Công dụng thuốc Colaf

Colaf là thuốc được sử dụng trong các trường hợp điều trị bệnh lý mãn tính ở người cao tuổi, phòng ngừa đục thuỷ tinh thể, tăng cường thị lực và chống oxy hoá. Cùng tìm hiểu thông tin về công dụng, liều lượng và những lưu ý khi sử dụng thuốc Colaf trong bài viết dưới đây.

1. Công dụng thuốc Colaf

Thuốc Colaf được bào chế dưới dạng viên nang mềm, hộp 12 vỉ x 5 viên. Mỗi viên thuốc Colaf gồm những thành phần chính sau:

  • Hỗn dịch β-carotene 30%: 50 mg;
  • Men khô có chứa Selen: 33,3 mg;
  • Acid ascorbic (Vitamin C): 500 mg;
  • DL-α-Tocopherol (Vitamin E): 400 IU;
  • Tá dược: Dầu đậu nành, dầu cọ, lecithin, sáp ong trắng, glycerin đậm đặc, D-Sorbitol 70%, propylparaben, ethyl vanillin, methylparaben, oxyd sắt đỏ, nước tinh khiết,...

Tác dụng của các thành phần có trong thuốc Colaf:

β-carotene:

  • Là tiền chất của vitamin A, β-carotene có vai trò quan trọng trong cơ thể, đặc biệt là đối với sự phát triển của trẻ em và thị giác. Do đó, khi cung cấp β-carotene, cơ thể sẽ cải thiện được tình trạng thiếu hụt vitamin A, từ đó giúp tăng cường thị lực, thị giác, giảm nguy cơ mù lòa và tăng cường hệ miễn dịch,...
  • Khi cơ thể bị thiếu hụt β-carotene, trực tiếp làm giảm Vitamin A, sẽ dẫn đến sự kém hoạt hoá của các phản ứng miễn dịch, khả năng chống nhiễm khuẩn của cơ thể bị yếu đi và dễ tổn thương da do ánh nắng mặt trời.

Selen:

  • Là vi chất dinh dưỡng có tác dụng chống oxy hóa và tăng cường miễn dịch. Nó giúp làm chậm quá trình lão hóa, ngăn ngừa các rối loạn chuyển hoá và phòng chống một số bệnh mạn tính ở người lớn tuổi như tim mạch, ung thư

Vitamin C:

  • Giúp cơ thể sản xuất ra collagen, một loại protein rất quan trọng giúp phát triển và sự hoạt động của các mô liên kết, cơ bắp, xương và mạch máu. Vitamin C được bổ sung vào cơ thể giúp hỗ trợ điều trị khi mệt mỏi, cúm hoặc thời gian phục hồi sau các đợt ốm nặng để tăng cường sức đề kháng và giúp vết thương mau lành.

Vitamin E:

  • Có tác dụng quan trọng trong việc giúp cơ thể phòng chống các quá trình oxy hóa. Vitamin E thích hợp sử dụng cho phụ nữ có thai, người có bệnh lý về da, người bị bệnh ung thư, tim mạch. Bên cạnh đó, nó cũng giúp chống lão hoá bằng cách ngăn chặn sự tấn công của các gốc tự do và có tác dụng trong bảo vệ thị giác.

2. Chỉ định và chống chỉ định thuốc Colaf

Colaf được chỉ định trong các trường hợp:

  • Hỗ trợ điều trị ở các bệnh nhân lớn tuổi, người trong thời gian hồi phục sau bệnh cần bổ sung vitamin, khoáng chất nhằm tăng cường sức đề kháng.
  • Phòng ngừa các rối loạn thị giác như: viêm hoàng điểm, đục thuỷ tinh thể, thoái hoá võng mạc.
  • Điều trị hỗ trợ các rối loạn thần kinh như: Parkinson, Alzheimer, suy giảm trí nhớ.
  • Phòng chống quá trình oxy hoá.

Thuốc Colaf không được sử dụng trong những trường hợp:

  • Bệnh nhân có tiền sử dị ứng với bất cứ thành phần nào có trong thuốc.
  • Người có tiền sử hoặc đang có bệnh lý sỏi thận, rối loạn chuyển hoá oxalat, tăng oxalat niệu.
  • Thalassemia.
  • Người thiếu hụt men Glucose-6-phosphate dehydrogenase (G6PD).
  • Người thừa Vitamin A.

3. Liều dùng và cách sử dụng thuốc Colaf

Cách sử dụng:

  • Thuốc Colaf được sử dụng bằng đường uống. Bệnh nhân uống hết 1 viên thuốc Colaf với nửa ly, không nên nhai, bẻ, nghiền nát, vì có thể làm giảm hiệu quả của thuốc. Uống thuốc sau ăn để tăng khả năng hấp thu thuốc

Liều dùng:

  • Người lớn: 1 viên/lần, ngày 1 lần. Sử dụng thuốc trong 4 – 6 tuần để đạt hiệu quả.
  • Trẻ em: Không khuyến cáo sử dụng

4. Tác dụng phụ của thuốc Colaf

Khi sử dụng thuốc Colaf, một số bệnh nhân có thể gặp các tác dụng không mong muốn như:

  • Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, ợ nóng, co cứng cơ bụng.
  • Mệt mỏi, đỏ bừng, đau đầu, mất ngủ.
  • Tăng oxalat niệu.

Khi gặp các tác dụng không mong muốn trong thời gian điều trị Colaf, bệnh nhân cần ngưng thuốc và thông báo cho bác sĩ để được hướng dẫn xử trí phù hợp.

5. Lưu ý khi sử dụng thuốc Colaf

  • Thận trọng khi sử dụng Colaf trong thời gian đang điều trị với những thuốc khác.
  • Cần tuân thủ cách dùng và liều lượng đã được chỉ định.
  • Liều Selen cho phép sử dụng là 75 – 150 mg/ ngày cho người lớn. Không nên dùng liều trên 200 mg/ngày vì có thể gây ngộ độc thuốc.
  • Sử dụng Vitamin C trong thời gian dài và liều cao có thể gây hiện tượng giảm đáp ứng thuốc, do đó nếu giảm liều thuốc có thể dẫn đến thiếu hụt Vitamin C cho cơ thể.
  • Sử dụng vitamin C liều cao sau một thời gian có thể gây tăng oxalat trong nước tiểu.
  • Các trường hợp sử dụng các chế phẩm chứa beta-caroten đơn độc hoặc phối hợp có thể làm tăng tỷ lệ tử vong.
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Colaf ở phụ nữ mang thai và cho con bú.
  • Phụ nữ mang thai dùng Vitamin A quá 8000 IU/ngày theo khuyến cáo có thể gây dị tật bẩm sinh ở thai nhi.
  • Không uống Vitamin C liều cao trên 3g/ ngày lúc mang thai vì sẽ dẫn đến nguy cơ bệnh Scorbut ở trẻ sơ sinh.
  • Thuốc Colaf không ảnh hưởng đến các hoạt động lái xe và vận hành máy móc.

6. Xử trí khi quên thuốc hoặc quá liều thuốc Colaf

Quên liều:

  • Điều quan trọng là bệnh nhân cần phải uống thuốc Colaf theo đúng chỉ định của bác sĩ. Trường hợp vừa quên thuốc so với chỉ định, bệnh nhân có thể nhanh chóng uống bổ sung ngay khi nhớ ra. Nếu đã đến thời gian dùng liều kế tiếp thì uống liều kế tiếp như dự định, không dùng liều gấp đôi.

Quá liều thuốc:

  • Đối với β-carotene: dùng quá liều cũng không gây hại vì đây bản chất là nguồn dự trữ vitamin A trong cơ thể và có tác dụng như một chất chống oxy hóa. Có thể xuất hiện hiện tượng “Carotenemia” khi da chuyển thành màu hơi vàng và sẽ biến mất khi ngưng thuốc được gọi là tác dụng phụ.
  • Sử dụng Selen quá liều có thể gây nhiễm độc. Triệu chứng của ngộ độc cấp là phù phế quản, tụt huyết áp, ngưng tim, giảm phản xạ và ức chế thần kinh trung ương. Triệu chứng của ngộ độc bán cấp và mãn tính là vàng da và phát ban, răng bị mất màu và thoái hóa, móng tay dày bất thường, rụng tóc, viêm da, hơi thở có mùi tỏi, thoái hóa chất béo và hoại tử gan, dễ thay đổi cảm xúc và mệt mỏi.
  • Triệu chứng khi sử dụng Vitamin C quá liều bao gồm: buồn nôn, viêm dạ dày, tiêu chảy, sỏi thận. Người bị sỏi thận không nên dùng Vitamin C liều cao trên 1 g/ngày.
  • Sử dụng Vitamin E với liều quá cao trên 1200 IU/ngày có thể dẫn đến các triệu chứng như: đau đầu, tiêu chảy, mệt mỏi.

Nếu bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng trên sau khi dùng thuốc Colaf quá liều hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

7. Tương tác thuốc

Một số tương tác thuốc có thể xảy ra khi dùng thuốc Colaf phối hợp với những thuốc sau:

  • Cholestyramine, Paraffin lỏng: làm giảm hấp thu các vitamin tan trong dầu như Vitamin A, C, E có trong thuốc Colaf
  • Các thuốc tránh thai đường uống: Làm tăng nồng độ vitamin A trong huyết tương.
  • Sử dụng Aspirin và Vitamin C đồng thời sẽ làm giảm bài tiết Aspirin và tăng bài tiết Vitamin C trong nước tiểu.
  • Dùng thuốc Fluphenazin đồng thời với Vitamin C có thể làm giảm nồng độ của Fluphenazin huyết tương. Bên cạnh đó, sự acid hóa nước tiểu do dùng Vitamin C sẽ làm thay đổi sự bài tiết các thuốc khác.
  • Vitamin C liều cao khi sử dụng sẽ làm phá huỷ Vitamin B12.
  • Sử dụng Vitamin C có thể ảnh hưởng đến nhiều xét nghiệm dựa trên phản ứng hoá khử vì đây là chất khử mạnh.
  • Vitamin E giúp tăng khả năng hấp thu, sử dụng và dự trữ vitamin A trong cơ thể.
  • Các thuốc chứa sắt: giảm tác dụng của Vitamin E trong thuốc Colaf.

Trên đây là toàn bộ thông tin về Colaf là thuốc gì, công dụng và lưu ý khi dùng. Người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tuân thủ đúng chỉ định và liều dùng, tham khảo ý kiến của bác sĩ để đạt hiệu quả điều trị cao nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

18.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan