Công dụng thuốc Medsidin

Thuốc Medsidin là thuốc chứa hoạt chất Cefdinir trị bệnh viêm da nhiễm khuẩn, viêm phổi mắc phải ở cộng đồng, viêm phế quản mãn tính, viêm mũi, viêm xoang,... Để đảm bảo hiệu quả sử dụng Medsidin, người dùng cần tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ, đồng thời tham khảo thêm nội dung thông tin về những công dụng thuốc Medsidin trong bài viết sau đây.

1. Công dụng thuốc Medsidin là gì?

1.1. Thuốc Medsidin là thuốc gì?

Thuốc Medsidin thuộc nhóm thuốc trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn, kháng virus, kháng nấm; có số đăng ký VD-24166-16 (với hàm lượng 100mg), VD-24762-16 (với hàm lượng 125mg), VD-24167-16 (với hàm lượng 300mg).

Thuốc Medsidin có hoạt chất chính là Cefdinir hàm lượng 100mg, 125mg và 300mg và các loại tá dược vừa đủ.

Thuốc Medsidin có nhiều dạng bào chế như:

  • Dạng gói bột pha hỗn dịch uống 125mg, đóng gói 1,5g, hộp 12 gói – 20 gói – 50 gói hoặc 100 gói.
  • Dạng viên nén 100mg và 300mg, vỉ 10 viên, hộp 1 vỉ - 2 vỉ - 10 vỉ.

Thuốc Medsidin là thuốc kê đơn (ETC) và khuyến cáo sử dụng cho trẻ em từ 6 tháng tuổi (dạng gói bột), đến người trưởng thành.

1.2. Thuốc Medsidin có tác dụng gì?

Thuốc Medsidin là một giải pháp tuyệt vời trong điều trị các bệnh lý do sự nhiễm khuẩn gây nên tình trạng nhiễm khuẩn đường hô hấp cả trên và dưới. Thuốc Medsidin được bác sĩ kê đơn dùng trong điều trị các nhiễm khuẩn mức độ nhẹ và vừa do các vi khuẩn nhạy cảm gây ra cho:

Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi:

  • Nhiễm khuẩn đường hô hấp phía dưới, bao gồm cả viêm phổi mắc phải ở cộng đồng và đợt kịch phát cấp tính của viêm phế quản mạn do S. pneumoniae (chủng nhạy cảm với penicilin), H. Parainfluenzae, H. influenzae hoặc M. catarrhalis (kể cả các chủng sinh vi khuẩn beta- lactamase). Nhiễm khuẩn đường hô hấp phía trên như viêm xoang cấp tính do M. catarrhalis (kể cả các chủng sinh vi khuẩn beta-lactamase), H. influenzae hoặc S. pneumoniae; viêm amidan hay viêm họng do Streptococcus pyogenes.
  • Nhiễm khuẩn da và các tổ chức của da chưa có biến chứng do Streptococcus pyogenes hoặc Staphylococcus aureus.

Trẻ em 6 tháng đến 12 tuổi

  • Viêm tai giữa cấp tính do S. pneumoniae (chủng nhạy cảm với penicilin), H. Parainfluenzae, H. Influenzae hoặc M. catarrhalis (kể cả các chủng sinh vi khuẩn beta-lactamase).
  • Viêm amidan và viêm họng do vi khuẩn Streptococcus pyogenes.
  • Nhiễm khuẩn da và các tổ chức của da chưa có biến chứng do Streptococcus pyogenes hoặc Staphylococcus aureus.
  • Nhiễm khuẩn đường hô hấp phía dưới, bao gồm cả viêm phổi mắc phải ở cộng đồng và đợt kịch phát cấp tính của viêm phế quản mạn do S. pneumoniae (chủng nhạy cảm với penicilin), H. Parainfluenzae, H. influenzae hoặc M. catarrhalis (kể cả các chủng sinh vi khuẩn beta- lactamase).

Chống chỉ định:

  • Bệnh nhân dị ứng với thành phần chính Cefdinir hay bất kỳ thành phần tá dược nào được liệt kê trên đây của thuốc
  • Trẻ em dưới 6 tháng tuổi.

2. Cách sử dụng của Medsidin

2.1. Cách dùng thuốc Medsidin

  • Thuốc Medsidin dùng đường uống, người bệnh nên uống thuốc trong ngay sau các bữa ăn chính hay sau khi dùng các chế phẩm chứa sắt hay các thuốc kháng acid khoảng 2 giờ.
  • Dạng viên: uống nguyên viên thuốc với cốc nước lọc theo nhu cầu, không bẻ đôi, nghiền nát hay trộn với bất cứ hỗn hợp nào khác để uống.
  • Dạng bột pha uống: pha gói thuốc với khoảng 10ml nước lọc, chờ cho thuốc tan hết hoàn toàn hoặc có thể pha thuốc với sữa để cho trẻ dễ uống hơn.
  • Người bệnh cần tuân thủ đúng liều chỉ định của bác sĩ, không tự ý thêm hoặc bớt liều khuyến cáo hoặc được chỉ định mà chưa được sự chấp thuận của bác sĩ điều trị.

2.2. Liều dùng của thuốc Medsidin

  • Người lớn và thanh thiếu niên (12 tuổi trở lên): 600 mg một ngày, có thể uống 1 lần hoặc chia làm 2 lần, dùng liên tục trong 5 đến 10 ngày.
  • Trẻ em từ 6 tháng đến dưới 12 tuổi: 14mg/kg thể trọng/ngày, có thể uống 1 lần hoặc chia làm 2 lần, dùng liên tục trong 5 đến 10 ngày.
  • Bệnh nhân suy thận (với chỉ số CrCl dưới 30 ml/phút):

+ Người lớn: Nên dùng liều 300 mg một ngày.

+ Trẻ em: Nên dùng liều 7 mg/kg cân nặng một ngày.

Xử lý khi quên liều: Người bệnh cần uống ngay liều Medsidin khi nhớ ra. Thông thường các thuốc có thể uống chậm hơn trong khoảng 1 đến 2 giờ so với thời điểm theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, nếu thời gian hiện tại đã quá xa thời điểm cần uống thuốc thì bỏ qua liều bạn đã quên và tuyệt đối không gấp đôi liều có thể gây nguy hiểm cho sức khoẻ.

Xử trí khi quá liều: Các thông tin về tình trạng quá liều do cefdinir hiện nay vẫn chưa được thiết lập trên người. Hầu như chỉ là triệu chứng và dấu hiệu ngộ độc do dùng quá liều kháng sinh nhóm Cephalosporin đã được báo cáo như buồn nôn, nôn mửa, đau tức thượng vị, tiêu chảy và co giật. Hiện tại, vẫn không có thuốc giải độc chuyên biệt, trường hợp quá liều xảy ra nên tiến hành rửa dạ dày để loại phần thuốc chưa được hấp thụ ra khỏi cơ thể. Thẩm phân máu có thể làm giảm nồng độ cefdinir trong máu, đặc biệt đối với trường hợp có tổn thương chức năng thận.

3. Lưu ý khi dùng thuốc Medsidin

Lưu ý khi dùng thuốc Medsidin như sau:

  • Không dùng chung Medsidin với bất kỳ thuốc nào khác có chứa cefdinir.
  • Không dùng thuốc đã quá hạn sử dụng, thuốc đổi màu, vón cục, bao bì bị hở.
  • Dùng kháng sinh cefdinir dài ngày có thể làm phát triển quá mức các vi khuẩn không nhạy cảm.
  • Thận trọng khi dùng thuốc có chứa thành phần cefdinir trên những người có tiền sử viêm đại tràng, suy thận.
  • Trước khi bắt đầu điều trị bằng Medsidin, cần xác định bệnh nhân có tiền sử quá mẫn với kháng sinh cefdinir, các cephalosporin khác, penicillin hoặc các thuốc khác hay không. Cần thận trọng khi sử dụng cefdinir cho những bệnh nhân nhạy cảm với penicillin, do có sự nhạy cảm chéo giữa các thuốc kháng sinh nhóm β-lactam.
  • Chứng tiêu chảy liên quan tới Clostridium difficile đã được báo cáo khi sử dụng với hầu hết các thuốc kháng sinh, bao gồm cả Medsidin, từ mức độ nhẹ đến nặng và có thể đe dọa tính mạng. Bởi vậy, cần chẩn đoán phân biệt nếu những bệnh nhân bị tiêu chảy trong hoặc sau khi sử dụng Medsidin.
  • Thuốc không gây ảnh hưởng đến khả năng lái xe và vận hành máy nên vẫn có thể tiếp tục những công việc này trong khi dùng thuốc.
  • Thời kỳ mang thai: Chưa có số liệu nghiên cứu đầy đủ về mức độ an toàn khi dùng Medsidin trên người mang thai. Nên đối tượng phụ nữ có thai chỉ nên dùng thuốc này khi thật sự cần thiết.
  • Thời kỳ đang cho con bú: Uống với liều đơn 600 mg một ngày không tìm thấy lượng thuốc được bài tiết trong sữa mẹ. Tuy nhiên, vẫn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng Medsidin trong thời gian cho con bú.

4. Tác dụng phụ của thuốc Medsidin

Tác dụng phụ của thuốc Medsidin có thể xảy ra với tần suất như sau:

Thường gặp

  • Tiêu hóa: đau bụng, tiêu chảy.
  • Nhiễm khuẩn, dị ứng: nổi mẩn, nhiễm nấm Candida âm đạo.
  • Thần kinh: nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn.

Ít gặp

  • Rối loạn tiêu hóa: Đầy hơi, nôn, chán ăn, phân bất thường, táo bón.
  • Thần kinh: Khô miệng, chóng mặt, suy nhược, mất ngủ.
  • Rối loạn chuyển hóa: ngứa, nhiễm nấm, khí hư ở phụ nữ, thiếu vitamin K, vitamin B, hạ men gan, tăng BUN.

Hướng dẫn cách xử trí ADR: Khi gặp bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào của thuốc như tiêu chảy hay nôn kéo dài, nổi mẩn hoặc xuất hiện cơn động kinh. Người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc ngay và thông báo cho bác sĩ điều hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

5. Tương tác thuốc Medsidin

  • Các chế phẩm chứa sắt và thuốc kháng acid làm giảm hấp thu cefdinir. Nên dùng cefdinir cách xa các thuốc và chế phẩm trên ít nhất 2 giờ.
  • Probenecid gây ức chế thải trừ cefdinir qua thận, khiến tăng nồng độ đỉnh của cefdinir trong huyết tương và khiến thời gian bán thải của cefdinir kéo dài hơn.
  • Phối hợp Medsidin với các thuốc có độc tính với thận (như colistin, aminoglycoside, polymyxin B, vancomycin) có thể làm tăng khả năng gây độc với thận. Người bệnh nên tránh sử dụng chung các thuốc được đề cập trên với thuốc có chứa cefdinir.
  • Kết quả dương tính giả ketone trong nước tiểu có thể xảy ra trong thời gian sử dụng thuốc Medsidin khi xét nghiệm bằng nitroprusside.
  • Hoạt chất Cefdinir có thể gây ra kết quả dương tính giả khi xét nghiệm glucose trong nước tiểu bằng dung dịch Benedict, dung dịch Fehling, Clinitest.
  • Các thuốc nhóm cephalosporin có thể gây phản ứng Coombs trực tiếp dương tính giả.

6. Cách bảo quản thuốc Medsidin

  • Thời gian bảo quản Medsidin là 24 tháng từ ngày sản xuất.
  • Thuốc được bảo quản ở nhiệt độ phòng dưới 30 độ C, tại nơi khô ráo và thoáng mát, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời. Vì nhiệt độ cao có thể sẽ làm hư, hỏng hay biến đổi các thành phần trong thuốc.
  • Không để thuốc Medsidin ở nơi có độ ẩm cao như: nhà tắm, tủ lạnh
  • Cất thuốc tránh xa tầm tay với của trẻ.

Thuốc Medsidin là thuốc chứa hoạt chất Cefdinir trị bệnh viêm da nhiễm khuẩn, viêm phổi mắc phải ở cộng đồng, viêm phế quản mãn tính, viêm mũi, viêm xoang,... Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

213 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan