Công dụng thuốc Haxolim Injection

Haxolim Injection là thuốc được chỉ định cho người gặp các vấn đề liên quan đến nhiễm khuẩn ở mức độ nặng, khi bệnh nhân đã sử dụng các loại thuốc kháng sinh thông thường nhưng không hiệu quả. Người bệnh nên tìm hiểu những thông tin cơ bản về thuốc trước khi dùng để đảm bảo sử dụng an toàn và hiệu quả nhất.

1. Haxolim Injection là thuốc gì?

Haxolim Injection có chứa thành phần chính là Ceftazidim (dưới dạng Ceftazidime hydrate) 2g. Đây vốn là kháng sinh nhóm cephalosporin có tác dụng ức chế các enzym tổng hợp vách tế bào vi khuẩn để phát huy khả năng diệt khuẩn hiệu quả. Điểm đáng chú ý của Ceftazidime là bền vững với hầu hết các beta - lactamase của vi khuẩn trừ enzym của Bacteroides. Ngoài ra, kháng sinh này cũng nhạy cảm với nhiều vi khuẩn gram âm đã kháng aminoglycosid cũng như các vi khuẩn gram dương đã kháng ampicilin và các cephalosporin khác.

2. Chỉ định và chống chỉ định thuốc Haxolim Injection

2.1. Chỉ định

Haxolim Injection được chỉ định cho bệnh nhân nhiễm khuẩn rất nặng, đã điều trị bằng kháng sinh thông thường nhưng không đáp ứng để hạn chế tình trạng kháng thuốc. Cụ thể, thuốc chỉ định cho người nhiễm khuẩn nặng do vi khuẩn nhạy cảm như:

  • Nhiễm khuẩn huyết, đường tiết niệu có biến chứng, đường hô hấp dưới.
  • Bệnh nhân mắc viêm màng não.
  • Nhiễm khuẩn xương và khớp, phụ khoa, ổ bụng.
  • Nhiễm khuẩn da và mô mềm gồm cả nhiễm khuẩn bỏng và vết thương.
  • Nhiễm khuẩn ở người bị sốt kèm hiện tượng giảm bạch cầu trung tính.

Người bệnh có thể bắt đầu dùng Haxolim Injection ngay trong khi chờ đợi kết quả kiểm tra nhưng phải dừng ngay nếu được chẩn đoán vi khuẩn kháng thuốc. Nếu chưa biết vi khuẩn gây bệnh, người bệnh nên kết hợp điều trị với một kháng sinh khác trong khi chờ đợi kết quả xét nghiệm. Trong trường hợp nhiễm khuẩn nặng tiềm ẩn nguy cơ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc người bệnh bị suy giảm miễn dịch, Haxolim Injection thường được chỉ định chung với một số kháng sinh khác như nhóm aminoglycosid, vancomycin hoặc clindamycin.

2.2. Chống chỉ định

Haxolim Injection chống chỉ định trong những trường hợp:

  • Bệnh nhân có tiền sử dị ứng hoặc có phản ứng quá mẫn với các kháng sinh thuộc nhóm Penicillin và Cephalosporin.
  • Chống chỉ định Haxolim Injection cho phụ nữ đang mang thai hoặc bà mẹ đang nuôi con bú.

3. Liều dùng và cách dùng Haxolim Injection

3.1. Liều dùng

Đối với người lớn:

  • Haxolim Injection được sử dụng trong điều trị các bệnh do nhiễm khuẩn với liều dùng 1g/lần, tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp, cách nhau 8 - 12 giờ một lần.
  • Bệnh nhân cần lưu ý rằng đường tiêm và liều dùng được xác định bởi vi khuẩn gây bệnh, mức độ nghiêm trọng của bệnh, tình trạng và chức năng thận. Trong đó, liều dùng cao nhất được khuyến cáo là 6g/ngày.
  • Với các bệnh nhân bị nhiễm khuẩn nặng như mắc viêm màng não do vi khuẩn Gram âm và các bệnh bị suy giảm miễn dịch khác, liều dùng khuyến cáo là 2 g/lần, sử dụng cách 8 giờ một lần. Một số trường hợp bệnh nặng có thể dùng với liều 3g/lần, cách 12 giờ một lần, dùng liên tục trong 3 tuần.
  • Người bệnh bị sốt kèm giảm bạch cầu đa nhân trung tính sử dụng với liều 100 mg/kg/ngày chia làm 3 lần để tiêm tĩnh mạch hoặc 2 g/lần để tiêm tĩnh mạch cách nhau 8 giờ/lần. Thuốc có thể dùng đơn độc hoặc phối hợp với một aminoglycosid khác như amikacin, gentamicin, tobramycin.
  • Đối với bệnh nhân mắc nhiễm khuẩn đường tiết niệu hoặc các nhiễm khuẩn nhẹ hơn có thể chiều chỉnh liều dùng 250 - 500 mg/lần, sử dụng cách 8 - 12 giờ một lần.
  • Đối với sử dụng trong dự phòng phẫu thuật, phẫu thuật tuyến tiền liệt nên dùng Haxolim Injection với liều 1g lúc gây mê và được nhắc lại nếu cần khi rút bỏ ống thông (catheter).

Đối với trẻ em dưới 12 tuổi

  • Liều thông thường: Trẻ sơ sinh từ 1 đến 4 tuần tuổi dùng liều 30mg/kg tiêm tĩnh mạch, cách 12 giờ một lần. Trẻ em từ 1 tháng tuổi đến 12 tuổi dùng liều 25 - 50 mg/kg cách 8 giờ một lần, liều tối đa là 6g/ngày.
  • Trẻ mắc viêm màng não: Trẻ từ sơ sinh đến 7 ngày tuổi sử dụng liều dùng 100 - 150 mg/kg/ngày chia làm 2 - 3 lần. Trẻ sơ sinh > 7 ngày tuổi dùng Haxolim Injection với liều 150mg/kg/ngày chia làm 3 lần.
  • Trẻ sốt kèm giảm bạch cầu đa nhân trung tính: Trẻ em từ 2 tuổi trở lên sử dụng liều dùng 50 mg/kg (tối đa 2 g), cách nhau 8 giờ/lần.

Liều dùng Haxolim Injection đối với một số đối tượng khác

  • Người trên 70 tuổi: Cần giảm xuống chỉ còn 1/2 liều của người bình thường, tối đa 3g/ngày và thời gian giữa mỗi lần dùng thuốc cách nhau ít nhất 12 giờ.
  • Người bệnh suy giảm chức năng thận: Tùy chỉnh liều dựa vào độ thanh thải creatinin.
  • Bệnh nhân suy thận: Dùng liều khởi đầu ở mức 1 g sau đó thay đổi liều (liều duy trì) tùy thuộc vào độ thanh thải creatinin.
  • Bệnh nhân đang thẩm tách máu: Sử dụng thêm 1g vào cuối mỗi lần thẩm tách.
  • Bệnh nhân đang lọc máu liên tục: Sử dụng thêm 1g/ngày, dùng 1 lần hoặc chia nhiều lần.
  • Bệnh nhân đang thẩm tách màng bụng: Dùng với liều bắt đầu 1 g, sau đó dùng tiếp liều 500mg cách nhau 24 giờ.

3.2. Cách dùng

Haxolim Injection được sử dụng để tiêm truyền tĩnh mạch hoặc tiêm bắp sâu ở vị trí phần tư phía trên của mông hoặc phần bên của bắp đùi.

4. Tác dụng phụ khi dùng Haxolim Injection

Haxolim Injection có nguy cơ gây một số tác dụng phụ như sưng tại vị trí tiêm, ngứa phát ban, tiêu chảy, buồn nôn, nôn và đau bụng.

5. Thận trọng khi dùng thuốc Haxolim Injection

  • Người bệnh từng có phản ứng chéo giữa penicilin với Cephalosporin cần thận trọng khi dùng thuốc.
  • Sử dụng Haxolim Injection trong điều trị bệnh có khả năng giảm bớt hoạt tính prothrombin ở những bệnh nhân suy thận/ gan hoặc suy dinh dưỡng.
  • Thận trọng khi dùng Haxolim Injection với những bệnh nhân có tiền sử bệnh đường tiêu hóa, đặc bệnh lỵ.

Trên đây là một số thông tin tham khảo về thuốc Haxolim Injection. Các bạn cần chú ý sử dụng thuốc đúng cách để trị bệnh hiệu quả và an toàn nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

20 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan