Công dụng thuốc Lazilac

Lazilac có thành phần chính là Lactulose, được chỉ định trong điều táo bón và bệnh não do gan. Vậy công dụng, liều dùng và những lưu ý khi sử dụng thuốc Lazilac là gì, cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1. Thuốc Lazilac là thuốc gì?

Thuốc Lazilac có hoạt chất chính là Lactulose, được bào chế dưới dạng dung dịch uống trong gói 15ml. Ở đại tràng, Lactulose sẽ bị hủy bởi các vi khuẩn trong đại tràng thành các acid hữu cơ phân tử thấp. Các acid này làm giảm pH trong lòng đại tràng và có tác dụng thẩm thấu giúp tăng thể tích các chất chứa trong đại tràng. Nhờ đó giúp kích thích nhu động của đại tràng và giảm táo bón. Ngoài ra do sự hấp thụ amoniac ở ruột tăng theo pH, việc pH ở giảm dưới tác dụng của Lactulose sẽ làm giảm hấp thụ amoniac. pH ở kết tràng giảm cũng gây kéo theo sự khuếch tán của amoniac từ máu vào ruột. Trong môi trường acid, amoniac ở kết tràng (NH3), là dạng có thể khuếch tán được sẽ chuyển thành muối amoni (NH4) là dạng không khuếch tán được, điều này sẽ cản trở amoniac phân tán vào máu. Bên cạnh đó, tác dụng kích thích nhu động ruột còn cho phép đào thải amoniac ra khỏi cơ thể nhanh hơn.

2. Thuốc Lazilac có tác dụng gì?

Thuốc Lazilac có tác dụng nhuận trường thẩm thấu, hạ amoniac huyết và được chỉ định trong điều trị các bệnh lý bao gồm:

  • Táo bón: Thuốc Lazilac giúp điều hòa nhu động sinh lý của đại tràng.
  • Được dùng trong các trường hợp mà việc tạo phân mềm được xem là có lợi như bệnh trĩ, hậu phẫu kết tràng/ hậu môn
  • Bệnh não do gan: Điều trị và phòng ngừa hôn mê gan hay tiền hôn mê.

3. Liều lượng và cách dùng của thuốc Lazilac

3.1. Liều dùng

Liều dùng sẽ thay đổi tùy theo chỉ định, độ nặng của bệnh và sức khỏe tổng thể của bệnh nhân. Bệnh nhân tốt nhất nên tham khảo chuyên viên y tế để biết liều dùng phù hợp. Dưới đây là liều thuốc Lazilac tham khảo trong một số trường hợp:

  • Điều trị táo bón
    • Trong 3 ngày đầu, liều dùng như sau:
      • Người lớn và trẻ em trên 14 tuổi: Khuyến cáo uống 14ml đến 45ml mỗi ngày, có thể chia làm 1 - 2 lần uống.
      • Trẻ em từ 6 tuổi đến 14 tuổi: Khuyến cáo uống uống 15ml mỗi ngày, chia 1 - 2 lần.
      • Trẻ 2m từ 2 tuổi đến 6 tuổi: Khuyến cáo uống uống 5 - 10ml mỗi ngày, chia 1 - 2 lần.
      • Trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 2 tuổi: Khuyến cáo uống uống 5ml/ ngày, có thể chia thành 1 - 2 lần uống.
    • Trong những ngày tiếp theo: Giảm liều theo tiến triển bệnh và độ tuổi bệnh nhân.
  • Phòng và điều trị bệnh não do nguyên nhân từ hệ tĩnh mạch cửa (gồm cả bệnh não do gan)
    • Người lớn:
      • Khởi đầu: Khuyến cáo uống uống 15ml/ lần, ngày uống 3 - 4 lần, sau đó tăng dần liều tới 30 - 45ml/ lần, ngày uống 3 - 4 lần. Liều điều chỉnh phù hợp với từng người bệnh để đi đại tiện được 2 - 3 lần phân mềm mỗi ngày.
    • Trẻ em:
      • Trẻ nhỏ: Khuyến cáo uống 3 - 9ml mỗi ngày, chia ra nhiều lần uống. Nếu trẻ bị tiêu chảy thì phải giảm liều ngay, nếu giảm liều nhưng không hết tiêu chảy thì cần ngừng uống thuốc.
  • Điều trị tiền hôn mê hoặc hôn mê do gan
    • Dùng đường trực tràng: Khuyến cáo uống pha loãng 300ml thuốc với 700ml nước (hoặc Natri clorid 0.9%), thụt vào trực tràng và giữ thuốc ở trực tràng trong 30 - 60 phút, cách 4 - 6 giờ thụt 1 lần.
  • Đối tượng khác:
    • Người già, bệnh nhân suy gan, thận: Chưa xác định được liều thuốc Lazilac ở các đối tượng này.

3.2. Cách dùng

Bệnh nhân có thể uống thuốc Lazilac trực tiếp hoặc pha với nước hoa quả, nước hoặc sữa.

4. Chống chỉ định của thuốc Lazilac là gì?

Thuốc Lazilac chống chỉ định trong các trường hợp sau đây:

  • Bệnh nhân có tiền sử dị ứng với hoạt chất Lactulose hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.
  • Bệnh nhân mắc các bệnh lý đại tràng như viêm loét đại tràng, bệnh Crohn, đau bụng không rõ nguyên nhân.
  • Người đang trong chế độ ăn kiêng Galactose do trong thành phần của thuốc có chứa đường tương tự Galactose.

5. Tác dụng phụ của thuốc Lazilac là gì?

Bệnh nhân sử dụng thuốc Lazilac có thể gặp phải các tác dụng phụ bao gồm:

  • Nội tiết và chuyển hóa: Mất nước, tăng natri máu, hạ kali máu.
  • Tiêu hóa: Đau quặn bụng, chướng bụng, tiêu chảy (nếu dùng quá liều), khó tiêu, đầy hơi, buồn nôn, nôn.
  • Hiếm khi bệnh nhân bị ngứa, đau hậu môn hoặc sụt cân vừa phải.

Các rối loạn trên có thể xảy ra vào thời gian đầu điều trị và sẽ ngưng khi điều chỉnh liều thích hợp. Nếu gặp phải các tác dụng phụ bất thường, bệnh nhân cần liên hệ bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn.

6. Những lưu ý khi sử dụng thuốc Lazilac là gì?

  • Không nên điều trị táo bón bằng thuốc Lazilac dài hạn. Dùng thuốc Lazilac trong chứng táo bón chỉ là một biện pháp hỗ trợ cho việc điều trị bằng chế độ vệ sinh và ăn uống. Bệnh nhân nên ăn thức ăn giàu chất xơ và uống nhiều nước, tăng vận động và luyện tập thói quen đi cầu.
  • Ở trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ, chỉ nên dùng thuốc nhuận trường khi thật sự cần thiết, do có nguy cơ làm mất phản xạ đi cầu bình thường ở trẻ.
  • Không dùng Lazilac trong những trường hợp như bệnh galactose máu, tắc nghẽn ruột hoặc quá nhạy cảm đối với một trong các thành phần của thuốc.
  • Nếu thấy táo bón không cải thiện sau vài ngày điều trị bằng Lazilac hoặc táo bón tái phát sau khi điều trị thì phải đi khám để được tìm ra nguyên nhân và điều trị phù hợp.
  • Nếu dùng Lazilac cho bệnh nhân không dung nạp lactose, cần cân nhắc lượng lactose chứa trong thuốc.
  • Đái tháo đường: Liều sử dụng bình thường trong táo bón không thành vấn đề đối với người bệnh đái tháo đường. Liều điều trị ở người (tiền) hôn mê gan thường cao hơn và cần nên cân nhắc khi dùng.
  • Mất cân bằng điện giải: Theo dõi định kỳ tình trạng mất cân bằng điện giải khi sử dụng Lactulose trên 6 tháng hoặc ở những bệnh nhân có khuynh hướng bất thường về điện giải (ví dụ, bệnh nhân lớn tuổi, suy nhược). Bệnh gan có thể khiến bệnh nhân mất cân bằng điện giải. Trẻ sơ sinh sử dụng Lactulose có thể bị hạ natri máu và mất nước.
  • Phụ nữ mang thai: Lactulose được hấp thu kém sau khi uống. Điều trị táo bón ở phụ nữ có thai giống như đối với bệnh nhân chưa mang thai và có thể dùng thuốc khi biện pháp điều chỉnh chế độ ăn uống và lối sống không hiệu quả. Có thể dùng Lactulose ở phụ nữ có thai khi cần dùng thuốc nhuận tràng thẩm thấu.
  • Phụ nữ cho con bú: Hiện không biết liệu Lactulose có trong sữa mẹ hay không; tuy nhiên, Lactulose được hấp thu kém sau khi uống. Nhà sản xuất khuyến cáo cần thận trọng khi dùng Lactulose cho phụ nữ đang cho con bú.
  • Tương tác thuốc: Do thuốc Lazilac có tác dụng làm giảm pH trong đại tràng, những loại thuốc phụ thuộc vào pH ở đại tràng để được phóng thích (như 5-ASA) có thể bị mất hoạt tính.

Bài viết đã cung cấp các thông tin về thuốc Lazilac. Các thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Nếu có bất kỳ thắc mắc hoặc cần thêm thông tin về thuốc, bệnh nhân nên liên hệ bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan