Công dụng thuốc Gelofusine

Thuốc Gelofusine được bào chế dưới dạng dung dịch tiêm truyền, có thành phần chính là Succinyl gelatin. Thuốc được sử dụng trong điều trị, ngăn ngừa mất máu, giảm thể tích máu sau mổ hoặc chấn thương, nhiễm trùng,...

1. Tác dụng thuốc Gelofusine

500ml dung dịch Gelofusine có chứa 20g Succinyl gelatin (gelatin lỏng chuyển hóa), 3,505g natri clorid, 0,68g natri hydroxyd và các tá dược khác. Gelofusine thay thế sự thiếu hụt thể tích lòng mạch do mất máu và huyết tương. Vì vậy, thuốc giúp làm tăng áp lực động mạch trung bình, cung lượng tim, áp lực cuối tâm trương thất trái, chỉ số tim, cung cấp oxy và tiểu tiện,...

Cơ chế tác dụng: Thành phần hoạt chất Gelatine dạng keo giúp áp lực thẩm thấu keo định mức đạt hiệu quả. Sự điều tiết và thải keo qua quá trình phân bố và đào thải sẽ quyết định tới thời gian tác dụng của thuốc. Tương ứng với lượng dịch sử dụng là lượng bù thể tích tương ứng. Do đó, thuốc Gelofusine được sử dụng làm chất thay thế huyết tương thiếu hụt.

Chỉ định sử dụng thuốc Gelofusine: Làm dung dịch keo thay thế thể tích huyết tương ở các trường hợp:

  • Điều trị và dự phòng giảm thể tích máu: Giảm thể tích máu tuyệt đối do chảy máu, mất dịch nội mạch, duy trì dịch nội mạch trước phẫu thuật; giảm thể tích máu tương đối thứ phát do gây tê tủy sống, gây tê ngoài màng cứng, sốc không có giảm thể tích máu;
  • Hỗ trợ hoạt động của tuần hoàn ngoài cơ thể (dùng thuốc khi sử dụng máy tim phổi nhân tạo, thẩm phân máu,...);
  • Phòng ngừa hạ huyết áp, hiện tượng pha loãng máu,...

Chống chỉ định sử dụng thuốc Gelofusine

  • Bệnh nhân mẫn cảm với gelatin;
  • Người bệnh tăng thể tích máu;
  • Người bệnh suy tim trầm trọng;
  • Bệnh nhân ứ nước;
  • Người bị rối loạn đông máu trầm trọng.

Sử dụng Gelofusine thận trọng trong các trường hợp:

  • Người bệnh tăng natri máu vì Gelofusine có bổ sung thêm thành phần natri;
  • Bệnh nhân rối loạn đông máu vì việc dùng thuốc Gelofusine có thể gây pha loãng các yếu tố đông máu;
  • Người bệnh suy thận vì đường bài tiết thông thường có thể bị suy yếu;
  • Bệnh nhân mắc bệnh gan mãn tính, vì việc tổng hợp albumin và các yếu tố đông máu trong gan có thể bị ảnh hưởng, việc dùng thuốc Gelofusine càng làm chúng bị pha loãng hơn.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Gelofusine

Cách dùng:

  • Trước khi truyền thuốc Gelofusine, nên đuổi bọt khí ở trong chai do bọt khí có thể làm tăng nguy cơ tắc mạch;
  • Nên truyền thuốc qua đường tĩnh mạch;
  • Khi bắt đầu truyền thuốc, trong khoảng 20 - 30ml đầu tiên, nên truyền thật chậm để theo dõi các phản ứng của thuốc xem có xảy ra trên cơ thể không;
  • Truyền thuốc nhanh dưới áp lực bên ngoài trong trường hợp cấp cứu;
  • Với trường hợp dùng áp lực (bơm truyền, băng quấn) để truyền thuốc vào cơ thể thì trước khi truyền cần chú ý làm ấm thuốc tới nhiệt độ cơ thể. Điều này giúp thuốc phát huy được hiệu quả cao nhất.

Liều dùng:

Liều dùng, tốc độ truyền thuốc Gelofusine và thời gian truyền phụ thuộc vào tình trạng của từng bệnh nhân, điều chỉnh theo các chỉ số của hệ tuần hoàn (ví dụ huyết áp). Khuyến cáo về liều dùng cho người lớn như sau:

  • Phòng ngừa tình trạng giảm thể tích máu và hạ huyết áp, điều trị giảm thể tích máu dạng nhẹ (ví dụ mất máu và huyết tương không nhiều): Dùng liều 500 - 1000ml;
  • Điều trị giảm thể tích máu trầm trọng: Dùng liều 1000 - 2000ml;
  • Cấp cứu có các chỉ định sống còn với bệnh nhân: Truyền nhanh 500ml dưới áp lực. Sau khi các chỉ số của hệ tuần hoàn đã được cải thiện thì truyền thêm nhằm bù đắp lại thể tích bị thiếu hụt;
  • Pha loãng máu: Sử dụng thuốc Gelofusine tùy thuộc vào thể tích máu bị lấy đi. Tuy nhiên, nguyên tắc là không dùng quá 20ml/kg thể trọng/ngày;
  • Tuần hoàn ngoài cơ thể: Tùy thuộc việc sử dụng hệ thống tuần hoàn nào mà chỉ định liều dùng thuốc, thông thường là 500 - 1500ml;
  • Bệnh nhân rối loạn đông máu, suy thận và mắc bệnh gan mãn tính: Cần điều chỉnh liều dùng theo tình trạng lâm sàng của cơ thể, nên xét đến các kết quả xét nghiệm hóa lâm sàng.

Quá liều: Việc sử dụng quá liều các dung dịch thay thế thể tích có thể dẫn tới tình trạng tăng thể tích máu không chủ định, suy giảm chức năng tim và phổi. Ngay khi có dấu hiệu hệ tuần hoàn bị quá tải như khó thở, tắc nghẽn tĩnh mạch cảnh, nên ngừng truyền thuốc ngay lập tức.

3. Tác dụng phụ của thuốc Gelofusine

Khi sử dụng thuốc Gelofusine, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:

  • Hệ miễn dịch: Phản ứng dị ứng phản vệ lên tới sốc như khó thở, dị ứng da, mày đay, đỏ bừng mặt và cổ, tụt huyết áp, sốc, ngừng tim và hô hấp,... khá hiếm gặp. Trong trường hợp này, nên ngừng truyền thuốc và điều trị cấp cứu như thông thường;
  • Tim mạch: Nhịp tim nhanh, hạ huyết áp;
  • Toàn thân: Sốt, ớn lạnh;
  • Tiêu hóa: Buồn nôn, nôn mửa, đau bụng;
  • Xét nghiệm: Giảm bão hòa oxy;
  • Máu và hệ bạch huyết: Giảm hematocrit và nồng độ protein huyết tương. Ngoài ra, nếu truyền liều Gelofusine tương đối lớn thì sẽ gây loãng các yếu tố đông máu, có thể ảnh hưởng tới sự đông máu. Thời gian prothrombin có thể tăng, thời gian thromboplastin từng phần hoạt hóa có thể bị kéo dài sau khi truyền Gelofusine với liều lớn.

Khi gặp các tác dụng phụ của thuốc Gelofusine, người bệnh nên thông báo ngay cho bác sĩ để có sự can thiệp xử lý kịp thời.

Nguyên tắc phòng ngừa và điều trị tác dụng phụ gây phản vệ:

  • Cung cấp đầy đủ thông tin cho bác sĩ về các dạng và mức độ nghiêm trọng của phản ứng phụ;
  • Chuẩn bị sẵn sàng dụng cụ và thuốc cho hồi sức cấp cứu;
  • Theo dõi bệnh nhân chặt chẽ trong thời gian truyền thuốc, đặc biệt là khi truyền 20 - 30ml đầu;
  • Ngừng truyền ngay lập tức khi có dấu hiệu đầu tiên của phản ứng phụ.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Gelofusine

Một số lưu ý người bệnh nên nhớ trước và trong khi dùng thuốc Gelofusine:

  • Nên thay thế các chất điện giải khi cần thiết;
  • Cần theo dõi điện giải đồ và cân bằng dịch, đặc biệt trong các trường hợp tăng natri máu, mất nước và suy thận;
  • Trong trường hợp bệnh nhân có rối loạn đông máu và bệnh gan mãn tính, nên theo dõi các chỉ số đông máu và albumin huyết thanh;
  • Theo dõi sát sao người bệnh khi truyền thuốc do có nguy cơ xảy ra phản ứng phản vệ;
  • Chưa có kinh nghiệm sử dụng thuốc Gelofusine ở trẻ em dưới 1 tuổi;
  • Không có tài liệu cho thấy Gelofusine gây độc cho thai nhi. Tuy nhiên, có khả năng thuốc gây dị ứng. Do vậy, chỉ nên sử dụng thuốc này ở thai phụ sau khi đã cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro;
  • Hiện chưa có thông tin Gelofusine đi vào sữa mẹ. Dù vậy, bà mẹ đang cho con bú chỉ dùng thuốc khi thực sự cần thiết và đã được bác sĩ cho phép;
  • Thuốc Gelofusine có thể ảnh hưởng tới kết quả các chỉ số hóa lâm sàng;
  • Mỗi chai thuốc Gelofusine chỉ sử dụng 1 lần, phần không dùng nữa phải hủy bỏ;
  • Không sử dụng nếu dung dịch vẩn đục hoặc chai/nắp chai có dấu hiệu bị hư hại;
  • Có thể xảy ra tương kỵ khi trộn chung thuốc Gelofusine với các thuốc khác.

Khi được chỉ định sử dụng thuốc Gelofusine, người bệnh nên phối hợp với mọi hướng dẫn của bác sĩ. Đây là yêu cầu tiên quyết để đảm bảo hiệu quả trị liệu và hạn chế rủi ro.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

10.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan