Công dụng thuốc Manophen

Thuốc Manophen chứa hoạt chất Tramadol và Acetaminophen được chỉ định trong điều trị các cơn đau ngắn cấp tính và mạn tính mức độ trung bình đến nặng. Cùng tìm hiểu về công dụng và các lưu ý khi sử dụng thuốc Manophen qua bài viết dưới đây.

1. Công dụng của thuốc Manophen

Thuốc Manophen có tác dụng gì?”. Thuốc Manophen chứa hoạt chất Tramadol 37,5mg và Acetaminophen 325mg bào chế dưới dạng viên nén bao phim.

  • Hoạt chất Tramadol thuộc nhóm thuốc giảm trung ương, tác dụng theo cơ chế liên kết với thụ thể Mu – opioid recepter, ức chế tái hấp thu Norepinephrine và Serotonin.
  • Hoạt chất Acetaminophen thuộc nhóm thuốc hạ sốt – giảm đau, tác dụng theo cơ chế ức chế tổng hợp prostaglandin.

Thuốc Manophen được chỉ định trong điều trị các cơn đau ngắn mức độ tính và mạn tính mức độ trung bình đến nặng.

2. Liều dùng của thuốc Manophen

Thuốc Manophen được dùng bằng đường uống với liều dùng khuyến cáo như sau:

  • Cơn đau ngắn với mức độ cấp tính, liều dùng khuyến cáo là 2 viên/lần cách mỗi 4 – 6 giờ và không quá 8 viên/ngày;
  • Người bệnh có độ thanh thải creatinin nhỏ hơn 30ml/phút không dùng liều thuốc quá 2 viên mỗi 12 giờ;
  • Người bệnh cao tuổi cần được giảm liều Manophen.

3. Tác dụng phụ của thuốc Manophen

Thuốc Manophen có thể gây ra một số tác dụng phụ như sau:

  • Thường gặp: Táo bón, tiêu chảy, nôn, khô miệng, ngủ gà, mất ngủ, chán ăn, chóng mặt, tăng tiết mồ hôi, ngứa;
  • Ít gặp: Khó tiểu, đau đầu dữ dội, đau ngực, ù tai, nhìn mờ, hành vi bất thường, khó nuốt, thay đổi tâm tính, phân đen;
  • Sử dụng quá 4g Acetaminophen trong ngày sẽ dẫn đến tác dụng phụ gây độc cho gan, thậm chí tử vong. Các triệu chứng liên quan đến tổn hại chức năng gan như vàng mắt, nôn dữ dội, vàng da, nước tiểu sẫm, đau dạ dày, kiệt sức;
  • Các phản ứng dị ứng thuốc hiếm khi xảy ra với triệu chứng như chóng mặt dữ dội, phát ban, sưng tấy, ngứa, khó thở...;
  • Các phản ứng phụ nghiêm trọng hiếm xảy ra bao gồm hội chứng hoại tử da nhiễm độc, hội chứng Stevens – Johnson, hội chứng Lyell, hội chứng ban mụn mủ toàn thân.

Người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc và thông báo cho bác sĩ điều trị trong trường hợp gặp phải tác dụng phụ khi dùng thuốc Manophen.

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Manophen

4.1. Chống chỉ định

Chống chỉ định sử dụng thuốc Manophen trong những trường hợp sau đây:

  • Người bệnh quá mẫn với Tramadol, Acetaminophen, các thuốc thuộc nhóm Opioid hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc Manophen;
  • Người bệnh suy gan nặng, ngộ độc rượu cấp, ngộ độc thuốc ngủ, opioid, thuốc giảm đau trung ương hoặc thuốc hướng tâm thần. Vì thành phần Acetaminophen có thể làm ức chế hệ thần kinh trung ương và gây suy hô hấp ở những người bệnh này;
  • Người bệnh đang điều trị bằng thuốc ức chế monoamin oxidase hoặc trong vòng 2 tuần sau khi ngừng điều trị bằng thuốc trên;
  • Người đang điều trị cai nghiện ma túy;
  • Người bệnh suy hô hấp hoặc có dấu hiệu tím tái, tiết phế quản quá mức;
  • Người bệnh tăng áp lực nội sọ trầm trọng, suy giảm hệ thống thần kinh trung ương do chấn thương ở đầu;
  • Phụ nữ có thai;
  • Phụ nữ đang cho con bú;
  • Người thiếu hụt enzym glucose – 6 – phosphat dehydrogenase (G6PD);
  • Người bệnh bị đau bụng cấp tính không rõ nguyên nhân;
  • Trẻ em nhỏ hơn 15 tuổi, người bệnh động kinh không kiểm soát được;
  • Người bị nghiện Opioid.

4.2. Thận trọng khi sử dụng

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Manophen như sau:

  • Không sử dụng đồng thời Manophen với các thuốc chứa thành phần Acetaminophen, Tramadol, thuốc giảm đau trung ương hoặc giảm đau nhóm Opioid;
  • Triệu chứng cai thuốc có thể xuất hiện nếu người bệnh dừng thuốc một cách đột ngột bao gồm đổ mồ hôi, lo âu, mất ngủ, rét run, rùng mình, tiêu chảy, các triệu chứng của đường hô hấp trên, ảo giác, mất kiểm soát... Một số triệu chứng có thể xuất hiện với tần suất thấp hơn như trầm uất nặng, tình trạng hoảng loạn, chứng dị cảm...;
  • Đối với người bệnh suy thận: Các nghiên cứu lâm sàng cho thấy tốc độ thải trừ của Tramadol và các chất có hoạt tính bị giảm đi ở người bệnh suy thận;
  • Người bệnh cần thông báo cho bác sĩ điều trị tiền sử dùng thuốc, đặc biệt là các bệnh lý về gan và thận, nghiện rượu, bất thường về hành vi, bất thường về đường thở;
  • Thận trọng khi sử dụng Manophen ở người cao tuổi do nguy cơ gặp tác dụng phụ tăng lên;
  • Thuốc Manophen có thể gây chóng mặt, giảm tỉnh táo nên thận trọng khi dùng thuốc ở người bệnh hoạt động cần độ tỉnh táo cao như lái xe, vận hành máy móc;
  • Đối với phụ nữ có thai: Thuốc Manophen có thể gây độc tính cho thai nhi như làm giảm cân nặng... Vì vậy, chống chỉ định sử dụng thuốc ở đối tượng này;
  • Phụ nữ đang cho con bú: Hoạt chất Tramadol bài tiết được vào sữa mẹ và gây hại cho trẻ bú mẹ. Vì vậy khuyến cáo không sử dụng thuốc Manophen trong thời gian cho con bú hoặc ngưng cho con bú trong thời gian dùng thuốc.

5. Tương tác thuốc

Thuốc Manophen có thể tương tác với các thuốc sau:

Tương tác của hoạt chất Tramadol:

  • Carbamazepin: Sử dụng đồng thời với Tramadol làm giảm tác dụng giảm đau của Tramadol;
  • Quinidin: Làm tăng nồng độ của Tramadol và giảm nồng độ chất chuyển hóa của Tramadol trong huyết tương;
  • Các chất ức chế CYP2D6: Sử dụng đồng thời Tramadol với các chất ức chế CYP2D6 như Paroxetin, Fluoxetin, Amitriptylin làm ức chế chuyển hóa Tramadol;
  • Chất ức chế men MAO: Sử dụng kết hợp thuốc ức chế men MAO và Tramadol làm tăng tác dụng không mong muốn của thuốc ức chế men MAO;
  • Digoxin: Tramadol làm tăng độc tính của Digoxin khi sử dụng cùng lúc;
  • Thuốc chống đông máu cùng nhóm với Wafarin: Tramadol làm kéo dài thời gian Prothrombin.

Tương tác của Acetaminophen:

  • Coumarin và dẫn chất Indandion: Dùng liều cao Paracetamol trong thời gian dài làm tăng nhẹ tác dụng chống đông của Coumarin và dẫn chất Indandion;
  • Phenothiazine: Cần lưu ý đến khả năng gây hạ sốt nghiêm trọng ở người bệnh sử dụng đồng thời Acetaminophen và Phenothiazine;
  • Rượu: Làm tăng nguy cơ gây độc gan của Acetaminophen;
  • Thuốc chống co giật như Barbiturat, Phenytoin, Carbamazepin gây cảm ứng enzyme gan, từ đó có thể làm tăng khả năng gây độc cho gan của Acetaminophen;
  • Isoniazid: Nguy cơ gây độc cho gan tăng lên khi sử dụng đồng thời Acetaminophen và Isoniazid. Thông thường không cần hiệu chỉnh liều ở người bệnh đang điều trị đồng thời thuốc chống co giật và Acetaminophen. Tuy vậy, người bệnh cần hạn chế dùng Acetaminophen trong thời gian điều trị bằng thuốc chống co giật.

Tương tác thuốc xảy ra làm giảm tác dụng điều trị của Manophen, tăng nguy cơ bị tác dụng không mong muốn. Vì vậy người bệnh cần thông báo với bác sĩ các loại thuốc, thực phẩm bổ sung đang sử dụng trước khi điều trị bằng thuốc Manophen để đảm bảo an toàn, hiệu quả trong điều trị.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

135 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan