Công dụng thuốc Elaprase

Thuốc Elaprase là một dung dịch đậm đặc dùng để pha dung dịch tiêm truyền tĩnh mạch, mỗi loại có chứa Idursulfase 6mg/ 3ml. Elaprase được chỉ định điều trị cho bệnh nhân mắc hội chứng Hunter. Cùng tìm hiểu chi tiết hơn về tác dụng, cũng như cách dùng, liều lượng của thuốc Elaprase qua bài viết sau đây.

1. Thuốc Elaprase là gì?

Elaprase là dịch truyền IV được sử dụng để điều trị một số triệu chứng của hội chứng Hunter, còn được gọi là bệnh Mucopolysaccharidosis (MYOO-koe-pol-ee-SAK-a-rye-DOE-sis).

Elaprase có thành phần là Idursulfase, một dạng tinh chế của Iduronate-2-sulfatase người, enzyme tiêu thể mà một số người thiếu do rối loạn di truyền. Elaprase là một liệu pháp giúp thay thế enzyme bị thiếu này.

Hội chứng Hunter là một chứng rối loạn chuyển hóa, trong đó cơ thể thiếu enzym cần thiết để phân hủy một số loại đường và protein. Những chất này có thể tích tụ trong cơ thể, làm cho các cơ quan mở rộng, cấu trúc xương bất thường, thay đổi các đặc điểm trên khuôn mặt, giảm thị lực, các vấn đề về tim, hô hấp và thay đổi khả năng tinh thần hoặc thể chất.

Thuốc Elaprase được bào chế dưới dạng dung dịch đậm đặc dùng pha dung dịch tiêm truyền tĩnh mạch, mỗi lọ 3ml có chứa Idursulfase 6 mg/ 3ml và các tá dược như Natri clorid, Natri phosphate dibasic heptahydrate, Natri phosphate monobasic monohydrate, polysorbate 20 và nước cất pha tiêm vừa đủ 1 lọ.

2. Trước khi sử dụng thuốc Elaprase cần lưu ý gì?

Trước khi sử dụng thuốc Elaprase, bạn cần thông báo với bác sĩ điều trị của bạn được biết nếu:

  • Đang bị nhiễm trùng hoặc sốt.
  • Tiền sử bệnh tim, phổi.
  • Phản ứng bất thường hoặc dị ứng với Idursulfase, các loại thuốc, thực phẩm, thuốc nhuộm hoặc chất bảo quản khác trước đó.
  • Bị sưng lưỡi, mặt hoặc môi kèm theo khó thở, khó nuốt, khàn giọng,...
  • Phụ nữ có thai hoặc có dự định mang thai trong quá trình điều trị bằng Elaprase.
  • Phụ nữ cho con bú.

3. Cách sử dụng, liều dùng thuốc Elaprase

Cách dùng:

  • Elaprase được bào chế dạng tiêm, truyền từ từ qua đường truyền tĩnh mạch. Quá trình truyền có thể mất đến 3 giờ hoặc lâu hơn để hoàn thành.
  • Elaprase thường được tiêm mỗi tuần một lần.
  • Bác sĩ cũng có thể kê đơn các loại thuốc khác để giúp ngăn ngừa phản ứng dị ứng với Idursulfase. Uống tất cả các loại thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị.
  • Bác sĩ điều trị sẽ cần phải kiểm tra sự tiến triển của bạn một cách thường xuyên trong khi sử dụng thuốc Elaprase.
  • Đối với các thuốc tiêm truyền, nên kiểm tra xem nắp lọ còn nguyên vẹn, các hạt tiểu phân hay dung dịch có đổi màu hay không.
  • Không sử dụng thuốc tiêm Elaprase quá hạn sử dụng ghi trên bao bì.
  • Bảo quản Elaprase trong hộp ở nhiệt độ 2-8°C, không được để đông lạnh hoặc lắc, tránh ánh sáng.
  • Sau khi pha loãng Elaprase với dung dịch đẳng trương, túi dịch phải được truyền ngay vì Elaprase không chứa chất bảo quản. Trường hợp không thể dùng ngay thì phải bảo quản dung dịch đã pha trong tủ lạnh ở nhiệt độ 2-8°C tối đa lên đến 24 giờ.

Liều dùng:

  • Liều người lớn thông thường cho bệnh Mucopolysaccharidosis Loại II: 0,5mg/ kg qua truyền tĩnh mạch mỗi tuần một lần.
  • Liều thông thường cho trẻ em cho bệnh Mucopolysaccharidosis Loại II: 16 tháng tuổi trở lên: 0,5mg/ kg qua truyền tĩnh mạch mỗi tuần một lần
  • Cải thiện khả năng đi lại ở bệnh nhân từ 5 tuổi trở lên, đã được chứng minh.
  • Không có dữ liệu cho thấy sự cải thiện các triệu chứng liên quan đến bệnh hoặc kết quả lâm sàng lâu dài ở bệnh nhân từ 16 tháng đến 5 năm; tuy nhiên, tương tự như ở những bệnh nhân từ 5 tuổi trở lên có thể tích lá lách giảm.

Làm gì khi bạn quên liều Elaprase?

Nếu bạn bỏ lỡ cuộc hẹn tiêm Elaprase thì hãy gọi cho bác sĩ điều trị để được tư vấn.

Việc tiêm thuốc đúng liều giúp đạt hiệu quả điều trị tốt, vì vậy hãy ghi nhớ cuộc hẹn tiêm thuốc Elaprase để hạn chế tình trạng quên liều.

Làm gì khi bạn quá liều Elaprase?

Thuốc Elaprase được tiêm bởi các chuyên gia y tế tại cơ sở điều trị nên khó có thể xảy ra tình trạng quá liều.

4. Khi sử dụng thuốc Elaprase gây ra tác dụng phụ gì?

Trong quá trình truyền Elaprase hoặc đến 24 giờ sau đó, có thể xảy ra một số tác dụng phụ. Liên hệ ngay bác sĩ và đến cơ sở y tế nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu nào của phản ứng dị ứng với Elaprase như: Ngất xỉu, nổi mề đay, khó thở, co giật, sưng mặt, môi, lưỡi hoặc cổ họng.

Nếu bạn từng có phản ứng dị ứng với Idursulfase, bạn sẽ được theo dõi chặt chẽ sau khi tiêm thuốc Elaprase.

Các tác dụng phụ thường gặp của Elaprase có thể bao gồm: Nôn mửa, tiêu chảy, đau đầu, đau cơ hoặc khớp, ho, ngứa, phát ban, hoặc đỏ bừng (nóng, đỏ hoặc cảm giác ngứa ran).

Trong quá trình sử dụng thuốc Elaprase nếu bạn gặp bất kỳ các dấu hiệu bất thường khác ngoài các tác dụng phụ kể trên hãy liên hệ ngay với bác sĩ điều trị của bạn để được chăm sóc y tế.

5. Tương tác của Elaprase với các sản phẩm khác

  • Không có nghiên cứu tương tác sản phẩm thuốc chính thức nào được thực hiện với Idursulfase.
  • Dựa trên sự trao đổi chất của Idursulfase trong lysosome tế bào, bản thân Idursulfase là một enzyme nên ít xảy ra các tương tác qua trung gian cytochrome P450.

Trên đây là thông tin về công dụng, liều dùng và lưu ý khi sử dụng thuốc Elaprase. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và phát huy tối đa hiệu quả điều trị, bạn cần dùng thuốc Elaprase theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

330 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan