Công dụng thuốc Bermoric

Thuốc Bermoric có thành phần chính là Berberine chloride, Mộc hương, Loperamide và các thành phần tá dược khác với lượng vừa đủ một viên nén. Loại thuốc này thuộc nhóm thuốc đường tiêu hóa có công dụng trong điều trị hội chứng lỵ, lỵ trực khuẩn, tiêu chảy, viêm ruột và viêm ống mật.

1. Thuốc Bermoric là thuốc gì?

Thuốc Bermoric là thuốc gì? Thuốc Bermoric có thành phần chính là Berberine chloride, mộc hương, Loperamide và các thành phần tá dược khác với lượng vừa đủ một viên nén. Loại thuốc này thuộc nhóm thuốc đường tiêu hóa có công dụng trong điều trị hội chứng lỵ, lỵ trực khuẩn, tiêu chảy, viêm ruột và viêm ống mật.

Thuốc Bermoric được bào chế dưới dạng viên nang, phù hợp sử dụng theo đường uống trực tiếp. Quy cách đóng gói là mỗi hộp thuốc gồm 10 vỉ và mỗi vỉ có 10 viên.

Tác dụng của Berberin Clorid:

  • Berberin Clorid: là dạng muối của alcaloid Berberin được điều chế chủ yếu từ cây vàng đằng và có hoạt tính kháng khuẩn tốt. Hoạt chất Berberin tác động đối với nhiều vi khuẩn và ký sinh trùng gây bệnh, đặc biệt là các chủng xâm nhập vào hệ thống đường tiêu hóa gây ra tình trạng tiêu chảy. Các loại vi khuẩn đó bao gồm vi khuẩn gram dương và gram âm, đặc biệt là shigella, liên cầu khuẩn, tụ cầu.
  • Berberin còn có khả năng chống lại sự xâm nhập của một số nấm men gây bệnh đối với cả người và một số động vật.
  • Hoạt chất Berberin được sử dụng phổ biến để điều trị các nhiễm trùng tiêu hóa, lỵ và ỉa chảy mà không gây ảnh hưởng đến hệ lợi khuẩn đường ruột đối với người.

Tác dụng của Mộc hương:

  • Rễ của cây mộc hương, là vị thuốc y học cổ truyền có công dụng trong hành khí giải uất.
  • Mộc hương có công dụng giảm đau trong các trường hợp đau do khí trong cơ thể kém lưu thông như đau dạ dày, đau đại tràng co thắt, đau bụng.
  • Mộc hương cũng có công dụng kiện tỳ cầm tiêu chảy, cải thiện chức năng đường tiêu hóa, trị các chứng đầy chướng bụng và ăn uống không tiêu.

2. Thuốc Bermoric có công dụng điều trị bệnh gì?

Thuốc Bermoric có tác dụng gì? Thuốc Bermoric được sử dụng trong điều trị các bệnh lý như sau:

  • Trường hợp người bệnh gặp phải các dấu hiệu triệu chứng của tiêu chảy bao gồm cấp và mãn tính nguyên nhân do một số vi khuẩn đường ruột.
  • Người chuẩn bị có thủ thuật cần mở thông hồi tràng, do đó cần phải sử dụng đến hoạt chất Bermoric để làm giảm nhu động ruột, giảm lượng phân.
  • Người bị mắc phải hội chứng kích thích ở độ tuổi từ 18 trở lên cần cải thiện các dấu hiệu triệu chứng của tiêu chảy cấp tính.

3. Cách dùng và liều dùng của thuốc Bermoric

3.1. Liều dùng của thuốc Bermoric

Trong trường hợp người bệnh bị tiêu chảy cấp:

  • Đối với người lớn: ban đầu sử dụng 4mg; cứ mỗi lần đi ngoài phân lỏng thì sử dụng thêm 2mg; tuy nhiên trong thời gian 24 giờ thì chỉ được sử dụng tối đa 16mg.
  • Đối với trẻ em từ 8 đến 12 tuổi: ban đầu sử dụng mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 2mg; cứ mỗi lần đi ngoài phân lỏng thì sử dụng thêm 1mg/10kg cân nặng) cơ thể và mỗi ngày tối đa là 6mg.
  • Đối với trẻ em từ 6 đến 8 tuổi: ban đầu sử dụng mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 2mg; cứ mỗi lần đi ngoài phân lỏng thì sử dụng thêm 1mg/10kg cân nặng cơ thể và mỗi ngày tối đa là 4mg.
  • Trong trường hợp người bệnh bị tiêu chảy mãn: với người lớn thì mỗi ngày sử dụng từ 4-8mg, có thể dùng 1 lần hoặc chia thành 2 đến 3 lần. Còn với trẻ em: chưa xác định, phụ thuộc vào sự chỉ định của bác sĩ điều trị.

Cần lưu ý: Liều dùng thuốc trên chỉ mang tính chất tham khảo, người bệnh cần dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn để nâng cao hiệu quả sử dụng, tránh tác dụng phụ và tương tác thuốc có thể xảy ra.

3.2. Cách dùng của thuốc Bermoric

  • Thuốc Bermoric được bào chế dạng viên nang nên bạn có thể sử dụng thuốc bằng đường uống.
  • Sử dụng thuốc Bermoric với nước, tránh sử dụng với các chất kích thích hoặc bia, rượu hay cà phê.

4. Tác dụng không mong muốn của thuốc Bermoric

Bên cạnh các công dụng điều trị bệnh của thuốc thì khi điều trị bằng thuốc Bermoric cũng có thể gặp phải một số tác dụng không mong muốn, cụ thể như sau:

  • Đối với hệ thần kinh: mệt mỏi, tăng cảm giác buồn ngủ và chóng mặt.
  • Đối với da liễu: Xuất hiện nhiều nốt mẩn ngứa trên bề mặt da.
  • Đối với hệ tiêu hóa: Xuất hiện tình trạng táo bón, đau nóng rát vùng thượng vị, giảm tiết dịch gây ra tình trạng khô miệng,...

5. Chống chỉ định của thuốc Bermoric

Bạn vui lòng không sử dụng thuốc Bermoric cho các trường hợp sau:

  • Không sử dụng thuốc đối với những người đã từng có các dấu hiệu bất thường khi sử dụng thuốc có thành phần tương tự như với thuốc Bermoric.
  • Không sử dụng đối với những người cao tuổi và trẻ em dưới 6 tuổi.
  • Người bị suy giảm chức năng gan thì không nên sử dụng.
  • Không sử dụng thuốc Bermoric đối với những người bị viêm loét dạ dày-tá tràng cấp, lỵ cấp, viêm ruột gây ra bởi vi trùng, tiêu chảy cấp gây ra bởi Salmonella, E.coli, Shigella,...
  • Trong một số trường hợp như táo bón, tắc ruột,...bạn cần phải tránh ức chế nhu động ruột thì không nên sử dụng thuốc Bermoric.

6. Tương tác của thuốc Bermoric

Trong quá trình sử dụng thuốc Bermoric, có thể xảy ra hiện tượng cạnh tranh hoặc tương tác giữa thuốc Bermoric với thức ăn hoặc các thuốc, thực phẩm chức năng khác:

Bệnh nhân sử dụng thuốc Bermoric đồng thời với thuốc Cotrimoxazol có thể gây ra tình trạng hiệp đồng tác dụng, gây tăng tính khả dụng của thuốc Bermoric.​ Vì vậy, để đảm bảo an toàn, bạn nên thông báo cho bác sĩ về các loại thuốc, thảo dược, thực phẩm chức năng,.... để bác sĩ được biết và đưa ra những lời tư vấn chính xác giúp nâng cao hiệu quả và hạn chế được những tác dụng phụ không mong muốn.

7. Một số lưu ý trong quá trình sử dụng thuốc Bermoric

7.1. Lưu ý khi sử dụng thuốc Bermoric

  • Có thể sử dụng thuốc Bermoric đối với trẻ em dưới 12 tuổi nhưng cần sử dụng đúng theo sự chỉ định của bác sĩ điều trị bệnh.
  • Người đang bị tiêu chảy giai đoạn cấp tính có thể gặp phải tình trạng thiếu nước và điện giải, nên việc bù nước và điện giải cần phải xử lý trước.
  • Sử dụng thuốc Bermoric đối với người bị bệnh suy gan cần theo dõi chặt chẽ vì có thể gây ngộ độc với thần kinh.
  • Sử dụng thuốc Bermoric với người bị bệnh AIDS nếu gặp phải tình trạng căng chướng bụng cần ngừng thuốc ngay lập tức.
  • Đối với phụ nữ đang trong thời gian mang thai hoặc đang cho con bú sữa mẹ phải hết sức thận trọng trước khi sử dụng thuốc Bermoric, nên tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị về liều lượng và cách sử dụng để gây ra ít ảnh hưởng đến em bé nhất.
  • Để xa tầm tay trẻ em để tránh chúng có thể đùa nghịch uống phải thuốc Bermoric.
  • Bạn không tự ý ngưng sử dụng thuốc Bermoric mà phải làm theo sự hướng dẫn hoặc có đơn thuốc của bác sĩ. Tránh tình trạng dừng sử dụng thuốc đột ngột có thể làm cho tình trạng bệnh trở nên ngày càng nghiêm trọng hơn.

7.2. Cách bảo quản thuốc Bermoric:

Thuốc Bermoric được bảo quản ở nhiệt độ phòng, để thuốc ở nơi thoáng mát, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời. Đồng thời, bạn cần chú ý để xa tầm với của trẻ em và các loại thú cưng đang nuôi trong gia đình của bạn để hạn chế nguy cơ uống nhầm thuốc.

Tóm lại, thuốc Bermoric có thành phần chính là Berberine chloride, mộc hương và Loperamide. Loại thuốc này thuộc nhóm thuốc đường tiêu hóa có công dụng trong điều trị hội chứng lỵ, lỵ trực khuẩn, tiêu chảy, viêm ruột và viêm ống mật. Để đảm bảo hiệu quả sử dụng và tránh được các tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

14.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan