Công dụng thuốc Nalomel

Nalommel thuộc nhóm thuốc đường tiêu hóa, được bào chế dưới dạng viên nang, thành phần chính là Esomeprazol. Thuốc được chỉ định trong điều trị trào ngược dạ dày-thực quản ở người viêm thực quản, có triệu chứng trào ngược nặng.

1. Nalomel là thuốc gì?

Nalomel thuộc nhóm thuốc đường tiêu hóa, được bào chế dưới dạng viên nang cứng chứa vi hạt tan trong ruột. Thành phần chính của thuốc là Esomeprazol (dưới dạng esomeprazol magnesi dihydrat).

Thuốc Nalomel được chỉ định trong điều trị trào ngược dạ dày-thực quản ở người viêm thực quản và/ hoặc có triệu chứng trào ngược nặng để thay thế khi liệu pháp dùng đường uống không thích hợp.

2. Liều lượng, cách dùng thuốc Nalomel

Liều dùng cho người lớn:

  • Điều trị viêm thực quản bào mòn: Dùng thuốc Nalomel 20 hoặc Nalomel 40, 1 lần/ngày, liên tục trong 4-8 tuần;
  • Điều trị duy trì sau khỏi viêm thực quản: Dùng thuốc Nalomel 20 ~ hàm lượng 20mg, 1 lần/ngày, thời gian không quá 6 tháng;
  • Điều trị trào ngược dạ dày-thực quản: Dùng liều Nalomel 20mg, 1 lần/ngày, liên tục trong 4-8 tuần.

Liều dùng cho trẻ em 12-17 tuổi:

  • Điều trị ngắn hạn trào ngược dạ dày-thực quản: Dùng liều Nalomel 20 hoặc 40mg, 1 lần/ngày, liên tục trong 8 tuần.

Liều dùng c trẻ em 1-11 tuổi:

  • Điều trị ngắn hạn trào ngược dạ dày-thực quản: Dùng liều Nalomel 10mg, 1 lần/ngày, liên tục trong 8 tuần;
  • Điều trị viêm thực quản bào mòn: Trẻ < 20kg dùng liều 10mg/lần, 1 lần/ngày, liên tục trong 8 tuần; Trẻ > 20kg dùng liều 10 hoặc 20mg/lần, 1 lần/ngày, liên tục trong 8 tuần.

Liều dùng thuốc Nalomel được sử dụng trong các bệnh lý khác:

  • Dự phòng loét dạ dày liên quan thuốc chống viêm không steroid: Dùng liều 20 hoặc 40 mg/lần, 1 lần/ngày, liên tục trong 6 tháng;
  • Tiêu diệt H. pylori làm giảm nguy cơ tái phát loét tá tràng: Dùng liều Esomeprazole (40mg, ngày 1 lần x 10 ngày); Amoxicillin (1000mg, ngày 2 lần x 10 ngày); Clarithromycin (500mg, ngày 2 lần x 10 ngày);
  • Tăng tiết acid dạ dày, gồm hội chứng Zollinger-Ellison: Dùng liều 40mg/lần, 2 lần/ngày;
  • Điều trị kéo dài sau khi dùng dạng tiêm ngừa tái phát xuất huyết loét dạ dày: Dùng liều 40mg/ngày, 1 lần/ngày, liên tục trong 4 tuần, người bị suy gan nặng không được dùng quá 20mg/ngày.

3. Cách dùng thuốc Nalomel

Nalomel được dùng lúc bụng đói, tối thiểu 1 giờ trước khi ăn. Khi uống cần nuốt nguyên viên thuốc, không được nhai hoặc nghiền nát. Với người bị khó nuốt thì bỏ viên thuốc vào ly nước không chứa carbonate, khuấy cho rã thành các hạt thuốc li ti và uống trong vòng 30 phút. Với người không nuốt được thì hòa tan thuốc như trên rồi cho uống thuốc qua ống thông dạ dày.

4. Chống chỉ định thuốc Nalomel

Nalomel được chống chỉ định với người quá mẫn với Esomeprazole, nhóm Benzimidazoles hoặc bất kỳ thành phần nào khác của thuốc. Lưu ý: Không được uống chung Nalomel với Nelfinavir.

5. Tương tác thuốc

Một số tương tác có thể xảy ra khi dùng Nalomel với các loại thuốc khác gồm:

  • Ketoconazol, muối sắt, Digoxin: Thuốc Nalomel ức chế bài tiết acid nên làm tăng pH dạ dày, ảnh hưởng đến độ sinh khả dụng của các loại thuốc trên.
  • Cilostazol: Làm tăng nồng độ Cilostazol và các chất chuyển hóa có hoạt tính của nó, xem xét giảm liều Cilostazol.
  • Voriconazol: Làm tăng tiếp xúc với Esomeprazol hơn gấp 2 lần, xem xét ở những bệnh nhân dùng liều cao Esomeprazol (240 mg/ngày), ví dụ như ở bệnh nhân điều trị hội chứng Zollinger - Ellison.
  • Các thuốc gây cảm ứng CYP2C19 và CYP3A4 như rifampin: Làm giảm nồng độ Esomeprazole.
  • Thuốc gây hạ magnesi huyết như thuốc lợi tiểu Thiazid hoặc lợi tiểu quai: Làm tăng nguy cơ hạ magnesi huyết.
  • Atazanavir: Làm giảm nồng độ thuốc trong huyết tương, dẫn đến giảm tác dụng kháng virus.
  • Clopidogrel: Làm giảm nồng độ trong huyết tương của chất chuyển hóa có hoạt tính của clopidogrel, làm giảm tác dụng kháng tiểu cầu.
  • Digoxin: Dùng kéo dài Nalomel làm hạ magnesi huyết, từ đó làm cơ tim tăng nhạy cảm với Digoxin, tăng nguy cơ gây độc với tim.
  • Sucralfat: Dùng Nalomel ít nhất 30 phút trước khi dùng sucralfat nhằm hạn chế nguy cơ ức chế hấp thu và giảm sinh khả dụng của Nalomel.
  • Tacrolimus: Làm tăng nồng độ trong huyết thanh của Tacrolimus.
  • Warfarin: Làm tăng INR và thời gian prothrombin có thể gây chảy máu bất thường và tử vong.
  • Clarithromycin: Làm tăng nồng độ Esomeprazol và 14-hydroxyclarithromycin trong máu.
  • Diazepam: Làm giảm chuyển hóa Diazepam và tăng nồng độ Diazepam trong huyết tương.

6. Tác dụng phụ thuốc Nalomel

Một số tác dụng phụ có thể gặp phải khi dùng thuốc Nalomel gồm:

  • Thường gặp: Đau đầu, chóng mặt, ban ngoài da, buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy, táo bón, đầy hơi, khô miệng.
  • Ít gặp: Mệt mỏi, mất ngủ, buồn ngủ, phát ban, ngứa, dị cảm, rối loạn thị giác.
  • Hiếm gặp: Sốt, toát mồ hôi, phù ngoại biên, mẫn cảm với ánh sáng, rụng tóc, mày đay, phù mạch, co thắt phế quản, sốc phản vệ, kích động, trầm cảm, lú lẫn, ảo giác, nhiễm khuẩn hô hấp, giảm toàn thể huyết cầu, tăng bạch cầu, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, tăng enzym gan, viêm gan, vàng da, suy chức năng gan, rối loạn vị giác, viêm miệng, hạ magnesi huyết, hạ natri huyết, rối loạn chuyển hóa porphyrin, đau khớp, đau cơ, loãng xương, gãy xương, viêm thận kẽ, chứng vú to ở nam, ban bọng nước, hội chứng Stevens-Johnson, hoại tử biểu bì nhiễm độc, viêm da.

Lưu ý, do làm giảm độ acid của dạ dày, thuốc Nalomel có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn ở đường tiêu hóa.

Tóm lại, Nalomel được chỉ định trong điều trị trào ngược dạ dày-thực quản ở người viêm thực quản, có triệu chứng trào ngược nặng. Do đây là thuốc kê đơn nên người bệnh không tự ý sử dụng, mà cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

58 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan