Công dụng thuốc Buspirone

Buspirone là thuốc thuộc nhóm thuốc azaperone có hoạt tính giải lo âu, nhưng không cho tác dụng an thần, giãn cơ và chống co giật. Cơ chế hoạt động của thuốc vẫn chưa được giải thích đầy đủ, tuy nhiên người ta cho rằng hiệu quả thuốc Buspirone có được là do tác dụng trên các thụ thể serotonin.

1. Buspirone là thuốc gì?

Buspirone là thuốc gì? Buspirone là một thuốc thuộc nhóm thuốc chống lo âu. Đây là tình trạng xảy ra do các chất hóa học trong não bị mất cân bằng khiến người bệnh thường xuyên bị lo lắng. Thuốc thường được bào chế dưới dạng viên nén, hàm lượng 5 mg hoặc 10 mg.

2. Tác dụng của thuốc Buspirone

Thuốc Buspirone là thuốc được sử dụng để điều trị các triệu chứng lo lắng như sợ hãi, căng thẳng, khó chịu, chóng mặt, nhịp tim đập mạnh và các triệu chứng thể chất khác, có thể kèm hoặc không kèm theo các triệu chứng trầm cảm. Thuốc Buspirone được dùng điều trị rối loạn lo âu lan tỏa (GAD).

Lưu ý thuốc Buspirone không phải là thuốc chống rối loạn tâm thần và không nên được sử dụng thay thế thuốc do bác sĩ kê đơn cho các chứng rối loạn tâm thần.

Thuốc Buspirone giúp bệnh nhân suy nghĩ rõ ràng hơn, thư giãn, ít lo lắng, hòa nhập hơn với cuộc sống hàng ngày. Buspirone có thể giúp bệnh nhân cảm thấy bớt bồn chồn, cáu kỉnh, kiểm soát các triệu chứng như khó ngủ, đổ mồ hôi, nhịp tim mạnh. Thuốc Buspirone cho hiệu quả điều trị bằng các tác động lên những chất dẫn truyền thần kinh trong não.

3. Cách sử dụng thuốc Buspirone

Thuốc Buspirone được sử dụng bằng đường uống, thường 2-3 lần một ngày hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Bệnh nhân có thể dùng thuốc Buspirone kèm hoặc không kèm thức ăn. Điều quan trọng khi dùng thuốc Buspirone là tuân thủ điều trị để lượng thuốc hấp thu vào cơ thể luôn ở mức giống nhau mỗi ngày.

Thuốc Buspirone ở dạng viên nén có thể chia nhỏ được theo đúng liều lượng chỉ định, thực hiện theo hướng dẫn sử dụng hoặc hoặc hỏi ý kiến dược sĩ về cách chia viên thuốc cho mỗi liều.

Hạn chế ăn hoặc uống nước ép bưởi chùm (ít hơn một phần tư lít một ngày) trong khi điều trị bằng thuốc Buspirone, bưởi chùm có thể làm tăng nồng độ buspirone trong máu của người bệnh.

Liều lượng thuốc Buspirone được kê dựa trên tình trạng sức khỏe và khả năng đáp ứng với điều trị của người bệnh. Sử dụng thuốc Buspirone thường xuyên để thuốc phát huy hiệu quả cao nhất, người bệnh nên uống thuốc vào cùng thời điểm mỗi ngày.

Khi mới bắt đầu dùng thuốc Buspirone, các triệu chứng lo âu ban đầu có thể tồi tệ hơn sau đó mới dần được cải thiện, có thể mất đến 1 tháng hoặc lâu hơn để thuốc phát huy tác dụng hoàn toàn.

4. Liều dùng của thuốc Buspirone

Liều dùng thông thường của thuốc Buspirone cho người lớn trong điều trị lo âu:

  • Liều thuốc Buspirone khởi đầu: 7,5mg/lần, uống 2 lần/ngày hoặc 5mg/lần uống 3 lần/ngày;
  • Liều thuốc Buspirone duy trì: Liều dùng hàng ngày có thể tăng thêm 5mg sau mỗi 2 - 3 ngày, cho đến mức 20 - 60 mg/ngày, chia làm nhiều lần uống;
  • Liều tối đa thuốc Buspirone có thể lên đến 60 mg mỗi ngày.

Liều dùng thuốc Buspirone cho trẻ em: Mặc dù Buspirone không được FDA chấp thuận để sử dụng cho bất kỳ bệnh nhân nào dưới 18 tuổi, nhưng thuốc này vẫn có thể được sử dụng cho trẻ em và thanh thiếu niên dưới sự giám sát y tế chặt chẽ và ở liều lượng thích hợp. Liều dùng thuốc Buspirone thông thường cho trẻ em để điều trị lo âu trong độ tuổi từ 6 - 18 tuổi:

  • Liều khởi đầu thuốc Buspirone: 2,5 - 10 mg hàng ngày;
  • Liều duy trì thuốc Buspirone: Liều dùng hàng ngày có thể tăng thêm một lượng 2,5 mg sau mỗi 2 - 3 ngày, có thể tăng đến liều 15 - 60mg/ngày, có thể chia làm 2 lần uống/ngày.

Liều dùng thuốc Buspirone ở bệnh nhân cao tuổi: Dùng liều thuốc Buspirone tương tự người lớn.

Liều dùng thuốc Buspirone ở bệnh nhân suy giảm chức năng thận: Sử dụng thận trọng và nên dùng liều thấp, 2 lần/ngày. Đáp ứng và các triệu chứng bệnh nhân nên được đánh giá cẩn thận trước khi tăng liều thuốc Buspirone. Không dùng thuốc Buspirone cho người bệnh suy thận nặng (độ thanh thải creatinin < 20 mL/phút/1,72 m2).

Liều dùng thuốc Buspirone ở bệnh nhân suy giảm chức năng gan: Nên sử dụng thận trọng và liều lượng nên được điều chỉnh cẩn thận để giảm nguy cơ xảy ra tác dụng không mong muốn trên hệ thần kinh trung ương. Khi tăng liều thuốc Buspirone cần cân nhắc cẩn thận sau 4 - 5 ngày dùng liều trước đó. Không dùng thuốc Buspirone cho bệnh nhân suy gan nặng.

Cần lưu ý: Liều dùng thuốc Buspirone chỉ mang tính chất tham khảo, người bệnh cần dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn khi được bác sĩ kê đơn chỉ định.

5. Chống chỉ định của thuốc Buspirone

Chống chỉ định của thuốc Buspirone trong những trường hợp sau đây:

  • Người bệnh quá mẫn với hoạt chất chính hoặc với bất kỳ thành phần nào của thuốc Buspirone;
  • Suy giảm chức năng thận hoặc gan nặng;
  • Đang nhiễm độc cấp tính với: rượu, thuốc ngủ, các loại thuốc giảm đau, thuốc chống loạn thần;
  • Động kinh;
  • Bệnh nhân đang thuốc ức chế monoamine oxidase (MAOIs) trong vòng 14 ngày trước đó.

Chống chỉ định thuốc Buspirone ở đây cần được hiểu là chống chỉ định tuyệt đối, nghĩa không vì bất cứ lý do nào mà chống chỉ định lại có thể linh động trong việc sử dụng thuốc.

6. Tác dụng phụ của thuốc Buspirone

Trong quá trình sử dụng thuốc Buspirone, người bệnh cần chú ý đến một số điều sau đây:

  • Tác dụng phụ thường gặp của Buspirone: Lo lắng, mất ngủ, rối loạn chú ý, trầm cảm, lú lẫn, rối loạn giấc ngủ, tức giận, phấn khích, phối hợp bất thường, run, chóng mặt, đau đầu, nhìn mờ, ù tai, nhịp nhanh, đau ngực, nghẹt mũi, đau ở vùng hầu họng, buồn nôn, đau bụng, khô miệng, tiêu chảy, táo bón, đổ mồ hôi lạnh, phát ban, đau cơ xương, mệt mỏi.
  • Tác dụng phụ hiếm gặp của Buspirone: loạn thần, ảo giác, thay đổi nhân cách, rối loạn vận động, hội chứng Serotonin, co giật, tác dụng ngoại tháp, Parkinson, hội chứng chân không nghỉ, tầm hình hình ống, loạn trương lực, mất điều hoà, hay quên, bồn chồn, bí tiểu.

7. Lưu ý gì khi sử dụng thuốc Buspirone

Trong quá trình sử dụng thuốc Buspirone, người bệnh cần lưu ý đến một số vấn đề sau đây:

  • Thuốc Buspirone nên sử dụng thận trọng ở những bệnh nhân mắc: Bệnh tăng nhãn áp góc hẹp cấp tính, nhược cơ, lệ thuộc thuốc, tiền sử suy gan, suy thận;
  • Tránh sử dụng rượu khi đang dùng thuốc Buspirone;
  • Thuốc Buspirone không có biểu hiện dung nạp chéo với Benzodiazepine và các thuốc an thần gây ngủ thông thường khác. Thuốc Buspirone không có tác dụng ngăn chặn hội chứng cai thường thấy khi ngừng điều trị bằng các thuốc này. Bệnh nhân nên ngưng từ từ các thuốc này trước khi bắt đầu điều trị bằng thuốc Buspirone;
  • Buspirone không được sử dụng đơn trị để điều trị trầm cảm, vì thuốc Buspirone có thể che dấu các dấu hiệu lâm sàng của chứng trầm cảm;
  • Trẻ em: Tính an toàn và hiệu quả lâu dài của thuốc Buspirone chưa được xác định ở những bệnh nhi dưới 18 tuổi, vì vậy thuốc Buspirone không được khuyến cáo ở trẻ em và thanh thiếu niên nếu không thực sự cần thiết;
  • Sử dụng đồng thời thuốc Buspirone và các tác nhân serotonergic như: chất ức chế MAO, chất ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRI), chất ức chế tái hấp thu serotonin norepinephrine (SNRI) hoặc thuốc chống trầm cảm ba vòng có thể dẫn đến hội chứng serotonin, thậm chí có khả năng đe dọa tính mạng. Nếu cần thiết phối hợp nên theo dõi cẩn thận, đặc biệt trong thời gian bắt đầu điều trị và tăng liều thuốc Buspirone. Các triệu chứng hội chứng serotonin bao gồm: thay đổi trạng thái tâm thần, rối loạn hệ thần kinh tự chủ, bất thường thần kinh cơ, triệu chứng tiêu hóa. Nếu nghi ngờ hội chứng serotonin nên giảm liều thuốc Buspirone hoặc ngừng điều trị tùy theo mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng;
  • Dữ liệu về việc sử dụng thuốc Buspirone ở phụ nữ mang thai còn hạn chế, các tác dụng không mong muốn đã được báo cáo sau khi dùng liều cao thuốc Buspirone, vì vậy tốt nhất là tránh sử dụng thuốc Buspirone trong thời kỳ mang thai;
  • Hiện chưa biết thuốc Buspirone hoặc chất chuyển của buspirone có được bài tiết vào sữa mẹ hay không, do đó khi quyết định ngừng cho con bú hoặc ngừng điều trị bằng thuốc Buspirone cần tính đến lợi ích của việc cho con bú và lợi ích của liệu pháp này đối với người mẹ;
  • Thuốc Buspirone có thể gây buồn ngủ, chóng mặt, suy giảm nhận thức gây ảnh hưởng đến khả năng lái xe và vận hành máy móc;
  • Không có thuốc giải độc đặc hiệu cho thuốc Buspirone. Hoạt chất này cũng không bị loại bỏ bằng thẩm tách máu. Tốt nhất khi quá liều thuốc Buspirone nên làm rỗng dạ dày càng nhanh càng tốt, kèm theo điều trị triệu chứng và hỗ trợ. Cân nhắc dùng than hoạt nếu bệnh nhân nhập viện trong vòng 1 giờ sau khi uống trên 5 mg/kg thuốc Buspirone với điều kiện bệnh nhân không quá buồn ngủ.

Thuốc Buspirone là thuốc thuộc nhóm thuốc azaperone có hoạt tính giải lo âu, nhưng không cho tác dụng an thần, giãn cơ và chống co giật. Để đảm bảo hiệu quả điều trị, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn, đồng thời tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ, dược sĩ tư vấn, không được tự ý thay đổi liều lượng, cách dùng trong bất kỳ trường hợp nào mà không có chỉ dẫn của bác sĩ.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan