Công dụng thuốc Nifedipin T20

Nifedipin T20 là thuốc điều trị tăng huyết áp và dự phòng đau thắt ngực, thuộc nhóm thuốc chẹn kênh canxi hoạt động theo cơ chế làm giãn các mạch máu, giúp giảm áp lực máu lên động mạch, máu lưu thông dễ dàng hơn. Bài viết dưới đây sẽ thông tin chi tiết cho bạn về công dụng thuốc Nifedipin T20.

1. Thuốc Nifedipin T20 là thuốc gì?

Nifedipin là thuốc chẹn kênh canxi thuộc nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp. Thuốc có cơ chế chọn lọc tương đối trên cơ trơn mạch máu, ít có tác dụng với tế bào cơ tim. Tác dụng của nifedipin là ức chế chọn lọc dòng ion canxi đi vào trong tế bào, bằng cách tương tác đặc hiệu với kênh canxi ở màng tế bào. Do đó, với liều điều trị thuốc không ảnh hưởng trực tiếp trên co bóp và dẫn truyền tim.

2. Công dụng thuốc Nifedipin T20

Nifedipin T20 có tác dụng gì? Thuốc Nifedipin T20 thường được dùng trong các trường hợp sau đây:

  • Đau thắt ngực dự phòng, điển hình là đau do co thắt mạch.
  • Điều trị tăng huyết áp.

3. Liều lượng – Cách dùng thuốc Nifedipin T20

Nifedipin T20 được sản xuất dưới dạng viên nén tròn, bao phim đỏ. Mỗi viên nén bao gồm: Nifedipin 20mg và các tá dược. Vì vậy, người bệnh cần dùng thuốc bằng đường uống.

Liều dùng Nifedipin T20:

Chú ý:

  • Khoảng cách dùng là 12 giờ, tối thiểu 4 giờ, liều dùng tối đa 120 mg/ngày.
  • Liều lượng thuốc Nifedipin được bác sĩ cân nhắc dựa trên tình trạng sức khỏe của bạn và đáp ứng với điều trị. Với liều ban đầu cần thăm dò một cách từ từ, sau đó bác sĩ có thể tăng dần liều cho phù hợp với cơ thể. Do đó bạn cần làm theo hướng dẫn của bác sĩ một cách cẩn thận.

Cách dùng Nifedipin T20

  • Nifedipin T20 được dùng bằng đường uống.
  • Người bệnh cần uống cả viên, không được nhai, bẻ hoặc nghiền.
  • Trong khi dùng thuốc Nifedipin tránh ăn bưởi và uống nước bưởi, do bưởi có thể làm tăng lượng thuốc nhất định trong máu của bạn.
  • Để giúp bạn ghi nhớ dùng thuốc, bạn nên uống thuốc vào thời điểm giống nhau mỗi ngày. Bên cạnh đó, nên dùng đều đặn hàng ngày và thường xuyên để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất.

Trường hợp quá liều Nifedipin T20

  • Khi sử dụng quá liều Nifedipin T20, người bệnh thường xuất hiện các biểu hiện như: đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, tụt huyết áp, hạ kali máu, blốc nhĩ thất,... Trong trường hợp này phải nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời. Vì vậy khi sử dụng thuốc Nifedipin T20 người bệnh cần tham khảo ý kiến của các bác sĩ/ dược sĩ có chuyên môn, dùng theo đúng chỉ định của bác sĩ. Cần đọc kỹ và làm theo chính xác liều dùng ghi trên toa thuốc hoặc tờ hướng dẫn sử dụng thuốc.
  • Trường hợp dùng quá liều thuốc Nifedipin T20, cần báo ngay cho bác sĩ hoặc dược sĩ khi có các biểu hiện bất thường. Nếu xuất hiện các dấu hiệu tổn thương nặng hơn như: rối loạn tri giác, hôn mê, co giật,... liên hệ ngay với trung tâm cấp cứu 115 để được hướng dẫn hoặc đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất để có phương án xử trí kịp thời.

Quên một liều thuốc Nifedipin T20:

  • Khi bạn quên một liều hãy dùng liều đó càng sớm càng tốt.
  • Khi bạn quên một liều đồng thời gần đến thời điểm dùng liều tiếp theo, hãy bỏ qua liều thuốc đã quên. Sử dụng liều Nifedipin tiếp theo của bạn vào thời điểm đó, không nên dùng gấp đôi liều bình thường.

4. Trường hợp chống chỉ định sử dụng thuốc Nifedipin T20

Trong quá trình sử dụng thuốc Nifedipin T20 cần lưu ý những trường hợp chống chỉ định sau:

  • Sốc do tim.
  • Hẹp van động mạch chủ nặng.
  • Nhồi máu cơ tim.
  • Cơn đau cấp trong đau thắt ngực ổn định mạn tính, cơn đau thắt ngực không ổn định.
  • Rối loạn chuyển hóa porphyrin.

5. Tác dụng phụ của Nifedipin T20

Trong quá trình điều trị bằng Nifedipin, bạn có thể thấy đau đầu, chóng mặt, mặt đỏ bừng, cơ thể suy nhược, táo bón. Nếu bất kỳ tác dụng phụ nào của thuốc Nifedipin kéo dài khiến cơ thể khó chịu hoặc nặng hơn, hãy báo cho bác sĩ điều trị ngay lập tức.

Trong một số trường hợp hiếm gặp, người bệnh có tiền sử mắc bệnh tim nặng trước đó có thể bị đau ngực trầm trọng hơn hoặc đau tim sau khi bắt đầu dùng thuốc này hoặc tăng liều. Hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất nếu bạn gặp phải các triệu chứng sau: Đau thắt ngực nặng dần, khó thở, môi tím tái,....

Một phản ứng dị ứng rất nghiêm trọng rất hiếm khi xảy ra với thuốc Nifedipin như: phát ban, ngứa, mày đay, khó thở, chóng mặt. Trong trường hợp này cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến ngay trung tâm y tế gần nhất.

Dưới đây là các tác dụng phụ không mong muốn của thuốc Nifedipin T20 có khả năng xảy ra (ADR).

  • Phù mắt cá chân, đau đầu, mệt mỏi, chóng mặt, nóng đỏ bừng mặt.
  • Đánh trống ngực, tim đập nhanh.
  • Tiêu hóa: Buồn nôn, tiêu chảy hoặc táo bón.
  • Tụt huyết áp, tăng nặng cơn đau thắt ngực.
  • Phát ban, mày đay, ngứa.
  • Máu: Giảm bạch cầu hạt.
  • Tuần hoàn: Ngoại tâm thu, ngất.
  • Nội tiết: Rối loạn nội tiết hay gặp ở nam chứng vú to.
  • Răng - Hàm - Mặt : Phì đại răng lợi.
  • Da liễu: Viêm da dị ứng.
  • Gan: Tăng men gan.
  • Hô hấp: Khó thở.
  • Rối loạn chuyển hóa: Tăng glucose máu.
  • Cơ - xương: Đau cơ, đau khớp, run.
  • Thần kinh: Dị cảm.
  • Tâm thần: Lú lẫn, rối loạn giấc ngủ, hồi hộp.

6. Những lưu ý và thận trọng trước khi dùng thuốc Nifedipin T20

Những điều cần lưu ý trước khi dùng thuốc Nifedipin T20:

  • Sau khi bắt đầu dùng thuốc Nifedipin T20 điều trị, cơn đau do thiếu máu cục bộ xuất hiện hoặc cơn đau hiện có nặng lên nhanh chóng, lúc này người bệnh cần phải ngừng thuốc.
  • Cần thận trọng dùng cho bệnh nhân có tiền sử suy tim hoặc suy chức năng thất trái.
  • Cần phải giảm liều thuốc Nifedipin T20 trên những bệnh nhân có tổn thương gan, đái tháo đường.
  • Tránh dùng nước ép bưởi trên bệnh nhân đang uống nifedipin.
  • Nifedipin có thể ức chế chuyển dạ đẻ.
  • Phụ nữ có thai: Các nghiên cứu trên động vật cho thấy Nifedipin gây độc đối với bào thai và gây quái thai, thường gặp là các biến dạng xương. Vì vậy, không nên dùng cho phụ nữ có thai trừ khi thật cần thiết.
  • Phụ nữ cho con bú: Do Nifedipin đạt nồng độ cao trong sữa mẹ nên có thể gặp các tai biến đối với trẻ bú mẹ ngay cả ở liều bình thường. Vì vậy, nên cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ của thuốc đối với người mẹ.

7. Tương tác thuốc Nifedipin T20 với các thuốc khác

Cần lưu ý khi sử dụng kết hợp một số thuốc sau với Nifedipin T20, do có thể xảy ra tương tác với nhau, như:

  • Các thuốc kháng thụ thể H2 - Histamin: Khi dùng đồng thời với nifedipin sẽ làm tăng tác dụng của nifedipin, do đó cần giảm liều khi phối hợp.
  • Các thuốc chẹn beta giao cảm: Có thể sẽ làm hạ huyết áp quá mức, làm tăng cơn đau thắt ngực, hay gặp ở bệnh nhân có tiền sử bệnh lý tim mạch kèm theo.
  • Các thuốc chẹn alpha: Các thuốc chẹn alpha khi dùng chung với thuốc Nifedipin T20 có thể làm tăng tác dụng hạ huyết áp do nifedipin ức chế chuyển hóa của prazosin, phải thận trọng.
  • Các thuốc chẹn kênh canxi: Sẽ làm giảm chuyển hóa thuốc Nifedipin T20.
  • Digoxin: Dùng trong điều trị bệnh lý tim mạch, khi kết hợp Nifedipin sẽ làm tăng nồng độ trong huyết thanh của digoxin khoảng 15 - 45%, do đó phải giảm liều và theo dõi các dấu hiệu khác.
  • Fentanyl: Nếu trong phẫu thuật phải dùng liều cao fentanyl thì phải tạm ngừng nifedipin ít nhất 36 giờ trước khi phẫu thuật, nếu tình trạng bệnh nhân cho phép. Vì sẽ gây tụt huyết áp nhanh chóng.
  • Theophylin: Dùng trong điều trị các bệnh lý hô hấp, khi kết hợp với Nifedipin làm giảm nồng độ của theophylin trong huyết tương.
  • Rifampicin: Rifampicin làm giảm nồng độ nifedipin trong huyết tương và làm tăng các cơn đau thắt ngực. Do vậy, không nên dùng phối hợp hai thuốc này với nhau.
  • Nước ép bưởi: Khi uống nước ép bưởi với nifedipin sẽ làm tăng tác dụng hạ huyết áp của nifedipin.
  • Rượu: Rượu làm tăng tác dụng hạ áp của Nifedipin và gây ức chế chuyển hóa của thuốc.

Trên đây là một số thông tin về công dụng của thuốc Nifedipin T20, nếu bạn cần tư vấn hay còn bất kỳ câu hỏi nào thắc mắc nào, hãy tham khảo ý kiến của các bác sĩ/dược sĩ có chuyên môn để được giải đáp và tư vấn chính xác nhất.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

63.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan