Công dụng thuốc Budesma

Thuốc Budesma là thuốc thuộc nhóm thuốc kê đơn được chỉ định điều trị bệnh hen suyễn dai dẳng. Để đảm bảo hiệu quả sử dụng, người dùng cần tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ và các dược sĩ tư vấn.

1. Công dụng thuốc Budesma là gì?

1.1. Thuốc Budesma là thuốc gì?

Thuốc Budesma thuộc nhóm thuốc tác dụng lên đường hô hấp, thuốc được bào chế dưới dạng thuốc hít định liều, một hộp 300 liều với các thành phần:

  • Hoạt chất chính: Budesonide BP hàm lượng 200mcg
  • Tá dược: Ethanol, Sorbitan Trioleate và 1,1,1,2-Tetrafluoroethane (HFA 134a).

Thuốc Budesma khuyến cáo sử dụng cho người trưởng thành và trẻ em từ 6 tuổi trở lên.

1.2. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Budesma

Chỉ định

Điều trị duy trì bệnh hen mãn tính với:

  • Bệnh nhân không được kiểm soát tốt với thuốc corticosteroid dạng hít và các chất chủ vận beta-2 dạng hít có tác dụng ngắn được sử dụng khi cần thiết.
  • Bệnh nhân đã được kiểm soát tốt bằng thuốc corticosteroid dạng hít và chất chủ vận beta-2 có tác dụng kéo dài.

Chống chỉ định

  • Bệnh nhân bị dị ứng với thành phần hoạt chất chính Budesonide BP hay bất cứ thành phần tá dược nào được liệt kê trên đây của thuốc

2. Cách sử dụng của Budesma

2.1. Cách dùng thuốc Budesma

  • Bước 1: Lắc kỹ bình thuốc trước mỗi lần hít. Kiểm tra số liều trên bình xịt của mình. Nếu lần đầu tiên dùng bình xịt hoặc bình xịt đã không được dùng trong ít nhất 7 ngày thì trước hết hãy thử bình xịt bằng cách xịt hai lần vào không khí.
  • Bước 2: Tháo nắp an toàn ra khỏi đầu xịt, kiểm tra tổng quát xem có dị vật nào ở đầu lọ không trước mỗi lần dùng. Phải đảm bảo chắc chắn rằng bơm được lắp cố định vào lọ thuốc.
  • Bước 3: Cầm lọ thuốc theo chiều dựng ngược trên ngón tay cái. Để một hoặc hai ngón tay thuận lên đầu lọ. Thở mạnh hết cỡ để đẩy càng nhiều khí ra khỏi phổi càng tốt. Sau đó há miệng đặt đầu lọ thuốc xịt vào giữa hàm răng trong miệng.
  • Bước 4: Ngậm miệng lại, viền môi kín xung quanh lọ thuốc, đầu hơi ngả về phía sau. Bắt đầu hít thở vào nhẹ nhàng bằng đường miệng. Khi đã lấy được nhịp thở đều và sâu, ấn lọ thuốc để nhận được một lần xịt.
  • Bước 5: Lấy lọ thuốc ra khỏi miệng và giữ nhịp thở đều trong khoảng 10 giây hoặc đủ lâu để cảm thấy thoải mái, rồi nhẹ nhàng thở ra.

Lưu ý:

  • Nếu cần xịt thêm liều nữa hãy đợi ít nhất sau đó khoảng 1 phút thực hiện lại từ bước thứ 2 đến bước thứ 5 cho mỗi lần xịt theo chỉ định của bác sĩ. Súc miệng bằng nước sạch hoặc nước muối sau khi xịt xong. Cuối cùng cần đóng nắp lọ thuốc lại.
  • Cần thực hiện thử xịt trước gương vài lần. Nếu thấy tình trạng thuốc bị bắn tung tóe trên đầu lọ hoặc quanh miệng có thể là do bạn chưa sử dụng chưa đúng cách. Cần bắt đầu lại từ bước 2.
  • Đối với trẻ em, khi sử dụng Budesma phải có chỉ định bác sĩ và có sự giám sát của người lớn.

2.2. Liều dùng của thuốc Budesma

  • Liều cho người trưởng thành, kể cả người cao tuổi: 200mcg x 2 lần mỗi ngày, vào buổi sáng và buổi tối. Trong giai đoạn hen nặng có thể tăng liều dùng mỗi ngày lên đến 1600 mcg (chia 2 lần sử dụng). Người bệnh nên dùng liều ở mức thấp nhất cần thiết để kiểm soát tốt cơn hen.
  • Trẻ em 6 – 12 tuổi: Liều lượng 200 đến 800 mcg mỗi ngày chia làm nhiều liều. Không dùng Budesonide hít định liều cho trẻ dưới 6 tuổi do không có dữ liệu về hiệu quả và an toàn cho trẻ ở tuổi này. Giảm liều đến liều thấp nhất được duy trì để kiểm soát cơn hen tốt.
  • Các bệnh nhân dùng Glucocorticosteroid dạng uống: Khi dùng Budesma dạng hít định liều có thể thay thế hoặc giảm đáng kể liều Glucocorticosteroid đường uống mà vẫn kiểm soát tốt cơn hen.

Xử lý khi quên liều: Để thuốc phát huy tác dụng kiểm soát cơn hen hiệu quả thì người bệnh cần cố gắng không quên xịt thuốc. Nếu lỡ quên 1 liều thì cần xịt ngay khi nhớ ra, nhưng nếu gần thời gian dùng liều Budesma kế tiếp thì bỏ qua liều bỏ lỡ và xịt tiếp liều mới theo lịch trình. Không xịt gấp đôi liều để bù vào liều đã quên.

Xử trí khi quá liều: Chỉ có một tác hại khi hít phải lượng thuốc Budesonide lớn trong thời gian ngắn là ức chế chức năng của trục HPA. Không cần can thiệp biện pháp cấp cứu đặc biệt nào. Điều trị bằng liều hít Budesonide vẫn tiếp tục được đề nghị ở liều khuyến cáo đề kiểm soát bệnh hen.

3. Lưu ý khi dùng thuốc Budesma

Lưu ý khi dùng thuốc Budesma như sau:

  • Không dùng bình hít Budesma khi đã quá hạn sử dụng, bình bị hở, có dấu hiệu bị nấm mốc, ẩm ướt.
  • Thao tác ấn xịt cần được thực hiện dứt khoát và đúng quy trình, nếu bệnh nhân không nắm được cách xịt thì cần trao đổi lại với bác sĩ điều trị ngay để tránh xịt lãng phí thuốc.
  • Trong quá trình dùng Budesma, bệnh nhân cần kiêng ăn: mắm tôm, ốc, cua, chuối tiêu, rượu, bia và hạn chế làm việc quá sức.
  • Để có thể đạt được hiệu quả cao trong điều trị, bệnh nhân cần kiên trì dùng thuốc đủ đợt và theo chỉ định của bác sĩ.
  • Trong quá trình sử dụng, nếu gặp bất kỳ những phản ứng phụ không mong muốn nào được liệt kê sau đây thì hãy ngưng sử dụng và liên hệ với bác sĩ điều trị để được tư vấn.
  • Thận trọng khi dùng Budesma cho bệnh nhân bị lao cấp hoặc lao tiềm ẩn và các bệnh nhân bị nhiễm nấm, nhiễm virus đường hô hấp.
  • Phụ nữ có thai và đang cho con bú chỉ dùng thuốc khi được sự chỉ định của bác sĩ và đã cân nhắc lợi ích, nguy cơ cho trẻ.
  • Thuốc Budesma có thể gây buồn ngủ nên chú ý khi lái xe hoặc vận hành máy móc.

4. Tác dụng phụ của thuốc Budesma

Tác dụng phụ của thuốc Budesma có thể xảy ra với tần suất như sau:

Thường gặp

Các rối loạn hô hấp, lồng ngực và trung thất: Kích ứng họng mức độ nhẹ, nhiễm nấm Candida vùng họng, khan tiếng, ho.

Hiếm gặp

  • Rối loạn tâm thần: Bồn chồn, lo âu, rối loạn hành vi, trầm cảm, mất ngủ.
  • Rối loạn miễn dịch: Các phản ứng mẫn cảm bao gồm phát ban, nổi mề đay, viêm da tiếp xúc, phù mạch và phản ứng phản vệ, thâm tím da.
  • Rối loạn hô hấp: Co thắt phế quản.
  • Rối loạn nội tiết: Ức chế tuyến thượng thận, chậm lớn, giảm mật độ xương.
  • Rối loạn về mắt: Tăng nhãn áp.
  • Nhiễm Candida ở hầu họng là do sự lắng đọng thuốc. Tư vấn cho bệnh nhân súc miệng với nước sạch hoặc nước muối sau mỗi lần dùng sẽ giảm thiểu rủi ro.

5. Tương tác thuốc Budesma

  • Sự chuyển hóa của hoạt chất budesonide chủ yếu là qua trung gian CYP3A4, các chất ức chế mạnh CYP3A4 này cũng có khả năng làm tăng rõ rệt nồng độ của budesonide trong huyết tương.
  • Vì chức năng thượng thận có thể bị ức chế khi sử dụng Budesma, thử nghiệm kích thích ACTH để chẩn đoán suy thận có thể cho kết quả sai.

6. Cách bảo quản thuốc Budesma

Thời gian bảo quản thuốc Budesma là 24 tháng từ ngày sản xuất. Theo đó, cần bảo quản bình hít ở nhiệt độ phòng dưới 30 độ C tại những nơi khô ráo thoáng mát, tránh khỏi ánh nắng mặt trời, tránh xa các nguồn nhiệt như tủ lạnh, tivi hay lò nướng và những nơi ẩm thấp như trong nhà tắm. Bình hít đã mở nên được sử dụng trong 2 tháng kể từ sau khi mở nắp. Để thuốc ở vị trí cao tránh xa tầm tay trẻ.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

76 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan