Công dụng thuốc Inferate

Thuốc Inferate được bào chế dưới dạng viên nén, có thành phần chính là Ondansetron. Thuốc được sử dụng trong phòng ngừa buồn nôn và ói mửa do hóa trị, xạ trị và phẫu thuật.

1. Thuốc Inferate công dụng là gì?

1 viên nén thuốc Inferate có chứa 8mg Ondansetron (dưới dạng hydroclorid dihydrat) cùng các tá dược khác. Ondansetron là chất đối kháng thụ thể 5 - HT3, có tính chọn lọc cao.

Thông thường, hóa trị và xạ trị có thể gây giải phóng 5HT ở ruột non, gây phản xạ nôn bằng cách hoạt hóa dây thần kinh phế vị qua thụ thể 5HT3. Bên cạnh đó, hoạt hóa dây thần kinh phế vị còn có thể gây giải phóng 5HT trong vùng postrema trên sàn não thất IV, làm thúc đẩy nôn qua cơ chế trung tâm. Còn thành phần Ondansetron có tác dụng đối kháng các thụ thể 5HT3 trên dây thần kinh ở ngoại vi và hệ thần kinh trung ương, giúp điều trị buồn nôn và nôn ói do hóa trị hoặc xạ trị.

Các cơ chế chống buồn nôn và nôn ói của Ondansetron sau phẫu thuật chưa được xác định rõ, có thể cũng theo cơ chế chống buồn nôn và nôn do nhiễm độc tế bào. Thuốc không phải là chất ức chế thụ thể dopamin nên không gây tác dụng phụ ngoại tháp.

Chỉ định sử dụng thuốc Inferate:

  • Phòng ngừa buồn nôn và nôn ói do hóa trị ung thư (đặc biệt là cisplatin) khi bệnh nhân kháng lại hoặc có nhiều tác dụng phụ đối với liệu pháp chống nôn thông thường;
  • Phòng ngừa buồn nôn và nôn ói do chiếu xạ;
  • Phòng ngừa buồn nôn và nôn ói sau phẫu thuật.

*Lưu ý: Nên kê đơn thuốc Ondansetron ở người bệnh trẻ tuổi (dưới 45 tuổi) vì những người này dễ có thể gặp phản ứng ngoại tháp khi sử dụng liều cao metoclopramid khi họ phải điều trị bằng các loại hóa chất gây nôn mạnh. Thuốc Ondansetron cũng được dùng cho người cao tuổi. Không nên kê đơn Ondansetron cho những trường hợp điều trị bằng các loại hóa chất có khả năng gây nôn thấp như 5 - fluorouracil, busulfan, bleomycin, cyclophosphamide liều dưới 100mg, vinblastin, vincristin.

Chống chỉ định sử dụng thuốc Inferate:

  • Bệnh nhân quá mẫn với Ondansetron hay thành phần khác của thuốc.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Inferate

2.1 Cách dùng

Dùng thuốc Inferate theo đường tiêm hoặc đường uống.

Cách pha loãng thuốc như sau:

  • Phòng ngừa nôn ói do hóa trị ung thư: Thuốc tiêm Ondansetron được pha loãng trong 50ml dextrose 5% hoặc natri clorid 0,9%, truyền tĩnh mạch trong 15 phút;
  • Phòng ngừa buồn nôn và nôn sau phẫu thuật: Không cần phải pha loãng thuốc, cho tiêm tĩnh mạch trực tiếp trong tối thiểu 30 giây và tốt hơn là tiêm trong 2 - 5 phút.

Các dung dịch có thể sử dụng để pha loãng thuốc Inferate: Dịch truyền manitol 10%, natri clorid 0,9%, dịch truyền glucose 5%, dịch truyền kali clorid 0,3%, dịch truyền Ringer, natri clorid 0,9%. Lưu ý nên pha thuốc ngay trước khi truyền, đảm bảo vô khuẩn và chỉ bảo quản thuốc đã pha trước khi truyền ở điều kiện 2 - 8°C, trong vòng không quá 24 giờ.

2.2 Liều dùng

Phòng ngừa nôn do hóa trị hoặc xạ trị:

Người lớn: Khả năng gây nôn của hóa trị liệu thay đổi tùy theo từng loại hóa chất, liều dùng, sự phối hợp điều trị và độ nhạy cảm của bệnh nhân. Do đó, liều dùng thuốc Ondansetron được tùy chỉnh theo từng cá thể, dao động từ 8 - 32mg/24 giờ, dùng đường tiêm tĩnh mạch hoặc uống. Liều dùng như sau:

  • Liều thông thường: 8mg, tiêm tĩnh mạch chậm trước khi dùng hóa chất hoặc xạ trị hoặc cho bệnh nhân uống 1 - 2 giờ trước khi sử dụng hóa chất hoặc xạ trị. Sau đó, cứ cách 12 giờ cho uống tiếp 8mg. Để phòng ngừa nôn muộn hoặc kéo dài sau 24 giờ, người bệnh có thể tiếp tục uống 8mg, ngày 2 lần cách nhau 4 giờ cho tới 5 ngày sau 1 đợt trị liệu;
  • Với bệnh nhân điều trị hóa trị liệu gây nôn nhiều (ví dụ sử dụng cisplatin liều cao), Ondansetron có hiệu quả tương tự nhau khi dùng các phác đồ sau trong 24 giờ đầu hóa trị:
    • 1 liều đơn 8mg tiêm tĩnh mạch chậm trước khi dùng hóa trị liệu;
    • 1 liều 8mg tiêm tĩnh mạch chậm trước khi dùng hóa trị liệu, tiếp theo dùng thêm 2 liều tiêm tĩnh mạch 8mg cách nhau từ 2 - 4 giờ hoặc truyền liên tục 1mg/giờ cho tới 24 giờ;
    • 1 liều đơn 32mg pha vào 50 - 100ml dung dịch truyền, truyền trong thời gian ít nhất 15 phút trước khi dùng hóa trị liệu;
    • Đề phòng nôn muộn hoặc kéo dài sau 24 giờ, người bệnh có thể tiếp tục uống 8mg, ngày 2 lần trong 2 - 5 ngày.

Trẻ em 4 - 12 tuổi: Dùng 1 liều 5mg/m2 diện tích cơ thể (hoặc 0,15mg/kg), tiêm tĩnh mạch trước khi dùng hóa trị liệu. Sau đó, cứ 12 giờ cho bệnh nhân uống 4mg, điều trị trong tối đa 4 ngày.

Phòng ngừa buồn nôn và nôn ói sau phẫu thuật:

  • Người lớn: Dùng liều đơn 4mg, tiêm tĩnh mạch chậm hoặc tiêm bắp khi gây tiền mê hoặc dùng 16mg, cho uống 1 giờ trước khi gây mê;
  • Trẻ em trên 2 tuổi: Dùng liều 0,1mg/kg, tối đa 4mg, tiêm tĩnh mạch chậm vào thời điểm trước, trong hoặc sau khi gây tiền mê;
  • Bệnh nhân suy gan: Dùng liều tối đa 8mg/ngày cho người bệnh gan nặng và xơ gan;
  • Người cao tuổi: Liều dùng thuốc không thay đổi, giống như người lớn;
  • Người bệnh suy thận: Chưa có nghiên cứu về hiệu quả và liều dùng thuốc.

Quá liều: Đã có trường hợp tiêm tĩnh mạch thuốc Inferate với liều 145mg, tổng liều tiêm tĩnh mạch 1 ngày lên tới 252mg (do bất cẩn) mà không gây tai biến. Liều này đã cao hơn khoảng 10 lần so với liều khuyến cáo hằng ngày. Triệu chứng giảm huyết áp đã xảy ra ở người uống 48mg Ondansetron. Tai biến này sẽ hết hoàn toàn. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu khi dùng thuốc Inferate quá liều, người bệnh sẽ được theo dõi và điều trị hỗ trợ.

3. Tác dụng phụ của thuốc Inferate

Một số tác dụng phụ người bệnh có thể gặp phải khi sử dụng thuốc Inferate gồm:

  • Thường gặp: Đau đầu, sốt, an thần, táo bón, tiêu chảy;
  • Ít gặp: Chóng mặt, khô miệng, co cứng bụng, yếu cơ xương;
  • Hiếm gặp: Quá mẫn, sốc phản vệ, hạ huyết áp, loạn nhịp tim, nhịp tim nhanh, đau đầu nhẹ, cơn động kinh, giảm kali huyết, nổi ban, ban xuất huyết, tăng nhất thời aminotransferase và bilirubin huyết thanh, thở ngắn, thở khò khè, co thắt phế quản, đau ngực, nấc,...

Người bệnh nên thông báo cho bác sĩ về các tác dụng phụ gặp phải khi sử dụng thuốc Inferate để nhận được tư vấn về cách xử lý thích hợp.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Inferate

Một số lưu ý bệnh nhân cần nhớ trước và trong khi dùng thuốc Inferate:

  • Nên sử dụng Ondansetron với mục đích dự phòng, không dùng để điều trị vì thuốc chỉ có tác dụng phòng ngừa buồn nôn và nôn ói, không dùng để chữa nôn;
  • Chỉ nên sử dụng Ondansetron trong vòng 24 - 48 giờ đầu khi điều trị bằng hóa chất. Nghiên cứu cho thấy thuốc không tăng hiệu quả khi phòng nôn và buồn nôn xuất hiện muộn;
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Inferate ở người cao tuổi bị suy giảm chức năng gan hoặc người bệnh nghi có tắc ruột;
  • Chưa có thông tin thuốc Inferate có đi qua nhau thai hay không, tốt nhất không nên dùng thuốc trong thai kỳ, trừ khi được bác sĩ cho phép;
  • Chưa có thông tin thuốc Inferate có đi vào sữa mẹ hay không. Vì vậy, nên thận trọng khi dùng thuốc Inferate ở bà mẹ đang cho con bú;
  • Thuốc Inferate có khả năng gây buồn ngủ và đau đầu nên không được dùng cho người lái xe hoặc vận hành máy móc.

5. Tương tác thuốc Inferate

Một số tương tác thuốc của Inferate gồm:

  • Chuyển hóa Ondansetron bị thay đổi bởi các chất ức chế cytochrome P450 như disulfiram, cimetidin, allopurinol, làm tăng độc tính của thuốc;
  • Ondansetron được chuyển hóa nhờ hệ men cytochrome P450 ở gan nên thanh thải thuốc và bán thải bị thay đổi khi sử dụng đồng thời với các tác nhân gây cảm ứng cytochrome P450 như rifampin, carbamazepin, barbiturat, phenytoin và phenylbutazon.

Khi sử dụng thuốc Inferate để phòng ngừa buồn nôn và nôn ói, bệnh nhân nên tuân thủ đúng theo mọi lời khuyên của bác sĩ. Việc này có ý nghĩa quan trọng trong nâng cao hiệu quả của thuốc và hạn chế các tác dụng phụ tiêu cực có thể xảy ra.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

30 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan