Công dụng thuốc Flomoxad

Thuốc Flomoxad có tác dụng điều trị nhiễm khuẩn mắt do các chủng vi khuẩn nhạy cảm gây ra. Thuốc được bào chế dưới dạng dung dịch nhỏ mắt, chỉ được dùng theo đơn chỉ định của bác sĩ.

1. Thuốc Flomoxad công dụng là gì?

Thuốc Flomoxad là sản phẩm của công ty Bharat Parenterals Limited (Ấn Độ) có công dụng điều trị nhiễm khuẩn mắt.

Trong 1ml thuốc Flomoxad có các thành phần sau:

  • Moxifloxacin Hydrochloride tương đương Moxifloxacin có hàm lượng 0.5% w/v;
  • Benzalkonium Chloride Solution BP có hàm lượng 0.02% w/v;
  • Sterile Aqueous Base.
  • Các tá dược khác gồm: Sodium Hydroxide 1N, Hydrochloric acid 1N, Sodium chloride, nước cất.

Thành phần chính Moxifloxacin là một loại kháng sinh bán tổng hợp thuộc nhóm kháng sinh quinolon, giúp ức chế enzyme Topoisomerase II và IV giúp ngăn chặn quá trình tái tạo, sao chép, sửa chữa và tái tổ hợp ADN của vi khuẩn, nhờ đó tạo ra tác dụng kháng khuẩn.

Moxifloxacin có phổ kháng khuẩn rộng, nhạy cảm với nhiều vi khuẩn Gram dương và vi khuẩn Gram âm hiếu khí và một số vi khuẩn kị khí. Do đó, thuốc nhỏ mắt Flomoxad được sử dụng để điều trị các trường hợp: nhiễm khuẩn mắt do các chủng vi khuẩn nhạy cảm. Thuốc Flomoxad chỉ được mua khi có đơn của bác sĩ.

2. Hướng dẫn cách dùng thuốc Flomoxad

2.1. Cách dùng

Thuốc Flomoxad được bào chế dưới dạng dung dịch nhỏ mắt. Để dùng thuốc, người bệnh ngửa cổ hướng mắt ngước lên trên. Mở nắp lọ thuốc để cách mắt khoảng 1cm và nhỏ từng giọt vào bên mắt bị bệnh. Chú ý tránh để thuốc tràn khỏi mắt.

2.2. Liều dùng

  • Người trưởng thành và trẻ em >1 tuổi: Nhỏ 1-2 giọt/lần, ngày nhỏ từ 3-4 lần. Điều trị trong khoảng 1,2 tuần tùy tình trạng nhiễm trùng;
  • Trẻ em <1 tuổi: Liều lượng dùng tuân theo chỉ định của bác sĩ.

3. Tác dụng phụ của thuốc Flomoxad

Trong quá trình điều trị bằng thuốc Flomoxad, người dùng có thể gặp phải một số tác dụng phụ phổ biến như:

  • Giảm thị lực thoáng qua;
  • Cảm giác cộm mắt, có dị vật tại mắt;
  • Nóng ran mắt tạm thời;
  • Đau hoặc khó chịu tại mắt;
  • Viêm họng, đau đầu, sợ ánh sáng.

Ngoài ra, cũng có những phản ứng bất lợi khác được ghi nhận với tần suất dưới 1%, đó là: dị ứng, khô mắt, ngứa mắt, phù mí mắt. Hãy chủ động báo cho bác sĩ những tác dụng phụ (nếu có) để được tư vấn giảm liều hoặc nhận được hướng dẫn xử lý phù hợp.

4. Lưu ý khi dùng thuốc Flomoxad

Chống chỉ định dùng thuốc Flomoxad cho các đối tượng sau:

  • Người quá mẫn cảm hay dị ứng với các thành phần của thuốc (đặc biệt là Moxifloxacin);
  • Người có tiền sử dị ứng, mẫn cảm với nhóm kháng sinh Quinolon;
  • Phụ nữ mang thai và/hoặc đang cho con bú;

Các lưu ý khác:

  • Khi dùng thuốc Flomoxad kéo dài, cũng như các kháng sinh khác, có thể gây tăng sinh các vi sinh vật không nhạy cảm như nấm. Nếu xảy ra hiện tượng bội nhiễm cần ngừng dùng thuốc và xin tư vấn của bác sĩ để áp dụng biện pháp điều trị thay thế. Bệnh nhân không được đeo kính áp tròng nếu có triệu chứng nhiễm khuẩn mắt.
  • Để tránh thuốc bị nhiễm bẩn, người bệnh không được chạm đầu lọ thuốc vào bất kỳ bề mặt nào (kể cả mắt). Chỉ được dùng thuốc Flomoxad trong vòng 1 tháng kể từ khi mở nắp lọ.

Hiện vẫn chưa có nghiên cứu cụ thể về tương tác của thuốc Flomoxad với các loại thuốc khác. Tuy nhiên, việc sử dụng một số loại kháng sinh Quinolon đường toàn thân có thể làm tăng nồng độ Theophylin trong huyết tương, ảnh hưởng đến chuyển hóa cafein, làm tăng tác dụng của thuốc chống đông Warfarin lẫn các dẫn chất của warfarin, tăng nồng độ creatinin huyết thanh thoáng qua ở người đang dùng đồng thời thuốc Cyclosporin theo đường toàn thân.

130 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan