Công dụng thuốc Kbtaxime

Thuốc Kbtaxime có thành phần chính là Cefotaxime natri. Thuốc có công dụng điều trị các bệnh nhiễm khuẩn như: nhiễm trùng máu, viêm khớp, xương, viêm màng não, viêm nhiễm mô mềm, nhiễm khuẩn hô hấp,.... Dưới đây là một số thông tin hữu ích về thuốc Kbtaxime giúp người bệnh tìm hiểu và sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả.

1. Thuốc Kbtaxime có tác dụng gì?

Thuốc Kbtaxime được chỉ định điều trị cho người bệnh bị các bệnh nhiễm khuẩn nghiêm trọng cần điều trị bằng kháng sinh tiêm như trong các trường hợp sau đây:

  • Điều trị bệnh nhiễm trùng máu.
  • Điều trị bệnh nhiễm khuẩn xương - khớp.
  • Điều trị bệnh viêm màng tim do cầu khuẩn Gr(+) & vi khuẩn Gr(-),
  • Điều trị bệnh nhiễm khuẩn da, viêm mô tế bào, chốc lở, nhọt, áp-xe.
  • Điều trị bệnh viêm nhiễm phụ khoa và sản khoa, bệnh lậu.
  • Điều trị bệnh nhiễm khuẩn đường niệu-sinh dục.
  • Điều trị bệnh viêm hô hấp dưới như: Viêm phổi, viêm phế quản, viêm tai giữa, viêm xoang.
  • Điều trị bệnh nhiễm khuẩn ổ bụng: Viêm ruột, lỵ trực khuẩn.
  • Điều trị bệnh viêm màng não.
  • Dự phòng nhiễm khuẩn trước và sau phẫu thuật ở những người bệnh cần giải phẫu có khả năng bị nhiễm khuẩn.

Thuốc Kbtaxime không được sử dụng cho người bệnh quá mẫn hoặc có tiền sử dị ứng với Cephalosporin, dị ứng với Penicillin và các thành phần tá dược khác có trong thuốc Kbtaxime

Không nên sử dụng thuốc Kbtaxime cho người bệnh bị bệnh suy thận.

Không sử dụng thuốc Kbtaxime cho phụ nữ có thai và đang cho con bú.

2. Liều lượng - Cách dùng thuốc Kbtaxime

2.1. Cách sử dụng thuốc

Thuốc Kbtaxime được bào chế dưới dạng bột pha tiêm và được dung nạp vào trong cơ thể theo đường tiêm bắp hoặc truyền tĩnh mạch.

Người bệnh nên kiểm tra ống thuốc bằng mắt thường trước khi dùng để xem có cặn và hư hỏng không.

2.2. Liều lượng

Liều dùng thuốc Kbtaxime phụ thuộc vào từng đối tượng và diễn tiến của bệnh lý sẽ có liều sử dụng thuốc cho phù hợp. Dưới đây là liều dùng thuốc Kbtaxime tham khảo như sau:

Đối với người lớn:

  • Điều trị nhiễm khuẩn không biến chứng liều dùng thuốc là 1g Cefotaxime/12 giờ, có thể tiêm IM hay IV.
  • Điều trị nhiễm khuẩn nặng, viêm màng não liều dùng thuốc là 2g Cefotaxime/6 - 8 giờ, có thể tiêm IM hay IV.
  • Điều trị bệnh lậu không biến chứng liều dùng duy nhất là 1g Cefotaxime, sử dụng kỹ thuật tiêm IM.
  • Dự phòng nhiễm khuẩn phẫu thuật với liều dùng thuốc là 1g Cefotaxime, tiêm 30 phút trước mổ.

Đối với trẻ em:

  • Trẻ từ 2 tháng đến < 12 tuổi liều dùng là 50mg - 150mg/kg/ngày, chia làm 3 - 4 lần trong ngày. Có thể tiêm IM hay IV.
  • Trẻ sơ sinh > 7 ngày tuổi liều dùng thuốc là 75mg - 150mg/kg/ngày, chia làm 3 lần tiêm trong ngày, sửu dụng kỹ thuật tiêm IV.
  • Trẻ sinh non & sơ sinh < 7 ngày liều dùng thuốc là 50mg/kg/ngày, chia làm 2 lần tiêm trong ngày, sử dụng kỹ thuật tiêm IV.

Đối với người bị suy thận ClCr < 10mL: Cần phải điều chỉnh liều dùng xuống còn nửa liều.

Người bệnh cần áp dụng chính xác liều dùng thuốc Kbtaxime đã được ghi trên bao bì sản phẩm hoặc chỉ dẫn từ bác sĩ, dược sĩ. Không nên tự ý tính toán, áp dụng hoặc thay đổi liều dùng tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

3. Tương tác thuốc Kbtaxime

Dưới đây là một số tương tác thuốc Kbtaxime đã được báo cáo như:

  • Người bệnh không nên dùng thuốc Kbtaxime cùng một lúc với thuốc Fosfomycin.
  • Thành phần Cefotaxime trong thuốc khi dùng với Colistin sẽ gây ra tăng nguy cơ bị tổn thương thận.
  • Thành phần Cefotaxime trong thuốc khi dùng với Azlocillin, ở người bệnh bị suy thận có thể bị bệnh về não và bị cơn động kinh cục bộ.
  • Nếu Cefotaxime dùng cùng với các Ureido - penicillin sẽ làm giảm độ thanh thải của Cefotaxime ở người bệnh có chức năng thận bình thường cũng như ở người bệnh bị suy chức năng thận. Phải giảm liều Cefotaxim nếu dùng phối hợp các Ureido - penicillin.
  • Cefotaxim dùng đồng thời với Penicilin có thể bị bệnh về não và bị cơn động kinh cục bộ.
  • Kháng sinh Aminoglycosid và thuốc lợi tiểu: Thật thận trọng khi sử dụng thuốc điều trị cho bệnh nhân đang dùng kháng sinh Aminoglycosid và thuốc lợi tiểu mạnh như là Furosemid vì phối hợp này bị nghi ngờ là có tác động hại cho chức năng thận. Tuy nhiên, ở liều dùng cefotaxim khuyến cáo thì thường không gây vấn đề độc tính thận.
  • Thuốc thải Acid uric: Probenecid tác động vào sự vận chuyển Cefotaxim ở ống thận, làm chậm sự bài tiết và tăng nồng độ huyết thanh.
  • Ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm khi dùng Cefotaxim:
    • Cho kết quả xét nghiệm Coombs dương tính giả nếu điều trị bằng kháng sinh Cephalosporin. Hiện tượng này có thể xảy ra trong khi điều trị băng Cefotaxim và có thể ảnh hưởng đến so sánh chéo nhóm máu.
    • Phản ứng dương tính giả với Glucose trong nước tiểu có thể xảy ra khi dùng phương pháp khử đồng (Benedict, Fehling hoặc Clinitest), nhưng không xảy ra khi dùng phương pháp Glucose oxidase đặc hiệu.

4. Thuốc Kbtaxime gây ra những tác dụng phụ nào?

Các tác dụng phụ của thuốc Kbtaxime thường không xảy ra thường xuyên và thường nhẹ và thoáng qua. Trong quá trình sử dụng thuốc Kbtaxime, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ không mong muốn như:

  • Bị quá mẫn: Đã có báo cáo về các phản ứng mẫn cảm. Các phản ứng này bao gồm: nổi mẩn đỏ da, ngứa và ít nổi mề đay, rất hiếm bị sốc phản vệ. Thỉnh thoảng có trường hợp người bệnh bị hội chứng Stevens-Johnson, hoại tử biểu mô có độc, ban đỏ đa hình.
  • Ðau tại chỗ tiêm, chai cứng, dễ nhạy cảm và viêm tại chỗ tiêm.
  • Bị sốt, tăng bạch cầu ái toan.
  • Bị buồn nôn, nôn, đau bụng hay tiêu chảy, viêm đại tràng giả mạc.
  • Bị đau đầu, nhức đầu, hoa mắt, ảo giác. Nếu người bệnh dùng liều cao kháng sinh Cephalosporin, đặc biệt ở các người bệnh suy thận có thể gây bệnh não như: Bệnh mất nhận thức, chuyển động bất thường và co giật.
  • Loạn nhịp tim. Thông thường gặp rất ít trường hợp người bệnh bị loạn nhịp tim khi tiêm truyền nhanh qua ống thông tĩnh mạch trung tâm.
  • Bị nhiễm Candida, viêm âm đạo.
  • Tăng nhẹ Transaminase gan, Phosphatase kiềm và Bilirubin, viêm gan thoáng qua và vàng da ứ mật.
  • Đôi khi có báo cáo về tình trạng viêm thận kẽ, tăng nhẹ ure.
  • Thay đổi huyết học. Cũng như các kháng sinh Beta-lactam khác, khi điều trị với Cefotaxim rất hiếm khi mất bạch cầu hạt hoặc thiếu bạch cầu hạt, đặc biệt khi điều trị trong thời gian dài. Đã có 1 vài trường hợp bị giảm bạch cầu trung tính và mất bạch cầu ưa Eosin nhưng hồi phục khi ngưng điều trị. Vài trường hợp thiếu bạch cầu ưa Eosin và thiếu tiểu cầu phục hồi nhanh khi ngưng điều trị. Nên kiểm soát công thức máu ở các trường hợp điều trị kéo dài trên 10 ngày.

Cần thông báo cho bác sĩ những tác dụng không mong muốn mà người bệnh gặp phải khi sử dụng thuốc và cần đến địa chỉ khám chữa bệnh gần nhất để được xử lý kịp thời, tránh gây hậu quả nghiêm trọng về sau.

5. Cần làm gì khi sử dụng quá liều thuốc Kbtaxime Injection?

Nếu trong khi điều trị hoặc sau điều trị mà người bệnh sử dụng quá liều thuốc sẽ có các triệu chứng như sau:

Nếu bị viêm đại tràng có màng giả là một rối loạn tiêu hóa nặng, cần phải ngừng điều trị bằng Cefotaxime ngay và thay thế bằng kháng sinh có tác dụng lâm sàng điều trị viêm đại tràng do C.difficile.

Nếu có triệu chứng ngộ độc, ngừng thuốc ngay và đưa người bệnh đến bệnh viện điều trị, có các biện pháp xử trí kịp thời tránh gây nguy hiểm.

6. Chú ý đề phòng khi sử dụng thuốc Kbtaxime

  • Nếu trong trường hợp, người bệnh quyết định điều trị bằng thuốc Cefotaxim, phải được kiểm tra kỹ về tiền sử dị ứng của người bệnh với Penicillin, Cephalosporin hoặc thuốc khác. Có dị ứng chéo giữa Penicilin với Cephalosporin trong 5 – 10% trường hợp.
  • Các chế phẩm thương mại Cefotaxim có chứa Lidocain thì chỉ được sử dụng kỹ thuật được tiêm bắp, không bao giờ được tiêm tĩnh mạch.
  • Cần thận trọng khi sử dụng thuốc Kbtaxime cho người bệnh bị suy thận. Nếu đồng thời dùng thuốc Kbtaxime với thuốc có khả năng gây độc đối với thận (ví dụ như các Aminoglycosid) thì phải theo dõi kiềm ưa chức năng thận. Thuốc Kbtaxime có thể gây dương tính giả với test Coombs, với các xét nghiệm về đường niệu, với các chất khử mà không dùng phương pháp Enzym.
  • Phải được kiểm soát chặt chẽ công thức máu nếu điều trị kéo dài > 7 ngày. Trường hợp thiếu bạch cầu trung tính (<1400 /mm3), cần ngưng điều trị bằng thuốc Cefotaxim. Bởi vì khi dùng Cefotaxim có thể phát triển các bất thường huyết học.
  • Không nên sử dụng thuốc Cefotaxim, đặc biệt nếu dùng kéo dài, có thể gây bội nhiễm các vi khuẩn không nhạy cảm, như là các chủng Pseudomonas aeruginosa, Enterococcus, Candida, cần thiết đánh giá lập lại tình trạng của người bệnh. Trường hợp xảy ra bội nhiễm với Cefotaxim, nên cân nhắc sử dụng điều trị kháng khuẩn đặc hiệu.
  • Đối với người bệnh cần giới hạn Natri cần lưu ý hàm lượng Natri của Cefotaxim (2,09mmol/g).
  • Cefotaxim có thể gây ra viêm ruột màng giả. Tác dụng phụ này có thể xảy ra thường hơn ở các người bệnh dùng liều Cefotaxim cao và kéo dài, có khả năng bị nghiêm trọng. Người bệnh nên được kiểm tra sự hiện diện của độc tố C. difficile, và ngưng điều trị bằng Cefotaxim nếu nghi ngờ bị viêm ruột. Chẩn đoán có thể khẳng định bằng phát hiện độc tố và có thể cần cân nhắc trị liệu kháng sinh đặc hiệu như: Vancomycin uống hoặc Metronidazol. Nên tránh dùng chung Cefotaxim với các sản phẩm cầm tiêu chảy.
  • Cần thận trọng khi sử dụng thuốc Kbtaxime với người lái xe và vận hành máy móc. Do thành phần Cefotaxim có thể gây chóng mặt, ảnh hưởng đến khả năng lái xe và vận hành máy móc.
  • Thời kỳ mang thai: Tính an toàn của Cefotaxim cho phụ nữ có thai chưa được thiết lập. Mặc dù các nghiên cứu trên động vật cho thấy thành phần Cefotaxim được biết là qua được nhau thai và không có tác dụng có hại nào đối với sự phát triển của bào thai. Do đó, không nên dùng thuốc Kbtaxime trong thai kỳ đặc biệt là trong 3 tháng đầu nếu không cân nhắc lợi ích mong đợi và nguy cơ tiềm ẩn.
  • Thời kỳ cho con bú: Nên thận trọng khi dùng Cefotaxim cho phụ nữ cho con bú. Do thành phần Cefotaxim được tiết vào sữa mẹ với lượng nhỏ và thường thích hợp với việc cho con bú, nhưng khuyến cáo theo dõi trẻ bú mẹ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

45 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan