Công dụng thuốc Imefradin

Thuốc Imefradin có thành phần là Cefradin, thường được sử dụng trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn da, hô hấp, tiết niệu,... Hãy cùng tìm hiểu về công dụng thuốc Imefradin trong bài viết dưới đây.

1. Imefradin là thuốc gì?

Thuốc Imefradin được sản xuất bởi Công ty cổ phần Dược phẩm IMEXPHARM - VIỆT NAM và lưu hành trên thị trường với số đăng ký là VD-14321-11. Imefradin được xếp vào nhóm thuốc trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn, kháng virus, kháng nấm, thành phần hoạt chất chính của thuốc Imefradin là Cefradin.

Dạng bào chế: Viên nang hoặc bột pha tiêm, hàm lượng 125mg hoặc 250mg Cefradin.

Dạng đóng gói: Hộp 10 gói x 2,5g thuốc bột; hộp 25 gói x 2,5g thuốc bột; hộp 2 vỉ x 10 viên nang.

2. Công dụng thuốc Imefradin

Dược lực học:

Cefradine là kháng sinh thuộc nhóm Cephalosporin thế hệ I, có phổ tác dụng trung bình. Cefradine có công dụng trên vi khuẩn gram dương như tụ cầu, liên cầu, phế cầu (trừ liên cầu kháng methicillin) và một số vi khuẩn gram âm như E.coli, Klebsiella pneumoniae, Proteus mirabilis và Shigella. Cơ chế tác dụng của Cefradin là ức chế sự tổng hợp mucopeptid ở thành tế bào vi khuẩn.

Dược động học:

  • Hấp thu: Cefradine được hấp thu tốt qua đường tiêu hoá và đường tiêm. Nồng độ thuốc đạt đỉnh trong máu sau khi uống liều 500mg khoảng 1-2 giờ.
  • Phân bố: Cefradine phân bố rộng khắp cơ thể, có thể đi qua nhau thai và sữa mẹ nhưng ít qua dịch não tuỷ.
  • Chuyển hoá: Cefradine hầu hư không chuyển hoá trong cơ thể.
  • Thải trừ: Cefradine được thải trừ chủ yếu qua nước tiểu, thời gian bán thải trung bình từ 1-1,5 giờ.

3. Chỉ định và chống chỉ định thuốc Imefradin

Thuốc Imefradin thường được sử dụng trong các trường hợp sau:

  • Nhiễm trùng da và cấu trúc da;
  • Nhiễm trùng đường hô hấp (trừ viêm phổi thùy);
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu chưa gây biến chứng;
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu nặng, kể cả viêm tuyến tiền liệt;
  • Viêm tai giữa do H.Influenzae.

Chống chỉ định: Tuyệt đối không sử dụng Imefradin cho người bệnh mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc.

4. Liều lượng và cách dùng thuốc Imefradin

Để sử dụng Imefradin an toàn và hiệu quả, người bệnh cần tuân thủ theo liệu trình điều trị của bác sĩ. Không nên tự ý mua thuốc về sử dụng, thay đổi liều lượng, đường dùng thuốc. Ngoài ra, không nên dùng chung thuốc Imefradin với người khác hoặc đưa thuốc này cho người khác sử dụng ngay cả khi họ có cùng triệu chứng với bạn.

Dạng uống:

  • Liều thông thường dành cho người lớn: 230 – 500mg mỗi 6 giờ hoặc 500mg – 1g mỗi 12 giờ. Liều tối đa là 4g/ngày.
  • Liều thông thường dành cho trẻ em: 6,25 – 25mg/kg cân nặng mỗi 6 giờ. Với trẻ em trên 9 tháng tuổi, liều cả ngày có thể chia uống 2 lần/ngày. Liều tối đa là 4g/ngày.

Dạng tiêm:

  • Liều thông thường dành cho người lớn: 500mg – 1g mỗi 6 giờ, tiêm bắp sâu hoặc tiêm tĩnh mạch.
  • Liều thông thường dành cho trẻ em trên 1 tuổi: 12,5 - 25 mg/kg cân nặng mỗi 6 giờ, tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch. Trẻ đẻ non và trẻ dưới 1 tuổi: chưa xác định liều.

Chú ý: Liều cao 300 mg/kg cân nặng đã được sử dụng cho các trẻ bị ốm nặng mà không có phản ứng không mong muốn rõ rệt. Liều tối đa không quá 8g/ngày cho trẻ em.

Ngoài ra, có thể sử dụng Imefradin trong dự phòng trước, trong, sau khi mổ với liều như sau:

  • Với mổ đẻ: Tiêm tĩnh mạch 1g sau khi kẹp cuống rốn. Sau đó tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch 1g sau 6 hoặc 12 giờ kể từ liều thứ nhất.
  • Với các trường hợp phẫu thuật khác: Trước khi phẫu thuật từ 30 phút đến 1,5 giờ, tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch 1g. Sau đó, tiêm 1g sau mỗi 4 đến 6 giờ một lần, tiêm trong vòng 24 giờ sau phẫu thuật. Liều tối đa là 8g/ngày.

Cần giảm liều thuốc Imefradin ở người bệnh suy thận. Nhà sản xuất khuyên dùng liều ban đầu là 750mg, tiếp theo là các liều duy trì 500mg. Khoảng cách các liều được điều chỉnh theo độ thanh thải Creatinin như sau:

  • Độ thanh thải Creatinin < 5ml/phút: Khoảng cách giữa các liều là 50 – 70 giờ.
  • Độ thanh thải Creatinin 5 – 9ml/phút: Khoảng cách giữa các liều là 40 – 50 giờ.
  • Độ thanh thải Creatinin 10 – 14ml/phút: Khoảng cách giữa các liều là 24 – 40 giờ.
  • Độ thanh thải Creatinin 15 – 19ml/phút: Khoảng cách giữa các liều là 12 – 24 giờ.
  • Độ thanh thải Creatinin > 20ml/phút: Khoảng cách giữa các liều là 6 – 12 giờ.

Cần làm gì khi quên một liều thuốc Imefradin?

  • Khi quên liều, hãy dùng một liều khác khi nhớ ra. Không dùng gấp đôi liều để bù lại liều đã quên vì có thể gây ngộ độc.

Cần làm gì khi quá liều thuốc Imefradin?

  • Khi bệnh nhân có biểu hiện quá liều, cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện gần nhất để được cứu chữa kịp thời. Lưu ý mang theo sổ khám bệnh và các thuốc bệnh nhân đã dùng trước đó để thuận tiện cho việc chẩn đoán.

5. Tác dụng không mong muốn

Ngoài tác dụng điều trị, thuốc Imefradin có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn khác trong quá trình điều trị.

  • Thường gặp nhất: Phản ứng quá mẫn, sốt, phản ứng giống bệnh huyết thanh, phản vệ, ban, mày đay, tăng bạch cầu ưa eosin
  • Thường gặp: Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, viêm đại tràng giả mạc, mất bạch cầu hạt, chảy máu
  • Ít gặp: Hoại tử ống thận cấp sau khi dùng liều cao, thường liên quan đến người già, có tiền sử suy thận hoặc dùng đồng thời với các thuốc có độc tính trên thận như kháng sinh aminoglycosid; viêm thận kẽ cấp tính
  • Hiếm gặp: Viêm gan, vàng da ứ mật, đau chỗ tiêm, viêm tĩnh mạch huyết khối sau khi truyền tĩnh mạch,

Đây không phải là tất cả các tác dụng không mong muốn mà Imefradin gây ra, người bệnh có thể gặp phải những triệu chứng khác chưa được nghiên cứu, báo cáo. Vì vậy, hãy liên hệ ngay với bác sĩ khi xuất hiện bất kỳ triệu chứng bất thường nào trong quá trình sử dụng thuốc Imefradin.

6. Tương tác thuốc

Dùng đồng thời Imefradin và Probenecid uống sẽ cạnh tranh ức chế bài tiết của đa số các Cephalosporin ở ống thận, do dó làm tăng và kéo dài nồng độ của Cephalosporin trong huyết thanh.

7. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Imefradin

Trước khi bắt đầu sử dụng Imefradin, cần tìm hiểu kỹ về tiền sử dị ứng của người bệnh với các kháng sinh nhóm Cephalosporin, Penicilin hoặc thuốc khác. Khoảng 10% người bệnh dị ứng với Penicilin có thể dị ứng với các kháng sinh nhóm Cephalosporin khác.

Thận trọng khi dùng thuốc Imefradin cho người bệnh suy thận, theo dõi chức năng thận và làm các xét nghiệm máu trước và trong khi điều trị, đặc biệt với những người cần dùng thuốc liều cao và thời gian kéo dài.

8. Bảo quản thuốc

  • Bảo quản thuốc Imefradin trong bao bì gốc của nhà sản xuất, ở nơi thoáng mát, sạch sẽ tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời, ở nhiệt độ không quá 30 độ C. Với bột sau khi pha uống, dịch treo bền vững trong 7 ngày ở nhiệt độ phòng hoặc 14 ngày ở nhiệt độ 2 - 8 độ C. Bột tiêm bắp hoặc tĩnh mạch sau khi hòa tan còn giữ hiệu lực trong 2 giờ ở nhiệt độ phòng hoặc 24 giờ ở 5 độ C.
  • Dịch truyền Imefradin còn giữ hiệu lực trong 10 giờ ở nhiệt độ phòng và 48 giờ ở nhiệt độ 5 độ C. Dung dịch thuốc sau khi hòa tan có thể thay đổi màu từ vàng rơm nhạt đến vàng nhưng không ảnh hưởng đến hiệu lực của thuốc.
  • Để Imefradin tránh xa tầm tay trẻ em cũng như vật nuôi, tránh chúng không biết nhai phải gây ra những tác dụng không mong muốn nghiêm trọng.
  • Không dùng thuốc Imefradin đã hết hạn sử dụng hoặc có dấu hiệu thay đổi màu sắc, tính chất, mùi vị, không còn nguyên tem nhãn.
  • Không vứt thuốc Imefradin vào toilet hoặc đường ống dẫn nước trừ khi được yêu cầu.

Trên đây là thông tin về công dụng, liều dùng và lưu ý khi sử dụng thuốc Imefradin. Vì Imefradin là thuốc kê đơn nên người bệnh không tự ý sử dụng, mà cần liên hệ trực tiếp với bác sĩ/ dược sĩ để có đơn kê phù hợp, đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

51 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan