Công dụng thuốc Isoniazid 300mg

Isoniazid 300mg là thuốc được sử dụng trong dự phòng và điều trị lao. Khi sử dụng cần phối hợp thuốc Isoniazid 300mg với các thuốc điều trị lao khác, tuyệt đối không được dùng đơn độc để đề phòng kháng thuốc.

1. Isoniazid là thuốc gì?

Isoniazid là thuốc chống lao có tính đặc hiệu cao, tác dụng chống lại vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) và các vi khuẩn cùng nhóm không điển hình khác như M.bovis, Mycobacterium kansasii. Tác dụng diệt khuẩn của thuốc Isoniazid phụ thuộc vào nồng độ thuốc ở vị trí tổn thương và mức độ nhạy cảm của vi khuẩn đối với thuốc.

Hiện nay chưa rõ chính xác cơ chế tác dụng chính của thuốc Isoniazid, nhưng có thể do thuốc ức chế tổng hợp thành phần acid mycolic và phá vỡ thành tế bào của vi khuẩn lao.

Khi sử dụng thuốc Isoniazid, cần kết hợp với 3 - 4 thuốc điều trị lao khác để đề phòng hiện tượng kháng thuốc có thể xảy ra.

Thuốc Isoniazid được sản xuất dưới nhiều hình thức khác nhau:

  • Thuốc dạng viên nén 300, 150, 100 và 50mg.
  • Thuốc dạng siro 50mg/5ml.
  • Thuốc dạng ống tiêm 1g/10ml, 100mg/1ml.

Thuốc Isoniazid được chỉ định sử dụng trong dự phòng và điều trị lao. Dùng thuốc Isoniazid dự phòng lao cho các nhóm người bệnh sau:

  • Những người trong gia đình có người mắc bệnh lao và thường xuyên tiếp xúc với những người mới được chẩn đoán mắc bệnh lao (xét nghiệm AFB (+)) mà có test Mantour dương tính và chưa tiêm phòng vacxin BCG, ở bất kỳ lứa tuổi nào.
  • Những người có xét nghiệm test Mantour dương tính đang được điều trị đặc biệt như dùng corticosteroid trong thời gian dài, dùng các thuốc ức chế miễn dịch, sử dụng các thuốc độc hại với tế bào hoặc điều trị bằng chiếu tia xạ.
  • Những người có nhiễm HIV có test Mantour dương tính hoặc đã có tiếp xúc với người bệnh có vi khuẩn lao trong đờm, ngay cả khi có test Mantour âm tính.

Dùng thuốc Isoniazid để điều trị lao:

  • Thuốc Isoniazid có chỉ định phối hợp với các thuốc chống lao khác như Rifampicin, Streptomycin, Ethambutol theo phác đồ điều trị chuẩn.
  • Dùng thuốc Isoniazid khi nhiễm một số các mycobacteria không điển hình nhạy cảm, sử dụng phối hợp với một số kháng sinh khác để điều trị.

2. Cách sử dụng và liều dùng thuốc Isoniazid

Liều dùng đối với người lớn

Liều sử dụng để phòng bệnh:

  • Dùng thuốc Isoniazid theo đường uống: Người bệnh uống 5mg/kg/24 giờ. Liều thường dùng là 300mg/ 24 giờ. Người bệnh nên sử dụng hàng ngày trong 6 - 12 tháng.
  • Dùng thuốc Isoniazid theo đường tiêm: Tiêm bắp 300mg mỗi ngày/ lần.

Liều sử dụng thuốc Isoniazid phối hợp với các thuốc chống lao khác theo chương trình chống lao quốc gia:

  • Liều dùng theo đường uống: Người bệnh uống 10mg/kg thể trọng, liều tối đa 300mg, uống mỗi ngày một lần hoặc mỗi tuần uống 2 hoặc lần theo quy định của phác đồ điều trị lao.
  • Liều dùng theo đường tiêm: Tiêm bắp 5mg/kg thể trọng, mỗi ngày tiêm một lần, trong suốt thời gian điều trị hoặc mỗi tuần tiêm 2 hoặc 3 lần theo quy định của phác đồ điều trị lao quốc gia.

Liều dùng đối với trẻ em

Liều dùng thuốc để phòng bệnh:

  • Dùng thuốc theo đường uống: Người bệnh uống 5mg/kg/24 giờ, sử dụng liều tối đa là 300mg/24 giờ. Mỗi ngày uống một lần trong 6 - 12 tháng.
  • Dùng thuốc theo đường tiêm: Tiêm bắp với liều 10mg/kg thể trọng, liều tối đa 300mg, mỗi ngày tiêm một lần.

Liều sử dụng cho người bệnh để điều trị theo chương trình chống lao quốc gia:

  • Liều dùng thuốc theo đường uống: Người bệnh uống 10mg/kg, uống 3 lần/ tuần hoặc 15mg/kg, uống 2 lần/ tuần.
  • Liều dùng thuốc theo đường tiêm: Tiến hành tiêm bắp với liều 5mg/kg thể trọng, liều tối đa 200mg mỗi ngày tiêm một lần.

3. Chống chỉ định sử dụng thuốc Isoniazid khi nào?

Thuốc Isoniazid có chống chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Những người có phản ứng mẫn cảm với bất cứ thành phần nào có trong công thức thuốc Isoniazid.
  • Người bị suy gan nặng, suy thận nặng không nên sử dụng.
  • Người mắc bệnh viêm đa dây thần kinh và người động kinh.

4. Tác dụng phụ của thuốc Isoniazid

Những tác dụng phụ thường gặp:

  • Sử dụng thuốc Isoniazid gây chán ăn, mệt mỏi.
  • Ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa: Gây buồn nôn, nôn, khô miệng, ỉa chảy, đau vùng thượng vị.
  • Ảnh hưởng đến gan: Thuốc gây vàng da, vàng mắt, tăng men gan.
  • Người bệnh có biểu hiện tê bì tay hoặc chân do viêm dây thần kinh ngoại vi.

Những tác dụng phụ ít gặp:

  • Người bệnh có thể có sốt, nổi ban, ban xuất huyết, rụng tóc,...
  • Ảnh hưởng đến huyết học: Sử dụng thuốc làm giảm tiểu cầu, mất bạch cầu hạt, thiếu máu, tăng bạch cầu ưa acid,...
  • Ảnh hưởng đến xương khớp: Thuốc gây đau lưng, đau khớp,...
  • Thuốc có thể gây co giật, làm thay đổi tính tình hoặc tâm thần.
  • Thuốc Isoniazid gây mẫn cảm như ban da, bí đái, tăng cân, táo bón, rối loạn chảy máu và đông máu, tăng đường huyết,...

5. Những lưu ý khi sử dụng thuốc Isoniazid

  • Cần thận trọng khi sử dụng thuốc Isoniazid cho người bị porphyrin niệu.
  • Sử dụng thuốc Isoniazid đồng thời với pyridoxin cho những người bị suy dinh dưỡng, người dễ mắc bệnh thần kinh như người nghiện rượu, người mắc bệnh đái tháo đường,...
  • Ở những người mắc bệnh suy giảm chức năng thận, có độ thanh thải creatinin dưới 25ml/phút phải giảm liều isoniazid, đặc biệt ở những người bệnh có chuyển hóa isoniazid chậm.
  • Dùng thuốc Isoniazid phối hợp với Rifampicin hoặc uống rượu có nguy cơ làm tăng độc tính với gan.
  • Thuốc Isoniazid có thể đi qua được nhau thai. Do đó cần theo dõi trẻ sơ sinh có mẹ đang sử dụng thuốc Isoniazid để phát hiện sớm những tác dụng phụ của thuốc đối với trẻ.
  • Thuốc Isoniazid có thể bài tiết vào sữa mẹ. Chính vì vậy, cần theo dõi trẻ sơ sinh có mẹ sử dụng thuốc Isoniazid để phát hiện những tác dụng phụ do thuốc gây ra.
  • Sử dụng thuốc Isoniazid với một số loại thuốc khác như Ketoconazol, Niridazol, Corticoid, Theophylin,... có thể làm giảm tác dụng điều trị hoặc gia tăng tác dụng phụ của thuốc.

Tóm lại, Isoniazid là thuốc kê đơn được sử dụng phối hợp với các thuốc chống lao khác để dự phòng và điều trị bệnh lao. Thuốc Isoniazid có thể dùng cho phụ nữ có thai và phụ nữ đang cho con bú. Tuy nhiên, cần theo dõi sức khỏe của trẻ thường xuyên để phát hiện sớm những tác dụng phụ có thể do thuốc gây ra để có biện pháp xử trí phù hợp.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

15K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan