Công dụng thuốc Citroma

Thuốc Citroma là thuốc thuộc nhóm thuốc nhuận tràng với thành phần hoạt chất chính là Magnesium citrate. Cũng như mọi thuốc khác, Citroma có một số lưu ý cần được tìm hiểu để quá trình sử dụng được an toàn và đạt hiệu quả tốt.

1. Thuốc Citroma có tác dụng gì?

Thuốc Citroma thuộc nhóm thuốc nhuận tràng, có thành phần hoạt chất chính là Magnesium citrate. Magiê là một khoáng chất tự nhiên có vai trò rất quan trọng đối với nhiều hệ thống trong cơ thể, đặc biệt là các dây thần kinh và cơ.

  • Citroma cũng làm tăng nước trong ruột và được sử dụng như một loại thuốc nhuận tràng để điều trị chứng táo bón không thường xuyên.
  • Citroma cũng có thể sử dụng kết hợp với các thuốc khác để làm sạch phân từ ruột trước khi phẫu thuật hoặc một số thủ thuật về ruột như nội soi ruột kết, chụp X quang,...

Ngoài ra, một số mục đích không được liệt kê trong hướng dẫn thuốc cũng có thể được chỉ định.

2. Những lưu ý khi sử dụng thuốc Citroma

Không sử dụng thuốc Citroma nếu bạn bị dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc. Người bệnh hãy hỏi bác sĩ xem việc sử dụng thuốc Citroma có an toàn hay không nếu bạn mắc các bệnh lý khác, đặc biệt là:

  • Bệnh thận;
  • Thay đổi đột ngột thói quen đi đại tiện kéo dài hơn 2 tuần;
  • Đau dạ dày, buồn nôn, nôn;
  • Nếu bạn đang ăn kiêng ít magie hoặc ít kali.

Hiện nay, vẫn chưa biết liệu Citroma sẽ gây hại cho thai nhi hay không. Vì vậy, không sử dụng thuốc này mà không có lời khuyên của bác sĩ, nếu đang trong thời kỳ mang thai.

Vẫn chưa biết thuốc thuốc có đi vào sữa mẹ hay gây hại cho em bé đang bú mẹ hay không. Vì vậy phụ nữ đang cho con bú không dùng thuốc này nếu bác sĩ không yêu cầu.

Thận trọng khi sử dụng thuốc này ở trẻ em dưới 2 tuổi vì có thể tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ nhất định.

Sử dụng thuốc đúng theo chỉ dẫn từ bác sĩ, không dùng nhiều hơn, ít hơn hay lâu hơn.

3. Liều dùng và cách dùng thuốc Citroma

  • Liều thông thường cho người lớn bị táo bón là 240 ml cho một lần uống.
  • Liều thông thường cho trẻ bị táo bón dưới 6 tuổi là 0,5 ml cho mỗi kg cân nặng, uống tối đa 200 ml. Có thể lặp lại sau mỗi 4 đến 6 giờ cho đến khi sạch phân. Với trẻ từ 6 đến 12 tuổi: uống 100 đến 150 ml cho mỗi lần.
  • Không khuyến cáo sử dụng thuốc này ở người có CrCl nhỏ hơn 50 ml/ phút do nguy cơ tăng cao magnesi trong máu.

Uống Citroma khi bụng đói, ít nhất trước khi ăn 1 giờ trước hoặc sau khi ăn 2 giờ.

Nếu bác sĩ đã hướng dẫn bạn sử dụng sản phẩm này trước khi phẫu thuật hoặc thủ thuật ruột, bạn sẽ được cho biết nên dùng sản phẩm này bao lâu trước khi thực hiện phẫu thuật/thủ thuật.

Để cải thiện hương vị, thuốc này có thể được làm lạnh trong ngăn lạnh trước khi dùng. Tuy nhiên, không đông lạnh thuốc.

Đong thuốc dạng lỏng bằng dụng cụ có vạch chia dung tích.

Người bệnh nên uống thuốc với một cốc nước đầy khoảng 240ml sẽ giúp ngăn ngừa các tác dụng phụ nghiêm trọng (chẳng hạn như mất nước).

Thuốc Citroma sẽ tạo ra nhu động ruột trong vòng từ 30 phút đến 6 giờ sau khi sử dụng.

Nếu các triệu chứng không cải thiện sau 7 ngày điều trị, hoặc nếu thuốc không mang lại kết quả, hãy gọi cho bác sĩ. Không đi tiêu sau khi sử dụng thuốc nhuận tràng có thể là dấu hiệu của một tình trạng nghiêm trọng hơn là táo bón không thường xuyên.

Tránh dùng bất kỳ loại thuốc nào khác trong vòng 2 giờ trước hoặc 2 giờ sau khi uống Citroma. Thuốc nhuận tràng có thể khiến cơ thể khó hấp thụ một số loại thuốc khác.

Trước khi sử dụng thuốc này nói với bác về tất cả các sản phẩm theo toa/ không kê đơn/ thảo dược mà bạn đang dùng, đặc biệt là: Digoxin, Natri polystyrene sulfonate, kháng sinh Tetracycline / Quinolon.

Nếu bỏ lỡ một liều Citroma nên làm gì: Vì thuốc này được sử dụng khi cần thiết nên có thể không theo lịch trình dùng thuốc. Nếu bạn đang trong lịch trình, hãy uống liều Citroma đã quên ngay khi nhớ ra. Bỏ qua liều đã quên nếu gần đến lúc dùng liều kế tiếp và không tăng lượng thuốc để bù lại liều đã quên.

Đến ngay cơ sở y tế nếu có các dấu hiệu của quá liều thuốc này bao gồm: yếu cơ, nhịp tim chậm hoặc không đều, thay đổi tâm thần / tâm trạng (như lú lẫn), ngất, khó thở.

Giữ Citroma ở nhiệt độ phòng tránh ẩm, tránh nhiệt và tránh xa tầm tay trẻ em.

4. Tác dụng phụ của thuốc Citroma

Nhận trợ giúp y tế khẩn cấp nếu xuất hiện các dấu hiệu của phản ứng dị ứng nặng sau: khó thở; sưng mặt, họng, môi, lưỡi, ngứa, nổi mề đay,...

Ngừng sử dụng Citroma và gọi cho bác sĩ ngay nếu người bệnh có các tác dụng phụ nghiêm trọng sau:

  • Không đi đại tiện trong vòng 6 giờ sau khi uống thuốc;
  • Đau khi đi tiêu, chảy máu trực tràng;
  • Tiêu chảy với phân lỏng nhiều nước, đau bụng dữ dội, buồn nôn, ói mửa;
  • Tiểu đau hoặc khó khăn;
  • Đỏ bừng (nóng, đỏ hoặc có cảm giác ngứa ran);
  • Cảm giác muốn ngất đi;
  • Thở yếu, nông, nhịp tim chậm;
  • Yếu cơ, tăng khát.

Các tác dụng phụ thường gặp của Citroma có thể bao gồm:

  • Dạ dày co thắt, phân lỏng, tiêu chảy, ;
  • Đau bụng;
  • Chóng mặt;
  • Tăng tiết mồ hôi.

Trên đây không bao gồm tất cả các tác dụng không mong muốn và tương tác thuốc có thể xảy ra. Người bệnh hãy hỏi bác sĩ nếu có các dấu hiệu bất thường trong thời gian dùng thuốc, đặc biệt là các dấu hiệu mới xuất hiện sau khi sử dụng.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: drugs.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

49 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan