Công dụng thuốc Nimotop

Thuốc Nimotop thuộc nhóm thuốc chặn kênh canxi có chứa hoạt chất nimodipin. Thuốc được sử dụng trong dự phòng và điều trị những trường hợp mạch bị co thắt gây thiếu máu cục bộ thần kinh, rối loạn thần kinh,... Đây là loại thuốc kê đơn vì vậy người bệnh cần tuân thủ các chỉ dẫn của bác sĩ trong quá trình dùng thuốc.

1. Công dụng thuốc Nimotop

Thuốc Nimotop là thuốc gì? Nimotop có thành phần chính là nimodiphine và các thành phần không hoạt tính như: Ethanol 95%, Macrogol 400, Sodium citrate dihydrate, Acid citric khan.

Thuốc Nimotop được chỉ định trong điều trị các bệnh lý sau:

  • Dự phòng và điều trị những trường hợp mạch bị co thắt gây thiếu máu cục bộ thần kinh sau xuất huyết dưới màng nhện do vỡ phình mạch nội sọ.
  • Rối loạn thần kinh
  • Tâm thần sau di chứng có suy giảm tuần hoàn và quá trình thoái hoá nguyên phát

Những trường hợp chống chỉ định sử dụng thuốc Nimotop bao gồm:

  • Quá mẫn với các thành phần của thuốc
  • Bệnh nhân suy gan nặng

2. Cách dùng và liều lượng sử dụng thuốc Nimotop

2.1. Cách dùng

Thuốc Nimotop được bào chế dưới dạng viên nén bao phim uống và thuốc tiêm truyền tĩnh mạch. Đối với dạng uống cần uống thuốc với một ít nước, nên uống thuốc trước 1 giờ khi ăn hoặc sau khi ăn 2 giờ.

2.2. Liều dùng

Liều lượng sử dụng thuốc Nimotop sẽ phụ thuộc vào tình trạng bệnh và độ tuổi của bệnh nhân như:

  • Điều trị suy giảm chức năng ở tuổi già uống với liều 1 viên/lần, ngày uống 3 lần
  • Dự phòng và điều trị khuyết tật thần kinh do thiếu máu cục bộ sau xuất huyết dưới màng nhện uống 2 viên, ngày 6 lần.

Nếu bạn quên uống một liều thuốc thì cần bổ sung lại liều thuốc đã quên trong thời gian sớm nhất có thể. Tuy nhiên, nếu thời gian nhớ ra gần với thời gian của liều thuốc tiếp theo, thì hãy bỏ qua liều đã quên và tiếp tục sử dụng thuốc như lịch trình ban đầu. Không được tự ý dùng thuốc gấp đôi liều lượng nhiều hơn so với phác đồ điều trị. Sử dụng thuốc quá liều Nimotop có thể gây ra những triệu chứng nghiêm trọng như buồn nôn, nôn, đau bụng, suy nhược,...

3. Tác dụng không mong muốn khi sử dụng thuốc Nimotop

Một số tác dụng không mong muốn có thể xảy ra khi sử dụng thuốc Nimotop bao gồm:

  • Giảm nhịp tim
  • Hạ huyết áp
  • Buồn nôn
  • Chóng mặt
  • Nhức đầu
  • Tăng men gan
  • Ngoại tâm thu
  • Vã mồ hôi
  • Tiêu chảy
  • Đầy bụng
  • Táo bón
  • Đỏ bừng mặt
  • Tắc ruột
  • Viêm tắc tĩnh mạch
  • Mẩn ngứa
  • Tăng creatinin huyết thanh và nito máu

Trước khi kê đơn thuốc, bác sĩ luôn cân nhắc lợi ích và hiệu quả mà thuốc Nimotop đem lại nhiều hơn nguy cơ mắc tác dụng phụ. Tuy nhiên, một số trường hợp khi dùng Nimotop vẫn có thể xảy ra tác dụng không mong muốn. Trong trường hợp này, người bệnh cần thông báo ngay cho nhân viên y tế để được can thiệp ngay lập tức.

4. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Nimotop

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Nimotop bao gồm:

  • Thông báo cho bác sĩ biết về tiền sử dị ứng với Nimotop hay bất kỳ dị ứng nào khác. Nimotop có thể chứa các thành phần của thuốc không hoạt động và có thể gây ra phản ứng dị ứng hoặc các vấn đề nghiêm trọng khác.
  • Thận trọng sử dụng thuốc Nimotop với những trường hợp có phù não, tăng áp lực nội sọ, suy thận, suy tim mạch, huyết áp thấp, bệnh nhân lớn tuổi có nhiều bệnh nền.
  • Nimodipin có thể làm cho tử cung mất co bóp sớm, tuy nhiên tác động này chưa ảnh hưởng tới việc sinh nở. Những trường hợp người mẹ bị hạ huyết áp do mạch máu ngoại biên bị giảm sẽ có thể có nguy cơ gây giảm oxy mô của thai. Vì vậy, trong quá trình mang thai chỉ nên sử dụng thuốc Nimotop khi đã được đánh giá giữa nguy cơ và lợi ích mang lại.
  • Theo một nghiên cứu cho thấy nimodipine hoặc những chất chuyển hoá của thuốc Nimotop có bài tiết qua sữa của chuột cống trắng với nồng độ cao hơn nhiều so với huyết tương chuột mẹ. Nhưng vẫn chưa có dữ liệu về việc bài tiết qua sữa người. Vì vậy, tốt nhất không nên cho con bú trong thời gian điều trị bằng thuốc Nimotop.

5. Tương tác thuốc

Một số loại thuốc có thể tương tác với Nimotop bao gồm:

  • Muối magnesi, tacrolimus, amifostin, phenytoin, rituximab.
  • Thuốc chẹn kênh calci: Vì tác dụng trên tim mạch của những thuốc này sẽ tăng lên khi dùng thêm nimodipin.
  • Cimetidin: cần lưu ý khi tính liều cho bệnh nhân.
  • Ranitidin và Famotidin: không ảnh hưởng đáng kể đến chuyển hóa của thuốc.
  • Thuốc chẹn alpha1, azol kháng nấm, thuốc chẹn kênh calci, cyclosporin, kháng sinh macrolid, IMAO, nước ép bưởi: tăng tác dụng của thuốc.
  • Rifampicin, carbamazepin, phenobarbital và acid valproic: giảm tác dụng của nimodipin.

6. Cách bảo quản thuốc Nimotop

Bảo quản thuốc Nimotop ở nhiệt độ từ 15-30 độ C, tránh ánh sáng và tránh những nơi ẩm ướt. Không bảo quản Nimotop ở nơi ẩm thấp hay trong ngăn đá. Mỗi loại thuốc khác nhau sẽ có những cách bảo quản khác nhau, vì vậy hãy đọc kỹ hướng dẫn bảo quản thuốc Nimotop trên bao bì, hoặc hỏi dược sĩ. Để thuốc Nimotop tránh xa tầm với của trẻ em và thú nuôi trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

17K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan