Công dụng thuốc Cefamini

Cefamini là kháng sinh bán tổng hợp thuộc nhóm cephalosporin được dùng trong điều trị nhiễm khuẩn. Vậy khi sử dụng thuốc Cefamini cần lưu ý điều gì để đạt hiệu quả và an toàn? Hãy cùng tìm hiểu về thuốc Cefamini trong bài viết này.

1. Công dụng thuốc Cefamini

Thuốc Cefamini được bào chế dưới dạng bột pha hỗn dịch uống có thành phần hoạt chất là Cephalexin với hàm lượng 250mg. Cephalexin có tác dụng diệt khuẩn do ức chế tổng hợp vỏ tế bào vi khuẩn. Đây là kháng sinh nhóm cephalosporin thế hệ 1 và có phổ kháng khuẩn như các cephalosporin thế hệ 1 khác.

2. Chỉ định và chống chỉ định thuốc Cefamini

Thuốc Cefamini được chỉ định trong các trường hợp nhiễm khuẩn do các vi khuẩn nhạy cảm như:

  • Nhiễm khuẩn hô hấp (viêm tai giữa, viêm xoang, viêm họng)
  • Nhiễm khuẩn da, mô mềm, các xương và khớp nối
  • Nhiễm khuẩn hệ sinh dục tiết niệu, lậu, giang mai

Thuốc Cefamini chống chỉ định trong các trường hợp bệnh nhân có tiền sử dị ứng với kháng sinh nhóm cephalosporin, người có tiền sử sốc phản vệ do penicillin hoặc phản ứng trầm trọng khác qua trung gian miễn dịch globulin IgE.

3. Liều lượng và cách dùng thuốc Cefamini

Cách dùng:

Nên uống cephalexin lúc đói trước khi ăn 1 giờ vì thức ăn có thể làm giảm tốc độ hấp thu của cephalexin.

Đối với bột pha hỗn dịch Cefamini: cho bột thuốc vào cốc, thêm một lượng nước thích hợp vào rồi khuấy đều tạo thành hỗn dịch và uống ngay sau khi pha.

Liều dùng:

Trẻ em trên 15 tuổi và người lớn: 250 – 500 mg/lần mỗi 6 giờ tùy theo mức độ nhiễm khuẩn. Có thể tăng liều đến 4g/ngày trong trường hợp nhiễm khuẩn nặng hoặc vi khuẩn kém nhạy cảm. Liều trên 4g/ngày cần cân nhắc dùng đường tiêm.

  • Viêm amidan và viêm họng: 500 mg/lần mỗi 12 giờ, dùng thuốc trong ít nhất 10 ngày.
  • Nhiễm khuẩn xương, khớp: 250 mg/lần mỗi 6 giờ cho các nhiễm khuẩn từ nhẹ đến vừa. Liều cao hơn được chỉ định trong trường hợp nhiễm khuẩn nặng hoặc nhiễm vi khuẩn kém nhạy cảm.
  • Nhiễm khuẩn đường hô hấp: 250 mg/lần mỗi 6 giờ/lần cho các nhiễm khuẩn từ nhẹ đến vừa. Liều cao hơn được chỉ định trong trường hợp nhiễm khuẩn nặng hoặc nhiễm vi khuẩn kém nhạy cảm.
  • Nhiễm khuẩn da và cấu trúc da: 500 mg/lần mỗi 12 giờ.
  • Nhiễm khuẩn đường tiết niệu: Đối với viêm bàng quang không biến chứng: 500 mg/lần mỗi 12 giờ trong 7 - 14 ngày.

Trẻ em trên 1 tuổi:

Liều: 25 - 100 mg/kg/ngày, chia thành 3 - 4 lần (tối đa 4 g/ngày).

  • Viêm tai giữa cấp: 75 - 100 mg/kg/ngày, chia thành 4 lần.
  • Viêm họng và viêm amidan (viêm họng do liên cầu khuẩn): 25 - 50 mg/kg/ngày, chia làm 2 lần cách nhau 12 giờ, dùng trong ít nhất 10 ngày.
  • Nhiễm khuẩn da và cấu trúc da: 25 - 50 mg/kg/ngày, chia thành 2 lần cách nhau 12 giờ.

Bệnh nhân suy thận:

Bệnh nhân suy thận nặng: liều an toàn có thể thấp hơn liều thông thường.

Bệnh nhân có độ thanh thải creatinine > 40 ml/phút: không cần giảm liều

Bệnh nhân có độ thanh thải creatinine < 40 ml/phút: liều đầu tiên bằng liều thông thường, những liều tiếp theo được điều chỉnh theo độ thanh thải creatinine như bảng dưới đây:

Độ thanh thải creatinine (ml/phút) Liều dùng (mg) Khoảng cách liều
11 – 40 500 Cách 8 - 12 giờ/lần
5 -10 250 Cách 12 giờ/lần
Dưới 5 250 Cách 12 - 24 giờ /lần

Đối với bệnh nhân thẩm phân, cần điều chỉnh liều như sau:

Thẩm phân máu: bổ sung 1 liều thường dùng sau thẩm phân.

Thẩm phân màng bụng liên tục tại nhà: Liều được điều chỉnh như ở bệnh nhân suy thận.

4. Tác dụng không mong muốn của thuốc Cefamini

Tỉ lệ gặp phản ứng mong muốn khi dùng thuốc Cefamini là 3 – 6%.

  • Những tác dụng không mong muốn thường gặp (>1/100): tiêu chảy, buồn nôn
  • Những tác dụng không mong muốn ít gặp (1/1000 – 1/100): tăng bạch cầu ưa eosin; nổi ban, mày đay, ngứa; tăng men gan transaminase có hồi phục
  • Những tác dụng không mong muốn hiếm gặp (<1/1000) bao gồm: Đau đầu, chóng mặt, phản ứng phản vệ, mệt mỏi, Giảm bạch cầu trung tính, giảm tiểu cầu...

Cách xử trí khi quá liều:

Phần lớn bệnh nhân chỉ buồn nôn, nôn, tiêu chảy khi quá liều cấp tính, tuy nhiên có thể có các phản ứng quá mẫn thần kinh cơ và cơn động kinh, đặc biệt là bệnh nhân bị suy thận. Khi xử trí quá liều, cần xem xét khả năng quá liều của nhiều loại thuốc, tương tác thuốc và dược động học bất thường của bệnh nhân.

Không cần rửa dạ dày trừ khi đã uống cephalexin liều gấp 5 – 10 lần liều thông thường. Không cần thiết phải lọc máu dù phương pháp này giúp đào thải thuốc khỏi máu.

Điều quan trọng là bảo vệ đường hô hấp, đảm bảo thông khí và huyết động cho người bệnh. Cho bệnh nhân uống than hoạt nhiều lần thay thế hoặc thêm vào phương pháp rửa dạ dày. Khi rửa dạ dày hoặc dùng than hoạt, cần bảo vệ đường hô hấp của bệnh nhân.

5. Tương tác thuốc Cefamini

Cephalexin liều cao dùng đồng thời với các thuốc gây độc thận (như aminoglycoside) hay thuốc lợi tiểu mạnh (furosemide, acid etharynic và piretanid) có thể gây ảnh hưởng xấu đến chức năng thận. Tuy nhiên, ở mức liều khuyến cáo thì không có ảnh hưởng gì đến thận.

Có một số ít báo cáo rằng cephalexin làm giảm tác dụng của thuốc tránh thai chứa estrogen.

Cholestyramin làm chậm hấp thu cephalexin tại ruột nhưng tương tác này ít quan trọng.

Probenecid làm tăng thời gian bán thải của cephalexin và làm tăng nồng độ thuốc trong huyết thanh.

Cephalexin làm tăng tác dụng của metformin

Cephalexin làm giảm tác dụng của vaccin thương hàn.

Các tác nhân gây uric niệu có thể làm tăng tác dụng của cephalexin.

6. Lưu ý khi sử dụng thuốc Cefamini

­Việc sử dụng thuốc Cefamini dài ngày cũng giống như những kháng sinh phổ rộng khác có thể làm phát triển quá mức những vi khuẩn không nhạy cảm (ví dụ như Candida, Enterococcus, Clostridium difficile), trong những trường hợp này nên ngưng thuốc. Đã có báo cáo các trường hợp dùng kháng sinh phổ rộng bị viêm đại tràng màng giả, vì vậy trong hoặc sau khi dùng kháng sinh nếu có tiêu chảy nặng, cần chú ý đến chẩn đoán bệnh này.

Thông thường, cephalexin dung nạp tốt ngay cả ở những bệnh nhân dị ứng với penicilin, có một số ít trường hợp dị ứng chéo.

Cefamini không ảnh hưởng đến khả năng lái xe và vận hành máy móc.

Ngoài những thông tin quan trọng trên về thuốc Cefamini nếu có bất cứ thắc mắc gì, người bệnh nên chủ động liên hệ bác sĩ để được kiểm tra và có những chỉ định phù hợp. Việc dùng thuốc đúng liều lượng khuyến cáo luôn mang đến hiệu quả tốt hơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

116 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan