout, sạn acid uric ở da, sỏi thận hoặc điều trị bệnh ác tính có thể dẫn đến bệnh thận cấp do acid uric.
  • Điều trị sỏi thận 2,8-dihydroxy aderin có liên quan đến suy giảm hoạt tính adenin phosphoribosyltransferase.
  • Điều trị sỏi thận calci oxalat tái phát gặp ở chứng tăng uric niệu khi chế độ ăn kiêng hoặc bù dịch và các biện pháp tương tự bị thất bại.

2.3. Chống chỉ định Allopurinol 300mg

Thuốc Allopurinol 300mg được khuyến cáo không dùng (chống chỉ định) cho một số đối tượng sau đây:

  • Quá mẫn với Allopurinol hoặc các thành phần khác có trong công thức.
  • Bị bệnh gan, thận nặng.
  • Có chứng nhiễm sắc tố sắt tự phát, kể cả khi không có tiền sử gia đình.
  • Không dùng Allopurinol để điều trị khởi đầu cơn gout cấp.
  • Chống chỉ định đối với trẻ em, ngoại trừ những trẻ bị bệnh u bướu hoặc bị rối loạn enzym.

3. Cách sử dụng, liều dùng Allopurinol 300mg

Để đạt được hiệu quả tốt nhất khi điều trị bằng thuốc Allopurinol 300mg thì người bệnh cần tuân thủ các chỉ định về cách dùng và liều dùng của bác sĩ.

3.1. Cách dùng Allopurinol 300mg

Thuốc Allopurinol 300mg dùng bằng đường uống một lần/ ngày sau bữa ăn để thuốc được dung nạp tốt nhất.

Người bệnh nên uống nguyên viên thuốc với một cốc nước sôi để nguội, không nghiền nát hoặc phân tán thuốc vì có thể làm giảm tác dụng của thuốc. Bên cạnh đó, không được uống thuốc cùng với rượu bia hay nước có gas, nước ngọt đóng chai, cà phê, nước trà... vì sẽ làm tăng thêm các tác dụng phụ của thuốc.

3.2. Liều dùng Allopurinol 300mg

  • Người lớn: Allopurinol được chỉ định ở liều thấp là 100mg/ ngày để giảm nguy cơ tác dụng phụ và chỉ tăng liều khi đáp ứng acid uric trong huyết thanh không thỏa đáng. Chế độ liều dùng tiếp theo có thể dùng: 100 - 200mg/ngày nếu bệnh nhẹ hoặc 300 - 600mg/ngày nếu bệnh nặng, thậm chí có thể dùng liều 700 - 900mg/ngày nếu bệnh rất nặng.
  • Trẻ em dưới 15 tuổi: Liều 10 - 20mg/kg/ngày cho đến liều tối đa là 400mg/ngày. Thuốc hiếm khi được chỉ định cho trẻ em trừ khi trẻ có bệnh ác tính và rối loạn enzym nhất định như hội chứng Lesch-Nyhan.
  • Người già: Nên sử dụng liều thấp nhất để làm giảm urat/acid uric thỏa đáng.
  • Suy thận: Allopurinol và các chất chuyển hóa của nó được thải trừ qua thận, vậy nên trong trường hợp suy thận nặng thì nên dùng liều dưới 100mg/ ngày hoặc dùng liều đơn 100mg cách ngày.
  • Suy gan: Nên giảm liều ở những bệnh nhân bị suy gan và cần kiểm tra định kỳ chức năng gan trong giai đoạn đầu điều trị.
  • Điều trị tình trạng lượng acid uric/urat cao như ung thư hay hội chứng Lesch-Nyhan: Điều chỉnh tình trạng tăng uric huyết hoặc tăng uric niệu bằng allopurinol trước khi bắt đầu liệu pháp gây độc tế bào. Nên dùng allopurinol ở liều thấp hơn liều được khuyến cáo. Nếu bệnh thận do urat hoặc các bệnh lý khác gây tổn thương thận thì nên dùng Allopurinol theo liều dùng ở trường hợp suy thận.

Lưu ý: Liều dùng cụ thể của thuốc sẽ còn tùy thuộc vào thể trạng của người bệnh và mức độ diễn tiến của bệnh. Vì thế, để có liều dùng phù hợp thì người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên môn.

4. Tác dụng phụ

Tác dụng phụ thường gặp nhất của thuốc Allopurinol 300mg là phát ban da như: ban sần hoặc ngứa hoặc ban xuất huyết, nguy hiểm hơn có thể là ban tróc vảy, hội chứng Stevens-Johnson và hoại tử biểu bì độc tính. Vì thế, cần ngưng dùng Allopurinol ngay khi thấy xuất hiện phát ban.

Các tác dụng phụ khác bao gồm: Sốt và ớn lạnh, u hạch bạch huyết, giảm hoặc tăng bạch cầu, tăng bạch cầu ưa acid, đau khớp, viêm mạch, rất hiếm gặp động kinh. Các ảnh hưởng về máu bao gồm: Giảm tiểu cầu, mất bạch cầu hạt, thiếu máu bất sản, thiếu máu tán huyết.

Nhiều tác dụng phụ hiếm gặp bao gồm: Dị cảm, rụng tóc, bệnh thần kinh ngoại vi, chứng vú to ở nam giới, rối loạn vị giác, đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, tăng huyết áp, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, rối loạn thị giác.

Bệnh nhân bị bệnh gout khi bắt đầu điều trị với Allopurinol có thể bị gia tăng các cơn gout cấp khi dù nó thường giảm sau nhiều tháng.

5. Tương tác thuốc

Allopurinol có thể tương tác với một số thuốc khác và dù là tương tác hiệp đồng hay đối kháng thì cũng đều ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc hoặc khiến các tác dụng phụ thêm nặng hơn.

Vì vậy, người bệnh nên thông báo cho bác sĩ về các loại thuốc đang dùng, kể cả thực phẩm chức năng hay vitamin và thảo dược để bác sĩ có chỉ định phù hợp nhằm tránh tương tác thuốc.

Một số loại thuốc tương tác thuốc với Allopurinol bao gồm:

  • 6-mercaptopurin và Azathioprine: Allopurinol làm kéo dài hoạt tính của 6-mercaptopurin và Azathioprin là do ức chế xanthin.
  • Vidarabin (Adenin arabinosid): Khi dùng chung với Allopurinol sẽ làm thời gian bán thải của Vidarabin tăng lên.
  • Salicylat và các thuốc gây uric niệu: Các thuốc gây uric niệu (như probenecid) hoặc Salicylat liều cao có thể đẩy nhanh sự bài tiết của Allopurinol.
  • Clorpropamid: Dùng đồng thời Allopurinol với Clorpropamid khi chức năng thận kém thì có thể tăng nguy cơ kéo dài hoạt động của hypoglycaemic vì 2 loại thuốc này cạnh tranh đào thải ở ống thận.
  • Các thuốc chống đông nhóm Coumarin: Ít có báo cáo về sự tăng hoạt tính của các thuốc chống đông nhóm coumarin và warfarin khi dùng đồng thời với Allopurinol. Vì vậy, cần theo dõi chặt chẽ ở bệnh nhân khi dùng các thuốc chống đông với Allopurinol.
  • Phenytoin: Allopurinol gây ức chế sự oxy hóa phenytoin tại gan nhưng không thấy các dấu hiệu về mặt lâm sàng.
  • Theophylline: Allopurinol ức chế sự chuyển hóa của Theophyllin khi dùng đồng thời.
  • Ampicillin⁄Amoxicillin: Làm tăng tần suất tác dụng phụ phát ban da.
  • Cyclophosphamid, Doxorubicin, Bleomycin, Procarbazin, Mecloroethamin: Các thuốc này khi dùng chung với Allopurinol sẽ làm tăng sự phá hủy tủy xương ở bệnh nhân ung thư.
  • Ciclosporin: Khi dùng đồng thời với Allopurinol có thể làm tăng nồng độ trong huyết tương của Ciclosporin.

6. Lưu ý và thận trọng

Khi sử dụng thuốc Allopurinol 300mg thì người bệnh cần lưu ý và thận trọng thêm một số vấn để sau để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và đạt được hiệu quả điều trị bệnh tốt nhất, cụ thể là:

  • Chỉ dùng thuốc khi được bác sĩ chuyên môn chỉ định và cần tuân thủ liều dùng, cách dùng của bác sĩ. Không được tự ý thay đổi hay điều chỉnh liều dùng khi chưa có chỉ định.
  • Thận trọng khi dùng thuốc Allopurinol 300mg cho người mắc bệnh gan, bệnh thận, huyết áp cao, tiểu đường.
  • Cần ngưng dùng thuốc khi bị phát ban da hoặc có các dấu hiệu bất thường khác và liên hệ ngay với bác sĩ điều trị để được tư vấn cụ thể hơn.
  • Đối với phụ nữ mang thai thì vẫn chưa có bằng chứng đầy đủ về tính an toàn khi dùng Allopurinol. Vì thế, phụ nữ mang thai không nên dùng thuốc, chỉ dùng thuốc khi thật sự cần thiết và theo sự chỉ định của bác sĩ có chuyên môn.
  • Thuốc có thể được bài tiết vào sữa mẹ nên phụ nữ cho con bú khi dùng thuốc thì tốt nhất là nên ngưng cho con bú để hạn chế tối đa ảnh hưởng tới trẻ nhỏ.
  • Thuốc có thể gây tác dụng phụ buồn ngủ, mất thăng bằng, chóng mặt, mất điều hòa. Vì vậy, người bệnh không nên lái xe hay vận hành máy móc khi đang dùng thuốc.

7. Quên liều, quá liều và cách xử trí

Quên liều: Nếu quên uống 1 liều thuốc thì nên uống ngay khi nhớ ra, nhưng nếu thời điểm nhớ ra gần với thời gian uống liều kế tiếp thì nên bỏ qua liều quên. Tuyệt đối không được gộp chung 2 liều cùng thời điểm để tránh gây tình trạng quá liều và ảnh hưởng đến sức khỏe.

Quá liều: Khi dùng quá liều allopurinol thì người bệnh sẽ có các triệu chứng như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, hoa mắt. Khi có các triệu chứng quá liều thì tiến hành rửa dạ dày và thực hiện điều trị hỗ trợ, điều trị triệu chứng. Còn nếu trong trường hợp gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng thì cần đưa bệnh nhân tới trung tâm y tế để được cấp cứu kịp thời.

8. Cách bảo quản thuốc

  • Bảo quản thuốc ở nơi khô ráo, có nhiệt độ phòng dưới 30 độ C; cần tránh ánh nắng mặt trời, tránh ẩm và tránh xa tầm với của trẻ, cùng các vật nuôi trong gia đình.
  • Nếu thuốc khi đã hết hạn sử dụng hoặc không còn sử dụng thì nên thu gom và xử lý rác thải y tế theo hướng dẫn của nhà sản xuất, bác sĩ. Không nên vứt thuốc vào toilet hoặc xả trực tiếp ở dưới vòi nước sinh hoạt.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Allopurinol Stada 300mg, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Lưu ý, Allopurinol Stada 300mg là thuốc kê đơn, người bệnh cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý điều trị tại nhà.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

98K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan