Công dụng thuốc Chemacin

Thuốc Chemacin là kháng sinh được chỉ định trong các nhiễm trùng nghi do vi khuẩn gram âm nặng và được dùng bằng đường tiêm. Dưới đây là một số thông tin về công dụng và lưu ý khi sử dụng thuốc Chemacin.

1. Công dụng thuốc Chemacin

Thuốc Chemacin 500 mg có thành phần chính là Amikacin 500mg, được bào chế dưới dạng dung dịch tiêm 500mg/2ml.

Amikacin là kháng sinh thuộc nhóm Aminoglycosid, thuốc có tác dụng diệt khuẩn. Cơ chế tác dụng do thuốc gắn vào tiểu đơn vị 30S của ribosom và ức chế giai đoạn phiên mã, từ đó làm gián đoạn quá trình tổng hợp protein và làm chết vi khuẩn.

Phổ tác dụng của kháng sinh Amikacin: Thuốc Amikacin hiệu quả trên trực khuẩn gram âm hiếu khí. Thuốc ít tác dụng trên đa số các loại vi khuẩn gram dương và không có hiệu quả với vi khuẩn kỵ khí.

2. Chỉ định và chống chỉ định thuốc Chemacin

Thuốc Chemacin được chỉ định điều trị nhiễm khuẩn gây ra bởi các vi khuẩn nhạy cảm với Amikacin bao gồm:

  • Nhiễm khuẩn nặng đường hô hấp; xương khớp; thần kinh trung ương, bao gồm cả viêm màng não; nhiễm khuẩn ổ bụng như viêm phúc mạc; nhiễm khuẩn do bỏng, nhiễm khuẩn hậu phẫu.
  • Nhiễm khuẩn tiết niệu nặng và nhiễm khuẩn tiết niệu tái phát. Lưu ý Amikacin không là chỉ định đầu tay khi hiện nay có các kháng sinh nhạy cảm khác ít độc hơn.
  • Nhiễm khuẩn tụ cầu kết hợp với cả vi khuẩn Gram âm gây ra.
  • Nhiễm khuẩn huyết, bao gồm cả nhiễm khuẩn huyết trên trẻ em khi các kháng sinh khác không có tác dụng.
  • Trong trường hợp điều trị nhiễm khuẩn nặng nên kết hợp Amikacin với một kháng sinh beta lactam cho tác dụng tối ưu trên cả vi khuẩn gram âm và dương.

Không dùng thuốc Chemacin 500 mg trong trường hợp sau:

  • Tiền sử dị ứng với Amikacin và các kháng sinh nhóm Aminosid hay bất kỳ thành phần nào của thuốc.
  • Bệnh nhân bị nhược cơ.
  • Hạn chế dùng cho phụ nữ mang thai và cho con bú.

3. Cách sử dụng và liều dùng thuốc Chemacin

Cách sử dụng: Thuốc được dùng theo đường tiêm bắp và nếu cần có thể chuyển sang đường truyền tĩnh mạch. Được dùng dưới chỉ định và thực hiện bởi nhân viên y tế.

Liều dùng: Liều dùng của thuốc được chỉ định phù hợp với từng bệnh nhân và tình trạng của bệnh. Dưới đây là liều dùng tham khảo.

Tiêm bắp: Thời gian điều trị thường là 7 đến 10 ngày.

  • Người lớn và trẻ lớn tuổi: Dùng thuốc với liều 15mg/kg/ngày, chia nhỏ thành 2-3 liều/ngày, mỗi liều cách nhau từ 8 đến 12h.
  • Trẻ sơ sinh, trẻ đẻ non: Khởi đầu với liều 10mg/kg, sau đó dùng với liều 15mg/kg/ngày chia 2 lần, mỗi lần cách nhau 12h.
  • Nhiễm trùng nặng có thể do Pseudomonas hoặc không: Liều cho người lớn là 500mg/lần mỗi 8h nhưng không vượt quá 1,5g/ngày, thời gian điều trị kéo dài trong 10 ngày.
  • Nhiễm trùng tiết niệu (trừ nhiễm khuẩn tiết niệu do nguyên nhân do Pseudomonas): Dùng với liều 7,5mg/kg/ngày, mỗi 12h.
  • Bệnh nhân suy thận cần giảm liều hoặc cách xa mỗi liều hơn.
  • Nếu sau 3 đến 4 ngày không cải thiện lâm sàng cần xem xét lại phương pháp điều trị hoặc điều trị tốt nhất theo kết quả kháng sinh đồ.

Truyền tĩnh mạch:

  • Để được dung dịch truyền, cần pha thuốc cùng các dung môi tương thích như: Dung dịch Natri clorid 0,9%, dung dịch Dextrose 5%, dung dịch Ringer lactat.
  • Thời gian truyền: Lựa chọn với lượng dung dịch vừa đủ để truyền trong 30-60 phút đối với người lớn và trong 1-2h với trẻ nhỏ.

4. Tác dụng không mong muốn khi dùng Chemacin

Trong quá trình sử dụng, các tác dụng phụ mà bệnh nhân có thể gặp phải gồm:

  • Tác dụng phụ thường gặp: Gây độc dây thần kinh sọ não số VIII khiến cho người bệnh ù tai, giảm thính lực; gây độc trên thận với các biểu hiện như Albumin niệu, bạch cầu niệu, hồng cầu niệu, trụ niệu, ure huyết, thiểu niệu.
  • Hiếm gặp: Nổi mẩn trên da, sốt, đau đầu, dị cảm như tê bì, rung cơ, buồn nôn và nôn, tăng bạch cầu ưa eosin, thiếu máu, hạ huyết áp.

Khi gặp bất kỳ triệu chứng bất thường nào bạn cần thông báo và hỏi ý kiến của bác sĩ để có cách giải quyết kịp thời.

5. Những lưu ý khi dùng thuốc Chemacin

  • Khi điều trị thuốc này ở trên những bệnh nhân suy thận: Nếu dùng trên 5 ngày cần kiểm tra thính lực trước và trong khi sử dụng. Ngưng điều trị nếu thấy các dấu hiệu như ù tai và suy giảm thính lực.
  • Bệnh nhân nên uống nhiều nước trong khi dùng thuốc để giảm độc tính trên thận.
  • Nếu thấy nước tiểu có màu đỏ hay xét nghiệm có bạch cầu, trụ niệu, albumin niệu: Nên cho bệnh nhân uống nhiều nước. Nếu xuất hiện các dấu hiệu thiểu niệu, giảm lượng nước tiểu, tăng creatinin huyết thanh thì cần giảm liều thuốc. Còn nếu tăng ure huyết, giảm bài tiết nước tiểu cần phải dừng uống thuốc.
  • Khi bệnh nhân cần phải gây mê hay dùng cùng tác nhân phong bế thần kinh cơ với thuốc Amikacin liều cao, cần kiểm soát khả năng phong bế thần kinh cơ gây ra tê liệt hô hấp.
  • Thông báo với bác sĩ nếu bạn có tiền sử dị ứng thuốc, lưu ý có thể xảy ra dị ứng chéo với các kháng sinh Aminoglycosid khác.
  • Không pha trộn Amikacin với các kháng sinh khác hoặc dùng chung 1 bơm kim tiêm hay chai dịch truyền.
  • Việc lựa chọn dùng thuốc kháng sinh trên bệnh nhân nhiễm khuẩn nặng nên được lựa chọn thông qua kháng sinh đồ để có thể có quyết định chính xác trong việc sử dụng Amikacin hay không.
  • Phụ nữ có thai do chưa đủ bằng chứng an toàn nên chỉ dùng khi thực sự cần thiết.

Tương tác thuốc có thể xảy ra, cho nên cần thận trọng khi sử dụng Chemacin với các thuốc sau:

  • Các kháng sinh khác cùng gây độc trên thận và thính giác như Kanamycin, Gentamicin, Tobramycin, neomycin, Streptomycin, Cephaloridine, Viomycin, Polymicin B, Colistin, Vancomycin.
  • Các thuốc lợi tiểu như Furosemid, Mannitol có thể gây độc cho tai và tăng độc tính của các Aminoglycosid.

Đề phòng nguy cơ kháng thuốc nên dùng đủ thời gian và đủ liều dùng theo từng đường sử dụng.

Thuốc nên được bảo quản trong bao bì kín, nơi khô ráo, tránh ánh nắng, nhiệt độ dưới 30 độ C. Để tránh xa tầm với của trẻ em. Không sử dụng thuốc khi đã hết hạn in trên bao bì hay có dấu hiệu vón cục, hư hỏng.

Hy vọng, thông qua bài viết bạn đã có những thông tin cơ bản về thuốc Chemacin. Mọi thắc mắc khác bạn nên hỏi trực tiếp ý kiến bác sĩ. Việc sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ sẽ giúp bạn đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

9.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan