Công dụng thuốc Gitazot Injection

Thuốc Gitazot injection thường được sử dụng chủ yếu để điều trị và cải thiện các tình trạng như loét dạ dày – tá tràng, hội chứng Zollinger-Ellisons, viêm thực quản trào ngược,... Thuốc dùng bằng đường tiêm tĩnh mạch, bệnh nhân cần tuân thủ chặt chẽ mọi chỉ định của bác sĩ để dùng thuốc an toàn và sớm đạt kết quả.

1. Gitazot injection là thuốc gì?

Gitazot injection thuộc nhóm thuốc đường tiêu hoá, được dùng để điều trị các vấn đề như loét dạ dày, loét tá tràng, viêm loét thực quản,... Thuốc Gitazot injection được bào chế dưới dạng bột pha tiêm, mỗi hộp bao gồm một lọ.

Trong mỗi lọ bột pha tiêm Gitazot injection có chứa các thành phần dược chất sau:

  • Hoạt chất chính: Omeprazol (dạng Omeprazol natri) hàm lượng 40mg.
  • Các tá dược khác: Natri carbonate và Mannitol.

Hoạt chất Omeprazol trong thuốc Gitazot là thuốc ức chế bơm proton, có tác dụng giảm tiết acid dạ dày, nhờ đó làm cải thiện nhanh chóng các triệu chứng như khó nuốt, ợ chua. Bên cạnh đó, Omeprazol còn có khả năng điều trị tốt các tổn thương do acid trong thực quản và dạ dày, đồng thời ngăn ngừa nguy cơ loét và ung thư thực quản. Bởi vậy, thuốc Gitazot injection được các chuyên gia đánh giá cao về tác dụng điều trị một số vấn đề về dạ dày – thực quản. Tuy nhiên, hoạt chất Omeprazol không thể làm giảm ngay lập tức chứng ợ nóng mà phải mất từ 1 – 4 ngày để nhận thấy tác dụng.

2. Chỉ định – Chống chỉ định sử dụng thuốc Gitazot injection

2.1 Chỉ định sử dụng thuốc Gitazot injection

Thuốc Gitazot injection thường được bác sĩ kê đơn sử dụng để điều trị ngắn hạn các trường hợp dưới đây:

  • Điều trị bệnh loét dạ dày hoặc loét tá tràng.
  • Điều trị hội chứng Zollinger-Ellisons.
  • Điều trị hội chứng viêm thực quản trào ngược.
  • Điều trị dự phòng tình trạng tăng tiết acid đối với những bệnh nhân chuẩn bị bước vào cuộc phẫu thuật.

2.2 Chống chỉ định sử dụng thuốc Gitazot injection

Không dùng thuốc Gitazot injection cho những đối tượng dưới đây khi chưa tham khảo lời khuyên từ bác sĩ:

  • Bệnh nhân mẫn cảm hoặc có tiền sử dị ứng với hoạt chất Omeprazol hay bất kỳ thành phần tá dược nào có trong thuốc.
  • Chống chỉ định Gitazot injection cho trẻ em, phụ nữ đang mang thai hoặc người mẹ đang trong giai đoạn nuôi con bú.

3. Liều lượng và khuyến cáo cách dùng thuốc Gitazot injection hiệu quả

3.1 Liều dùng thuốc Gitazot injection

Theo ý kiến của bác sĩ, liều lượng sử dụng thuốc Gitazot sẽ được xác định cụ thể dựa trên tình trạng sức khỏe cũng như độ tuổi của từng bệnh nhân:

  • Điều trị loét tá tràng, loét dạ dày và hội chứng viêm thực quản trào ngược: Dùng 1 lọ / ngày, tương đương liều 40mg Omeprazol / ngày, dùng đường tiêm tĩnh mạch trong vòng 5 ngày.
  • Điều trị hội chứng Zollinger – Ellison: Dùng liều ban đầu là 60mg Omeprazol, sau đó tuỳ chỉnh liều cao hơn dựa trên đáp ứng của bệnh nhân. Khi dùng liều Omeprazol > 60mg, bệnh nhân nên chia thành 2 lần tiêm tĩnh mạch / ngày.
  • Điều trị dự phòng hội chứng cường toan trong phẫu thuật: Dùng liều 40mg Omeprazol qua đường tiêm tĩnh mạch một giờ trước khi bệnh nhân thực hiện phẫu thuật. Trong trường hợp ca phẫu thuật kéo dài > 2 tiếng, bệnh nhân có thể tiêm thêm 40mg Omeprazol nữa.

Đối với nhóm bệnh nhân bị rối loạn chức năng thận và người cao tuổi sẽ không cần phải điều chỉnh liều thuốc Gitazot injection. Bệnh nhân bị rối loạn chức năng gan cần phải giảm liều thuốc do thời gian bán thải của hoạt chất Omeprazol có xu hướng tăng sau khi tiêm. Tốt nhất, đối tượng này nên dùng liều 10 hoặc 20mg Omeprazol / ngày dựa trên chỉ định của bác sĩ.

3.2 Hướng dẫn cách dùng đúng và hiệu quả thuốc Gitazot injection

Thuốc Gitazot injection được bào chế dưới dạng bột pha tiêm, do đó thuốc sẽ được bác sĩ thực hiện tiêm tĩnh mạch cho những bệnh nhân có vấn đề về dạ dày & thực quản cần chữa trị. Ngoài ra cần lưu ý rằng, thuốc Gitazot injection chỉ được chỉ định dùng bằng đường tiêm tĩnh mạch khi bệnh nhân không thể dùng Omeprazol qua đường uống.

Trước và trong suốt quá trình tiêm thuốc Gitazot injection, bạn cần tuân thủ theo những hướng dẫn mà bác sĩ khuyến cáo để đảm bảo điều trị an toàn và đạt kết quả như mong đợi. Bệnh nhân tuyệt đối không được tự ý tiêm và điều chỉnh liều thuốc khác với chỉ định, bởi điều này không những khiến thuốc giảm tác dụng mà còn gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng đối với sức khỏe.

4. Những tác dụng phụ có thể xảy ra khi tiêm thuốc Gitazot injection

Khi tiêm tĩnh mạch thuốc Gitazot injection, bệnh nhân có thể gặp phải một số tác dụng phụ ngoại ý sau:

  • Phản ứng trên da: Nhạy cảm với ánh sáng, phát ban đỏ, ngứa ngáy và rụng tóc.
  • Phản ứng trên hệ thần kinh: Đau đầu, chóng mặt, ngủ lơ mơ, mất ngủ, lo âu, trầm cảm hoặc ảo giác.
  • Phản ứng trên hệ cơ xương khớp: Đau cơ, đau khớp, giảm trương lực cơ.
  • Phản ứng trên hệ dạ dày – ruột: Tiêu chảy, táo bón, đau bụng, đầy hơi, buồn nôn, ói mửa, khô miệng, tăng men gan, viêm da nhiễm nấm Candida dạ dày, viêm gan kèm hoặc không kèm vàng da, suy gan hoặc viêm não.
  • Phản ứng trên hệ huyết học: Mất bạch cầu hạt, giảm bạch cầu, giảm toàn thể huyết cầu hoặc giảm tiểu cầu.
  • Phản ứng trên hệ nội tiết: Chứng vú to ở nam giới, lo âu, phù ngoại vi, tăng tiết mồ hôi, mờ mắt, điếc mũi.
  • Một số phản ứng phụ khác: Sốt, nổi mày đay, viêm thận mô kẽ, co thắt phế quản, phản ứng sốc quá mẫn hoặc phù tĩnh mạch.

Bất kỳ tác dụng phụ nào được đề cập ở trên đều có nguy cơ xảy ra trong quá trình tiêm tĩnh mạch thuốc Gitazot. Một số triệu chứng có biểu hiện thoáng qua và biến mất sau một thời gian mà không để lại hệ lụy gì. Tuy nhiên, một số phản ứng có thể diễn tiến nghiêm trọng và đe dọa đến tính mạng người bệnh nếu điều trị chậm trễ. Chính vì vậy, khi nhận thấy cơ thể xuất hiện dấu hiệu bất thường trong quá trình dùng thuốc Gitazot injection, tốt nhất bệnh nhân nên ngưng điều trị và báo cho bác sĩ càng sớm càng tốt để có biện pháp xử trí.

5. Cần lưu ý và thận trọng điều gì khi sử dụng thuốc Gitazot injection?

Để điều trị an toàn và hiệu quả tình trạng loét dạ dày – tá tràng và các hội chứng liên quan đến tiêu hoá khác bằng thuốc Gitazot, bệnh nhân có thể tham khảo và tuân theo một số lời khuyên sau đây:

  • Cần tiến hành chẩn đoán để loại bỏ trường hợp ung thư dạ dày trước và trong quá trình điều trị bằng thuốc Gitazot injection.
  • Hoạt chất Omeprazol mặc dù có thể làm giảm tiết dịch dạ dày, tuy nhiên việc dùng thuốc kéo dài sẽ khiến các vi khuẩn trong dạ dày phát triển quá mức cần thiết.
  • Chỉ nên pha dung dịch tiêm Gitazot injection ngay trước khi sử dụng.
  • Cần thận trọng khi lái xe và vận hành máy móc trong quá trình điều trị bằng Gitazot injection bởi thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ ngoài ý muốn như ngủ lơ mơ, chóng mặt hoặc đau đầu.
  • Mặc dù các nghiên cứu trên động vật hiện vẫn chưa có báo cáo cụ thể về nguy cơ gây độc và dị dạng của thuốc Gitazot injection đối với bào thai, tuy nhiên đã có phát hiện cho thấy khả năng gây ung thư khi dùng Omeprazol trên chuột. Tốt nhất, phụ nữ đang mang thai, nhất là trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ cần tránh dùng Gitazot injection khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ.
  • Hiện nay vẫn chưa có kết luận chính xác liệu hoạt chất Omeprazol trong thuốc Gitazot injection có bài tiết vào sữa mẹ hay không, chính vì vậy phụ nữ đang trong giai đoạn nuôi con bú cần tránh dùng thuốc này. Nếu cần thiết phải điều trị bằng thuốc Gitazot injection, người mẹ nên ngừng cho con bú và tuân thủ chỉ định dùng thuốc của bác sĩ.

6. Các loại thuốc có thể tương tác với thuốc Gitazot injection

Dưới đây là danh sách các loại thuốc có nguy cơ xảy ra phản ứng tương tác khi phối hợp dùng chung với thuốc Gitazot injection, bao gồm:

  • Các thuốc chuyển hoá bởi enzyme CYP450 trong gan như Phenytoin, Diazepam và Warfarin.
  • Sử dụng cùng lúc thuốc ức chế bơm proton như Omeprazol cùng Warfarin có thể làm kéo dài thời gian prothrombin, chỉ số INR, tăng nguy cơ chảy máu và tử vong cho người bệnh.
  • Thuốc Gitazot injection có thể gây ảnh hưởng đến sự hấp thu của các muối sắt, thuốc Ketoconazol và muối Ampicillin khi dùng đồng thời với nhau.
  • Nồng độ huyết tương của thuốc Atazanavir và Nelfinavir sẽ giảm đáng kể khi dùng chung với thuốc Gitazot.
  • Thuốc Clopidogrel khi dùng phối hợp với Omeprazol có thể làm giảm 42 – 46% nồng độ chất chuyển hoá có hoạt tính của Clopidogrel.
  • Thuốc Cyanocobalamin có thể bị giảm sự hấp thu khi dùng chung với Omeprazol.

Khi đã hiểu rõ cơ chế hoạt động của thuốc Gitazot bạn nên đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng. Nếu có bất cứ thắc mắc gì cần liên hệ với bác sĩ để được tư vấn và có chỉ định phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

78 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan