Công dụng thuốc Bantako

Thuốc Bantako thuộc nhóm kháng sinh Macrolid, chứa thành phần chính là Spiramycin, hàm lượng 750000IU, bào chế dạng viên nén bao phim, đóng gói mỗi vỉ 10 viên. Thuốc hiệu quả trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn răng miệng và dự phòng sau phẫu thuật răng miệng...

1. Thuốc Bantako là thuốc gì?

Hàm lượng dược chất chính Spiramycin trong thuốc Bantako là 750000 IU, đóng gói trong mỗi hộp chứa 2 vỉ hoặc 10 vỉ, được đăng ký bởi Công ty CP US pharma Hà Nội. Bantako có hiệu quả trong nhiều bệnh nhiễm trùng do các vi khuẩn nhạy cảm với kháng sinh có chứa trong thuốc.

  • Dược chất chính spiramycin là kháng sinh nhóm Macrolid. Thuốc có phổ kháng khuẩn rộng, các vi khuẩn nhạy cảm như: Streptococcus, Rhodococcus equi, Staphylococcus nhạy cảm với meticilline, Branhamella catarrhalis, Helicobacter pylori, Corynebacterium diphtheriae, Mycoplasma pneumoniae, Chlamydia trachomatis, Leptospira, Actinomyces, Mobiluncus, Mycoplasma hominis,... Nhóm vi khuẩn nhạy cảm trung bình như: Neisseria gonorrhoeae, Ureaplasma, Vibrio, Legionella pneumophila. Nhóm các vi khuẩn đề kháng thuốc như: Staphylococcus kháng meticillin, Pseudomonas, Enterobacteriaceae, Acinetobacter, Fusobacterium, Nocardia, Bacteroides fragilis, HI và para-influenzae.
  • Sau khi uống, thuốc được hấp thu nhanh (thời gian bán hấp thu khoảng 20 phút), nhưng không hoàn toàn, quá trình hấp thu không bị ảnh hưởng bởi thức ăn. Sau khi uống 6 triệu đơn vị, nồng độ thuốc tối đa đạt 3,3 mcg/ml và thời gian bán hủy là 8 giờ. Thuốc được phân bố vào nước bọt và các mô: mô phổi, Amygdale, các xoang bị nhiễm trùng, xương, lách, gan, thận, tập trung cả trong thực bào... Thuốc không đi qua dịch não tủy, khoảng 10% thuốc liên kết với protein huyết tương. Thuốc được chuyển hóa chậm tại gan. Khoảng 10% liều dùng thuốc được thải trừ qua nước tiểu, thải trừ lượng lớn qua mật, theo ruột ra phân.

2. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Bantako

Thuốc Bantako được dùng trong các bệnh lý sau:

  • Điều trị các nhiễm trùng vùng răng miệng như: áp-xe răng, viêm tấy, viêm mô tế bào quanh xương hàm, viêm nướu, viêm quanh thân răng, viêm nha chu, viêm tuyến mang tai, bệnh lý viêm miệng, viêm dưới hàm...
  • Dự phòng các nhiễm khuẩn răng miệng sau cuộc phẫu thuật.

Thuốc Bantako không được dùng trong các trường hợp sau:

  • Người bệnh dị ứng với Spiramycin, các dẫn xuất imidazol hoặc dẫn xuất acetyl Spiramycin.
  • Phụ nữ đang nuôi con bú không sử dụng thuốc Bantako.

3. Cách sử dụng và liều dùng thuốc Bantako

Cách dùng: Thuốc Bantako được dùng đường uống. Người bệnh nên uống viên thuốc với 1 cốc nước lọc vừa đủ, có thể uống bất cứ khi nào do quá trình hấp thu thuốc không bị ảnh hưởng bởi sự có mặt của thức ăn.

Liều dùng: Người bệnh nên tuân thủ liều lượng sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ, hoặc có thể tham khảo liều dùng theo khuyến cáo sau:

  • Người lớn: liều dùng 4 đến 6 viên, chia đều thành 2 đến 3 lần, mỗi lần 2 viên.
  • Trẻ em từ 10 đến 15 tuổi: liều dùng 3 viên, chia 3 lần, mỗi lần 1 viên.
  • Trẻ em từ 5 đến 10 tuổi: liều dùng 2 viên, chia 2 lần, mỗi lần 1 viên.

Quá liều: Khi sử dụng quá liều quy định, người bệnh có thể gặp các triệu chứng buồn nôn, nôn, mất điều hòa, dấu hiệu thần kinh viêm dây thần kinh ngoại biên, co giật... Do không có thuốc giải độc đặc hiệu, người bệnh khi quá liều cần được điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ.

4. Tác dụng phụ của thuốc Bantako

Người bệnh có thể gặp các tác dụng không mong muốn sau đây khi uống thuốc kháng sinh Bantako:

  • Các rối loạn tiêu hoá: đau dạ dày, nôn, buồn nôn, tiêu chảy...
  • Phản ứng dị ứng thuốc như nổi mề đay, nổi mẩn ngứa trên da.
  • Vị kim loại trong miệng, viêm miệng, viêm lưỡi, xét nghiệm thấy giảm bạch cầu vừa phải, có hồi phục sau khi ngưng sử dụng thuốc.
  • Hiếm thấy và có thể liên quan đến thời gian dùng thuốc điều trị kéo dài: chóng mặt, mất điều hoà, mất phối hợp, viêm đa dây thần kinh cảm giác và thần kinh vận động, có cảm giác dị cảm.

Hãy thông báo cho bác sĩ những tác dụng phụ không mong muốn khi người bệnh dùng thuốc Bantako.

5. Những lưu ý trong quá trình sử dụng thuốc Bantako

Trong quá trình dùng thuốc, người bệnh cần lưu ý những vấn đề sau:

  • Thuốc cần được thận trọng khi dùng cho các người bệnh có nghi ngờ loét dạ dày, viêm ruột kết mạn, viêm ruột hồi hoặc người bệnh là người cao tuổi, người chuyển vận ruột chậm.
  • Nên uống thuốc tư thế ngồi hoặc đứng, không uống khi nằm.
  • Phụ nữ có thai: Thuốc có thể được sử dụng cho phụ nữ đang mang thai do dược chất spiramycin đi qua nhau thai nhưng nồng độ trong máu nhau thai thấp hơn nồng độ trong máu người mẹ, dược chất không gây tai biến cho mẹ và thai nhi.
  • Phụ nữ cho con bú: Spiramycin đều qua sữa mẹ, tránh sử dụng thuốc Bantako trong lúc đang nuôi con bú.

6. Tương tác thuốc

  • Bantako có thể làm mất tác dụng của thuốc tránh thai, vì vậy không nên dùng đồng thời.
  • Khi dùng đồng thời với Disulfiram có thể tương tác gây tác dụng độc với thần kinh như loạn thần, lú lẫn.
  • Thuốc gây tăng độc tính của những thuốc chống đông dùng đường uống (như warfarin), tăng nguy cơ xuất huyết do giảm sự dị hóa tại gan. Khi người bệnh cần dùng phối hợp, người bệnh nên được kiểm tra thường xuyên hàm lượng Prothrombin để điều chỉnh liều dùng của thuốc chống đông.
  • Làm tăng tác dụng của thuốc giãn cơ vecuronium khi dùng cùng.
  • Thuốc khi dùng đồng thời với Lithi có thể gây tăng nồng độ Lithi trong máu, gây độc.
  • Thuốc gây tăng độc tính của fluorouracil vì làm giảm sự thanh thải.
  • Khi dùng thuốc chung với rượu gây hiệu ứng Antabuse có các triệu chứng nóng, nôn mửa, tim đập nhanh.

Trên đây là thông tin về thuốc Bantako. Thuốc Bantako được chỉ định điều trị các nhiễm trùng do nhóm vi khuẩn nhạy cảm với Spiramycin. Để đảm bảo hiệu quả điều trị, người bệnh cần dùng thuốc kháng sinh này theo đơn hoặc tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ điều trị.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

274 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan