Công dụng thuốc Glopantac 20

Glopantac 20 là thuốc thuộc nhóm đường tiêu hóa thường được bác sĩ kê đơn cho các trường hợp loét dạ dày tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản. Để tìm hiểu thành phần và công dụng thuốc Glopantac 20, mời bạn đọc cùng theo dõi bài viết ngay sau đây.

1. Thuốc Glopantac 20 là thuốc gì?

  • Tên dược phẩm: Glopantac 20.
  • Thành phần: Hoạt chất Pantoprazol (dưới dạng Pantoprazol natri) 20 mg.
  • Nhóm thuốc: Glopantac 20 thuộc nhóm thuốc đường tiêu hóa.
  • Dạng bào chế: Theo dạng viên nén bao tan trong ruột.
  • Quy cách đóng gói: Đóng gói theo dạng hộp gồm 3 vỉ, mỗi vỉ chứa 10 viên.
  • Số đăng ký: VD-22134-15.
  • Công ty sản xuất: Công ty CP dược phẩm GLOMED.
  • Công ty đăng ký: Công ty CP dược phẩm GLOMED.

2. Thuốc Glopantac 20 có tác dụng gì?

Thuốc kê đơn Glopantac 20 có khả năng ức chế đặc hiệu đồng thời không hồi phục bơm proton bởi tác dụng chọn lọc tại thành tế bào dạ dày, chính vì thế mà nó mang lại tác dụng nhanh và hiệu quả hơn nhiều so với các loại thuốc khác. Tỉ lệ liền sẹo (làm lành các vết loét) có thể lên đến 95% chỉ sau khoảng 8 tuần điều trị. Mặt khác, thuốc cũng rất ít gây ảnh hưởng tới khối lượng dịch vụ, yếu tố nội dạ dày, sự bài tiết pepsin hoặc sự co bóp dạ dày.

Chính vì vậy mà Glopantac được chỉ định sử dụng cho các trường hợp trào ngược dạ dày thực quản (GERD), loét dạ dày tá tràng. Thuốc được dùng kết hợp cùng 2 loại kháng sinh thích hợp nhằm diệt Helicobacter pylori đối với người bệnh bị loét dạ dày tá tràng, để làm lành vết thương và ngăn ngừa tái phát.

3. Liều lượng và cách dùng thuốc Glopantac 20

3.1. Liều lượng thuốc Glopantac 20

Dạng viên:

Liều khuyến cáo: Đối với người bệnh nhiễm Helicobacter pylori (dương tính), loét dạ dày và tá tràng cần thực hiện diệt vi khuẩn bằng cách trị liệu phối hợp. Phụ thuộc vào kiểu kháng thuốc mà có thể áp dụng các sơ đồ phối hợp sau đây để tiêu diệt Helicobacter pylori.

  • Phác đồ 1: Sử dụng mỗi ngày 2 lần (1 viên Pantoprazole + 500mg Clarithromycine + 1000mg Amoxicylline), dùng trong 7 ngày.
  • Phác đồ 2: Sử dụng mỗi ngày 2 lần (1 viên Pantoprazole + 500mg Clarithromycine + 500mg Metronidazol) dùng trong 7 ngày.
  • Phác đồ 3: Sử dụng mỗi ngày 3 lần (1 viên Pantoprazole + 500mg Metronidazol + 1000mg Amoxicilline) dùng trong 7 ngày.

Người bệnh bị trào ngược dạ dày thực quản (GERD): Sử dụng 1 viên 40mg/ngày.

Người bệnh suy gan nặng: Cần giảm xuống 1 viên (40mg Pantoprazole), uống 2 ngày một lần. Mặt khác, còn cần theo dõi chặt chẽ các enzyme gan trong liệu trình Pantoprazole. Trong trường hợp giá trị enzyme gan tăng, cần phải ngưng dùng Pantoprazole.

Không sử dụng với liều quá 40mg Pantoprazole đối với người bệnh suy thận hoặc người cao tuổi. Ngoại lệ trường hợp trị liệu phối hợp diệt Helicobacter pylori thì người cao tuổi cũng dùng liều Pantoprazole thông thường (2 x 40mg/ngày) trong thời gian là 1 tuần điều trị.

Dạng tiêm tĩnh mạch:

Khuyến nghị người bệnh sử dụng Pantoprazole I.V. khi dùng thuốc bằng đường uống không thích hợp. Liều Pantoprazole theo đường tĩnh mạch trung bình là 1 lọ (40mg Pantoprazole) mỗi ngày. Liều lượng tối đa có thể lên tới 6 lọ/ngày được chia làm nhiều lần dùng.

Để tiêm tĩnh mạch, bơm 10ml dung dịch nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) vào lọ bột có chứa chất đông khô Pantoprazole 40mg, sau đó tiến hành tiêm tĩnh mạch chậm ít nhất 2 phút.

Để truyền tĩnh mạch cần pha loãng Pantoprazole cùng 100ml nước muối sinh lý hoặc 100ml Glucose 10%/100ml Glucose 5%, tiến hành truyền tĩnh mạch ít nhất 15 phút.

Lưu ý, không pha chế hay trộn lẫn hỗn hợp Pantoprazole I.V. với dung môi nào khác ngoài các dung môi được liệt kê ở trên. Giá trị pH của dung dịch phải đạt mức 9 và dung dịch tái tạo (đã pha chế) phải được dùng trong vòng 12 giờ kể từ khi pha chế.

Liều dùng cho trẻ nhỏ:

Các khác biệt về dược lực học, dược động học, tác dụng phụ... ở trẻ em có nhiều khác biệt so với người lớn. Đặc biệt, trẻ nhỏ là đối tượng không được phép tiến hành thử nghiệm lâm sàng trước khi thuốc được cấp phép lưu hành. Chính vì vậy, khi dùng thuốc cho trẻ nhỏ cần đặc biệt thận trọng, thậm chí là ở cả những thuốc chưa được cảnh báo.

3.2. Cách dùng thuốc Glopantac 20

Người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn cách dùng của thuốc được ghi trên tờ hướng dẫn sử dụng, không được tự ý dùng theo đường dùng khác không được đề cập đến trong tờ chỉ dẫn sử dụng thuốc.

Không được nghiền nhỏ hoặc nhai nát viên thuốc, thay vào đó phải uống nguyên viên thuốc với 1 ly nước đầy, uống 1 giờ trước bữa ăn sáng. Trong trường hợp trị liệu phối hợp để tiêu diệt Helicobacter pylori, viên thuốc thứ 2 cần uống trước bữa tối. Đối với liệu pháp phối hợp thì chỉ cần điều trị trong 7 ngày là đủ để tiêu diệt Helicobacter pylori và làm lành các vết loét.

3.3. Xử lý khi quên liều hoặc quá liều thuốc Glopantac 20

Quá liều:

  • Trong các trường hợp quá liều hoặc khẩn cấp, xuất hiện biểu hiện nguy hiểm thì người bệnh cần liên hệ ngay với bác sĩ hoặc Trung tâm cấp cứu 115. Đồng thời nên cung cấp cho bác sĩ biết về đơn thuốc đang dùng, kể cả thuốc không kê toa hay kê toa.

Quên liều:

  • Nếu người bệnh quên một liều trong quá trình dùng thuốc thì cần dùng bổ sung càng sớm càng tốt (thông thường cách khoảng 1 - 2 giờ so với giờ được yêu cầu). Tuy nhiên, nếu thời gian đã sát với liều tiếp theo thì cần bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp theo đúng thời gian được chỉ định.

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Glopantac 20

4.1. Chống chỉ định thuốc Glopantac 20

Không sử dụng Glopantac 20 cho người bệnh có tiền sử dị ứng nhạy cảm với Pantoprazole, thành phần tá dược khác có trong thuốc hoặc dẫn xuất Benzimidazol khác (như Lansoprazol, Esomeprazol, Rabeprazol, Omeprazol).

Các chống chỉ định của Glopantac được hiểu là chống chỉ định tuyệt đối, có nghĩa là không vì bất cứ nguyên nhân nào khác mà người bệnh có thể linh hoạt sử dụng thuốc.

4.2. Tác dụng phụ thuốc Glopantac 20

Trong quá trình điều trị bằng Pantoprazole, đôi khi người bệnh sẽ gặp phải tình trạng đau nhức đầu hoặc tiêu chảy nhẹ. Ngoài ra có thể gặp phải những biểu hiện hiếm gặp hơn như: Đau bụng trên, đầy hơi, buồn nôn, choáng váng, ban da, ngứa ngáy. Một vài trường hợp cá biệt hiếm gặp như: Sốt, phù nề, viêm tĩnh mạch huyết khối.

Lưu ý, các triệu chứng kể trên không phải là toàn bộ tác dụng phụ của thuốc mà người bệnh có thể gặp phải. Trong quá trình dùng thuốc có thể gặp nhiều phản ứng phụ khác mà chưa biểu hiện hoặc chưa được nghiên cứu. Chính vì vậy, nếu có bất cứ triệu chứng nào khác trong thời gian uống thuốc, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ.

4.3. Tương tác thuốc

  • Pantoprazole có khả năng làm giảm khả năng hấp thu của các loại thuốc khác khi dùng kết hợp mà độ hấp thu của chúng phụ thuộc vào pH (chẳng hạn như Ketoconazole). Tình trạng này cũng xảy ra tương tự với các thuốc dùng trước Pantoprazole I.V trong một thời gian ngắn.
  • Hoạt chất của Pantoprazole chuyển hóa ở gan nhờ vào hệ enzyme cytochrome P450. Không loại bỏ khả năng Pantoprazole có thể xảy ra tương tác với các thuốc khác chuyển hóa cùng hệ với enzyme cytochrome P450. Thế nhưng, ở nghiên cứu lâm sàng vẫn chưa thấy tương tác đáng kể trên các thử nghiệm đặc hiệu đối với một số hợp chất hoặc loại thuốc kể trên như: Cafein, Carbamazepine, Digoxine, Ethanol, Glibenclamide, Metoprolol, Diazepam, Diclofenac, Nifedipine, Warfarine, Phenprocoumon, Phenytoin, Theophylline và các thuốc tránh thai dùng bằng đường uống.
  • Không xuất hiện tương tác giữa Pantoprazole với các loại thuốc kháng acid (trị đau dạ dày) khi sử dụng đồng thời.
  • Không thấy xảy ra tương tác với các kháng sinh dùng phối hợp (Amoxicylline, Clarithromycine và Metronidazol) trong quá trình điều trị diệt Helicobacter pylori.

4.4. Thận trọng khi dùng thuốc Glopantac 20

  • Người bệnh được khuyến cáo nên dùng thuốc theo đường tiêm trong trường hợp dùng đường uống không thích hợp.
  • Trước khi dùng thuốc, người bệnh phải được loại trừ khả năng loét dạ dày ác tính hoặc viêm thực quản ác tính, bởi tình trạng này có thể nhất thời lấn áp các triệu chứng của bệnh loét ác tính, dẫn tới làm chậm quá trình chẩn đoán.
  • Cho tới hiện tại vẫn chưa có kinh nghiệm điều trị bằng Pantoprazole ở trẻ nhỏ.
  • Hiệm chưa rõ tác động của Pantoprazole đối với người phải lái xe hoặc vận hành máy móc.
  • Khi dùng thuốc cho phụ nữ đang mang thai có thể gây ra các tác dụng xấu như (quái thai, sảy thai, di tật thai nhi...) trong bất cứ giai đoạn phát triển nào của thai kỳ, đặc biệt là ở 3 tháng đầu tiên. Vì vậy tốt nhất không nên dùng thuốc cho phụ nữ mang thai, trong trường hợp bắt buộc phải dùng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ nhằm cân nhắc thật kỹ giữa tác hại và lợi ích.
  • Thuốc có thể truyền qua trẻ nhỏ thông qua quá trình bú sữa mẹ. Tốt nhất là không nên dùng hoặc hạn chế tối đa đối với phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.

Chúng ta vừa cùng nhau tìm hiểu về công dụng thuốc Glopantac và những thông tin quan trọng nhất. Tuy vậy, bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, để đảm bảo hiệu quả tốt nhất và độ an toàn khi sử dụng, người bệnh nên dùng thuốc theo đúng chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ hoặc nhân viên y tế.

20 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan