Công dụng thuốc Gly4par 30

Gly4par 30 thuộc nhóm hocmon, nội tiết tố, thường dùng trong điều trị đái tháo đường tuýp II không phụ thuộc Insulin. Vậy cần sử dụng thuốc Gly4par 30 như thế nào cho đúng cách?

1. Gly4par 30 là thuốc gì?

Thuốc Gly4par 30 được sản xuất bởi Công ty Inventia Healthcare Pvt. Ltd. – Ấn Độ và lưu hành trên thị trường với số đăng ký là VN – 21429 – 18. Gly4par 30 là một thuốc kê đơn được xếp vào nhóm hocmon, nội tiết tố, thành phần hoạt chất chính của thuốc là Gliclazid.

  • Dạng bào chế: Viên nén phóng thích kéo dài, mỗi viên chứa 30mg Gliclazid và các tá dược khác của nhà sản xuất.
  • Quy cách đóng gói: Mỗi vỉ 10 viên, một hộp có 3 vỉ và tờ hướng dẫn sử dụng thuốc.

2. Gly4par 30 có tác dụng gì?

Dược lực học:

  • Gliclazid là một chất dị vòng có chứa nitơ, có tác dụng hạ đường huyết và được dùng trong điều trị đái tháo đường tuýp II không phụ thuộc Insulin.
  • Cơ chế tác dụng của Gliclazid là kích thích sự tiết Insulin từ các tế bào beta của đảo Langerhans. Trên bệnh nhân đái tháo đường tuýp II, Gliclazid phục hồi đỉnh sớm tiết Insulin khi có sự hiện diện của Glucose và tăng tiết Insulin ở pha hai. Đáp ứng tiết Insulin được quan sát thấy tăng đáng kể sau một bữa ăn hoặc sau khi uống đường.
  • Ngoài ra, Gliclazid còn có các tác dụng huyết học độc lập khác là làm giảm sự hình thành cục máu đông theo hai cơ chế:
    • Ức chế một phần sự ngưng tập tiểu cầu lên thành mạch.
    • Tác động lên sự tiêu giải fibrin ở thành mạch.

Dược động học:

  • Hấp thu: Gliclazide được hấp thu hoàn toàn sau khi dùng đường uống và không bị ảnh hưởng bởi thức ăn. Nồng độ Gliclazide đạt đỉnh trong huyết tương sau 6 – 12 giờ uống.
  • Phân bố: Tỉ lệ gắn kết của Gliclazide với Protein huyết tương khoảng 95%, thể tích phân bố khoảng 30 lít.
  • Chuyển hóa: Gan là nơi chuyển hóa chính của Gliclazide.
  • Thải trừ: Gliclazide được thải trừ chủ yếu qua thận, thời gian bán hủy từ 6 – 12 giờ.

3. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Gly4par 30

Thuốc Gly4par 30 thường được chỉ định trong điều trị đái tháo đường tuýp II phối hợp cùng liệu pháp ăn kiêng, khi mà đường máu không được kiểm soát bằng liệu pháp ăn kiêng.

Chống chỉ định: Tuyệt đối không sử dụng Gly4par 30 trong các trường hợp sau:

  • Người bệnh mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của Gly4par 30
  • Đái tháo đường tuýp I
  • Tiền hôn mê, hôn mê do đái đường
  • Nhiễm ceton, nhiễm toan ceton do đái tháo đường
  • Suy thận
  • Suy gan nặng
  • Phối hợp với miconazol
  • Phụ nữ cho con bú.

4. Liều lượng và cách dùng thuốc Gly4par 30

Gly4par 30 là thuốc kê đơn, vì vậy người bệnh chỉ được dùng khi có sự chỉ định của bác sĩ và phải tuân thủ theo liệu trình điều trị. Không nên tự ý thay đổi liều lượng, đường dùng của thuốc Gly4par 30 hoặc ngừng thuốc. Đồng thời, không nên sử dụng chung thuốc Gly4par 30 với người khác hoặc đưa thuốc này cho người khác sử dụng ngay cả khi họ có cùng chẩn đoán.

Liều lượng:

  • Liều khởi đầu được khuyến cáo là 30mg/ ngày, nếu kiểm soát được đường huyết ở liều này thì tiếp tục sử dụng duy trì. Nếu không kiểm soát được đường huyết, có thể tăng liều 60, 90, 120mg/ ngày. Liều tối đa là 120mg/ ngày. Khoảng cách giữa các lần tăng liều tối thiểu là 1 tháng, trừ những bệnh nhân có đường huyết giảm sau 2 tuần điều trị.

Cách dùng:

  • Thuốc Gly4par 30 được bào chế dưới dạng viên nén phóng thích kéo dài và uống một lần duy nhất vào bữa ăn sáng. Bệnh nhân nên uống nguyên viên thuốc với một lượng nước vừa đủ, không nghiền nát hoặc nhai viên thuốc.

Xử trí khi quên liều thuốc Gly4par 30:

  • Thuốc Gly4par 30 được uống một lần duy nhất trong ngày vào bữa ăn sáng. Nếu quên liều, không tăng liều uống vào ngày kế tiếp.

Xử trí khi quá liều thuốc Gly4par 30:

  • Quá liều Gly4par 30 có thể gây hạ đường huyết.
  • Bệnh nhân có biểu hiện hạ đường huyết vừa phải, không mất ý thức hoặc các dấu hiệu thần kinh phải được điều chỉnh bởi lượng Carbohydrate, điều chỉnh liều hoặc thay đổi chế độ ăn.
  • Bệnh nhân có biểu hiện hạ đường huyết nghiêm trọng, hôn mê, co giật hoặc các rối loạn thần kinh khác cần điều trị cấp cứu.

5. Tác dụng không mong muốn của thuốc Gly4par 30

Ngoài tác dụng điều trị, thuốc Gly4par 30 có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn khác trong quá trình sử dụng như:

  • Hạ đường huyết: Biểu hiện với chóng mặt, đau đầu, buồn ngủ, thiếu năng lượng, ra mồ hôi. Các triệu chứng run rẩy, suy nhược, căng thẳng, dị cảm cũng đã được báo cáo.
  • Hệ tiêu hóa: Tiêu chảy, buồn nôn, nôn mửa, đầy bụng, kích thích dạ dày. Những triệu chứng này thường liên quan đến liều lượng và thường biến mất khi giảm liều.
  • Gan mật: Vàng da.
  • Da: Ban đỏ, ngứa, mày đay, ban sởi, sẩn.
  • Hệ tạo máu: Giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, mất bạch cầu hạt, thiếu máu.
  • Nội tiết: Giảm hấp thu iod phóng xạ.

Đây không phải là danh sách đầy đủ các tác dụng phụ của Gly4par 30. Nếu gặp phải những tác dụng không mong muốn chưa được liệt kê, hãy liên hệ với bác sĩ để được xử trí.

6. Tương tác thuốc

Việc điều trị cùng lúc hai hoặc nhiều loại thuốc có thể xảy ra tương tác giữa các thuốc dẫn đến hiện tượng cạnh tranh hoặc hiệp đồng. Các nghiên cứu, khuyến cáo thường chỉ liệt những tương tác thường gặp khi sử dụng, do đó bệnh nhân không tự ý áp dụng các thông tin về tương tác thuốc Gly4par 30 trong quá trình điều trị.

Các thuốc có tương với Gly4par 30 đã được nghiên cứu là:

  • Insulin, Biguanid, Sulphonamid tác dụng kéo dài, thuốc ức chế MAO, Propranolol, Miconazol, Cimetidin, Disopyramid, Tuberculostatics, Oxyphenbutazon, Phenylbutazon, Salicylat, Probenecid, Chloramphenicol, các dẫn xuất của Coumarin, thuốc chẹn beta và thuốc ức chế ACE: Khi phối hợp các thuốc này với Gly4par 30 có thể gây hạ đường huyết.
  • Thuốc lợi tiểu Thiazid, Corticosteroid, Oestrogen và Acid Nicotinic: Khi phối hợp các thuốc này với Gly4par 30 có thể gây tăng đường huyết và làm mất kiểm soát đường huyết.
  • Barbiturat có thể làm giảm tác dụng hạ đường huyết của thuốc Gly4par 30.

Ngoài ra, người bệnh cần thảo luận với nhân viên chăm sóc sức khỏe của mình về việc sử dụng thuốc lá, rượu bia, đồ uống có cồn với thuốc vì có thể làm thay đổi hiệu quả của thuốc.

7. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Gly4par 30

  • Sử dụng thuốc Gly4par 30 trong thai kỳ: Gly4par 30 có thể đi qua nhau thai và gây hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh. Các nghiên cứu trên phôi động vật và / hoặc dị tật bẩm sinh đã chứng minh rằng không nên dùng thuốc này cho phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, các nghiên cứu trên động vật không tìm thấy tác dụng gây quái thai nào, do đó Gly4par 30 chỉ nên sử dụng ở phụ nữ có thai khi lợi ích lơn hơn nguy cơ.
  • Sử dụng thuốc Gly4par 30 trong thời kỳ cho con bú: Chống chỉ định.
  • Sử dụng thuốc Gly4par 30 cho người lái xe và vận hành máy móc: Nên hướng dẫn bệnh nhân nhận biết các dấu hiệu của hạ đường huyết. Cần thận trọng khi sử dụng thuốc và thông báo cho bệnh nhân về tác dụng không mong muốn là hạ đường huyết, đặc biệt là khi bắt đầu điều trị.
  • Các biến chứng cấp tính như nhiễm trùng, chấn thương nặng, sốt, phẫu thuật, căng thẳng do chuyển hóa quá mức có khuynh hướng làm tăng đường huyết và nhiễm toan ceton. Những trường hợp này có thể sử dụng Insulin để kiểm soát đường huyết và không cần phải tăng liều thuốc Gly4par 30.
  • Theo dõi cẩn thận và điều chỉnh liều khi cần thiết ở bệnh nhân cao tuổi, thiếu dinh dưỡng, suy nhược, suy kiệt. Hạ đường huyết nặng có thể xảy ra ở những bệnh nhân cần điều trị tích cực trong vài ngày.

8. Bảo quản thuốc

  • Bảo quản thuốc Gly4par 30 trong bao bì gốc của nhà sản xuất, ở nơi thoáng mát, không ẩm ướt (độ ẩm dưới 80%), tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mạnh, nhiệt độ tốt nhất để bảo quản thuốc là dưới 30 độ C.
  • Để Gly4par 30 tránh xa tầm tay trẻ em cũng như vật nuôi, tránh chúng không biết nhai phải gây ra những tác dụng không mong muốn nghiêm trọng.
  • Thuốc Gly4par 30 có hạn sử dụng là 24 tháng kể từ ngày sản xuất, không dùng thuốc Gly4par 30 đã hết hạn hoặc có biểu hiện hư hỏng, thay đổi màu sắc, tính chất, bao bì bị hư hỏng hoặc rách.
  • Không vứt thuốc Gly4par 30 vào toilet hoặc đường ống dẫn nước trừ khi được yêu cầu.

Trên đây là toàn bộ thông tin về công dụng thuốc Gly4par 30. Vì Gly4par 30 là thuốc kê đơn nên người bệnh cần sử dụng theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý mua thuốc điều trị tại nhà vì có nguy cơ gặp tác dụng phụ nguy hiểm.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan