Công dụng thuốc Ibuhadi

Thuốc Ibuhadi nằm trong danh mục thuốc giảm đau và kháng viêm từ nhẹ cho đến vừa trong các trường hợp: đau đầu, đau răng, đau bụng kinh, đau khớp, đau mô mềm trong chấn thương và đau sau mổ. Để quá trình dùng thuốc mang tới hiệu quả tốt, người dùng cần nắm rõ thông tin sử dụng.

1. Công dụng thuốc Ibuhadi

Đầu tiên, thuốc Ibuhadi có thành phần chính là Ibuprofen 400mg, thuốc được sản xuất dưới dạng bao nén, đóng gói dạng hộp 5 vỉ, hộp 10 vỉ x 10 viên; hộp 1 lọ 50 viên, hộp 1 lọ 100 viên, lọ 500 viên. Thuốc được chỉ định cho những trường hợp giảm đau và kháng viêm từ nhẹ tới vừa trong các trường hợp: đau đầu, đau răng, đau bụng kinh, đau khớp, đau mô mềm trong chấn thương và đau sau mổ.

Thuốc được chỉ định ở cả người lớn và trẻ em.

2. Liều dùng thuốc Ibuhadi

Liều dùng thuốc Ibuhadi hiện được gợi ý theo cách dùng sau. Tuy nhiên, thông tin dưới đây chỉ mang tính chất tham khảo, bởi liều lượng dùng luôn phụ thuộc vào yếu tố độ tuổi, tình trạng sức khỏe cùng những vấn đề khác có liên quan.

  • Người lớn: Liều uống thông thường để giảm đau: 1,2 - 1,8 g/ngày, chia làm nhiều liều nhỏ tuy liều duy trì 0,6 - 1,2 g/ngày đã có hiệu quả. Nếu cần, liều có thể tăng lên, liều tối đa khuyến cáo là 2,4 g/ngày hoặc 3,2 g/ngày.
  • Người bệnh bị viêm khớp dạng thấp thường phải dùng ibuprofen liều cao hơn so với người bị thoái hóa xương - khớp.
  • Liều khuyến cáo giảm sốt là 200 - 400 mg, cách nhau 4 - 6 giờ/lần, cho tới tối đa là 1,2 g/ngày. Trẻ em: Liều uống thông thường để giảm đau hoặc sốt là 20 - 30 mg/kg thể trọng/ngày, chia làm nhiều liều nhỏ.
  • Tối đa có thể cho 40 mg/kg/ngày để điều trị viêm khớp dạng thấp thiếu niên nếu cần. Ibuprofen thường không khuyến cáo dùng cho trẻ cân nặng dưới 7 kg và một số nhà sản xuất gợi ý liều tối đa hàng ngày là 500 mg đối với trẻ cân nặng dưới 30 kg.
  • Một cách khác, liều gợi ý cho trẻ em là: Ðối với sốt, 5 - 10 mg/kg (phụ thuộc vào mức độ sốt) và đối với đau, 10 mg/kg; liều có thể cho cách nhau 6 - 8 giờ/lần, liều tối đa hàng ngày 40 mg/kg.

Thuốc cần được dùng theo đúng hướng dẫn để đảm bảo có được kết quả tốt nhất.

3. Những lưu ý trong việc dùng thuốc Ibuhadi

3.1 Chống chỉ định của thuốc

  • Mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của thuốc.
  • Quá mẫn với aspirin hay NSAID khác.
  • Loét dạ dày-tá tràng tiến triển.
  • Suy gan/thận nặng, hen, co thắt phế quản, rối loạn chảy máu, bệnh tim mạch, bệnh tạo keo, suy tim sung huyết, giảm khối lượng tuần hoàn do thuốc lợi niệu hoặc bị suy thận.
  • Đang điều trị bằng coumarin.
  • Phụ nữ mang thai và cho con bú không nên sử dụng thuốc, bởi sẽ ảnh hưởng đến trẻ nhỏ. Trừ trường hợp được bác sĩ chỉ định.

3.2 Tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng thuốc

Tỉ lệ người dùng thuốc gặp những phản ứng phụ đến từ thuốc thường không nhiều. Tuy nhiên vẫn có một số trường hợp gặp tác dụng phụ như: Sốt, mỏi mệt, chướng bụng, buồn nôn, nôn, nhức đầu, hoa mắt chóng mặt, bồn chồn, mẩn ngứa, ngoại ban. Để giảm thiểu tối đa những tác dụng phụ người bệnh cần lưu ý:

  • Dùng thuốc đúng, đủ và không tự ý điều chỉnh hoặc tăng liều
  • Khi xảy ra những tác dụng phụ người bệnh nên nghỉ ngơi nếu cần thiết có thể nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc có nên tiếp tục dùng thuốc hay không.
  • Duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, không sử dụng rượu bia, thuốc lá khi uống thuốc.
  • Thông thường những tác dụng phụ sẽ hết khi kết thúc quá trình dùng thuốc vì thế người bệnh không nên quá lo lắng.

3.3 Thận trọng gì khi dùng thuốc Ibuhadi

Ngoài nắm rõ những thông tin trên thì người bệnh cũng cần thận trọng sử dụng thuốc như sau:

  • Cần thận trọng khi dùng thuốc đối với người cao tuổi.
  • Ibuprofen có thể làm các enzym transaminase tăng lên trong máu, những biến đổi này thoáng qua và hồi phục được.
  • Ibuprofen ức chế kết tập tiểu cầu nên có thể làm cho thời gian chảy máu kéo dài.
  • Người đang gặp các vấn đề về gan, thận không nên hoặc cần đặc biệt lưu ý khi dùng thuốc. Bởi đối tượng này có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe khi dùng thuốc.
  • Sau khi kết thúc đơn thuốc điều trị, người bệnh nên chủ động thăm khám để xem tiến triển của bệnh từ đó có những cách điều chỉnh thuốc và liều sao cho phù hợp với tình trạng bệnh lý.

3.4 Cách bảo quản thuốc

  • Thuốc nên được bảo quản ở nơi khô ráo, tránh ẩm ướt bởi điều này sẽ ảnh hưởng đến kết cấu thuốc và quá trình điều trị.
  • Tránh xa vòng tay trẻ em, để đảm bảo an toàn nhất.
  • Hiện nay trên thị trường Ibuhadi được bày bán tại các quầy thuốc, trung tâm y tế và bệnh viện, khi có nhu cầu mua thuốc điều trị, bệnh nhân có thể mua thuốc tại đây và xin tư vấn về cách sử dụng.

Bài viết trên đây là những thông tin hữu ích được chắt lọc lại và trình bày một cách ngắn gọn về dòng thuốc Ibuhadi. Để đảm bảo sức khỏe người bệnh không nên tự ý mua thuốc về nhà điều trị khi chưa có sự thăm khám và chỉ định dùng thuốc từ bác sĩ, dược sĩ. Hãy luôn tuân thủ theo hướng dẫn từ chuyên viên y tế để tránh được những tác dụng phụ không mong muốn xảy ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

13.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan